Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu cùng các Tông Đồ. Hôm nay, Thứ sáu Tuần thánh, Giáo Hội tưởng niệm và sống mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Giêsu qua sự chết đi vào sự sống, qua Thập giá để chiến thắng vinh quang. Đêm nay, là đêm cực Thánh, là đêm hạnh phúc, đêm mà Chúa trỗi dậy từ trong cõi chết.
A. CHUẨN BỊ
1. Trên bàn thờ chính: Bàn thờ trang trí trọng thể.
2. Trên bàn đồ lễ:
– Tất cả đồ dùng trong Thánh lễ, riêng bánh lễ dự trù số cần thiết cho hôm nay và ngày mai.
– Chậu thau, bình nước, khăn lau… (Để làm nghi thức Rửa chân).
– Khăn choàng khi kiệu Mình Thánh Chúa.
3. Nhà tạm phụ: Trang trí nơi riêng biệt, đèn hoa…
4. Các dụng cụ cho việc kiệu Mình Thánh Chúa.
(Bình hương, Thánh giá, nến cao, trống mèn, phương du …)
5. Bàn của lễ (Để dâng lễ vật)
6. Trên cung thánh: Kê sẵn ghế để các vị làm Tông đồ ngồi khi Rửa chân.
7. Thánh giá chính trên cung thánh được che lại.
B. THÁNH LỄ
Dẫn nhập: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu cùng các Tông Đồ.
Phụng vụ hôm nay là một lời ca tụng Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Trước khi từ biệt các Tông đồ đi vào thương khó, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể để tiếp tục hiến lễ cứu độ cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.
Tham dự Thánh lễ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu là yêu thương và phục vụ trong bác ái và khiêm nhu để sống đời sống Kitô hữu của mình. Hơn nữa, để biểu lộ lòng tri ân sâu xa với Chúa Giêsu vì món quà tuyệt vời là chính Mình Và Máu Thánh Chúa là Thần lương của đời sống chúng ta.
Giờ đây, cộng đoàn hãy sốt sắng tham dự bữa tiệc Thánh của Chúa và dâng hết tâm hồn để thờ lạy Mình Máu Thánh Chúa.
(Ca đoàn hát nhập lễ, các Tông đồ, Lễ sinh và Cha chủ sự tiến lên cung Thánh).
• Lưu ý: Khi hát kinh Vinh danh thì đổ chuông (Cả chuông lớn và chuông nhỏ …), sau đó cất chuông và chỉ còn dùng mõ.
1. Phụng vụ Lời Chúa:
– Dẫn bài đọc 1:
Bài đọc Lời Chúa sau đây trích trong sách Xuất hành nói đến những chỉ thị về bữa tiệc Vượt qua trong thời Cựu ước. Đức Giêsu Kitô là chính Chiên Vượt qua trong thời Tân ước, nhờ Người mà chúng ta được Ơn Cứu độ.
– Dẫn bài đáp ca:
Tác giả Thánh vịnh 115 cảm tạ Chúa Cha thay cho Chúa Kitô, Đấng đã muốn Người uống chén cứu độ, tức là phải chết thay cho loài người tội lỗi. Đây cũng là lời cầu xin Chúa Cha giúp Người hoàn thành Sứ mạng cao cả ấy. Cùng hát Thánh vịnh này trong bài đáp ca, cộng đoàn chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa Kitô vì đã bằng lòng chịu chết vì chúng ta.
– Dẫn bài đọc 2:
Trong đoạn trích Thánh thư sau đây, Thánh Phaolô tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh thể. Ngài mời gọi chúng ta hãy lãnh nhận cách xứng đáng, vì khi lãnh nhận là chúng ta truyền việc Chúa chịu chết để Cứu độ chúng ta.
– Dẫn trước bài Phúc âm:
Thánh thể là Bí tích của Tình yêu. Để xứng đáng với Thánh Thể và muốn đón nhận, chúng ta phải biết hạ mình, sống yêu thương và phục vụ như Chúa đã làm và dạy chúng ta qua Bài Tin mừng sau đây.
2. Nghi thức Rửa chân:
Sau bài giảng Phúc âm, Cha chủ sự trở lên bàn thờ, cởi áo lễ, thắt dây lưng. Lễ sinh sẽ chuẩn bị chậu, bình nước cho Cha. Các Tông đồ tiến lên cung thánh, vào vị trí sắp sẵn.
Dẫn: (Đọc khi Cha bắt đầu bưng nước đi rửa chân trong nền một bài hát về Yêu thương- phục vụ do ca đoàn hát nhẹ).
Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Anh em có hiểu việc Thầy làm cho anh em không? Thầy là Chúa, là Thầy, Thầy làm gương để anh em cũng làm như vậy”.
Rửa chân là tự hủy ra không, làm việc của hạng nô lệ. Đức Giêsu lại đi chọn cúi xuống rửa chân cho môn đệ mình, đây thật là nét dũng cảm của Tin mừng mà Chúa đã làm khi dạy bài học yêu thương phục vụ.
Chúa rửa chân cho anh em Gioan và Giacôbê là những người đã từng muốn ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Chúa rửa chân cho Matthêu, người thu thuế giàu có, người đã từng được kẻ hầu rửa chân thì nay, chính bậc Tôn sư của ông lại rửa cho ông.
Chúa rửa chân cho Phêrô, người sẽ chối Thầy đến ba lần vì sợ hãi. Ngài rửa chân cho Tôma, kẻ yếu tin, nghi ngờ Thầy sẽ sống lại.
Chúa cũng không tránh việc rửa chân cho Giuđa, kẻ sẽ nộp người bằng một cái hôn …
Cung cách của Chúa Giêsu là thế: Tự hủy ra không, tự hạ tột bậc. Sự khiêm hạ đó là một nét độc đáo cả Tình yêu Kitô giáo mà chính Chúa là đầu, là người khởi xướng. Khác hẳn với những tình yêu khác đòi chiếm hữu, Tình yêu của Tin mừng đòi phải rửa chân cho anh em mình.
• Ca đoàn cứ hát tiếp đến khi Cha rửa chân xong.
• Khi Cha quay lên đi rửa tay và mặc lại áo lễ, các Tông đồ đi xuống để dâng lễ vật.
3. Phụng vụ Thánh thể: Thực hiện như thường nhật.
4. Tôn thờ Thánh thể Chúa
– Kiệu Thánh Thể sang nhà tạm phụ.
Sau lời nguyện kết lễ, lễ sinh mang khăn choàng lên cho Cha để Ngài cầm chén Thánh, những ai có trách nhiệm sẵn sàng như đã được phân công. Cuộc kiệu Thánh Thể qua Nhà tạm phụ bắt đầu. Đoàn kiệu theo thứ tự như sau:
+ Thánh giá, nến cao
+ Các Tông đồ
+ Lễ sinh cầm hương.
+ Cha chủ sự giương cao Thánh Thể, có phương du che.
Dẫn: (Đọc khi bắt đầu cuộc kiệu Thánh thể trong tiếng hát nền của Ca đoàn).
Giáo Hội cử hành việc kiệu Mình Thánh Chúa sang Nhà tạm phụ để chúng ta kính thờ cách đặc biệt long trọng trong ngày kỉ niệm Chúa lập Bí tích nhiệm mầu này.
+ Tiệc ly là biểu hiện tình yêu mãi mãi trung thành; Đức Giêsu muốn ở lại cùng chúng ta. Người tự hủy, trở nên lương thực cho chúng ta, Thân Thầy thật là của ăn, Máu Thầy thật là của uống, ai ăn Thầy, sẽ ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy.
+ Thánh thể là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa. Một món quà càng có giá trị khi người trao tặng đặt trọn tâm tình mình trong đó. Quà của Thiên Chúa là chính Ngôi Hai Thiên Chúa. Tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa tự hiến trong một bữa ăn. Muốn lãnh nhận quà tặng Thánh Thể tình yêu đó, phải biết khiêm hạ, cúi mình xuống và phục vụ tha nhân.
+ “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi ban tặng chính là Thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,35-51).
+ Thánh thể là nhiệm tích tạ ơn, là Hy tế chúc tụng, là cuộc Vượt qua mới từ cõi chết đến cõi hằng sống, là dấu chỉ Tình yêu hiệp nhất muôn người trong Thiên Chúa. Đó chính là trung tâm đời sống Kitô giáo.
+ Thánh thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng đời, một sự hiện diện vô hình nhưng thâm sâu và tròn đầy …
Cha chủ sự đặt Mình Thánh Chúa và nhà tạm phụ, Ngài quỳ gối xông hương và thinh lặng ít phút. Khi Ngài đứng lên kết thúc cuộc kiệu, đọc dẫn tiếp:
+ Nghi thức Thứ năm Tuần Thánh chấm dứt với giờ Chầu Thánh Thể đầu tiên. Từ lúc này trở đi, Chúa Giêsu lo buồn, sầu khổ và cầu nguyện trong vườn cây dầu. Ngài nói với ba môn đệ thân tín và cũng là mời gọi chúng ta: “Anh em hãy ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38).
Chúng ta cùng chia sẻ, hiệp thông với Ngài trong tâm tình yêu mến qua các giờ chầu sau đây.
– Các giờ Chầu diễn tiến như lịch phân chia.
II. CHIỀU THỨ SÁU TUẦN THÁNH
A. CHUẨN BỊ
1. Bàn thờ chính
+ Không Thánh giá, không khăn Bàn thờ, không đèn nến.
+ Chân để đặt Thánh giá.
+ Giữa thềm cung thánh, nơi giữa bàn thờ trải sẵn chiếu và đặt gối để Cha chủ sự phủ phục.
2. Trên bàn đồ lễ
+ Khăn trải bàn thờ, khăn Thánh
+ Nước tráng chén và rửa tay
3. Trên Cung thánh
Kê sẵn 2 giá phụ ở hai bên bục đọc sách cho hai cộng sự viên khi cùng Cha chủ sự hát bài thương khó.
4. Thánh giá và đèn nến khi suy tôn Thánh giá.
B. CỬ HÀNH NGHI THỨC
Dẫn nhập:
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ!
Hôm nay, Thứ sáu Tuần thánh, Giáo Hội tưởng niệm và sống mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Giêsu qua sự chết đi vào sự sống, qua Thập giá để chiến thắng vinh quang.
Thánh giá chính là trung tâm điểm của phụng vụ hôm nay. Khi suy tôn Thánh giá, Giáo Hội cử hành lại sự vinh quang của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô; Giáo Hội mời gọi người tín hữu đến dưới chân Thập giá, tôn kính Thập giá, biểu tượng của vinh quang.
Việc không cử hành Thánh lễ hôm nay, không phải là dấu hiệu của sự tang tóc, nhưng là sự tập trung hơn vào những sự kiện diễn ra trước biến cố Phục sinh, đó là làm thế nào Đức Giêsu đã xuống đến tận cùng của thử thách cho đến chết.
Phụng vụ hôm nay gồm ba phần chính:
-Thứ nhất: Suy niệm về Ơn cứu độ chúng ta qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô dưới ánh sáng Lời Chúa và dâng lời nguyện cầu khẩn thiết cho toàn thể nhân loại.
-Thứ hai: Kính thờ Thánh giá, biểu tượng Ơn Cứu độ và vinh quang của chúng ta. Đây là phần chính của Nghi thức thứ sáu tuần thánh.
-Thứ ba: Rước Mình Máu Thánh Chúa: Tham dự vào hiến tế Cứu độ của Đức Giêsu.
-Và một phần phụ gồm việc Nguyện ngắm, kiệu táng xác Chúa, hôn kính Chân Chúa theo lòng đạo đức bình dân của cộng đoàn.
Giờ đây, chúng ta hãy sốt sắng tham dự các Nghi thức thứ Sáu Tuần thánh.
1. Phần thứ nhất: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA VÀ CẦU NGUYỆN
Dẫn: Chúng ta bắt đầu nghi thức bằng một thời gian thinh lặng. Cha chủ sự sẽ tiến lên cung thánh, phủ phục trước Bàn thờ; cộng đoàn quỳ gối hợp cùng cha chủ sự nhìn lại sự yếu đuối và thân phận tội lỗi của mình – nguyên nhân dẫn đến cuộc khổ nạn của Chúa.
(Không hát, Cha chủ sự cùng Lễ sinh tiến lên Cung Thánh, Cha sẽ phủ phục, cộng đoàn quỳ. Khi Cha đứng dậy đi lên Bàn thờ thì mời cộng đoàn đứng, Cha sẽ đọc lời nguyện).
– Dẫn các bài đọc Lời Chúa:
-Bài đọc 1: Nghe bài đọc Lời Chúa sau đây, chúng ta hãy chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Giêsu Kitô, người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà Tiên tri Isaia đã mô tả trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Chúa.
-Bài đáp ca: Thánh vịnh 30 là lời Đức Kitô tạ ơn, cậy trông, phó thác nơi Thiên Chúa Cha, và tin chắc sẽ chiến thắng bằng cái chết của mình. Cùng hát Thánh vịnh này, cộng đoàn chúng ta kết hợp với cuộc thương khó của Chúa, mong được thấy mặt Người, được Người bênh đỡ, chở che.
-Bài đọc 2: Đoạn trích Thánh thư gửi tín hữu Do Thái mà chúng ta được nghe sau đây đã cho chúng ta thấy: Nhờ sự vâng phục Thánh ý Chúa Cha cách tuyệt đối, Đức Giêsu đã trở nên căn nguyên ơn Cứu độ của chúng ta.
-Bài thương khó: Cha chủ sự cùng các tác viên sẽ đọc cho chúng ta nghe bài Thương khó, miêu tả lại diễn tiến cuộc khổ nạn của Chúa mà Thánh sử Gioan đã thuật lại.
(Sau bài giảng thương khó, Cha sẽ giảng ít lời sau đó tiến về Bàn thờ).
– Cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại
Dẫn: (Khi Cha đang tiến về Bàn thờ, mời cộng đoàn đứng)
Trên thập giá, Đức Giêsu đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha. Cùng với Người, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại.
1. Cầu cho Giáo Hội:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa. Xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho ta được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.(Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
2. Cầu cho Đức Giáo Hoàng.
Ta hãy cầu xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô, chính Chúa đã chọn Người giữa hàng Giám mục, thì xin Chúa cũng ban cho Người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể Dân thánh. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
3. Cầu cho Giáo phận.
Ta hãy cầu nguyện cho Đức Giám Mục Giuse, Đức Giám Mục Phaolô, Đức Giám Mục Nicôla của Giáo phận chúng ta, cho hàng Giám mục, Linh mục, Phó tế cũng như mọi người phục vụ Dân thánh, và cho toàn thể cộng đồng tín hữu khắp địa cầu. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
4. Cầu cho dự tòng:
Ta hãy cầu cho anh chị em dự tòng. Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người mở lượng từ bi, ban cho họ ơn tái sinh nhờ Bí tích Thánh tẩy, để họ được tha thứ tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
5. Cầu cho mọi tín hữu được hiệp nhất
Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Đức Kitô và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và gìn giữ tất cả trong Hội thánh duy nhất của Người.(Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
6. Cầu cho người Do thái
Ta hãy cầu cho người Do thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe Lời Chúa phán dạy.Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng yêu mến Danh thánh Chúa, và trung thành với Giao ước của Người. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sẽ đọc lời nguyện).
7. Cầu cho người ngoài Kitô giáo:
Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường Cứu độ. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
8. Cầu cho người vô thần
Ta hãy cầu cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sóng theo lương tâm ngay thẳng; xin cho họ một ngày kia được gặp thấy Người. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
9. Cầu cho những nhà lãnh đạo Quốc gia:
Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo Quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng, để họ biết hành động theo Thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự đọc lời nguyện).
10. Cầu cho những người đau khổ
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, gìn giữ lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu độ cho người đang hấp hối. (Thinh lặng giây lát, Cha chủ sự sẽ đọc lời nguyện).
2. . Phần thứ hai: KÍNH THỜ THÁNH GIÁ CHÚA
– Suy tôn Thánh giá
(Sau các lời nguyện, Cha chủ sự cùng lễ sinh tiến về cuối Nhà thờ để kiệu Thánh giá. Cha sẽ giương cao Thánh giá, hai lễ sinh cầm hương đi trước, hai lễ sinh cầm nến đi hai bên. Cha sẽ dừng ở 3 điểm: Ngay cửa chính Nhà thờ, giữa Nhà thờ và bậc thềm Cung thánh để đọc “Đây là gỗ Thánh giá …”, cộng đoàn thưa “Chúng ta hãy đến thờ lạy”).
Dẫn: (Đọc khi Cha đi xuống cuối Nhà thờ).
Trên Thánh giá, Chúa đã hiến mạng sống mình cho chúng ta. Thánh giá nhắc chúng ta nhớ đến Chúa đã toàn thắng sự chết và biểu lộ tình yêu của người với nhân loại. Cha chủ sự sẽ cung nghinh Thánh giá và giương cao ba lần cho chúng ta tôn kính, chúng ta hãy quỳ gối thờ lạy.
– Hôn kính Thánh giá
Dẫn: (Đọc sau lần thứ ba suy tôn Thánh giá).
Giờ đây,Thánh giá là biểu tượng cao cả của một tình yêu vô biên “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người yêu”. Cha chủ sự, Quý tu sĩ nam nữ, Quý vị trong Hội đồng mục vụ sẽ thay mặt cộng đoàn hôn kính Thánh giá Chúa.
(Ca đoàn hát một bài kính Thánh giá, trong khi ấy, dẫn tiếp)
Dẫn: Thánh giá đã trở thành biểu tượng của vinh quang, của Ơn Cứu độ chúng ta, việc hôn kính Thánh giá không chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài nhưng đòi hỏi phải có một sự gắn bó của mỗi người với Đức Giêsu “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác Thánh giá mỗi ngày mà theo Ta”. Từ lúc này, mỗi khi đi qua Thánh giá, chúng ta hãy kính cẩn cúi chào để tỏ lòng kính Thánh giá Chúa.
3. Phần thứ ba: RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
Lưu ý: Đang khi hôn kính Thánh giá, lễ sinh trải khăn Bàn thờ, khăn Thánh, sách lễ Rôma, chân Thánh giá lên bàn thờ.
Dẫn: (đọc khi Cha chủ sự đưa Mình thánh ra bàn thờ).
Rước Mình Thánh Chúa là phần cuối cùng của nghi thức Thứ sáu Tuần Thánh. Không thể dừng lại nơi mầu nhiệm Khổ nạn mà còn phải đi đến ngày Phục sinh. Không thể dừng lại nơi Thánh giá mà không tham dự vào sự sống của Đức Kitô Phục sinh. Chúng hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Chúa – Tình yêu tự hiến vì chúng ta.
4. Phần phụ (Đọc sau nghi thức kết Phụng vụ)
Sau các nghi thức chính của phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh, cộng đoàn chúng ta tiếp tục tham dự phần nguyện ngắm. Kiệu táng xác và hôn chân Chúa theo lòng đạo đức bình dân và theo truyền thống của xứ đạo để cảm nghiệm sâu sắc hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
III. THỨ BẢY TUẦN THÁNH
ĐÊM THÁNH CANH THỨC VỌNG PHỤC SINH
A. CHUẨN BỊ
1. Trong phòng Thánh
+ Các lễ phục trắng
+ Nến Phục sinh và đế nến.
+ Bình hoa, cây cảnh … để trang trí bàn thờ và cung thánh.
+ Chiêng trống, chuông và người phụ trách tấu lúc hát Vinh danh .
2. Trên bàn thờ chính
+ Trải khăn Bàn thờ, không hoa nến …
+ Nhà tạm để trống và mở cửa.
3. Bàn của lễ
+ Bánh, rượu, các dụng cụ như thường nhật.
+ Bình nước Thánh và dùi rảy.
+ Dầu Thánh, dầu dự tòng, bông gòn.
4. Trước Bàn thờ chính
+ Chân nến Phục sinh
+ Giá sách và micrô
+ Lu có chứa đầy nước kê phía trái đối với bục đọc sách.
5. Trước tiền sảnh Nhà thờ
+ Quyển nghi thức Tuần Thánh hoặc sách lễ Rôma.
+ Đĩa nhỏ đựng 5 hạt hương và 1 cây bút.
+ Bình hương lửa
+ Nến Phục sinh (Đã thử tim), 1 cây nến nhỏ.
+ Củi nhỏ, lò và phương tiện phát lửa có người chịu trách nhiệm.
+ Giá sách.
+ 4 cây nến nhỏ cho Lễ sinh, 1 đèn pin
B. Ý NGHĨA VÀ HƯỚNG DẪN
Khi Cha Chủ sự cùng các Lễ sinh tiến ra và đi về cuối Nhà thờ.
Dẫn: (Mời cộng đoàn đứng).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Chúng ta đã và đang cùng với Giáo Hội hoàn vũ sống trong bầu khi đau thương, buồn thảm của biến cố tử nạn mà Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta phải gánh chịu vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta đang sống lại cảnh tản mác mỗi người một nơi của các Tông đồ xưa, mộ Chúa thì hòn đá lớn đã lấp kín, cả không gian nhuốm màu tang tóc…Giáo Hội hôm nay dừng bước trước mộ của Chúa, suy niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Người nên Bàn thờ không trải khăn, không hoa nến, Nhà tạm thì trống vắng không có Mình Thánh Chúa. Trong cả năm Phụng vụ thì có lẽ hôm qua và hôm nay là hai ngày trầm lắng buồn thảm nhất.
(Đổi thành giọng mạnh mẽ, tin tưởng)
Tuy nhiên, đã gần đến giờ tưởng niệm cuộc sống lại khải hoàn của Chúa chúng ta!
Đêm nay, là đêm cực Thánh, là đêm hạnh phúc, đêm mà Chúa trỗi dậy từ trong cõi chết, ra khỏi mồ; là đêm Vượt qua mới, Chúa Giêsu Kitô – Chúa chúng ta đã vượt qua sự chết, đi vào sự sống; đêm mà Giáo Hội ngay từ thuở đầu hằng mong đợi.
Đêm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng Chúa sống lại, đồng thời cũng nhớ rằng chúng ta cũng được sống lại với Chúa Kitô qua mầu nhiệm Thanh tẩy nhờ biến cố Phục sinh.
Phụng vụ hôm nay gồm có bốn phần:
– Phần thứ nhất: Phụng vụ Ánh sáng, tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu.
– Phần thứ hai: Phụng vụ Lời Chúa và nguyện xin.
– Phần thứ ba: Phụng vụ Phép Rửa
– Phần thứ tư: Phụng vụ Thánh Thể
Khi Cha chủ sự đi đến cửa chính Nhà thờ thì tắt toàn bộ nguồn sáng trong ngoài nhà thờ, duy trì âm thanh.
C. BỐN PHẦN CỦA NGHI THỨC
1. Phần thứ nhất: PHỤNG VỤ ÁNH SÁNG, MỪNG CHÚA PHỤC SINH
– Làm phép Nến Phục sinh
Dẫn: (Mời cộng đoàn hướng về cuối Nhà thờ, tay cầm sẵn nến).
Sống lại nghĩa là đi từ sự chết qua sự sống, từ trong tối tăm đi vào ánh sáng. Chúa Kitô đã sống lại, Người là ánh sáng soi chiếu trong đêm tối cuộc đời. Cha chủ sự làm phép lửa, lửa tượng trưng cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian.
(Cha chủ sự sẽ có vài lời nhắn gởi cộng đoàn,( ca đoàn hát : Lửa Thiêng ơi hãy đến) rồi đốt lửa, và Cha đọc lời nguyện làm phép lửa).
Dẫn: Cha chủ sự lấy lửa mới thắp nến phục sinh.
Lễ sinh lấy lửa từ bếp lửa mới để Cha thắp sáng nến Phục Sinh.
Dẫn: Nến Phục sinh tượng trưng Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân. Cha chủ sự sẽ ghi dấu hiểu của Chúa Kitô trên Nến Phục sinh và tuyên xưng những đặc tính của Người.
(Cha chủ sự làm phép nến; câu cuối: “Vạn vạn tuế, A-men”).
Dẫn: Cha chủ sự làm phép và gắn năm hạt hương, tượng trưng năm Dấu thánh của Chúa.
(Cha sẽ đọc câu cuối: “Và bảo vệ chúng ta – Amen”)
– Kiệu nến Phục sinh
(Sau khi đốt nến PS, Cha sẽ cầm nến, 4 lễ sinh đi hai bên cầm nến nhỏ có lửa từ nến PS, 1 lễ sinh cầm hương đi trước, sau mỗi lần công bố ánh sáng Chúa Kitô thì các lễ sinh tỏa ra châm lửa cho cộng đoàn, đèn bật sáng dần).
Dẫn: (Đọc ngay sau khi Cha châm nến xong).
Chúng ta hãy bước đi dưới ánh sáng công chính của Chúa Kitô Phục sinh. Ánh sáng sẽ dẫn đưa chúng ta về Đất hứa chính là Chúa Kitô. Cha chủ sự sẽ giương cao nến ba lần và công bố “ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ”, cộng đoàn chúng ta hân hoan tạ ơn Chúa.
– Công bố Tin mừng Phục sinh
(Lên đến Cung Thánh, Cha sẽ gắn nến PS vào giá, bước sang giá sách, xông hương nến và sách rồi hát Exultet)
Dẫn: (Khi Cha cắm nến và xông hương)
Lời công bố Tin mừng Phục sinh là một trường ca Phụng vụ đẹp, đẹp từ âm điệu cho đến lời ca. Đó chính là niềm hân hoan trào dâng vô tận của những con người được Thiên Chúa cứu độ. Chúng ta cùng hợp với các Thần Thánh trên trời, toàn thể vũ trụ, trời đất và cả nhân loại để ca tụng Thiên Chúa.
(Cha chủ sự hát Exultet).
2. Phần thứ hai: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Dẫn: (Mời cộng đoàn ngồi, tắt nến; bật đèn bục giảng).
Những bài đọc Lời Chúa sau đây một phần có ý nghĩa lịch sử, một phần có ý nghĩa luân lý và tiên tri; nhưng tất cả đều liên quan đến Mầu nhiệm Phục sinh và việc chúng ta được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô nhờ Phép Rửa tội.
Cha chủ sự nhắn gởi cộng đoàn đôi điều.
– Lời dẫn các bài đọc:
Bài đọc 1: Được trích từ hai chương đầu tiên của sách Sáng thế, bài đọc Lời Chúa sau đây nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật. Đây là công trình sáng tạo cũ, loan báo công trình Sáng tạo mới qua biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Bài đáp ca: Thánh vịnh 103 là lời ca ngợi những kỳ quan của việc tạo dựng dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần, vũ trụ tràn đầy hồng ân Thiên Chúa ban cho loài người. Chúng ta cùng hát lên Thánh vịnh này để ca ngợi cuộc tạo dựng mới là cuộc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
(Sau bài đáp ca, mời cộng đoàn đứng, Cha đọc lời nguyện).
Bài đọc 2: Câu chuyện Dân Do Thái vượt qua biển Đỏ cách thần kỳ được kể trong sách Xuất hành mà chúng nghe sau đây, cho chúng ta thấy rõ: Thiên Chúa cứu chuộc sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc tội lỗi. Ngày nay, Người vẫn còn thực hiện những cuộc giải phóng kỳ diệu đó trong nước Rửa tội.
(Không dẫn Đáp ca, sau bài đáp ca mời cộng đoàn đứng, Cha đọc lời nguyện).
Bài đọc 3: Bài đọc Lời Chúa sau đây trích trong sách Tiên tri Isaia là lời mời gọi chúng ta đến lãnh nhận ân sủng của Giao ước vĩnh cửu. Chính người là nguồn ơn Cứu độ nhân loại.
Bài đáp ca: Trong bài đáp ca sau đây, Tiên tri Isaia lại một lần nữa cất cao lời hân hoan cảm tạ Chúa vì Ngài là Thiên Chúa Cứu độ. Cùng hát bài đáp ca này, chúng ta hợp cùng Tiên tri Isaia cất cao lời chúc tụng Thiên Chúa Cứu độ chúng ta. (bật đèn Nhà thờ)
(Sau bài đáp ca, mời cộng đoàn đứng; Cha chủ sự đọc lời nguyện và sau đó cất Kinh Vinh danh, chuông đổ, màn Cung thánh kéo ra, trang hoàng Bàn thờ … Sau đó, Ngài tiếp tục đọc lời nguyện Nhập lễ).
Bài thánh thư: Bài đọc sau đây là một bài trích trong Thánh thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Giáo đoàn Rôma. Bằng lời dạy dỗ ân cần, Ngài xây dựng đời sống mới của các Giáo hữu trên lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Nhờ sự Chết của Người, Người đã hủy diệt tội lỗi và đem chúng ta vào ân sủng trường sinh.
(Sau bài Thánh thư, mời cộng đoàn đứng)
Bài Alleluia: Niềm vui Phục sinh của chúng ta sẽ được nói lên một cách trịnh trọng trong lời hoan ca Allleluia – Hãy chúc tụng Chúa, Cha chủ sự sẽ xướng ba lần lời hoan ca này, cộng đoàn chúng ta họa vang lời chúc tụng Chúa.
Bài Tin mừng: Bài Tin mừng Phục sinh mà chúng ta nghe sau đây của Thánh sử Matthêu đã thuật lại những giây phút đầu tiên con người chứng kiến biến cố Phục sinh của Chúa. Điều đặc biệt mà Thánh sử đề cập đó là những người đầu tiên ấy không phải các môn đệ thân tín, mà lại là mấy người phụ nữ hay theo Chúa.
(Cha chủ sự giảng, không có kinh Tin Kính).
3. Phần thứ ba:PHỤNG VỤ PHÉP RỬA
Dẫn: (Mời cộng đoàn đứng, mời anh chị em dự tòng tiến lên Cung thánh như đã tập trước).
Thanh tẩy là một cuộc Vượt qua từ sự chết đi đến sự sống, là chết đi con người cũ tội lỗi để được tái sinh làm con người mới. Phụng vụ Phép Rửa gồm các nghi thức sau: Làm phép nước, cử hành Bí tích Thanh tẩy và các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho anh chị em dự tòng, Cộng đoàn nhắc lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và rẫy nước Thánh trên cộng đoàn. Giờ đây, Cha chủ sự sẽ mời gọi và cùng cộng đoàn khẩn cầu Ơn phù trợ của các Thánh cho các anh chị em dự tòng.
(Cha chủ sự có đôi lời cùng cộng đoàn và hát kinh cầu các Thánh)
– Làm phép nước.
Dẫn: Trong Kinh Thánh, Chúa đã rất nhiều lần dùng nước để bày tỏ hiệu năng của phép Thanh tẩy. Cha chủ sự sẽ Thánh hóa nước để nhắc lại và cử hành hiệu năng ấy.
(Cha cùng các lễ sinh tiến về nơi kê sẵn lu nước làm phép. Lễ sinh nhớ cầm nến cháy, chuẩn bị Micrô, Nến Phục sinh cho Cha).
– Cử hành Bí tích Rửa tội và Thêm sức
+ Phép Rửa:
Dẫn : (Mời cộng đoàn ngồi)
Sau khi được cộng đoàn tiếp nhận trong Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay. Đêm nay, anh chị em dự tòng chính thức tuyên bố từ bỏ tà thần, tuyên xưng đức tin công khai trước mặt Hội thánh để được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, là Hồng ân trước tiên của cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.
+ Cha hỏi, những người dự tòng thưa …
+ Nghi thức Rửa tội
Dẫn: Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là đổ nước trên đầu thỉnh nhân và đọc lời Bí tích.
(Sau khi Cha đổ nước xong, mời cộng đoàn đứng, Cha đọc lời nguyện)
+ Xức dầu thánh
Dẫn: (Đọc khi Cha xức dầu)
Dầu thánh được Thánh hóa trong Thánh lễ Truyền dầu sáng thứ năm Tuần thánh do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự cùng linh mục đoàn của Giáo phận. Thời Cựu ước, việc xức dầu chỉ được thực hiện trên ai được tấn phong làm vua.Giáo Hội hôm nay cử hành việc xức dầu thánh diễn tả Chúa Thánh Thần ngự xuống thâm nhập tâm hồn người tín hữu. Bên cạnh đó còn nhắc nhở người tín hữu tham dự vào việc xức dầu để làm vua, làm Tư tế và Ngôn sứ tức là được tháp nhập cách mầu nhiệm vào Đức Kitô Phục sinh.
+ Trao nến sáng
Dẫn: Xin người đỡ đầu thắp nến từ nến Phục sinh và trao cho các anh chị em tân tòng. Nghi thức này nhắc nhở anh chị em vừa lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy đã trở nên con cái ánh sáng. Từ nay, họ phải bước đi trong ánh sáng và cầm đèn cháy sáng đón Chúa Kitô trở lại. Đây cũng là lời nhắc nhở những người đỡ đầu phải nên gương sáng cho các anh chị em Tân tòng do mình bảo lãnh.
+Thêm Sức
Dẫn: (Mời cộng đoàn đứng).
Cha chủ sự đọc lời nguyện đặt tay ban Bí tích Thêm sức và xức Dầu Thánh.
Dẫn: Nghi thức Thêm sức đã xong, mời anh chị em tân tòng về chỗ.
– Lặp lại lời tuyên hứa khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội (cộng đoàn đứng).
Dẫn: Giờ đây là việc tuyên xưng lại lời tuyên bố từ bỏ tà thần và tuyên xưng Đức tin mà chính chúng ta hoặc cha mẹ hay người đỡ đầu đã tuyên xưng thay khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội trước đây.
(Cha chủ sự hỏi, cộng đoàn đáp)
– Rảy Nước Thánh trên cộng đoàn
Dẫn: Sau khi cộng đoàn đã tuyên xưng những lời hứa Thanh tẩy, Cha chủ sự sẽ long trọng rảy Nước Thánh trên cộng đoàn để nhắc lại ơn gọi Kitô hữu là tái sinh trong Đức Kitô Phục sinh.
(Cha đi rảy nước Thánh, hai lễ sinh đi theo cầm bình nước, ca đoàn hát “Tôi đã thấy …”
– Lời nguyện giáo dân
4. Phần thứ bốn: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
Dẫn: (Mời cộng đoàn ngồi)
Dân Chúa sinh ra nhờ Phép Rửa tội, dâng lên Chúa của lễ tạ ơn và được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Kitô Phục sinh. Tất cả mọi Nghi thức chúng ta đã cử hành trong Tam nhật Thánh đều kết tinh trong một tâm điểm nơi Thánh thể.
(Thánh lễ cử hành như thường nhật).