Vào những buổi liên hoan tại gia, mà có bạn còn gọi là Khi-li-khi-tô (hoặc khi thì ly khi thì tô), nhiều bạn vẫn cứ hất đầu, hỏi nhau: thế nào, đã mua được nhà mới chưa? Vì các cụ nhà ta vẫn nói:
§30 – DẪU CÓ RA SAO CỨ HY VỌNG
(Mt 8: 20)
Vào những buổi liên hoan tại gia, mà có bạn còn gọi là Khi-li-khi-tô (hoặc khi thì ly khi thì tô), nhiều bạn vẫn cứ hất đầu, hỏi nhau: thế nào, đã mua được nhà mới chưa? Vì các cụ nhà ta vẫn nói: có an cư mới lạc nghiệp. Có bạn còn theo lập trường của người Tây người Mỹ chỉ muốn vui hưởng cuộc đời, mình đang sống. Chẳng tội vạ gì nai lưng ra mà cày với bừa để rồi mang nợ, suốt đời. Không kịp hưởng nhàn. Phải thế không, nhỉ ?
Mỗi lần thảo luận về công ăn việc làm, người người thường nói đến chữ “nhàn”. Chẳng hạn, như một lời hỏi han xem công việc bạn làm có nhàn lắm không? Thực tế hôm nay, kiếm được công việc nhàn hạ chưa chắc đã dễ. Nói tóm, nhàn và an cư vẫn là đề tài lớn, ở mọi thời đại. Ai đạt được cả hai thứ,chắc chắn sẽ được coi như “đã có chút gì với đời”.
Từ dạo ê a ba câu “sách phần”, bần đạo cũng nghe nhiều cụm từ, như “Do Thái lang thang”, hoặc “có an cư mới lạc nghiệp”… Xin thưa ngay, rằng: lúc ấy bần đạo còn quá nhỏ để có một ý niệm đúng thế nào là “lang thang”; và, cỡ nào thì gọi được là “an và nhàn”. Nhìn tháng ngày trôi qua, bần đạo cũng như bạn bè được diễm phúc tạm dung nơi xứ người, thấy mình tuy có khá hơn người “Do Thái lang thang”, nhưng cũng chưa gọi được là an cư, ổn định. Nói gì đến “lạc nghiệp”. Nay, xin mạn phép phiếm về chữ an và nhàn trong Đạo. Ngoài đời.
Nhớ lời Thầy Chí Thánh nhắn nhủ “Môn đệ sẽ không hơn Thầy”, bần đạo dám có nhận xét rằng: khi xưa Thầy Chí Thánh từng nói với dân con đi theo bước chân hiền của Chúa, có đôi ba thắc mắc về nơi ăn chốn ở của Thầy, thì được Thầy trả lời:
“Chồn có hang, chim trời có tổ,
chứ Con Người không có chỗ ngả đầu”
(Mt 8, 20).
Không có chỗ ngả đầu, chẳng phải là trạng huống những gọi là “đầu ôm tay ấp” của một số người nào đó. Nhưng, cụm từ này cũng nói lên phần nào tình trạng rày đây mai đó, rất ư là chưa ổn của Đức Kitô. Kinh nghiệm “rày đây mai đó” ấy, Đức Chúa đã có ngay từ buổi đầu, khi Ngài lọt lòng Mẹ:
“Đến buổi lâm bồn, và bà đã sinh con đầu lòng,
và lấy tã vấn con và đặt nằm trong máng cỏ,
bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ” (Lc 2, 7 )
Xem như thế, rõ ràng thánh Luca đã xác định: ngay từ lúc khởi sự cuộc đời dưới thế trần của Ngài, Đấng Cứu Độ loài người đã “không có phòng để ở trọ”.
Vâng. Vấn đề là như thế. Nhà trọ, nơi tạm trú trong lúc “loạn” và “lạc” do người phàm tạo ra, mà đến Người Con của Đức Chúa, Đấng tạo mái ấm cơ ngơi cho mọi người, cũng không có tấm mái phủ trên đầu, để nghỉ. Điều này còn có nghĩa: Đức Chúa xuống thế làm người đã có kinh nghiệm từng trải về sự bất an, ngay đầu đời. Rồi khi, khởi sự cuộc đời rao giảng, Ngài cũng lại “không có chỗ ngả đầu”. Chỗ ngả đầu, không hiểu theo nghĩa vật chất, nhưng theo nghĩa siêu hình, nữa. Như, thánh Matthêu viết:
“Ai là Mẹ Ta?
Và ai là anh em Ta?
Và, giăng tay chỉ các môn đồ của Ngài, Ngài nói
Này là Mẹ Ta và anh em Ta. Phàm ai làm theo ý Cha Ta,
Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh em và là Mẹ Ta”
(Mt 12: 48-49)
Dựa trên những điều thánh Luca ghi lại, thì: ngay từ thưở đầu đời Đức Chúa đã ở trong tình trạng tạm bợ, bất ổn. Như vậy, cuộc đời rao truyền ơn cứu độ của Đức Kitô chẳng thể là cuộc sống “an cư và lạc nghiệp”.
Và như thế, ta không tài nào hiểu được “nghiệp rao giảng” của Đức Chúa, là Đấng cứu độ loài người, theo nhận thức của người thường, là nghiệp “an bình và lạc quan”. Lại nữa, nếu quan niệm “xem quả biết cây” là đúng, thì ta thấy: cuộc đời của Ngài ở dưới thế sẽ chẳng “an lạc” như cái nhìn của thế nhân, nếu như người người không “thuận theo ý Cha, Đấng ngự trên trời”.
Thế thì, điểm khác biệt giữa quan niệm dân gian ngoài đời và ý niệm của dân con nhà Đạo, quả là rõ nét. Cứ sự thường, người đời chỉ tìm những gì nhàn hạ, dễ ăn, để rồi sẽ “an cư/lạc nghiệp, tha hồ mà thưởng lãm. Trong khi với Đức Chúa, Ngài lại chọn con đường khổ đau/bất ổn, để rồi, Ngài sẽ chuyển đổi tất cả theo thánh ý của Cha, mà thôi. Dầu gì đi nữa, Ngài chính là Đường, Sự Thật và Ánh sáng cho muôn dân.
Nhìn từ góc cạnh khác, phải nói: “an cư/lạc nghiệp” với con dân nhà Đạo, là biết đặt mình vào Đường, Sự Thật và Sự Sáng của Đấng đã dạy mình hoán cải chuyển đổi, cả ngàn năm trước. Bao lâu ta cứ đứng xa xa mà nhìn hoặc vẫn chọn đứng ở bên ngoài Con Đường, Sự Thật và Sự Sáng ấy, thì chẳng bao giờ đạt sự “an” bình – hoan “lạc”, như đã nói. Dù ở mức tối thiểu. An bình – hoan lạc, là chuyện phải đạt cho bằng được. Dù ta ở trong tình trạng tồi tệ, chưa ổn hay bất định thế nào đi nữa.
Để minh họa cho tình trạng tương đối an bình và hoan lạc thời ta sống, tưởng cũng nên kể cho nhau nghe những câu truyện trong huyện ngoài làng, có sức dẫn dụ hoặc nhắc nhở, như ở trên. Dưới đây là truyện kể ngắn gọn, như sau:
Có hai người đàn ông mang bệnh ngặt nghèo được nhập viện, để chữa trị. Họ được cho ở tạm nơi phòng hồi sức. Một trong hai bệnh nhân ấy, được bác sĩ đề nghị là mỗi ngày cứ chiều chiều phải ngồi ít nhất một tiếng đồng hồ để cho nước ở buồng phổi có thể thoát xuống phía dưới lồng ngực. Điều rất may, là: ông được chỉ định nằm sát bên cửa sổ phòng bệnh. Tức, chiếc cửa độc nhất dọc theo bờ tường. Và khi ngồi như thế, ông có thể hướng ra phía bên ngoài để thưởng lãm cảnh an lạc, nhàn hạ.
Bệnh nhân kia, bệnh tình có vẻ như bị nặng hơn, phải nằm suốt trên chiếc giường đơn độc kê bên trong, xa cửa sổ. Thành thử ông ta không thể nhìn thấy những gì xảy ra với thế giới bên ngoài.
Mỗi ngày, hai vị đồng cảnh nói chuyện với nhau hằng giờ mà không biết chán. Họ bàn với nhau về đủ mọi thứ trên đời. Từ chuyện trên trời, dưới biển, đến chuyện vợ con gia đình, nhà cửa công ăn việc làm, nghĩa vụ lẫn bổn phận công dân, tôn giáo, thôi thì đủ cả. Không đề tài nào lại không được bàn qua, hệt như hồi còn trà dư tử hậu.
Chiều chiều, người bệnh ở phía cửa sổ vẫn phải ngồi dậy hít thở làm theo lời thầy thuốc căn dặn. Ông giết thời giờ bằng cách quay đầu về phía cửa sổ. Để lòng mình “lang thang” theo trời, trăng mây nước. Rồi, kể lại cho bạn đồng cảnh, không được diễm phúc thưởng ngoạn như mình, nghe biết. Người bạn nằm cạnh, cứ thế nhắm nghiền mắt lại, lắng nghe kể từng chi tiết và từng chi tiết. Cho đến khi giọng người kể nhỏ lại vì thấm mệt.
Trong khoảnh khắc ít nhất một tiếng mỗi ngày, cả hai người bệnh được trở lại sinh hoạt với thế giới lành lặn – an lạc, bên ngoài. Qua sự miêu tả của bạn, ông bệnh nhân nằm bên trong cũng được thấy như diễn trước mắt trước mắt những gì đẹp đẽ, nên thơ trên cõi đời, vì căn phòng bệnh viện quay về công viên có hồ nước êm ắng, tọa lạc sát ngay bên. Cạnh hồ nước, còn có các chú vịt trời lặng lẽ rẽ nước, tung tăng bơi lội.
Xa xa, bày trẻ nhỏ vui chơi nô đùa chạy nhảy, thật đẹp mắt. Chúng chạy theo mấy chiếc thuyền giấy nổi trôi trên mặt hồ lặng lẽ. Lâu lâu, lại thấy điểm thêm một vài cặp tình nhân thơ thẩn thả bộ bên bờ nước ngập tràn ánh nắng chói chang, nhiều mầu sắc. Bên cạnh đó, đậm nét chấm phá là hai hàng cây cổ thụ rợp những bóng râm, làm điểm hẹn cho các bậc cao niên đang nhẹ nhàng đi đường quyền Thái Cực.
Xa hơn chút nữa, là chốn phồn hoa đô hội. Ở nơi đó, thấy chen chúc những căn nhà chọc trời sừng sững. Và, người bệnh nằm phía trong tường, chẳng bao giờ có được diễm phúc thưởng ngoạn cảnh trí thơ mộng, nhàn hạ như thế. Nhưng, ông vẫn nhắm mắt thả hồn men theo lời kể của bạn đồng cảnh với mình, tưởng tượng ra bức tranh linh động, mà ông vẫn tiếc là đã không chịu tận hưởng, vào thời còn trai trẻ.
Một hôm, được kể về đoàn người diễu hành ngang qua công viên xinh đẹp, ông bạn nằm phía trong, tuy không nghe được tiếng nhạc quân hành rộn rã, nhưng cũng mường tượng ra cảnh ồn ào sinh động bằng lỗ tai tinh thần, qua lối diễn tả rất bay bướm của người đồng cảnh tốt bụng.
Ngày tháng trôi qua. Vào buổi sáng trời buồn, người y tá mang nước ấm vào phòng cho bệnh nhân rửa ráy, mới khám phá ra rằng người bệnh nằm sát cửa sổ bấy lâu nay không thở nữa, đã ra đi từ bao giờ. Và, người chết được lẹ làng chuyển đi nơi khác. Để tranh thủ, bệnh nhân nằm giường trong bèn vội vàng xin phép dời qua phía cạnh cửa sổ, cho nhàn hạ hơn. Cô y tá trưởng bằng lòng. Mọi người làm động tác chuyển giường.
Hôm ấy, chờ đến lúc mọi người đi khỏi, một mình một phòng, bệnh nhân còn lại mới từ từ cố gắng cựa quậy, nhích lại gần khung cửa sổ. Kê vai lên thành trì của thế giới mà ông từng kết thành mộng đẹp, khi nghe kể. Ông chuẩn bị thưởng thức cảnh thần tiên lâu ngày không được chính mắt thưởng lãm. Nhưng hởi ôi! Ông nào thấy gì. Trên dưới, chỉ sừng sững bức tường trắng phếu cao vòi vọi, chắn ngang tầm nhìn qua khung cửa sổ.
Mấy bữa sau, dọ hỏi người y tá: sao bạn đồng cảnh của ông lại có thể tả được cảnh trí tuyệt với bên ngoài khung cửa ngỏ, đẹp như thế. Và, người nữ hộ tá nhẹ nhàng đáp gọn: bạn của ông mù hết hai con mắt, bức tường mầu trắng còn chẳng thấy, thấy được gì ở thế giới bên ngoài… Có chăng, chỉ là những câu truyện đẹp kể cho ông nghe để ông có được những tháng ngày an nhàn trong hoàn cảnh đau ốm bệnh tật, thế thôi. Nghe xong, người bệnh nhân còn lại: lặng người, chỉ biết nằm hồi tưởng những giây phút tuyệt vời mà ông được hưởng, qua lời kể của vị đồng cảnh tốt bụng.
o0o
Vâng. Truyện kể chỉ có thế. Nhưng, nếu chỉ là như thế, thì có lẽ cũng mang nhiều thiếu xót, từ phía người kể. Thiếu cả lời bàn “Mao Tôn Cương”, rất quan trọng. Và, lời bàn hôm nay vẫn là chuyện: người bệnh mù lòa tuy ở hoàn cảnh sức khỏe rất tồi tệ, ông vẫn cố gắng đem lại niềm vui và hy vọng cho ông bạn đồng cảnh ngộ, cùng phòng.
Thế mới biết, dù hoàn cảnh hôm nay sẽ ra sao. Có tồi tệ, bi đát đến thế nào đi nữa, thì cuộc đời con người mình, vẫn cứ như thế. Vẫn đẹp như mộng và mơ.
Và, lời cuối hôm nay, là: nếu bạn và tôi muốn thưởng lãm sự an cư rất lạc nghiệp cũng như mọi nhàn nhã khác, hãy nghĩ đến những gì mình không thể tạo được bằng tiền tài, vật chất. Bởi, an (nhàn và hoan) lạc chính là món quà tặng không, biếu không của Ơn Trên. Ngài hằng cúi xuống đoái nhìn bọn chúng ta, những người mình ở huyện.
Nói cho cùng, thì chuyện “an” và “lạc” trao ban cho dân thường ở huyện, vẫn là nhã ý gửi đến do lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa. Nói cách khác, nếu Đức Chúa không thương yêu loài bất tài vô dụng là chúng ta, thì con dân người phàm dù có tiền rừng bạc biển, dù đang ung dung hưởng thụ với dinh thự cao sang như Tòa Bạch Ốc, Điện Cẩm Linh hoặc Lâu đài Windsor Castle… cũng chẳng thể nào có được cái nghiệp rất “lạc” để mà rong ruổi tìm kiếm, rất an cư.
Thành thử hôm nay, sau khi đã rong ruổi với câu chuyện rất “phiếm” ở trên, cũng nên trở lại với thực tế hằng ngày mà có nhận định rất chung chung, rằng: chẳng cứ gì phải “an cư mới lạc nghiệp”. Mà là, bao lâu ta không đặt mình vào chính sự “bình an” của Đức Chúa, cũng chẳng thể nào có được cái nghiệp rất “lạc”, Ngài tặng ban. Ngài vẫn tặng ban cho những kẻ ở “dưới đất mà Ngài đoái thương” (Lc 2: 14)
Trần Ngọc Mười Hai
chẳng trông mong chữ nhàn
nếu không biết lan man
tìm kiếm Chúa
Tác giả Trần Ngọc Mười Hai