Thứ Năm trong tuần thứ XXVI – TN : Rao giảng và chữa lành bệnh tật

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Oct 02/10/2024

 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm

G 19:21-27; Tv 27:7-8,8-9,13-14; Lc 10:1-12

Rao Giảng Và Chữa Lành Bệnh Tật

 

Những chỉ thị cho các môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng luôn mang tính cách đòi hỏi khẩn thiết và quyết liệt. Dù “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu”, Chúa vẫn yêu cầu Hội Thánh của Ngài phải mang tính cộng đoàn nên đã sai các môn đệ đi từng hai người một. Việc loan báo Tin Mừng thật cấp bách, đến nỗi dường như Chúa bỏ qua phép xã giao thông thường: Ngài dặn các môn đệ đừng để phân tán vì những việc chào hỏi vô bổ dọc đường. Lệnh lên đường nói những điều “đừng làm” để nhấn mạnh vào những điều “hãy làm”. Thay vì chỉ “la cà” trên đường thì hãy vào thành, đến các ngôi nhà, nơi tụ họp đông người. Thay vì cậy dựa vào “túi tiền, bao bị, giày dép” là những phương thế vật chất, thì hãy chú tâm vào việc loan báo sứ điệp Tin Mừng, đó là sứ điệp: “Bình an cho nhà này” và “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.”

Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm mười hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố phục sinh để thực tập, để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau phục sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu . Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa, cho rằng Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu. Vượt qua giới hạn của thời gian, Chúa đã kêu gọi, huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian nhờ những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.

Hãy làm cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến: Ý định muôn đời của Thiên Chúa là làm sao cho mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô, để được hưởng ơn cứu độ. Ý định này không thể hoàn tất bởi một mình Đức Kitô; nhưng là do nỗ lực góp phần của tất cả mọi người. Chính Chúa Giêsu đã chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Nhiệm vụ của các ông cũng giống như Gioan Tẩy Giả, là chuẩn bị tâm hồn con người sẵn sàng để tiếp rước Đức Kitô.

Trước khi sai đi, Người dặn dò các ông những điều quan trọng: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Mục đích chính mà Chúa sai các môn đệ đi là để rao giảng Tin Mừng, các ông phải loại bỏ tất cả những gì ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng, như các cám dỗ: tìm kiếm lợi nhuận của cải vật chất, ăn ngon mặc đẹp, ham uy quyền danh vọng, ngay cả việc tán gẫu nhảm.

Phản ứng của những người nghe giảng Tin Mừng: Người loan báo Tin Mừng là người mang bình an cho dân chúng. Chúa Giêsu dặn các môn đệ: Vào bất cứ nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

Những người tiếp nhận: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cả người rao giảng lẫn người nghe đều có liên hệ hỗ tương với nhau: nhà rao giảng mang Lời Chúa và sự bình an đến cho dân chúng; để đền bù lại, dân chúng lo sức khỏe cho nhà rao giảng bằng cách cung cấp lương thực và những nhu cầu vật chất. Mỗi người một phần vụ giúp cho việc loan truyền Tin Mừng. Vì lý do này mà Chúa dặn các môn đệ: ”Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Những người từ chối: ”Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Sodom còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” Từ chối nhà rao giảng Tin Mừng là phải lãnh nhận hậu quả nặng hơn hậu quả của dân thành Sodom. Theo Sáng Thế Ký, thành Sodom đã bị lửa từ trời xuống thiêu rụi thành tro bụi.

Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa là công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để thờ Thiên Chúa, nhà thương chăm sóc bệnh nhân, nhà săn sóc người cao niên, nhà học tập cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa.

Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sai sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì. Chúa Giêsu đã gọi bảy mươi hai môn đệ và sai họ đi từng hai người một để rao giảng Tin mừng. Chúa nói với họ: “Mùa gặt thì nhiều, nhưng người làm việc thì ít. Vậy, hãy xin chủ mùa gặt sai thêm người ra làm việc trong ruộng mình”. Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, Tin mừng là món quà quý báu mà Chúa ban cho nhân loại. Nhiều người đang khao khát được biết đến Chúa và được sống trong tình yêu của Ngài. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được nghe Tin mừng hoặc được gặp những người sống theo Lời Chúa. Chính vì vậy, chúng ta cần phải là những người truyền giáo, là những người loan báo Tin mừng cho muôn dân.

Để làm được điều đó, chúng ta được mời gọi có lòng tin vào Chúa và sự dũng cảm để chia sẻ niềm tin của mình. Chúa nói với các môn đệ: “Đừng mang theo túi tiền, bao bì hay giày dép”. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải lo lắng về những vật chất hay những tiện nghi khi loan báo Tin mừng. Chúng ta chỉ cần tin tưởng vào sự che chở của ơn Chúa. Khi có Chúa, chúng ta sẽ có mọi thứ cần thiết để sống và làm việc cho Ngài. Khi có Chúa, chúng ta sẽ được an bình và hạnh phúc trong cuộc sống.

Nhưng trước hết, chúng ta cần phải là những môn đệ trung thành của Chúa. Chúng ta được mời gọi sống theo lời dạy của Chúa, tuân giữ các điều răn của Ngài, thường xuyên cầu nguyện và tham dự các bí tích của Hội thánh. Chúng ta cũng yêu thương Chúa trên hết và yêu thương tha nhân như chính mình. Bởi vì, chỉ khi có Chúa trong mình, chúng ta mới có thể loan báo Tin mừng cho người khác. Chỉ khi sống theo Lời Chúa, chúng ta mới có thể làm chứng cho sự hiện diện của Ngài trong thế giới này.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR

19:01 06/10/2024