Sự hiện diện và hoạt động của các Thầy Giảng tại Việt Nam có liên hệ tới công trình truyền giáo của một tu sĩ dòng Tên nổi tiếng là cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) (1). Công trình của cha đối với Việt Nam cũng như công trình của cha Matteo Ricci đối với Trung Hoa, và cha Roberto de Nobili đối với Ấn Độ
III.VỊ THÁNH 118: CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN
Thầy Giảng Anrê Phú Yên là vị Tử Đạo đầu tiên, là của lễ đầu mùa Giáo Hội Việt Nam dâng cho Chúa. Thánh Anrê Phú Yên đã làm nhiều phép lạ và rất được giáo dân Việt Nam yêu mến, đặc biệt là các vị Thừa Sai Dòng Tên trân trọng kính yêu. Do đó, ngày 5 tháng 3 năm 2000 Đức Giáo Hoàn Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Chân Phước trong một thánh lễ đặc biệt được cử hành long trọng tại quảng trường thánh Phêrô trước dự hiện diện và đồng tế của Đức Hông Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn (khi ấy còn là Tổng Giám mục Sàigòn), Đức cha Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn.
Trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Từ trên 350 năm nay, người Công giáo Việt Nam chưa hề quên vị Tử Đạo Tiên Khởi của xứ sở của họ. Chớ gì ngày nay qua tấm gương của Ngài, họ còn tiếp tục tìm được sức mạnh để sống trung thành với ơn gọi của kitô hữu bền lòng trung thành đối với Giáo Hội và với Tổ Quốc của họ”.
THẦY GIẢNG ANRÊ VỊ TỬ ĐẠO
ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Lm. Phaolo Molinari S.J
(Thỉnh ngyện viên án phong chân phước cho Thầy Giảng Anrê –
Lm. Giuse Trần Đức Anh O.P chuyển ý)
Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân Phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là Thầy Giảng.
Ba thế kỷ rưỡi trôi qua kể từ ngày Thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời Thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Tin Mừng và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về thầy vẫn không suy giảm. Trái lại, tấm gương của Thầy Anrê vẫn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm phức tạp và khó khăn.
Thực vậy, nếu để ý tới lịch sử sóng gió tại vùng địa lý này, một miền hồi thế kỷ XVII được gọi là Đàng Trong (Cocincina), người ta có thể hiểu tại sao khuôn mặt Thầy Anrê đã và vẫn còn là điểm tham chiếu có giá trị quan trọng. Thực vậy, Kitô giáo được phổ biến rộng rãi, ăn rễ sâu và tiếp tục sinh động tại Việt Nam chính là nhờ công lao và hoạt động của bao nhiêu thế hệ Thầy Giảng, nối tiếp nhau qua các thế kỷ, trong việc phụng vụ Chúa Kitô và Tin Mừng, cả khi các Thừa Sai bị trục xuất và các linh mục bản xứ không thể thi hành sứ vụ vì những luật bách hại đạo.
Sự hiện diện và hoạt động của các Thầy Giảng tại Việt Nam có liên hệ tới công trình truyền giáo của một tu sĩ dòng Tên nổi tiếng là cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) (1). Công trình của cha đối với Việt Nam cũng như công trình của cha Matteo Ricci đối với Trung Hoa, và cha Roberto de Nobili đối với Ấn Độ. Cha Đắc Lộ là một trong những vị Thừa Sai đã biết tạo điều kiện, và hơn thế nữa, đã mang lại cho Việt Nam một trong những đóng góp quan trọng về văn hóa: chỉ cần nhắc đến sự kiện cha Đắc Lộ đã soạn cuốn từ điển đầu tiên về ngôn ngữ đựợc sử dụng tại Việt Nam và phát triển hệ thống chữ viết ngày nay là chữ quốc ngữ.
Chính cha Đắc Lộ là người đã thấy rõ rằng có được các linh mục một cách thường xuyên là một điều rất khó đối với Việt Nam. Vì thế, cha đã quyết định khởi xướng và thành lập Hội các Thầy Giảng, gọi là :Nhà Đức Chúa Trời, trong đó các thành viên quyết tâm, bằng lời hứa chính thức và công khai (một lời thề), trọn đời phụng sự Giáo Hội qua việc giúp đỡ các linh mục và truyền bá Tin Mừng.
Số các nguồn sử liệu nói về cuộc đời của Thầy Giảng Anrê trước khi Thầy bị bắt ngày 25-6-1644 và chịu tử đạo sau đó, có hai bản Tường Trình do cha Đắc Lộ viết và được coi là có giá trị nhất. Không nên ngạc nhiên về điều này, vì chính cha Đắc Lộ là người đã biết Thầy Anrê từ lâu và thân thiết hơn bất kỳ người nào khác kể lại chứng từ về thanh niên Việt Nam này.
Những gì chúng ta biết được qua cha Đắc Lộ về Thầy Anrê, về cuộc sống đạo của Thầy trước khi chịu tử đạo, cũng như chính cuộc hành trình Thầy phải chịu, cũng như được xác nhận qua các lời cung khai của những người làm chứng trong cuộc Điều Tra theo giáo luật, diễn ra tại Macao từ ngày 16 tháng 12 năm 1644 đến ngày 13 tháng giêng năm 1645, tức là không đầy sáu tháng sau khi vị Tôi Tớ Chúa bị sát hại. Vì thế, đó là những tin tức đầu tay và hơn thế nữa, rất gần với thời gian Thầy Anrê sống và chịu tử đạo.
Bản Tường Trình thứ nhất của cha Đắc Lộ, ngắn hơn bản thứ hai, đề ngày 1 tháng 8 năm 1644, nghĩa là 5 ngày sau khi Thầy Anrê bị sát hại; bản đó do nhà truyền giáo thời danh soạn ra sau khi đích thân chứng kiến tất cả các biến cố: cầm tù, kết án tử hình và hành quyết Thầy Anrê. Vì vậy, đó là tài liệu cổ kính nhất chúng ta có được về tất cả những sự kiện xảy ra trong những ngày đau thương, 25 và 26 tháng 7 năm 1644. Cha Đắc Lộ giao bản Tường Trình này cho viên thuyền trưởng chiếc tàu Bồ Đào Nha sắp rời Đàng Trong để đi Macao. Tàu tới đảo này ngày 13 tháng 8 năm 1644. Qua bản Tường Trình ấy, cha Đắc Lộ thuật lại cho các bề trên ở Macao những gì xảy ra trong công cuộc truyền giáo của cha và đồng thời xin các vị đón nhận di hài Thầy Anrê, mà vì lý do an ninh, cha đã cho chở trên chiếc tàu đó tới Macao (2).
Bản Tường Trình thứ hai, dài hơn và chi tiết hơn, được cha Đắc Lộ soạn sau khi trở về Châu Âu và được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng (3).
Về những gì liên quan tới các dữ kiện thu thập trong Công Vụ cuộc Điều Tra theo giáo luật ở Macao về cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê, cũng nên nhấn mạnh tới một số chi tiết đặc biệt liên quan tới cuộc bắt giam, cầm tù và kết án tử hình vị Tôi Tớ Chúa: các sự kiện này, xảy ra trong vòng 48 tiếng đồng hồ (ngày 25 và 26-7-1644), và không diễn ra kín đáo, trái lại rất công khai. Vì thế, nhiều người đã chứng kiến những sự kiện ấy, nên họ có thể và trong thực tế, họ đã kể lại những tuyên bố chính xác và chi tiết; các chứng từ ấy không thể chê trách được điều gì, xét về phương diện pháp lý và lịch sử, do đó chúng rất có giá trị.
Đó là 23 bản cung khai có tuyên thệ được Tòa Án của Giáo Hội ở Macao thu thập: Công Vụ của cuộc Điều Tra này được soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha, và theo thói quen của Bộ đặc trách về các án phong thánh, các văn kiện ấy phải được chuyển dịch.
Trong số tất cả các bản cung khai ấy, cần ghi nhận có 7 bản do những chứng nhân tận mắt kể lại, tức là những người đã đích thân chứng kiến không những điều đã xảy ra trước hoặc sau cuộc hành quyết vị Tôi Tớ Chúa, nhưng nhất là chính cuộc hành quyết.
Các bản cung khai khác do 16 nhân chứng gồm những thương gia, thủy thủ, binh sĩ, đến Hội An (Faifo) trên chiếc tàu do thuyền trưởng João de Rezende de Figueiroa điều khiển. Vì thế, họ là những người gần kề nơi hành quyết Thầy Anrê, và do đó, họ biết được cuộc hành quyết do một số nhân chứng tận mắt, và điều xảy ra không phải từ lâu, nhưng chỉ mới vài tiếng đồng hồ sau các biến cố đau thương. Trong số những người đã chứng kiến các biến cố ấy, hiển nhiên là có nhiều người khác, dân chúng địa phương, nhưng vì lý do ngôn ngữ, nên họ không được triệu đến để làm chứng trong Cuộc Điều Tra, xét vì Cuộc Điều Tra này do những nhân vật người Bồ thi hành.
Ngoài những điều được thu thập và ghi nhận trong Công Vụ cuộc Điều Tra theo giáo luật, còn có hai bản cung khai ngoài cuộc điều tra, có chứng thực hẳn hoi, do một khách thương người Ý tên là Orazio Massa, và một người Việt Nam, Louis Đuôn (Duón), hai người đã chứng kiến tận mắt cuộc tử đạo của Thầy Anrê. Nhưng họ không có mặt ở Macao khi diễn ra cuộc Điều Tra và vì thế, họ không thể được triệu tới để cung khai tại Tòa.
Những tài liệu phong phú về cuộc bắt giam, cầm tù, lên án tử hình và hành quyết Thầy Anrê, cũng như về lòng kiên trung trong đức tin của vị tử đạo, quả là một điều hiếm có, nếu như không muốn nói là độc nhất vô nhị, trong việc thu nhập tài liệu về các án phong các vị Tử Đạo: chỉ có một số rất ít trường hợp trong đó các chứng nhân tận mắt, sau khi chứng kiến cuộc tử đạo của một người, cung khai chính thức theo đúng qui luật về những gì họ thấy và nghe được.
***
Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh RanRan (Phú Yên), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị linh mục Thừa Sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.
Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 (hay 1626), không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.
Theo các bản Tường Trình của cha Đắc Lộ, một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức là năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê bắt đầu thi hành công tác Thầy Giảng.
Về tầm quan trọng và sự nghiêm chỉnh của nhóm Thầy Giảng này, chúng ta có những tin tức rất chính xác, do chính cha Đắc Lộ cung cấp trong một tài liệu ngài gửi cho các bề trên, để tường trình cho các vị về diễn tiến công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong từ tháng 7 năm 1642 cho đến tháng 7 năm 1643. Bên cạnh hai Kitô hữu trưởng thành tận tụy rao giảng Tin Mừng, còn có một nhóm những người trẻ hơn, theo gương các vị đứng tuổi, cũng tuyên thệ công khai tại nhà thờ là sẽ cộng tác vào việc cứu vớt các linh hồn, dưới sự hướng dẫn của các Thừa Sai hoặc những vị do các ngài chỉ định (4).
Trong số những người trẻ ấy có Thầy Anrê: theo tất cả các văn kiện, và chứng từ đầu tay chúng ta có được, Thầy là một thanh niên đã được Chúa Giêsu Kitô chinh phục kêu gọi, và đáp lại tình yêu Chúa, Thầy tận hiến cho Chúa, và qua đó, thực hành bước tiến căn bản của việc bước theo Chúa Kitô (sepuela Christi) một cách chân thực, hiểu theo nghĩa mạnh nhất của từ này.
Trong nhóm các Thầy Giảng, Thầy Anrê là nhân vật đứng thứ hai, sau một số thầy đã đứng tuổi; nhưng qua chứng từ của cuộc Điều Tra, người ta biết Thầy Anrê thi hành một công tác quan trọng hơn trong Hội các tín hữu Kitô dấn thân như thế.
Như ta đã thấy rõ qua những biến cố đưa tới cuộc tử đạo của Thầy Anrê, điều hiển nhiên là Thầy đã nhập tâm những nguyên tắc hướng dẫn hoạt động của các Thầy Giảng và sống các nguyên tắc ấy một cách tận tình.
Khi để ý tới những điều đó, ta sẽ không ngạc nhiên khi đọc thấy một số nhân chứng kể lại trong cuộc Điều Tra về sự tử đạo của Thầy Anrê. Một số nhân chứng ấy đã ba lần gặp Thầy Anrê trong nhà của cha Đắc Lộ, nhân dịp họ du hành đến Đàng Trong; vì thế, họ có thể quan sát cách thức Thầy phục vụ cộng đoàn ở Hội An; lòng nhiệt thành xả thân của Thầy, với tất cả lòng trung thành và hăng say, trong việc giảng dạy đức tin Kitô cũng như trong việc cử hành phụng tự của nhóm các tín hữu. Rồi chính Thầy cũng được nhiều người biết đến như một tín hữu Kitô siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối và Thánh Thể.
Vì thế, ta có thể và phải kết luận rằng lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.
***
Dựa trên những tài liệu phong phú đã nói trên đây, chúng ta biết rõ diễn tiến và sự liên kết giữa các biến cố có liên quan trực tiếp tới những ngày cuối cùng của Thầy Giảng Anrê và cái chết anh dũng của Thầy vào ngày 26-7-1644 (5).
Trước cuối tháng 7 năm 1644, Quan Nghè Bộ đã trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước. Vì thế Quan quyết định hành động trước tiên là chống lại các thầy giảng.
Cha Đắc Lộ, khi biết Quan trở về dinh, nhưng không hề hay biết ý định của Quan, nên tới thăm Quan vì xã giao và để củng cố những quan hệ tốt đẹp đã có trước đó.
Sau khi cho Thầy Anrê được ở lại nhà để săn sóc 4 bệnh nhân tại đó, cha Đắc Lộ xuống thuyền đến dinh Quan Nghè Bộ. Khi đến gần, cha gặp khách thương người Ý Orazio Massa. Nét mặt rất lo âu, ông cho cha Đắc Lộ biết: Quan cùng với các thẩm phán khác, đang âm mưu toan chống lại cha và các tín hữu Kitô, và ông xin cha hãy ẩn tránh, để đừng diễn ra điều đã xảy ra hôm trước cho thầy giảng già, cũng tên thánh là Anrê, thầy ấy đã bị bắt và đang bị cầm tù.
Cha Đắc Lộ, sau khi ra lệnh cho những người tháp tùng hãy mau lẹ trở về, quyết định đến chào thăm Quan và thương thảo với ông. Nhưng Quan cho cha biết rằng chúa Đàng Trong rất giận dữ khi thấy vì cha mà nhiều dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân bản xứ nữa; còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.
Thấy rằng thảo luận với Quan từ nay chỉ mất thời giờ, nên cha Đắc Lộ rời dinh Quan Nghè Bộ, đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một Thầy Giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Cha muốn ở bên cạnh và nâng đỡ Thầy trong cảnh ngục tù, thân phận mà Thầy chấp nhận trong thanh thản và vui tươi vì lòng yêu mến Chúa Kitô.
Trong khi ấy, một toán lính khác được Quan sai tới nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một Thầy Giảng khác tên là Ignatio. Nhưng Thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ trong một thời gian ngắn.
Khi lính ập vào nhà, họ chỉ tìm thấy Thầy Anrê trẻ, để khỏi về dinh Quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh Quan Trấn Thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thầy được dẫn tới trước mặt Quan. Lính thưa với Quan rằng họ không tìm thấy Thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một Thầy Giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo (6).
Nghe vậy Quan tìm nhiều cách làm cho Thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”.
“Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời Quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: Vậy xin Quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, tôi vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì chính nghĩa, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”. (7)
Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, Quan truyền đóng gông (8) và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ thầy Anrê già.
Cha Đắc Lộ cho chúng ta biết tâm trạng của hai Thầy Giảng khi viết rằng: “Thật không thể giải thích được niềm vui của hai tù nhân này lớn lao dường nào khi thấy mình được liên kết với nhau, được vinh dự mang gánh nặng của Thập Giá ấy, vì niềm tin nơi Chúa Kitô: những lời chúc tụng họ dâng lên Thiên Chúa vì ân huệ ấy, những cuộc nói chuyện đầy lòng yêu mến, qua đó, họ khích lệ nhau trong mong ước và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai, với những tâm tình sùng mộ khác tương tự như vậy, người ta có thể tưởng tượng dễ hơn là giải thích” (9).
Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới nhà giam hai tù nhân: Thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự cười nhạo mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, “dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu vô biên của Chúa, Đấng đã dâng hiến mạng sống vì loài người…những lời Thầy lặp lại cho đến chết khi trút hơi thở cuối cùng là: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa. Chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”, và Thầy nói điều đó với tất cả lòng yêu mến làm cho Thầy cảm động rơi lệ” (10).
Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh Quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài Quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn Thầy về ngục thất. Còn thầy Anrê già thì được tha vì lý do tuổi tác nhờ lời xin của cha Đắc Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.
Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Đắc Lộ cùng nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.
Đến nơi hành hình, Thầy Anrê quì xuống. Quân lính vây quanh tứ phía, họ tháo gông cho Thầy và trói hai tay Thầy lại. Trong khi đó, theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu bên dưới chỗ Thầy Anrê quì để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình rơi xuống đất, như trường hợp Máu Cực Trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Cha Đắc Lộ tôn trọng quyết định của Thầy Anrê và quì xuống bên cạnh Thầy. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thầy được trung thành tới cùng.
Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát dao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn tiếng kêu lên Giêsu.
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.
Sau khi cuộc hành quyết hoàn tất, cha Đắc Lộ, người đã chứng kiến tất cả diễn tiến vụ hành hình kinh khiếp ấy, xin được thi hài của Thầy Anrê và đưa xuống tàu đưa sang Macao và an táng tại đây ngày 15 tháng 8 năm 1644.
Mặc dù tất cả những thăng trầm xảy ra tại Việt Nam từ ngày đó đến nay, các tín hữu Công Giáo Việt Nam không bao giờ quên Thầy Giảng Anrê, và tiếp tục coi Thầy là vị tử đạo đầu tiên của đất nước họ và cầu nguyện, xin Thầy chuyển cầu cho họ nơi tòa Chúa, để được sức mạnh can đảm sống phù hợp với đức tin và trung thành với ơn gọi Chúa Kitô.
***
Ý thức về lòng mộ mến sinh động hơn bao giờ hết và đã có từ lâu của các tín hữu đối với Thầy Giảng Anrê tử đạo, các Giám Mục Việt Nam, khi về Roma dự Công Đồng chung Vatican 2, đã xin Đức Thánh Cha Phaolô VI đẩy mạnh án phong Chân Phước cho Thầy Giảng Anrê. Các vị bày tỏ xác tín rằng việc tôn phong này là một trong những phương thế hữu hiệu nhất, để phát triển nơi các tín hữu, lòng gắn bó sâu xa với Giáo Hội. Các Giám Mục Việt Nam cũng nhấn mạnh sự kiện Thầy Giảng Anrê là một thah niên Công Giáo, từ 16 tuổi, đã dâng hiến cuộc sống, để giúp các linh mục trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô tại Việt Nam. Các Giám Mục nêu bật điều này: tấm gương của Thầy Giảng Anrê, qua thái độ bình thản và cương quyết chấp nhận tử đạo, là một trợ lực mạnh mẽ cho những người giống như Thầy, đang chịu đau khổ để bảo vệ đức tin và trung thành với Chúa Kitô và với Giáo Hội.
Do sự can thiệp trên đây của các Giám Mục Việt Nam, Văn Phòng Thỉnh Nguyện Viên án phong Thầy Giảng Anrê đã quyết tâm thực hiện các cuộc nghiên cứu cần thiết để đẩy mạnh án phong. Rồi vào năm 1997, Văn Phòng đã được Bộ Phong Thánh nhìn nhận Công Vụ cuộc điều tra diễn ra tại Macao trong những năm 1644-1645; sau khi bổ túc các dữ kiện và tin tức mà Công Vụ này mang lại, cùng với thành quả các cuộc nghiên cứu lịch sử thực hiện ở Âu Châu và Á Châu; Văn Phòng Thỉnh Nguyện viên đã soạn Tập Hồ Sơ về cuộc tử đạo, gồm 2 cuốn, và đã đệ trình Bộ Phong Thánh để xin cứu xét. Trước hết, các Vị Cố Vấn Sử Học, rồi với các vị Cố Vấn Thần Học đều đồng thanh bày tỏ ưng thuận và nói rằng bằng chứng cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê thật là rõ ràng.
Phán quyết chung kết này cũng được các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Bộ Phong Thánh đồng ý, và Đức Thánh Cha, sau khi được vị Tổng trưởng Bộ Phong Thánh thông báo đầy đủ về kết quả tích cực, đã cho công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê, và ngài quyết định cho tiến hành lễ phong chân phước tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 5 tháng 3 năm 2000./.
CHÚ THÍCH:
Cha Đắc Lộ, dòng Tên, sinh tại Avignon bên Pháp năm 1591 và gia nhập dòng ở Roma. Được gửi đi truyền giáo tại Viễn Đông, sau khi sống 3 năm tại Ân Độ và 9 tháng ở Malacca, cha tới Macao năm 1623, bắt đầu học tiếng Nhật để chuẩn bị hoạt động truyền giáo ở Nhật Bản; nhưng rồi cha được bề trên gửi tới phần đất ngày nay gọi là Việt Nam.
Relação do glorioso Martirio de Andre Cathequista Protomartir de Cochinchina, alenceado, e dogolado em Cachão aos 26 Julho de 1644. Tendo de idade dezanove anos, nguyên văn tiếng Bồ Đào Nha của cha Đắc Lộ, ghi ngày 1.8.1644 tại xứ Đàng Trong: Ms. Marid, Real Acedemia de la Historia, Jesuitas, leg.21 bis, fasc.17, foll. 228-234v (originale?); AHSI, JAP./SIN: 71, foll.262-265; Lisbona, Biblioteca da Ajuda, Jesuistas na Asia, Vol.40/V/13, foll.218v-223.
Relatione del glorioso Martirio di Andrea Catechista Protomartire della Cocinchina, patito alli 26 Luglio 1644, AHSI, JAP./SIN. 69,foll.25-38v.
Martyrium Andreae Cathechistae qui primus in Regno Cocincinae pro Christi fide sanguine fudit a P. Alexandro DE RHODES Societas Jesu descriptum, Ms SHSI, JAP./SIN. 70, FOLL.127-138.
[Alexandre de Rhodes, S.J.], Relatione della morte di Andrea Catechista che primo de Christiani nel regno di Cocincina è stato ucciso dagl+infedeli in odio della fede, alli 26 di Luglio 1644, descritta dal padre Alessandro de Rhodes della Compagnia di Giesu, Roma, per gli Heredi del Corbellitti, 1652, 3 f.+42p. +1 f.[Roma, APSI,e Bibl. Nazioanle Centrale Vittorio Emmanuele II, coll.14.26.E.2; Lisbona, Bibl. Nacional, coll. R14164 V]
[Alexandre de Rhodes, S.J.] La glorieuse mort d+André catéchiste de la Cochinchine, qui a le primier versé son sang pour la querelle de Jesus-Christ, en cette histoire, Paris, Sébastien et Gabriel Cramoisy, 1653, 122p.
[Alexandre de Rhodes, S.J.], Relação de morte do carequista André, proto-martir de Cochinchina, [dịch ra tiếng Bồ từ văn bản tiếng Ý ấn hành ở Roma năm 1652, của Miguel Serras Pereiral], Macao, Tipog. da Missão, 1978, 27pp., e in Boletim Eclesiástico da Diocese de Macau, n.76,1978, pp.237-262.
Cf. Missão de Cochinchina desde fim de 1642 ate o fim de 1643, thủ bút của cha Đắc Lộ S.J., đề ngày 15.11.1643 tại Macao, ở Văn Khố sử học của dòng Tên ở Roma, coll.Jap./Sin. 71,foll.224-237.
Xem Congregatio de Causis Sanctorum, Prot. N.1022, Danagen. Olim Cocincin. Beatificationis seu Declaratioinis Martyrii Servi Dei Andreae, viri laici et catechistae, Proto-Martyris de Vietnam, Positio super Martyrio, 2 coll., Roma 1998.
Tường Trình thứ hai, Positio, vol.I, p.92.
Ivi.
Chính cha Đắc Lộ đã mô tả chiếc gông này (cf.positio p.91). Gông hai cây gỗ tròn, mỗi cây dài khoảng 12 gang tay, chúng được xếp đặt như một cái thang với bốn thang ngang nhỏ, mỗi đầu cây gỗ tròn có hai thang ngang nối vào nhau, trong khi hai thang khác được đặt ở giữa gông cách đều nhau kẹp vào cổ tù nhân.
Ivi, p.93
Cf. Positio, p.126
THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN
TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT
Tường trình về cuộc tử đạo vinh quang của Thầy Giảng Anrê do linh mục Alexandre de Rhodes, SJ. (1-8-1644)
Mặc dầu chúng tôi hết sức khẩn khoản và dùng mọi lý lẽ trình với Quan Nghè Bộ, nhưng không thể nào làm cho quan tha mạng cho Thày Giảng Anrê vinh hiển. Thực vậy, Quan Nghè Bộ phàn nàn về các câu trả lời rất thẳng thắn của Thày Giảng và nói: “Anh ta thật bạo gan khi trả lời với tôi rằng anh là Kitô hữu và tôn thờ Chúa Tể Trời Đất, và vì thế, anh sẵn sàng hiến mạng sống và chấp nhận mọi hình phạt người ta muốn dành cho anh! Vậy, Quan Nghè Bộ nói tiếp, vì anh điên dại đến độ nói năng như thế, nên anh phải chết”.
Bấy giờ chúng tôi thấy rằng, dù có vận động thế nào đi nữa để kéo dài cuộc sống trần thế của Thày Anrê tốt lành này, cũng đều là vô ích, bởi vì Chúa sớm ban cho Thầy cuộc sống đời đời với vinh quang sung mãn của ngài; và chúng tôi có thể nói về Thày rằng: “được nên hoàn thiện chỉ trong một thời gian ngắn, thì kể như Thày đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài; quả thực linh hồn Thày được Chúa chấp nhận” (Kn 4, 13-14)
Vậy chúng tôi đi đến nhà tù nơi Thày bị giam giữ; tôi chúc mừng Thày vì số phận cao cả dành cho Thày. Nhưng Thày hết sức từ chối không chấp nhận lời chúc mừng đó và nói rằng người ta phải cầu nguyện cho Thày để Thày được Chúa ban lòng trung thành và biết ơn Chúa cho đến chết, lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Và khi tôi hỏi Thày xem có điều gì làm cho Thày phải đau lòng, Thày trả lời rằng Thày không có điều gì phải hối tiếc cả, và tâm hồn Thày rất hài lòng đến nỗi lòng ngực như nổ tung ra vì vui sướng. Và Thày làm chứng cho những lời nói đó qua sự thanh thản của một nét mặt như thiên thần và nói rằng Thánh Thần Thiên Chúa ở trong linh hồn này của Thiên Chúa, đang biểu lộ ra cách nhãn tiền. Và vì thế, mắt đẫm lệ, họ xin Thày cầu nguyện cho họ.
Dân chúng đến thật đông, cả Kitô hữu lẫn người lương. Đặc biệt những người lương này thật ngỡ ngàng khi thấy một việc chưa từng có trong xứ sở của họ : có người muốn chết vì Đạo và vì chân lý. Đó là hoa quả đầu mùa của vùng đất này, và điều này càng quý hơn nữa, đến nỗi cả những người lương cũng khóc lên trước cảnh tượng ấy.
Vào lúc 5 giờ chiều, người ta điệu Thày ra pháp trường, hay nói đúng hơn là dẫn đến nơi lãnh triều thiên tử đạo vinh quang. Tâm hồn mọi người cảm thấy se lại khi thấy nét mặt thanh thản của Thày trong lúc bước đi, và bước chân của Thày nhanh nhẹn đến nỗi chúng tôi phải chạy theo và vất vả lắm mới đuổi kịp Thày.
Thày bước đi giữa toán lính, người thì mang giáo, người khác mang đao; và trên đường đi, Thày Anrê phúc lộc lên tiếng dạy dỗ họ và chỉ cho họ con đường về Quê Trời. Tới nơi xử hồng phúc, Thày Anrê tốt lành quì ngay gối xuống; Thày chào từ giã các tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong niềm tin, “để bảo toàn tình bạn với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và cho tới muôn đời”. Đó cũng là những lời Thày lập đi lập lại nhiều lần. Và tại nơi xử, lính tháo gông cùm cổ Thày và trói tay Thày lại; một người trong bọn lính cầm giáo đâm một nhát từ đàng sau hông trái xuyên qua tới bên kia, trong khi vị tử đạo vinh quang kêu cầu Vị Chỉ Huy của mình là Chúa Giêsu Kitô. Khi thấy Thày Anrê dũng cảm, bất khuất, chưa ngã gục vì nhát dao thứ nhất, chính người lính ấy đã bồi thêm cho Thày nhát thứ hai, rồi nhát thứ ba, và các nhát giáo này xé tan phần lớn ngực của Thày trong khi Thày Anrê trung tín luôn mạnh mẽ kêu cầu tên cực trọng Chúa Giêsu. Và khi đầu Thày hơi ngả về bên phải, một tên lý hình khác, với hai nhát dao chém đứt cổ của Thày, làm cho vị tử đạo diễm phúc ngã xuống về bên phải như một khúc cây, trong khi tên cực thánh Giêsu còn vọng vang nơi cổ họng bị đâm thâu qua, máu vọt ra bên ngoài. Và thế là kết thúc cuộc tử đạo, vinh hiển biết bao, linh hồn diễm phúc này, được tiếp đón vào vinh quang đời đời.
Trích bài tường thuật cuả Cha Alexandre de Rhodes, SJ. Nhân chứng tại chổ của cuộc tử đạo, được viết ra ngày 1 tháng 8 năm 164, tức là 5 ngày sau kh I thày Anrê chịu tử đạo : Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Ajuda, bọ sưu tập Dòng Tên tại Á Châu, cuốn 49/V/13, tờ 218v.-223
Lm.Alexandre de Rhodes. S.J.
Tác giả: Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS