Có nhiều tôn giáo cùng thờ 1 Thiên Chúa như vậy (Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành..), thế thì Thiên Chúa sẽ phù hộ cho đạo nào ạ?
Có nhiều tôn giáo cùng thờ 1 Thiên Chúa như vậy (Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành..), thế thì Thiên Chúa sẽ phù hộ cho đạo nào ạ?
A-
Nếu trả lời cho cho gọn và với một chút lười biếng thì sẽ nói như thế này :
Tất cả những giáo hội nêu tên trong câu hỏi trên đều phát xuất từ cùng một Giáo Hội duy nhất mà Chúa Giêsu thành lập. “Trên đá này Ta sẽ xây giáo hội của Ta. Và cửa hoả ngục sẽ không thắng được.”(Mt 16: 18 )
Tình hình chia năm xẻ bảy như hiện nay là do con người gây ra, qua dòng thời gian. Do tranh luận thần học, tranh dành quyền lực và do bất đồng ý kiến với nhau.
Vậy bổn phận con người là phải lo mà hiệp nhất lại với nhau về cùng một mối .
B-
Còn để trả lời cho một khiá cạnh của câu hỏi thì chúng ta phải nhấn mạnh như sau :
Thiên Chúa sẽ không phù hộ riêng cho đạo nào, mà Ngài sẽ phù hộ cho hết mọi người .
Dĩ nhiên đối với Công giáo, chúng ta tin chính Thiên Chúa đích thân nhập thể làm người để nói/dạy/mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, biết rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Ngoài ra chính Ngài đã lập ra Giáo hội, thì dĩ nhiên Giáo Hội ấy phải là Giáo Hội đệ nhất để Thiên Chúa quan tâm và phù hộ.
Nhưng trên bình diện Cứu độ Luận (Sosteriology , bàn luận về Nhiệm cục Cứu chuộc ) chúng ta phải nhấn mạnh rằng : Thiên Chúa phù hộ hết mọi người, dù người đó có may mắn được biết đến đạo Ngài sáng lập hay là không .
Nói như thế để tránh những tranh luận không cần thiết, và không có thẩm quyền, về chuyện đổ lỗi cho ai gây ra chia rẽ. Công việc quan trọng hiện nay là đại kết, là hiệp nhất.
Hơn nữa vì câu hỏi còn đả động đến một vấn đề rộng lớn hơn. Đó là chỉ có một Thiên Chúa tại sao lại có quá nhiều tôn giáo ?
Nếu muốn có câu trả lời kỹ lưỡng hơn, chúng ta hãy đi hỏi …các đức giáo hoàng.
C-
Sau đây là ý tưởng trả lời của ĐGH đương kim :
Trước khi Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã viết nhiều sách. Có ba cuốn đặc biệt đáng chú ý. Đó là các cuốn Einführung in das Christentum ( Dẫn nhập vào Kitô giáo) , Salz der Erde (Muối Cho Đời) và Gott und die Welt ( Thiên Chúa và Thế giới). Cả ba cuốn đã được tái bản nhiều lần ở Đức và được dịch ra trên 20 thứ tiếng, phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Cuốn Muối Cho Đời có lẽ là cuốn dễ đọc và được phổ biến rộng rãi hơn cả. Ngay sau khi xuất bản vào năm 1996, cuốn sách đã được liệt vào sổ bestseller suốt năm dài.
Sau đây là những trích dẫn từ cuốn Muối Cho Đời mà chúng ta có thể coi là những ý tưởng trả lời cho câu hỏi trên đây:
Nhìn người khác: “Mọi người đều được Thiên Chúa tạo nên, vì thế đều bình đẳng, đều là anh chị em với nhau, có trách nhiệm cho nhau và được gọi để yêu thương nhau, bất luận là ai…Có những người tôi không biết rõ nên tôi không dám xét đoán. Với những người khác, bản tính họ thế nào, tôi phải chấp nhận như vậy. Còn những người tốt mà tôi biết làm tôi xác tín rằng tạo hóa biết rõ việc Ngài làm”.
Ý nghĩa của đức tin: "Tin là gốc rễ phát sinh sự sống, là quyết định nền tảng nhận biết Chúa và đón nhận Ngài. Nó là chìa khóa cắt nghĩa mọi thứ khác…Đức tin mở đường cho ta hiểu biết đúng về cuộc đời mình, về thế giới và về con ngượi”
Cốt lõi đức tin Kitô giáo: “Cốt lõi của đức tin là nhìn nhận đức Kitô là con Thiên Chúa, đấng hằng sống, đã nhận lấy xác thịt và làm người; chúng ta tin Chúa Ba Ngôi, đấng dựng nên trời đất, Ngài đã hạ mình xuống rất thấp để quan tâm tới con người, cùng con người làm nên lịch sử. Chúng ta tin rằng lịch sử này được biểu lộ cách trổi vượt nơi giáo hội; giáo hội này không đơn thuần là một tổ chức của con người, mặc dù có nhiều yếu tố con người trong đó. Bản chất của đức tin là sống với giáo hội và sống trong giáo hội, nơi mọi người cùng thấm nhuần và chia sẻ thánh kinh”.
Sỡ dĩ chúng ta đã nhấn mạnh đến mấy chữ “Thiên Chúa phù hộ con người” là vì theo ĐGH Bênedictô XVI, trong cuốn Many Religions – One Covenant , viết khi còn là Hồng Y, xuất bản tại San Francisco, nxb Ignatius Press, năm 2000, bản dịch của Graham Harrison , Ngài đã viết ở trang 110 :
“What we need, however, is respect for the beliefs of others and the readiness to look for the truth in what strikes us as strange or foreign; for such truth concerns us and can correct us and lead us farther along the path….Furthermore, I need to be willing to allow my narrow understanding of truth to be broken down. I shall learn my own truth better if I understand the other person and allow myself to be moved along the road to the God who is ever greater, certain that I never hold the whole truth about God in my own hands but am always a learner, on pilgrimage toward it, on a path that has no end . – Tuy nhiên, điều chúng ta cần, là kính trọng niềm tin của người khác và sẵn sàng tìm kiếm sự thật ở điểm nó khiến chúng ta ngỡ ngàng như một người xa lạ , vì sự thật như thế can dự đến chúng ta, có thể biến cải chúng ta, và dẫn chúng ta tiến xa hơn … Hơn nữa, tôi phải muốn để cho tầm hiểu biết hạn hẹp của mình về đức tin bị phá tan. Tôi sẽ biết về đức tin của tôi thấu đáo hơn nếu tôi thấu hiểu người khác, và dấn thân trên đường tiến về Thiên Chúa là Đấng luôn luôn cao cả hơn, vì biết chắc rằng tôi không bao giờ nắm được trọn vẹn chân lý về Thiên Chúa trong tay, mà vẫn luôn là người học hỏi, trên đường lữ hành tiến tới chân lý, con đường chẳng hề có tận cùng .”
D-
Còn ĐGH Gioan Phaolô đệ Nhị, những chuyến thăm viếng mục vụ khắp thế giới của Ngài đã cho chúng ta thoáng thấy Thiên Chúa phù hộ “đạo” nào.
Vì có lòng tin ở "Thiên Chúa của muôn dân", nên không lạ gì Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị đi rao giảng cùng khắp thế giới lòng tin ấy! Có người thấy chướng, như thể Ngài muốn đi giành giật thế lực với các tôn giáo khác. Không, trái lại, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã khai mở ra cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo tại thành Assise nước Ý, theo đúng tinh thần Công Đồng Vaticanô II, để cùng nhìn nhận nhau là anh em và cùng xác nhận có quyền tin tưởng như nhau.
Thực vậy, ngày 27.10.1986, Ngài tổ chức một cuộc họp mặt quốc tế tại Assise giữa khoảng 200 vị lãnh đạo các giáo môn kytô-giáo và các tôn giáo lớn thế giới (gồm có Kytô-giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Ba Hai, Shik, Ấn Độ giáo, Thần Hỏa giáo) đại diện cho khoảng 3 tỷ tín đồ trên thế giới, để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tất cả cùng họp tiếng cầu khẩn, nhưng mỗi vị cầu nguyện với Đấng mình tôn thờ.
Đối với Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị, bản đại hòa tấu này muốn nói lên 3 điều: thứ nhất, thế kỷ 21 sẽ có thể là thế kỷ của tôn giáo và nhất là thế kỷ của đối thoại liên tôn, vì trong thế giới ngày nay không còn có thể sống hay chết một mình được nữa; thứ hai, trong cuộc đấu tranh sống còn này, khẩn trương nhất là cần đối thoại giữa những người "anh em kytô-giáo chia cách nhau" để có thể hợp lực hòa giải với nhau; và thứ ba, để vượt thắng những sự chia rẽ, cần có sự canh tân tâm hồn và xám hối với người mình có lỗi. Chính vì đó mà sự tĩnh tâm trong lời cầu nguyện chung sẽ giúp đưa đến một trạng thái dễ hòa hợp hơn.
Chính Đức Phaolô đệ Lục đã bắt đầu trước trong việc gặp gỡ với các tôn giáo bạn, khi Ngài hành trình đến Jérusalem, Bombay và Istanbul, và khi Ngài đề cập đến trong các thông điệp "Ecclesiam suam" và "Evangelii nuntiandi". Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị tiếp nối và khai triển rộng hơn việc gặp gỡ này. Ngài tìm đến với tất cả các tôn giáo bạn trên khắp các lục địa, đặc biệt là các tôn giáo Á Châu và Phi Châu mà Ngài chưa được biết rõ và đã có những suy nghĩ chưa được chính xác cho lắm.
Theo Ngài, những sự trao đổi và gặp gỡ này phải rất mực chân thành, nghiêm túc, chớ không khách sáo, như Ngài nói: "Để có thể đối thoại, cần phải có người nói và người nghe, và mỗi người cần biết rõ mình là ai một cách thật sự sâu sắc". Chẳng hạn, ngày 19.08.1985, theo lời mời của vua Marốc Hussan II, Ngài ngỏ lời với 80 ngàn thanh niên Hồi giáo ở Casablanca: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi những lề thói cũ của chúng ta", tức là mỗi chúng ta phải biết rõ mình, biết sám hối và sửa đổi!
Trong 20 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị đã làm tất cả khoảng 100 lần cáo lỗi, trong số đó có những lời xin lỗi công khai (đối với người Do Thái, với người anh em Tin Lành và với những người Hồi giáo), hay có nhìn nhận đã có những đánh giá sai lầm trong giai đoạn lịch sử đã qua, hoặc có lời thành tâm phê phán những hành động sai sót của Giáo Hội mình.
Như thế, Ngài chủ xướng việc thanh tẩy những hoài niệm u buồn để cho lòng được thanh thỏa hướng về tương lai: hòa giải giữa người anh em kytô-giáo và đối thoại nghiêm túc giữa các tôn giáo thế giới. Ngài tin tưởng rằng tất cả các tôn giáo đều có trách nhiệm hợp tác với nhau để đấu tranh hóa giải các thế lực độc tài, đàn áp, và để phục vụ cho con người, phẩm giá con người và quyền làm người.
Riêng đối với người Do Thái, Đức Gioan-Phaolô đã có những hành động nói lên lòng sám hối chân thành trước những sự hiềm khích vô cớ của người công giáo đối với người Do thái và do đó đã đóng góp một phần vào các phong trào bài Do Thái tại Tây Phương cũng như cuộc diệt chủng xảy ra trong trận Thế Chiến thứ 2 tại Âu Châu.
Ngày lịch sử 13.04.1986, do lời mời của Đức Thầy giáo chủ Eli Toaff, Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị đã đến kính viếng và bước qua ngưỡng cửa Thánh Đường Do Thái tại Roma, nhận từ tay Đức Thầy cây nến thánh chín ngọn đèn và quyển Kinh thánh Torah của Do Thái.
Thật là hi hữu, vì đoạn đường một cây số từ Tòa thánh La Mã đến Thánh Đường Do Thái là đoạn đường dài nhất lịch sử ngăn cách giữa hai tôn giáo gần hai nghìn năm qua.
Mười năm sau, ngày 15.04.1996, Ngài tiếp đón Đức Thầy giáo chủ Do Thái tại Điện Vatican với những lời nguyện chân thành từ đây hai bên cùng chia sẻ một lòng kính trọng lẫn nhau. Thực vậy, đã lâu rồi, Đức Gioan-Phaolô đệ Nhị đã từng gọi người Do thái là "Người anh cả trong niềm tin" và coi lịch sử tôn giáo Do Thái là một phần ruột thịt của lịch sử Kytô-giáo vậy.
Mới đây, năm 1998, Ngài cho ra mắt bản tuyên ngôn "Chúng tôi có nhớ. Những suy nghĩ về cuộc diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã" để tỏ lòng muốn thanh lọc thật sự những hoài niệm u buồn đã qua, tuy rằng phía Do Thái chưa lấy làm hoàn toàn thỏa mãn về bản tuyên ngôn này.
Phần trên đây trích từ bài “Đức Gioan-Phaolô II “ của Trần Ngọc Báu . Đây là một bài tác giả viết tại Fribourg ngày 25.04.1999 và đã đăng trên nguyệt san Mục Vụ (Thụy Sĩ) tháng 5 năm 1999 trong loạt bài viết về 20 nhân vật hàng đầu trong thế kỷ 20 trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.
Tuyên Ngôn
về liên lạc của Giáo Hội
với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo
1. Lời mở đầu Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo Hội đề cập đến những điểm chung cho hết mọi người, và dẫn đến cuộc sống cộng đoàn.
Thật vậy, mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu [1]. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người [2], cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh, rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân bước đi trong ánh sáng Ngài [3].
Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Ðời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Ðâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?
2. Các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống họ thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo. Phần các tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hóa thì cố gắng giải đáp những vấn đề trên bằng những ý niệm cao sâu và bằng thứ ngôn ngữ ngày càng tinh tế.
Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng, và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên. Cũng thế, các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống" (Gio 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình [4].
Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo.
3. Hồi giáo. Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất [5], đã từng đối thoại với con người. Họ chuyên tâm tuân phục cả những phán quyết bí nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Abraham đã tuân phục, người mà đức tin Hồi Giáo sẵn lòng noi theo.
Họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng lại tôn kính như vị Ngôn Sứ và kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Ðức Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay.
Mặc dầu trong quá khứ, giữa Kitô hữu và Tín Ðồ Hồi Giáo có những mối bất hòa và hiềm thù nhau không ít, Thánh Công Ðồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người.
Thật vậy, Giáo Hội Chúa Kitô nhận thực rằng, khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các Tổ Phụ, Môisen và các Ngôn Sứ theo như mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi Kitô hữu đều là con cái Abraham theo đức tin [6], hàm chứa trong ơn gọi của vị Tổ Phụ này; cũng như sự cứu độ của Giáo Hội đã được ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển ra khỏi đất nô lệ. Vì thế, Giáo Hội không thể quên được rằng, nhờ dân đó, dân đã được Chúa đoái thương ký giao ước xưa do lòng xót thương khôn tả của Ngài, nên Giáo Hội mới nhận được mạc khải Cựu Ước và được nuôi dưỡng bằng rễ cây Ôliu tốt tươi, mà những cành ôliu dại là các Chư Dân đã được tháp nhập vào [7].
Vì Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta, đã giao hòa dân Do Thái và Chư Dân bằng thập giá và làm cho cả hai nên một nơi Người [8].
Giáo Hội cũng luôn nhìn thấy trước mắt lời của Thánh Phaolô Tông Ðồ viết về anh em đồng chủng của Ngài "là những người được thừa nhận làm nghĩa tử, được vinh quang, có giao ước, luật pháp, lễ nghi, lời hứa, có các tổ phụ, và Chúa Kitô, theo xác thịt cũng từ họ mà ra" (Rm 9,4-5), là con của Trinh Nữ Maria. Giáo Hội cũng nhớ rằng các Tông Ðồ, nền móng và cột trụ Giáo Hội, cũng như rất nhiều môn đệ đầu tiên của các ngài, những người loan báo Phúc Âm Chúa Kitô cho trần gian, đã sinh ra từ dân tộc Do Thái.
Thánh Kinh làm chứng Giêrusalem không nhận biết thời gian Chúa thăm viếng [9] mình và phần lớn dân Do Thái không tiếp nhận Phúc Âm; trái lại nhiều người còn chống đối việc bành trướng Phúc Âm [10]. Tuy thế, theo lời Thánh Tông Ðồ, Thiên Chúa vẫn rất quý yêu người Do Thái vì Tổ Phụ họ và Ngài không ân hận vì đã ban hồng ân và kêu gọi họ [11]. Cùng với các Ngôn Sứ và Vị Tông Ðồ, Giáo Hội chờ đợi ngày chỉ mình Chúa biết, ngày mà mọi dân tộc đồng thanh kêu cầu Thiên Chúa và "sát cánh phượng thờ Ngài" (Soph 3,9) [12].
Do đó, vì người Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh Công Ðồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tinh thần anh em.
Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô [13], nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay. Dù Giáo Hội là dân mới của Chúa, nhưng việc Chúa phế thải và nguyền rủa người Do Thái không thể coi như là kết luận của Thánh Kinh. Vì thế, mọi người phải lo làm sao để khi dạy giáo lý và khi rao giảng Lời Chúa, đừng dạy điều gì không thích hợp với chân lý Phúc Âm và tinh thần Chúa Kitô.
Ðàng khác, Giáo Hội vì luôn phi bác mọi cuộc đàn áp đối với bất cứ người nào, đồng thời nhớ mình có di sản chung với người Do Thái, cũng như được thúc đẩy bởi đức ái đạo hạnh của Phúc Âm chứ không phải vì lý do chính trị, nên Giáo Hội rất lấy làm đau lòng vì sự ghen ghét, đàn áp, những hành động của chủ nghĩa bài Do Thái trong bất cứ thời nào và do bất cứ ai đối với người Do Thái.
Vả lại, Chúa Kitô như Giáo Hội đã và đang luôn luôn chủ trương, vì tội lỗi mọi người và do tình thương vô biên, đã tình nguyện đón nhận khổ nạn và cái chết để mọi người được ơn cứu độ. Vì thế bổn phận rao giảng của Giáo Hội là loan báo thập giá Chúa Kitô như dấu hiệu tình yêu Chúa đối với hết mọi người và như nguồn mạch mọi ân sủng.
5. Tình huynh đệ đại đồng. Thực ra, chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: "Ai không yêu thì không nhận biết Chúa" (1Gio 4,8 ).
Do đó, mọi lý thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị liên quan đến phẩm giá con người và những quyền lợi bắt nguồn từ phẩm giá đó, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân này với dân khác, sẽ không còn nền tảng.
Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy đối nghịch với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Ðồng theo chân Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, khẩn thiết kêu mời các Kitô hữu: "hãy sống ngay lành giữa người lương dân" (1P 2,12), nếu có thể được, tùy khả năng mà sống hòa thuận với hết mọi người [14] như những người con đích thực của một Cha trên trời [15].
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1 Xem CvSđ 17,26.
2 Xem Kn 8,1; CvSđ 14,17; Rm 2,6-7; 1Tm 2,4.
3 Xem kh 21,23-24.
4 Xem 2Cor 5,18-19.
5 Xem T Gregoriô VII, Epist III, 21 ad Anasir (Al-Nasir), regem Mauritaniae. x.b. E. Caspar in MGH. Ep. sel. II, 1920, I, trg 288, 11-15: PL 148, 451 A.
6 Xem Gal 3,7.
7 Xem Rm 11,17-24.
8 Xem Eph 2,14-16.
9 Xem Lc 19,44.
10 Xem Rm 11,28.
11 Xem Rm 11,28-29. – Hiến chế tin lý về Giáo Hội Lumen gentium: AAS 57 (1965), trg 20.
12 Xem Is 66,23. – Tv 65,4. – Rm 11,11-32.
13 Xem Gio 19,6.
14 Xem Rm 12,18.
15 Xem Mt 5,45.