Dù chưa thấm nhuần Giáo Lý Công Giáo và chỉ với một Ðức Tin thô sơ các Anh Hùng Tử Ðạo Việt Nam đã đổ máu đào ra “vì Ðạo Chúa”
HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lời Giới Thiệu
của Lm. Hồ Ngọc Thỉnh
Hạnh Tích Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Tôi vừa hân hạnh vừa cảm động nhận từ tay Linh mục Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS, tác phẩm ngài mới hoàn thành với rất nhiều công phu và nhiệt huyết. Hân hạnh vì tôi cảm thấy mình không đủ khả năng và cũng không xứng đáng để giới thiệu một cuốn sách vượt quá tầm hiểu biết chuyên môn của mình. Cảm động vì tác giả đã ân cần trao cho trách nhiệm giới thiệu với bạn đọc “Hạnh Tích Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam” mà chính tôi cũng chưa ý thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của các “Anh Hùng Ðức Tin“ trong đời sống mỗi Kitô hữu ngày nay và ngày mai. Tôi chỉ còn cách khiêm nhường xin Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hướng dẫn những dòng tư tưởng thô sơ sau đây.
Trong cuốn sách này Linh mục Nguyễn Ðức Việt Châu muốn nhấn mạnh đến một điểm quan trọng: dù chưa thấm nhuần Giáo Lý Công Giáo và chỉ với một Ðức Tin thô sơ các Anh Hùng Tử Ðạo Việt Nam đã đổ máu đào ra “vì Ðạo Chúa” một cách can trường có một không hai trong lịch sử nhân loại. Lời Chúa mới vừa được gieo vào đất Việt như rơi bên vệ đường hay trên đá sỏi, thế mà đã sinh hoa kết quả phong phú “hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 1-23). Ðời sống và cuộc xưng đạo của thánh giáo dân Phaolô Hạnh ( 1827-1859) là một bằng chứng cụ thể và hùng hồn cho nhận xét trên:
Việc Chúa làm thật lạ lùng! Phaolô Hạnh đang là một “tay anh chị”, một tên đầu đảng cướp giật khét tiếng, thế mà Chúa đã ban ơn để chỉ trong một thời gian đau đớn vì Chúa mà Phaolô Hạnh đã trở nên một chứng nhân Đức Tin kiên cường giữa thời cấm đạo tàn ác dưới triều vua Tự Đức, một ông vua khét tiếng là ghét đạo Thiên Chúa . Hạnh đã hiên ngang tiến ra pháp trường lãnh nhận triều thiên tử đạo. Những người chứng kiến cái chết anh dũng của Phaolô Hạnh đều ngỡ ngàng nói với nhau rằng: “Chàng thanh niên này chọc trời, quấy nước thế mà bây giờ lại chấp nhận đánh đập, bị kìm sắt nung đỏ kẹp thịt cháy xèo xèo như bị nướng thế mà cũng không chịu bỏ đạo. Bây giờ lại vui vẻ tiến ra pháp trường chịu chém đầu. Thật là lạ lùng, có những con người can đảm xưng đạo một cách oai hùng như thế. Đáng chúng ta cảm phục! Ngày trước chàng thanh niên Hạnh này cũng là tên đầu trộm đuôi cướp thế mà bây giờ dám can đảm đổi sự sống mình vì đạo. Anh Phalô Hạnh thật là vị anh hùng Đức Tin, xứng đáng để chúng ta noi gương mà sống tốt lành, thờ phượng Chúa.”
Một “hạt giống”như Phaolô Hạnh không phải từ trời rơi xuống, nhưng do các nhà Truyền Giáo từ Âu Châu gieo rắc. Ðiển hình là Thánh Gioan Carôlô Cornay Tân, Linh mục Thừa Sai Paris (1809-1837). Lời Chúa đã tiềm tàng trong tâm hồn Ngài ngay từ lúc tuổi còn thơ: sau khi mãn trường ở bậc tiểu học, cậu xin vào học trong chủng viện Saumur và Mont Morillon rồi năm 1827 Jean Carôlô Cornay xin vào đại chủng viện Poitiers với ý định sau này sẽ trở thành linh mục Thừa Sai. Khi giảng đạo ở Ðàng Trong với khí hậu và thời tiết của vùng nhiệt đới, Ngài bị đủ các chứng bệnh, như sốt rét thương hàn, nhức đầu, đau tai, nhức răng, đau mắt v.v. Nhiều người khuyên Ngài trở về Pháp quốc để chữa trị, nhưng Ngài nói: “ Chúa đã sai tôi đến đây. Tôi chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của tôi rồi, nếu có phải chết, tôi xin chết tại đây. Tôi không đi đâu nữa.” Khi bị dụ dỗ phản đạo, Cha lắc đầu chối: “Nếu quan lớn tha thì tôi về, còn việc bước qua Thánh Giá thì không bao giờ có thể xẩy ra được”. Bị ép buộc quá, cha thẳng thắn trả lời: “Thưa các quan lớn, tôi chỉ chuyên lo giảng dạy đạo thật cho người ta, luôn khuyên bảo làm lành lánh dữ, dạy con cái thảo hiếu với cha mẹ, dạy dân chúng phải tùng phục vua quan, cầu nguyện cho vua quan biết thương dân trị nưóc. Như vậy làm sao tôi có thể làm ngược lại những điều chúng tôi khuyên dạy người dân? Không bao giờ tôi khuyên dân làm loạn. Ai báo cáo với các quan là tôi xúi dân làm loạn, đó là điều vu khống. Tôi phủ nhận hoàn toàn”.
Khi hạt giống Đức Tin đã chọn cách đồng Truyền Giáo Việt Nam “làm quê hương thứ hai rồi”, thì dĩ nhiên không còn gì có thể cản ngăn đồng lúa Việt Nam trổ bông thơm ngát. Tuy nhiên lịch sử Giáo Hội bao giờ cũng được viết bằng những dòng mực đẫm máu của các Anh Hùng Tử Ðạo. Các ngài đã sống cao thượng và biết hy sinh tính mạng vì Ðức Tin, thật xứng đáng để Thánh Vịnh (125,6-7) ngợi ca:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau sẽ khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”.
Ðọc “Hạnh Tích Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam” của Linh Mục Nguyễn Ðức Việt Châu chúng ta sẽ thấy ý thơ duyên dáng của Thánh Vịnh 125 tản mát nhưng tiềm tàng sâu đậm trong mỗi cuộc xưng đạo của từng Thánh Nhân. Trọng tâm việc tuyên xưng Ðức Tin của các Ngài không lệ thuộc vào những lý luận dài dòng hay chủ trương nhằm thắng bại trong việc tranh luận giáo lý, cũng không phải trình bày những bài giảng thần học rườm rà sâu xa, nhưng chỉ thể hiện qua ý chí sắt thép và hành động can trường không chịu “bước qua Thánh Giá”. Các Ngài cam chịu mọi khổ hình cực kì dã man khủng khiếp vượt quá sức tưởng tượng của con người bình thường (như trảm quyết, lăng trì, xử giảo, chết rũ tù, voi giày, ngựa xé …), nhưng trên môi vẫn giữ nụ cười bình thản, gần như ngạo nghễ, vì muốn bắt chước Chúa Giêsu tử nạn để được hưởng “Phúc Trường Sinh”. Thử hỏi có nhà thần học hiện đại nào diễn tả Chân Lý và tinh thần Truyền Giáo một cách hùng tráng, sống động và cụ thể hơn Thánh Giám Mục Giuse Diaz Sanjurjo An (1818-1857) khi tiến ra pháp trường Bảy Mẫu? Tới nơi, Ngài xin mấy phút quì cầu nguyện tạ ơn Chúa. Ngài xin hoãn một lát rồi lớn tiếng nói đôi lời với những người hiện diện. Sau đó Ngài quay lại nói với viên chỉ huy rằng:
“Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan một ân huệ: Xin quan đừng cho chém tôi một nhát. Nhưng tôi xin chém tôi 3 nhát: Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành ra tôi. Còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí dù có phải chết cho đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần hanh phúc cùng các thánh trên Trời”.
Ngoài ra, những người giáo dân đơn sơ mộc mạc sẵn sàng sống chết vì Ðạo Chúa bằng cách che chở cho các Nhà Truyền Giáo khi các Ngài bị lùng bắt. Họ đã dấu các Ngài trong nhà, trong bụi rậm, trong kho lúa, trong hang sâu và kín đáo tiếp tế lương thực nuôi các Ngài. Khi các Ngài bị bắt thì họ cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng theo chân các Ngài ra pháp trường. Thử hỏi ngày nay có giáo dân nào hỗ trợ các linh mục trong cơn hoạn nạn một cách can đảm như Anê Lê Thị Thành, cũng gọi là Anê Đê (1781-1841)?
Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, tại làng Phúc Nhạc khi ấy có nhiều linh mục và Thừa Sai đang trú ẩn , vì xứ Phúc Nhạc vừa lớn lại vừa đông giáo dân. Ngày 14 tháng 4 năm 1941 quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đích thân đem 500 lính về bao vây kín làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày lễ Phục Sinh. Quan lệnh cho tất cả mọi người phải tập trung lại rồi cho quân lính tới lục soát từng nhà Cha Thành và cha Ngân vội trốn thoát. Cha Nhân vừa dâng lễ nhanh chân trốn lên sàn gác nhà dòng Mến Thánh Giá nhưng sơ ý để gấu áo ra ngoài kẽ ván nên bị phát giác và bị bắt, cha Lý được ông trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê vội nói:
– “Xin cha ẩn dưới rãnh này, Chúa gìn giữ thì cha thoát, bằng không thì cả cha và con sẽ cùng bị bắt”
Nói xong, bà cùng người con gái tên Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên. Nhưng quân lính đã phát giác nên cha Lý và bà Đê là chủ nhà cùng bị bắt. Về tới Nam Định bà Thành bị giam chung cùng với hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Tại đây các quan dụ dỗ bà bước lên Thánh Giá nhiều lần, nhưng bà và hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã anh dũng xưng đạo một cách mạnh mẽ, thà chịu chết chứ không thể bước lên Thánh Giá Chúa.
Các quan hỏi tại sao bà cứng lòng như vậy thì bà thưa:
– “Thưa quan lớn, tôi quyết tâm tin theo Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên tôi và muôn loài, tôi không thể bỏ Chúa tôi”.
Những mẫu truyện sống động như trên, đã được tác giả viết lại bằng một lối hành văn trong sáng, dí dỏm và rất sát với thực tế. Tác giả hết sức tôn trọng sự kiện lịch sử, thu thập nhiều tài liệu ngần nào có thể, không bỏ qua một chi tiết quan trọng nào, nhưng vẫn giữ được nét thanh thản và phóng khoáng, khi thuật lại lịch sử các Ðấng Anh Hùng. Hầu hết các câu đối thoại là những lời truyền khẩu, thế mà tác giả đã linh động hoá được lời văn và cách tường thuật, đến nỗi người đọc có cảm tưởng như nghe tiếng ai văng vẳng kể truyện bên tai mình. Còn gì quí hoá và đẹp đẽ hơn những lời tuyên dương Ðạo Chúa của Thánh thầy giảng Giuse Nguyễn Đình Uyển (1773-1838). Khi quan quân bắt Thầy bước qua Thánh Giá bắt Thầy với những lời đe doạ bực tức:
– “Mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày”.
Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển bình tĩnh trả lời:
– “Thưa quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới hy vọng được phục sinh với Chúa Kitô”.
Khi thấy Thầy quá đau đớn và kiệt sức sau nhiều lần tra tấn quan cho cai ngục đưa Thầy về nhà tù. Cai ngục mủi lòng thương, cho Thầy uống thuốc chữa trị Sau 15 ngày, Thầy hồi lại sức. Quan lại truyền dẫn Thầy ra toà, hy vọng có thể lung lạc được lòng tin của Thầy. Quan thấy Thầy sức yếu, tướng mạo hiền hoà, mà phải đeo gông cùm nặng nề, thì thương và dùng những lời lẽ ngọt ngào khuyên Thầy:
– “Này ông Uyển hãy bước lên Thánh Giá, ta sẽ cho về với vợ con”
Thầy điềm đạm trả lời:
– “Thưa quan, tôi không có vợ con”
Quan tòa bừng bừng nổi giận quát lớn tiếng:
‘ “Bước qua Thánh Giá để giữ lấy mạng sống. Con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống chi con người”.
Thầy Uyển can đảm và khiêm tốn đáp lại:
– “Thưa quan, nếu quan thương thì tôi được sống, bằng không thì tôi sẵn sàng lãnh nhận cái chết. Còn việc quá khoá và bước lên ảnh tượng để bỏ đạo thì dứt khoát không bao giờ tôi làm”.
Sau ít ngày, quan Tuần Phủ lại ra lệnh đưa Thầy ra trước toà và ôn tồn khuyên Thầy bước lên Thánh Giá. Quan nói với Thầy:
– “Tôi thấy ông già yếu, lại hiền lành nên tôi muốn tha ông. Vậy ông hãy vui lòng nghe tôi bước lên Thập Tự này thì tôi sẽ tha ngay, vì lệnh nhà vua như thế”.
Thầy bình tĩnh thưa lại”
– “Thưa quan, đã nhiều lần tôi đã nói, nếu quan tha thì tôi đội ơn, còn việc bước lên Thánh Giá thì dứt khoát không thể nào tôi nghe theo quan. Nếu phải chết thì tôi sẵn lòng chịu chết”.
Nghe Thầy nói, quan tỏ lòng cảm phục ý chí sắt đá của Thầy. nhưng vì tự ái quan lại nói:
– “Bề ngoài ông như sắp chết, thế mà trong lòng vẫn cương quyết, không sợ chết. Thật lạ lùng!”.
Quan nổi giận vì lòng trung tín anh hùng đó, liền truyền quân lính thay gông nặng xiết vào cổ Ngài mà quay nhiều vòng. Bị máu chảy nhiều và quá đau đớn, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục, với niềm hân hoan đón nhận triều thiên tử đạo sáng ngày 4 tháng 7 năm 1838. Hưởng thọ 63 tuổi.
Tôi cố ý nêu lên những ví dụ như trên, để một là chứng minh cho những điều mình nói, hai là để độc giả thưởng thức trước được vài nét độc đáo của 118 Hạnh Tích Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam trong cuốn sách này. Với niềm hy vọng ấy, tôi thành thật cám ơn Linh mục Nguyễn Ðức Việt Châu SSS, đã cho tôi được hân hạnh giới thiệu cuốn sách giá trị này, một tác phẩm vừa có tích cách sử học, vừa có đường hướng mục vụ cho mọi thế hệ con cháu Lạc Hồng.
Hè New Orleans, Louisiana 2005
Lm. Hồ Ngọc Thỉnh
Tiến Sĩ Xã Hội Học