Ảnh đẹp vũ trụ tuần qua

Ảnh đẹp vũ trụ tuần qua

Khoa Học- Kỹ Thuật - Mar 24/03/2014

Đám mây bụi lung linh, khung cảnh huyền ảo từ đám mây khí hydro là những hình ảnh ấn tượng về thiên văn do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại.

Đám mây bụi lung linh, khung cảnh huyền ảo từ đám mây khí hydro là những hình ảnh ấn tượng về thiên văn do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại.

Đám mây bụi này nổi lên trên hậu cảnh lung linh của muôn vàn ngôi sao trẻ như một toà tháp đen kỳ ảo, cách trái đất 5.000 năm ánh sáng. Chúng bị ngôi sao trung tâm thổi dạt ra xa xung quanh, làm phát ra màu hồng rực từ các khối khí hydro trải rộng suốt độ dài 40 năm ánh sáng.

Khung cảnh đầy huyền ảo này đến từ những đám mây khí hydro, nó như những làn khói bốc ra từ ngôi sao trung tâm AE Auriga màu xanh, tạo thành một tinh vân trải rộng 5 năm ánh sáng, mang tên tinh vân Sao Khói.

Thiên hà NGC 7424 có nhiều điểm tương đồng với Ngân Hà của chúng ta. Nhiều ngôi sao siêu nặng đã và đang hình thành trên những cánh tay của thiên hà này, trải rộng tới 100.000 năm ánh sáng, nơi một vụ nổ sao siêu mới mang tên SN 2001ig được phát hiện.

Nằm ngay bên cạnh ngôi sao sáng Eta Geminorum trong chòm sao Song Tử, tinh vân Con Sứa trông thật sinh động với những cái tua lơ lửng giữa không trung. Nó là tàn tích từ một vụ nổ sao siêu mới, đang mở rộng ra xa do sức ép mãnh liệt.

Những ngôi sao của tinh vân Orion được sinh ra và lao đi trong khoảng không với vận tốc lên tới hàng trăm km mỗi giây, để lại trên quãng đường các vệt khí hydro bị nung nóng tạo nên các hình nón tuyệt đẹp.

Cụm thiên hà Fornax là cụm thiên hà gần thứ hai so với trái đất, bao gồm rất nhiều thiên hà đang hình thành. Trong đó cũng bao gồm nhiều thiên hà riêng rẽ hoặc đã sáp nhập, cách chúng ta 10 triệu năm ánh sáng.

Các hành tinh có kích thước cỡ trái đất phổ biến trong vũ trụ, với mật độ cứ 10 ngôi sao thì có ít nhất một hành tinh cỡ trái đất quay quanh. Điều đó có nghĩa là Ngân Hà của chúng ta có hơn 10 tỷ "trái đất". Nhưng các hành tinh đó ở quá gần ngôi sao chủ nên khó có thể có sự sống.

Vũ Lộc (theo NASA)