Những chứng tá đức tin ấy, vốn đã gây trong lòng người nhiều cảm xúc khác nhau như: sự cảm phục, niềm yêu thương, lòng tin tưởng, thái độ dấn thân và quyết tâm sống đức tin…, nay được tham dự bằng thời gian lắng chìm trong cầu nguyện, qua những hình ảnh được diễn tả cách sống động, đã gây trong tôi sự cảm nhận lớn lao về một đức tin kiên cường của vô vàn những người con đất Việt.
ĐẾN VỚI ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Trong phần diễn nguyện lược sử Giáo Hội Việt Nam, kịch bản cuộc tử đạo của chân phước Anrê Phú Yên được trình bày thật cảm động, như là một đại diện cho hàng trăm ngàn Anh Hùng Tử Đạo tại Việt Nam.
Những chứng tá đức tin ấy, vốn đã gây trong lòng người nhiều cảm xúc khác nhau như: sự cảm phục, niềm yêu thương, lòng tin tưởng, thái độ dấn thân và quyết tâm sống đức tin…, nay được tham dự bằng thời gian lắng chìm trong cầu nguyện, qua những hình ảnh được diễn tả cách sống động, đã gây trong tôi sự cảm nhận lớn lao về một đức tin kiên cường của vô vàn những người con đất Việt. Tôi muốn ghi lại vài cảm nhận ấy.
1. MỐI NGHI NGỜ ĐƯA TỚI BẮT ĐẠO
Dù luôn phải đối diện với thực trạng phân tranh bờ cõi – Đàng Ngoài dưới quyền chúa Trịnh, Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn – các nhà chúa nơi chốn triều đình vẫn mãi mê đắm chìm với những vui thú của riêng mình, bằng những trò giải trí rất xa hoa hoặc rất thời thượng .
Chính lúc ấy, lại xuất hiện một thứ tôn giáo mới. Thứ tôn giáo mới này thật xa lạ, có những hình thức tôn thờ khó hiểu, có thể gây nguy hiểm cho quốc thái dân an dân chăng?
Vì thế, bắt đầu từ sự khó hiểu và ngộ nhận ấy, mối nghi ngờ của hoàng triều ngày càng lớn dần, đến nỗi sau cùng, trở thành hành động bách hại khắp nơi.
Suốt 300 năm bách hại, là 300 năm viết nên một trang sử bi hùng cho dân tộc Việt Nam: Chính người Việt Nam sát hại đồng bào Việt Nam thân yêu của mình.
Nhưng đó lại là 300 năm Giáo Hội Việt Nam đã viết nên một trang sử đẹp lộng lẫy: vì nó được viết không phải bằng những giọt máu mà là bằng những dòng máu của đức tin.
Sau đây chúng ta cùng sống lại cuộc tử đạo của người Việt Nam đầu tiên được coi là Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội Việt Nam: THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN.
Diễn lại tấm gương xán lạn của Thầy Giảng Anrê, chúng ta không dừng lại ở một tấm gương trẻ trung này. Đúng hơn, đó là một gợi nhớ cho đức tin của bạn và tôi, giúp chúng ta sống lại cả một thời kỳ rực rỡ của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, nơi đã sản sinh hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo Việt Nam uy hùng và anh dũng.
2. THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN
Lý lịch của Thầy Anrê Phú Yên được người ta biết quá đơn giản: Sinh khoảng 1624 hay 1625. Là con trai út trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, mẹ là bà Gioanna. Khoảng 15 tuổi lãnh bí tích rửa tội. 17 tuổi gia nhập hội Thầy Giảng. 18 tuổi tuyên khấn trong bậc Thầy Giảng. 19 tuổi được phúc tử đạo.
Ngay một cái tên thật của Thầy cũng không còn ai nhớ. Cha Đắc Lộ, người rửa tội cho Thầy, chỉ gọi Thầy bằng tên thánh. Bởi đó, lòng quí mến của mọi người đã tặng cho Thầy một tên mới: Anrê Phú Yên. Đó là tên thánh và tên của quê hương Thầy ghép lại. Nhưng suy cho cùng, lại thấy hay quá. Bởi Thầy có còn giữ cho riêng mình điều gì nữa đâu.
Mạng sống, thân xác – mỗi một người sinh ra trong cuộc đời chỉ có một duy nhất, nghĩa là rất quí giá, chết là mất, chết là không còn hiện diện, dù vậy Thầy cũng đã dâng hiến.
Ở lứa tuổi còn quá trẻ trung, sức sống đang dồi dào mãnh liệt, một lứa tuổi sẽ đi qua và không bao giờ trở lại, Thầy cũng đã dâng hiến.
Bởi đó một cái tên có là gì đáng để mà nói. Anrê Phú Yên, từ ngày nằm xuống, giống như muôn ngàn vị thánh, đã trở thành bất hủ trong lòng người, là gia sản chung của cả Giáo Hội, nghĩ cho cùng, được mang tên quê hương, Thầy chính là người hạnh phúc.
Cứ tưởng rằng ở tuổi 19, người ta sẽ rất nông nổi, bồng bột. Cứ tưởng 19 tuổi, người ta chẳng tha thiết gì đến chuyện đạo đức, lạnh nhạt với việc cầu nguyện và sống đức tin. Nào ngờ, một chàng trai 19 tuổi như Anrê Phú Yên đã trở thành thánh nhân.
Ở lứa tuổi mới bắt đầu bước vào tuổi thanh niên, lứa tuổi đẹp nhất đời người, Anrê có quyền sống để hưởng niềm vui, hưởng hạnh phúc mà tuổi trẻ vốn có, nhưng Anrê đã khước từ tất cả để chọn cho mình một vinh quang khác thiêng liêng, sâu lắng và đẹp vô cùng: vinh quang thập giá. Vinh quang mà Chúa Giêsu đã chọn, Anrê đã bước theo và rao giảng trong suốt những chuỗi ngày làm Giáo Lý Viên của mình.
3. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THẦY ANRÊ
Cái chết của Thầy Giảng Anrê được cha Đắc Lộ kể lại trong cuốn Hành trình truyền giáo: “Một tên lính lấy giáo đâm Thầy từ phía lưng thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Lúc đó Thầy Anrê nhìn tôi âu yếm như thể vĩnh biệt tôi. Tôi bảo Thầy hãy nhìn lên trời nơi Thầy sắp tới và có Chúa Giêsu đón Thầy. Thầy ngước mắt lên trên cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính rút giáo ra, đâm lần thứ hai, rồi đâm lại lần nữa như thể muốn tìm trái tim Thầy.
Nhưng người vô tội vẫn không nao núng, thật là kỳ diệu. Sau cùng một tên đao phủ thấy lưỡi giáo không làm cho Thầy lăng xuống đất, liền lấy mã tấu chém cổ, nhưng vẫn chưa xong, phải thêm nhát nữa làm đứt hẳn cổ, đầu rơi về bên tay phải chỉ còn vướng mảnh da”.
Có một điều đáng nói, cần phải nhấn mạnh đó là ngay chính lúc lý hình vung gươm chặt phăng chiếc đầu của mình, Thầy Anrê còn kịp thốt lên hai tiếng “Giêsu” đầy kính trọng và yêu quí.
Cha Đắc Lộ viết tiếp: “Nhưng tôi nghe rất rõ cùng lúc đầu rơi khỏi cổ, thì tên thánh Chúa Giêsu không phải từ nơi miệng Thầy thốt ra mà qua vết thương ở cổ, và cùng lúc hồn bay về trời thì xác lăn xuống đất”.
“Giêsu” thánh danh mà Anrê đã tin tưởng trong ngày được rửa tội ở tuổi mười lăm. “Giêsu” cũng là thánh danh mà Anrê đã từng giảng dạy trong ba năm làm Giáo Lý viên. Và trong giờ chịu tử nạn, thánh danh Giêsu trở thành sức mạnh để Anrê chấp nhận cái chết, một sức mạnh can trường giống như lời thánh Phaolô nói: “Chúng ta Chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4, 8- 9).
Thầy Anrê đã tin rằng: “Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Chúa Kitô, để sự sống của Chúa Kitô được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta” (2 Cr 4, 10). Để rồi giây phút cuối cùng, khi thân xác chẳng còn toàn vẹn, Thánh Danh “Giêsu”, một lần nữa bật thốt lên nghe sao mà mạnh mẽ, khí thế, hãnh diện và tin tưởng tuyệt đối. Đẹp! Đẹp quá cái chết của vị Anh Hùng, chết cho Danh Thánh tuyệt diệu!
Chính Chúa Giêsu, vì là Thiên Chúa, nên Người là chủ thân xác chúng ta. Nếu Chúa muốn cuộc đời mỗi Kitô hữu là làm chứng cho Người, thì khi cần, dẫu là cái chết, chúng ta cũng chết vì Chúa Kitô. Anrê đã để lại cho đời, cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho giới trẻ Việt Nam tấm gương sáng ngời của một người trung thành trong đời sống Kitô hữu của mình.
Cách đây hai năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc đến tên Chân Phước Anrê Phú Yên, vị thánh trẻ của Giáo Hội Việt Nam trong sứ điệp gởi cho giới trẻ thế giới năm 2002. Đây là một vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là cho giới trẻ Việt Nam. Vì Thầy Anrê, một người con ưu tú của Giáo Hội, một người bạn đồng trang lứa với các bạn thanh thiếu niên Việt Nam, được nêu danh như một tấm gương rất trẻ trung, làm ánh sáng chiếu soi cho đức tin và cho cuộc đời.
4. 470 NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LƯU DẤU ƠN THIÊN CHÚA
Nhìn lại một chặng đường đã qua suốt 470 năm, chúng ta khám phá ra giữa lòng Giáo Hội Việt Nam là một đức tin quá kiên trung, quá lạ thường mà mãi mãi người đời sau vẫn cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi chiêm ngưỡng những thử thách, những gian lao của buổi đầu đặt nền móng cho Giáo Hội Việt Nam.
Đặc biệt chiêm ngắm tấm gương trung kiên của các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta càng bắt gặp nơi dòng Lịch Sử ấy cả một mầu nhiệm lớn quá đổi: phong ba, bão táp chỉ là đổ thêm dầu cho đức tin cháy sáng.
Càng khó khăn bao nhiêu, đức tin càng biểu lộ anh hung tính của nó bấy nhiêu. Càng khó khăn, thì lại vô tình làm cho đức tin càng được dồn nén, càng được nung nấu, càng được khẳng định, nếu có dịp sẽ cháy bùng lên, và nhanh chóng lan tỏa mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào.
Nhìn lại dòng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, ta chỉ biết cảm nhận trọn vẹn một chân lý không hề sai chạy: Chính bàn tay Thiên Chúa đã hiện diện để nâng đỡ và lèo lái lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Ngày nay Giáo Hội Việt Nam rất hãnh diện, tự hào và tràn đầy hy vọng nhìn lại lịch sử của chính mình suốt 470 năm qua. Tạ ơn Thiên Chúa đã luôn luôn quan phòng, để tất cả những gì Người muốn đều diễn tiến tốt đẹp theo thánh ý của Người.
Cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân đức tin, Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta tiếp tục cầu xin Người gìn giữ chúng ta trong ơn Đức tin hôm nay và mãi về sau, để mỗi ngày, chúng ta xứng đáng hơn với các bậc tiền nhân của mình.
Vũ Phương Bằng
Tác giả: Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS