Video: Giáo Hội Năm Châu 24 – 30/11/2015: Vì sao những chính sách chống quân khủng bố Hồi Giáo IS thất bại?

Video: Giáo Hội Năm Châu 24 – 30/11/2015: Vì sao những chính sách chống quân khủng bố Hồi Giáo IS thất bại?

Chuyên Mục Đức Giáo Hoàng - Dec 03/12/2015

1. Đức Hồng Y Edwin O'Brien, từng là tuyên úy trên chiến trường Việt Nam, thất vọng với chính sách chống khủng bố của Obama

Những kẻ cực đoan Hồi Giáo ở Trung Đông có “ý định tiêu diệt toàn bộ nền văn minh Kitô giáo,” Đức Hồng Y Edwin O'Brien cảnh báo như trên trong một cuộc gặp gỡ với 600 thành viên của đoàn các hiệp sĩ Thánh Mộ tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Đức Hồng Y người Mỹ, hiện là Tổng Quyền đoàn các hiệp sĩ Thánh Mộ, cảnh giác rằng:

“Trừ khi chúng ta dám đối mặt với sự thật, chủ nghĩa cực đoan này sẽ tiếp tục lan rộng”. 

Ngài than thở rằng trong khi các Kitô hữu tại Trung Đông phải đối mặt với nguy cơ hàng ngày của những cuộc bách hại, người dân phương Tây đã tỏ ra “thiếu hiểu biết và hờ hững” về điều này.

Đức Hồng Y O'Brien đã từng làm tuyên úy quân đội trong nhiều năm trên chiến trường Việt Nam trước khi trở thành Tổng Giám Mục Baltimore, Hoa Kỳ nhận xét cay đắng rằng Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Obama, đã không có những quyết định quyết liệt nhằm ngăn chặn sự bành trướng lực lượng của chủ nghĩa cực đoan. Ngài nói: “chúng tôi đã không làm gì để ngăn chặn chúng, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có khả năng để làm điều đó.”

2. Linh mục bị cấm đoán, các tín hữu bị đánh đập và bị buộc cải đạo tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ

Được sự khích lệ ngấm ngầm của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ trong bang Chhattisgarh tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này, UCA News đã cho biết như trên.

“Bầu không khí trong tiểu bang này rất bất lợi với các Kitô hữu,” Cha Abraham Kannampala, tổng đại diện giáo phận Jagdalpur nói. “Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa, vì chúng tôi là một thiểu số nhỏ.”

Hôm 15 tháng 11, các thành phần Ấn Giáo quá khích đã lôi kéo dân chúng xông vào một nhà thờ Tin Lành Ngũ Tuần, đánh đập tàn bạo các tín hữu, và buộc họ phải cải đạo sang Ấn Độ giáo.

Đông đảo các linh mục Công Giáo và các mục sư Tin Lành bị buộc phải rời khỏi một số làng mạc trong bang Chhattisgarh.

3. Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục: lại có thêm một linh mục bị giết tại quốc gia này

Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ bày tỏ nỗi buồn vô hạn trước cái chết của cha Erasmo Pliego de Jesus. Thi thể của ngài đã được tìm thấy hôm 18 tháng 11 trên một con đường quê ở Nopalucan, thuộc bang Puebla nơi ngài làm việc mục vụ.

Các công tố viên cho biết cha Erasmo có lẽ đã chết vì những vết thương trí mạng đánh mạnh vào đầu ngài trong khi thân thể ngài đầy những vết bỏng, có lẽ là do bị tra tấn.

Cảnh sát nghi ngờ là ngài đã bị bọn mua bán ma túy trong vùng giết chết vì lập trường chống ma túy của ngài.

Từ năm 2013 đến nay, có 11 linh mục đã bị bọn mua bán ma túy Mễ Tây Cơ giết chết. 

Chỉ tính riêng trong năm 2014, bốn linh mục đã bị sát hại. Trong một cuộc tấn công, một giáo dân đi cùng với một linh mục đã bị giết. Vị linh mục, là cha Francisco Javier Gutierrez, sống sót mặc dù những kẻ tấn công đã bắn nhiều phát về phía ngài. Trước đó, ngài đã thoát nạn trong một âm mưu bắt cóc không thành. 

Tuy nhiên, cha Francisco Javier Gutierrez cũng đã bị giết hôm 6 tháng Tư vừa qua ngay sau khi cử hành thánh lễ.

Trước đó, hôm 21 tháng 12 năm ngoái, Cha Gregorio Lopez, 39 tuổi đã cử hành thánh lễ cuối cùng trong đời ngài là thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng. Trong thánh lễ, ngài lên tiếng kêu gọi sự hoán cải của bọn tội phạm có tổ chức trong vùng, là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 43 sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Iguala hôm 26 tháng 9. Sau thánh lễ, bọn mua bán ma túy trong vùng đã chặn đầu xe của ngài và kéo ngài ra khỏi xe đưa đi mất. Người ta tìm thấy xác của ngài ngày 26 tháng 12.

Hôm 23 tháng 12 năm ngoái, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nhận định rằng Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục. Trong 24 năm qua, tức là từ năm 1990 đến năm 2014, 47 cuộc tấn công nhắm vào hàng giáo sĩ đã diễn ra gây tử vong cho 1 Hồng Y, 34 linh mục, 1 phó tế, 3 nữ tu, 5 giáo dân và 1 nhà báo Công Giáo. Tình trạng tồi tệ nhất đã xảy ra dưới thời tổng thống Enrique Peña Nieto.

Điều đáng kinh hoàng hơn là cho đến nay chưa một tên sát thủ nào phạm vào tội ác giết hại hàng giáo sĩ Công Giáo tại Mễ Tây Cơ bị bắt và bị pháp luật trừng trị.

4. Đức Hồng Y Wilfrid Napier nhận định là Đức Thánh Cha sẽ tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội

Một vị Hồng Y người Nam Phi, từng là một trong bốn Hồng Y Thừa Ủy tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nói với một cơ quan thông tấn Áo rằng ngài hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một “sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội” trong tài liệu hậu Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Wilfrid Napier nói với kath.net: “Tôi hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô soi sáng rõ ràng hơn về những gì các cặp vợ chồng cần phải làm để xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp, và bền chặt thông qua Bí Tích Hôn Nhân và một cuộc sống gia đình có tổ chức xây dựng được trên nền tảng lời cầu nguyện, những việc tôn sùng và các bí tích, tất cả cùng tổ chức với nhau như một gia đình”.

Ngài nói thêm:

“Chúng ta nên mong đợi một sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội với sự nhấn mạnh vào việc chuẩn bị và đồng hành với cô dâu chú rể và những người trong hoàn cảnh khó khăn”

Chỉ trích “nỗi ám ảnh của các phương tiện truyền thông phương Tây liên quan đến những người ly dị và tái hôn dân sự và tình dục đồng giới,” ngài nhận xét rằng “chúng ta không nghi ngờ gì là họ đã cố ý muốn lèo lái chương trình nghị sự” của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình qua các áp lực từ các phương tiện truyền thông.

Được hỏi tại sao Giáo Hội tại châu Phi đang tăng trưởng mạnh trong khi Giáo Hội tại châu Âu đang có chiều hướng giảm sút, Đức Hồng Y nhận định rằng:

“Khi bạn nhìn vào châu Phi, đặc biệt là từ quan điểm của việc phát triển con người, tổ chức xã hội và đời sống chính trị, bạn sẽ đánh giá cao ngay tại sao người châu Phi nói chung, có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng họ cần Thiên Chúa. Ở châu Phi, thật là dễ dàng hơn nhiều để nhận ra và khẳng định rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc sống của bạn ở đâu và như thế nào. Nhận thức này làm cho con người dễ dàng chấp nhận và thực hành tôn giáo là điều mang lại cho họ một sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Châu Âu và phương Tây có thể học hỏi điều gì nơi chúng tôi? Nền văn hóa toàn cầu có xu hướng cổ võ cho việc tự lực cánh sinh hay thậm chí tự túc tự mãn, đó là một bước nhảy ngắn tới chỗ nói rằng, ‘Tôi OK. Tôi không thực sự cần đến Thiên Chúa!’ Con người cần học biết và nhận ra họ cần đến Thiên Chúa biết là ngần nào.

Và điều đó sẽ chuyển hóa thành sự tha thiết hơn đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, nơi giáo huấn của Giáo Hội bắt nguồn, và đặc biệt là một phong cách sống trong đó không ngừng nới rộng không gian cho Chúa Giêsu Kitô như là Đấng thực sự đang hiện diện nơi chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta.”

5. Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan: Chúng tôi đã bị phương Tây phản bội

Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan của Công Giáo nghi lễ Syria đã buộc tội các nước phương Tây theo đuổi một chính sách nhằm gây ra một “cuộc xung đột bất tận tại Syria” để hưởng lợi.

Ngài đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Le Messager của Ai Cập. 

Để hiểu ý kiến của ngài, ta cần phải nghiêm chỉnh đặt ra những nghi vấn chung quanh nguồn tài chính của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Theo Viện Năng lượng Iraq, bọn khủng bố Hồi Giáo IS sản xuất 30,000 thùng dầu mỗi ngày tại Iraq và 50,000 thùng tại Syria. Bằng cách bán dầu trên thị trường chợ đen với một giá rất hời là 40 Mỹ Kim một thùng (so với khoảng 93 Mỹ Kim một thùng trên thị trường tự do), chúng thu được 3,200,000 Mỹ Kim một ngày.

Với con số doanh thu mỗi tháng gần 100 triệu Mỹ Kim, bọn khủng bố Hồi Giáo IS có đủ tiền tài trợ cho các cuộc tấn công quân sự và khủng bố của chúng – cũng như tuyển mộ các tân binh khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Khi ăn cướp tài nguyên của các nước để bán lại với một giá rẻ mạt như vậy, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang làm giàu cho các nước phương Tây một cách đắc lực đến mức nhiều người mong muốn duy trì sự hiện diện của bọn chúng bằng mọi giá.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS sống lẫn trong dân, lấy dân làm bia đỡ đạn nên không thể dội bom vào các vị trí đóng quân của chúng. Đó là một lập luận thường được đưa ra để giải thích sự kiện là quân khủng bố Hồi Giáo IS tiếp tục thắng lớn bất chấp chiến dịch không kích của liên quân.

Nhưng các cơ sở khai thác, chế biến dầu, các xe bồn chở đầy dầu thô chạy bon bon trên các xa lộ hướng về Mosul, về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ thì sao?

Michael Knights, một chuyên gia về Iraq của Ngũ Giác Đài thừa nhận với phóng viên tờ Bloomberg rằng trong hơn một năm qua, Hoa Kỳ tránh không tấn công vào các xe tải chở dầu để hạn chế thương vong cho dân thường. “Không ai trong số những tài xế này là thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng tôi cảm thấy không đúng, và không có quyền làm cho họ ‘bốc hơi’”. 

Sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13 tháng 11 vừa qua, dưới những áp lực nhất định nào đó, đột nhiên, người ta lại thấy có quyền làm cho họ “bốc hơi”. Cho nên, ngày 16 tháng 11, 4 chiến đấu cơ và 2 tầu chiến Mỹ, tiêu diệt 116 xe bồn chở dầu. 

Tờ Bloomberg nhận xét rằng một cây AK-47 bán trên thị trường chợ đen là 500 Mỹ Kim. Với số doanh thu khổng lồ từ việc bán dầu hỏa và bán cả các cô gái bị bắt làm nô lệ, bọn khủng bố giàu nhất trong lịch sử loài người này lo gì mà không có vũ khí gây án khắp nơi và tận diệt các tín hữu Kitô ở Trung Đông.

Đức Thượng Phụ thở dài ngao ngán: “Kitô hữu chúng ta không thể sống trong sự hỗn loạn và dối trá này. Phương Tây đã phản bội chúng ta.”

6. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhận định về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tổng kết báo cáo cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa diễn ra hồi tháng 10 vừa qua, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói rằng những người đã ly dị và tái hôn dân sự cần được đối xử với một sự nhạy cảm đặc biệt về mục vụ và phải được hội nhập vào cuộc sống của Giáo Hội, nhưng không được phép rước lễ.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki đưa ra nhận xét nêu trên trong một bài giảng hôm 19 tháng 11 tại Đại học Giáo hoàng Salesian ở Jerusalem.

Ngài nói rằng các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng đã kêu gọi việc sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu hơn trong việc trình bày giáo huấn Công Giáo về hôn nhân, cải thiện việc chăm sóc mục vụ trong quá trình chuẩn bị hôn nhân và trong những năm đầu của đời sống hôn nhân. Họ cần được hướng dẫn để nhìn nhận rằng các gia đình phải là những nhà truyền giáo cho các gia đình khác.

7. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Không ai có thể thay đổi đạo lý của Giáo Hội

Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, mạnh mẽ khẳng định rằng theo giáo huấn của Giáo Hội những ai ly dị và tái hôn dân sự không thể được rước lễ. Ngài cho biết như trên trong một bài đăng trên tạp chí Pháp L'Homme Nouveau.

“Toàn thể Giáo Hội luôn tuân giữ điều này là người ta không thể rước Mình Thánh Chúa khi biết mình đang mắc tội trọng, đó là một nguyên tắc dứt khoát đã được nhắc lại bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2003 trong tông huấn Ecclesia de Eucharistia,” Đức Hồng Y Sarah nói. Ngài đoan chắc rằng không một vị Giáo Hoàng nào có thể thay đổi giáo huấn truyền thống này của Giáo Hội.

Tuy không trực tiếp đề cập đến các phiên họp vừa diễn ra vào Tháng Mười của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Hồng Y Sarah đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ chống lại bốn điểm mà nhiều người hoang mang.

Thứ nhất, ngài khẳng định rằng giáo lý của Giáo Hội không thể được thay đổi bằng cách biểu quyết theo một đa số phiếu.

Thứ hai, việc từ chối trao Mình Thánh Chúa cho những người đang sống trong tình trạng bất thường về hôn nhân không thể được xem là một hành vi phân biệt đối xử.

Thứ ba, theo Đức Hồng Y, người ta cố tình thổi phồng quá đáng khi cho rằng người Công Giáo đã ly dị và tái hôn có thể không cảm thấy được chào đón và không thể tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ nếu họ không được phép rước lễ.

Cuối cùng, Đức Hồng Y bác bỏ một số nghi vấn của các phương tiện truyền thông cho rằng cuộc sống gia đình ở châu Phi không có gì đáng ca ngợi như một số giám mục châu Phi bao gồm cả Đức Hồng Y Sarah đã gợi ý.

8. Tổng thống Ukraine xin Tòa Thánh làm trung gian trong cuộc xung đột hiện nay

Hôm thứ Sáu 20 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko của Ukraine. Hai vị đã bàn thảo về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.

Trong một tuyên bố ngắn gọn sau đó, Tòa Thánh lên tiếng kêu gọi “thực hiện đầy đủ các điều khoản của hiệp định Minsk.” 

Tòa Thánh và Ukraine bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với “cuộc khủng hoảng nhân đạo” gây nên bởi những cuộc giao tranh đang tiếp diễn tại Ukraine, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền của các cơ quan y tế được ra vào an toàn các khu vực đang diễn ra chiến sự để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.

Trong cuộc họp với Đức Thánh Cha, và một cuộc họp tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo Ukraine với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, hai bên cũng thảo luận về vai trò quan trọng của Giáo Hội Công Giáo, cả nghi lễ Latin và Byzantine, trong xã hội Ukraine.

9. Công an Trung quốc hãm hại một linh mục và vu cáo là ngài tự tử

“Người Công Giáo chúng tôi không tự tử cho dù phải sống trong các nghịch cảnh. Một linh mục lại càng không tự tử.” Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai đã khẳng định như trên hôm 16 tháng 11 trước những giải thích của các quan chức Trung quốc về cái chết của linh mục Phêrô Yu Heping thuộc Giáo Hội thầm lặng.

Xác của cha Yu Heping đã được tìm thấy trôi trên sông Fen ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào ngày 8 tháng 11 vừa qua. Lần cuối cùng, anh chị em giáo dân nhìn thấy ngày là hai ngày trước đó, tức là vào ngày 06 tháng 11.

“Là một linh mục thầm lặng chịu nhiều đau khổ vì những sách nhiễu liên tục của công an và nhà cầm quyền địa phương, cha Yu Heping vẫn giữ được một tinh thần lạc quan, một thái độ hoạt bát, vui tươi với mọi người. Ngài bị giết chứ không tự tử.” Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai khẳng định.

Theo: Vietcatholic.org