Triệu phú Christopher Catrambone cùng vợ Regina Catrambone và con gái Maria Luisa Catraone. Ảnh: Business insider |
Vợ chồng ông Christopher đã trực tiếp chứng kiến cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu khi đang đi nghỉ dưỡng và quyết định không thể phó mặc hàng nghìn người bị chết đuối trên biển Địa Trung Hải. Ông đã cùng vợ là Regina thành lập Trạm Cứu trợ Xa bờ Người di cư (MOAS).
Từ trên khoang của Phoenix, con tàu cứu hộ dài hơn 50 m, bà Regina hôm 4/9 cho hay họ đã cứu được 352 người, trong đó 113 trẻ em, chỉ riêng vào ngày hôm đó.
“Thật đau lòng và xúc động khi cứu được tất cả những người đứa trẻ ấy lên tàu bởi chúng có thể sẽ chết nếu chúng tôi không có mặt kịp thời”, bà nói.
Regina cho hay nhiều phụ nữ được họ cứu sống đã bị hãm hiếp. Có những lần khi giúp họ mặc quần áo, bà nhìn thấy những vết bầm trên chân, trên vai, dấu tích của những lần họ bị lạm dụng.
“Tôi nghĩ rằng những vết thương này dễ dàng chữa lành hơn nhiều so với ký ức trong tâm trí họ”, bà nói.
MOAS
Dự án MOAS của vợ chồng nhà Catrambone bắt đầu vào mùa hè cách đây hai năm. Regina cho hay khi đang đi trên chiếc du thuyền thuê gần Lampedusa, một hòn đảo ưa thích của khách du lịch ở Italy, bà phát hiện một chiếc áo phao dày đang trôi trên mặt biển.
Bà hỏi thuyền trưởng của du thuyền đó là gì. “Đó là áo phao của một người di cư nhưng họ đã không sống sót”, ông Marco Cauchi, người hiện phụ trách nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ của MOAS, trả lời.
Sự tương phản giữa kỳ nghỉ hè xa hoa mà gia đình Catrambone đang hưởng thụ và hoàn cảnh của những người di cư đang chạy trốn chiến tranh và bỏ mạng giữa đại dương là một “sự khiêu khích”, bà Regina nói.
Hơn 2.000 người chạy trốn chiến tranh và khủng bố ở châu Phi và Trung Đông đã thiệt mạng giữa biển Địa Trung Hải năm nay, biến nơi này thành tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.
Họ bị nhồi nhét trên những chiếc thuyền cao su hoặc chen chúc trên những con tàu chở gấp ba, bốn lần tải trọng cho phép và bị những kẻ buôn người tính phí với giá cắt cổ. Thậm chí họ còn bị bọn chúng bỏ rơi trôi nổi trên đại dương.
MOAS và hải quân Italy phối hợp cứu các tàu di cư trên biển. Ảnh: MOAS |
“Vào thời điểm đó, trang thiết bị của tuần duyên để tiến hành tìm kiếm cứu hộ không đủ, vì thế chúng tôi biết mình phải bắt đầu từ đâu”, ông Christopher nói.
Christopher gây dựng cơ nghiệp sau khi bị mất nhà cửa trong siêu bão Katrina năm 2005. Ông chuyển đến châu Âu và thành công với Tangiers International, công ty cung cấp bảo hiểm cho các hãng hàng không và các nhà báo ở vùng chiến.
Ông đã mua lại một tàu đánh cá với giá 1,6 triệu USD và chi thêm 3,5 triệu USD tân trang nó cho nhiệm vụ cứu hộ. Hai vợ chồng dốc hết tiền tiết kiệm của họ cho hoạt động cứu hộ và dùng số tiền mà các nhà hảo tâm đóng góp để mua máy bay không người lái nhằm phát hiện các tàu gặp nạn, cung cấp tọa độ cho trung tâm điều phối hàng hải ở Rome.
Hải quân Italy cũng triển khai hai tàu khu trục nhỏ, hai tàu tìm kiếm cứu nạn và một tàu tấn công đổ bộ để hỗ trợ công tác cứu hộ. Cả MOAS và hải quân đều nỗ lực cứu bất kỳ người di cư nào mà họ nhìn thấy. Cô con gái Maria Luisa của Regina và Christopher cũng đồng hành với cha mẹ trong các chuyến cứu hộ.
Nhiệm vụ nhân đạo
Khi gia đình Catrambone bắt đầu dự án này, hơn 300 người nhập cư đã bỏ mạng ngoài khơi đảo Lampedusa. “Họ bị bỏ lại trên biển trong sự thờ ơ”, bà Regina nói.
Phần nguy hiểm nhất của hoạt động tìm kiếm cứu nạn là khi họ tiếp cận các tàu chở người di cư. Chúng luôn quá tải và có thể lật bất cứ lúc nào. Việc đầu tiên mà họ làm là phân phát áo phao cho mọi người. Regina cho hay họ thường bị mắc kẹt ở khoang dưới và có nguy cơ ngạt thở do hít phải khí thải độc từ động cơ.
Chỉ có một lỗ hổng nhỏ 50 cm vừa là lối vào vừa là lối ra của khoang động cơ trên tàu, nơi nhiều người di cư bị nhồi nhét trong đó. Ảnh: MOAS |
“Nhiệt độ ở khoang dưới cao đến mức họ không thở được. Thật vô nhân đạo. Chúng tôi cần phải thật nhanh tay vì mỗi giây đều quý giá những người đang ở dưới đó”, bà Regina nói. “Chỉ có một lỗ hổng nhỏ 50 cm vừa là lối vào vừa là lối ra của khoang động cơ”.
Khoảng một phần ba người di cư mà MOAS cứu sống hôm 4/9 là trẻ em. “Tôi không thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi đến muộn 15 phút”, bà nói.
John, một cậu bé 8 tuổi người Eritrea, đã gây ấn tượng sâu sắc cho Regina. Vào ngày hôm trước, John đã giúp những đứa trẻ khác mặc áo phao. Vì rất mệt nên tối đó bà Regina đi ngủ mà không chúc cậu bé ngủ ngon. Sáng hôm sau, John chạy đến chỗ Regina và gọi bằng giọng đầy lo sợ.
“Reg! Reg!”, cậu bé gọi. “Cô đã ở đâu thế? Cháu cứ nghĩ cô bị lạc rồi”.
“Không John, cô ở bên trong”, Regina đáp.
“Ôi tốt quá”, cậu bé nói và ôm lấy Regina. “Lần sau khi vào trong cô nhớ bảo cháu nhé, vì cháu không muốn mất cô đâu”. John cho hay cậu bé sợ hãi vì đã bị tách khỏi mẹ trong cuộc hành trình.
“Cách cậu bé quan tâm đến tôi thật tuyệt vời”, Regina nói.
Những người di cư được cứu gần tàu cứu hộ Phoenix của MOAS do triệu phú Christopher Catrambone đầu tư. Ảnh: MOAS |
Sau khi bị tạm giữ trong nhiều ngày ở Hungary, số đầu tiên trong 800.000 người di cư mà Đức đồng ý tiếp nhận đã lên đường đến thành phố Munich hôm 5/9. Phản ứng này cho thấy châu Âu thiếu một kế hoạch đồng bộ để đối phó với hàng trăm nghìn người di cư đang đổ về các biên giới.
Dù hồi tháng 6, các lãnh đạo châu Âu đã nhất trí cho phép 60.000 người Syria và Eritrea tị nạn, Anh vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ và lặng lẽ kết thúc hoạt động cứu hộ ở Địa Trung Hải.
Đức, Italy và Pháp kêu gọi đoàn kết và “một sự phân bố đồng đều” người tị nạn trên toàn châu Âu. Hy Lạp, quốc gia có nền kinh tế chật vật, đã tiếp nhận gần 142.000 người di cư kể từ 1/6. Italy tiếp nhận hơn 100.000 người. Các lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 14/9 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.
“Thật thảm hại làm sao khi một gia đình có thể thay đổi điều gì đó còn tất những thực thể trên lại không?”, ông Christopher nói.
Về phần mình, Regina cho rằng sứ mệnh cứu hộ của họ là một nhiệm vụ nhân ái.
“Chúng ta nên sống nhân đạo, nên chia sẻ lòng nhân ái với anh chị em của chúng ta và không chỉ biết sống ở chốn tươi đẹp của riêng mình, trong thế giới mà chúng ta tưởng là tươi đẹp”, bà nói. “Vì thế giới ngoài kia thực tế không hề như chúng ta nghĩ”.
Anh Ngọc (theo Washington Examiner)