Một hình ảnh quen thuộc trong các đám tiệc mà ta dễ thấy nhất đó là chuyện uống rượu của quý anh, quý ông.
Có thể ta không uống nhưng ta ngồi chung bàn ta vẫn chứng kiến cảnh zô zô của các đấng mày râu. Để ý một tí, thế nào bàn cũng bầu ra một anh chủ xị và anh chủ xị đó nhận nhiệm vụ rót rượu rót bia cho cả bàn. Anh chủ chị cũng chính là người kiểm tra "long đền" của bạn nhậu. Ai mà để "long đền" nhiều quá hoặc sẽ bị chọc hoặc sẽ bị bắt uống cho bằng cạn, cho bằng hết.
Uống hết và uống cạn đó người ta nói là trọn tình vẹn nghĩa. Ai mà uống để chừa lại là người không hết mình. Khi uống không hết mình thì anh em sẽ nói và đến khi nào chơi hết mình mới thôi. Và, khi uống hết mình thì bàn nhậu mới công nhận người đó là hết tình.
Trong cuộc sống, không chỉ trong bàn nhậu nhưng trong mọi khía cạnh của cuộc đời, ai ai cũng mong được đón nhận sự hết tình, hết mình của người khác.
Ngày hôm nay, khi lên Đền Thờ, Chúa Giêsu ngồi cạnh hòm tiền và Chúa Giêsu đã thấy một bà góa sống hết tình. Cái hết tình của bà chẳng đáng là gì so với những người có của thời đó. Cái hết tình của bà chỉ đáng 1/4 đồng xu Roma thời bấy giờ mà thôi. Dù chỉ là như thế nhưng Chúa Giêsu hoan hô bà và muốn cho các môn đệ nhìn thấy cung cách của bà và Chúa Giêsu muốn nhân rộng thái độ sống cũng như tấm lòng của bà.
Khi quan sát những người giàu có đóng góp công đức, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc một bà góa nghèo chỉ dâng hai đồng kẽm. Chúa Giêsu biết số tiền này tuy nhỏ nhất nhưng là tất cả những gì bà góa đã có, trong khi những người khác chỉ cho một phần rất nhỏ trong sự tài sản của riêng mình.
Qua đó, Giêsu diễn giải với các môn đệ rằng sự hy sinh của bà góa quý giá hơn những người giàu, do đó, với cách nhìn của Thiên Chúa thì bà là người dâng cúng nhiều hơn cả. Tiêu chuẩn đánh giá của Giêsu dường như đại diện cho tiêu chuẩn của Thiên Chúa, đó là, không phải qua số lượng tiền mà là tính cách toàn thể của những gì được dâng và tương quan của những gì được dâng đối với người dâng cúng.
Chúa Giêsu nói rằng, bà đã "bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" như là cách ám chỉ việc tích trữ kho tàng trên trời, luận điểm mà Chúa có đề cập trong một số dụ ngôn giảng đạo. Ngoài ra, Chúa cũng chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đạo đức giả trong cách hành xử dâng cúng công đức của mình nhằm tìm kiếm sự tôn trọng từ người dân.
Câu chuyện bà góa gợi cho chúng ta vài suy niệm sau đây:
Các việc tầm thường có một giá trị phi thường, nếu chúng ta biết làm vì yêu mến Chúa. Ðời chúng ta phần lớn gồm những việc nhỏ mọn, chúng ta phải biết thánh hóa, biết làm cách khác thường, làm vì yêu mến.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu ở Lisieux là một gương mẫu. Bà đã tìm ra một con đường nên thánh mà Ðức Gioan Phaolô II gọi là "Con đường dựa trên thực tại Phúc Âm"; "Con đường nên thánh của thời đại" (Piô XI). Con đường thơ ấu ấy gồm trong hai yếu tố căn bản: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình và hoàn toàn trông cậy phó thác; làm mọi việc bé nhỏ, chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.
Và rồi việc bà góa bỏ tiền vào đền thờ, chúng ta đi lễ cũng bỏ ít nhiều giúp vào công việc nhà Chúa. Trong Cựu ước, Chúa dạy các chi họ Israel phải để ra thập phân để lo việc phụng tự (Lv 27, 30-32).
Hẳn ta còn nhớ thánh Phaolô nói: Người lo việc Chúa có quyền sống nhờ bàn thờ. Tuy Giáo hội từ đầu đã bãi bỏ tục lệ thập phân, nhưng giáo dân đi dự lễ thường mang theo của lễ vật chất: có Thầy Phó Tế để lo việc phân phát chia sẻ. Khi số người quá đông, tục lệ biến thành dâng cúng ít tiền. Giáo hội là một tổ chức hữu hình, cần có nơi thờ phượng, đồ thờ và người trách nhiệm.
Của dâng cho Chúa là "của đầu tư thiêng liêng". Văn hào Louis Veullot khi chết, có để lại một bao thơ dầy cộm với mấy dòng chữ ghi: "Tiền nhịn hút thuốc trong các mùa Chay để giúp các người nghèo" – "kho tàng của Giáo hội"
(Thánh Laurensô Phó Tế).
Tuệ Mẫn