Đề tài 7:
Dửng dưng là đóng kín con tim trước tha nhân, nhắm mắt không nhìn thấy xung quanh mình, hay tránh né không để bị đụng chạm bởi các vấn đề của người khác, nhất là của những người cùng khổ, gặp nạn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thái độ dửng dưng ngày nay đã vượt quá ngưỡng cá nhân, thềm gia đình, để mang chiều kích toàn cầu.[1] Đức Thánh Cha nêu lên vài hình thức dửng dưng ngày nay:
– Trước hết là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa. Từ đó mà con người dửng dưng với tha nhân, với thiên nhiên, thế giới thụ tạo. Con người hiện đại, hậu hiện đại thường cho mình là tác giả của chính mình, của cuộc sống mình và của xã hội. Con người tự thấy mình đầy đủ không cần đến Thiên Chúa.
– Nhiều người có thông tin về thảm cảnh của đồng bào, đồng loại, nhưng mù mờ. Họ không cảm thấy được lôi cuốn, không sống cảm thương, nghĩa là không có lòng từ bi lân ái. Đó là thái độ của người biết, nhưng có cái nhìn, tư tưởng, hành động hướng tới chính mình. Thời đại của chúng ta, rất tiếc, gia tăng thông tin quá nhiều, nhưng rất thiếu sự quan tâm từ con tim biết liên đới, từ lương tâm rộng mở.
– Trường hợp khác: dửng dưng bởi thiếu chú ý đối với các thực tại xung quanh, đặc biệt là các thực tại ở xa. Không hỏi thăm tin tức, không tìm kiếm, họ điếc trước tiếng kêu than của nhân loại khổ đau, chỉ biết hưởng thụ của cải mình có. Không có khả năng cảm thương, chạnh lòng trước thảm cảnh, như thể tai họa, bất công xảy ra là trách nhiệm xa lạ của ai đó khác, không phải của tôi.
– Sống trong một Ngôi Nhà Chung là Trái Đất, chúng ta không thể dửng dưng về tình trạng sức khỏe của nó. Ô nhiễm môi sinh: nguồn nước, không khí, khai thác rừng không phân biệt, là hậu quả của sự dửng dưng đối với người khác.
Dửng dưng tạo thái độ khép kín, không dấn thân, rốt cuộc nó góp phần đẩy Thiên Chúa ra xa thế giới con người, làm vắng bóng hòa bình. Sự dửng dưng đối với Thiên Chúa ngày nay vượt quá phạm vi cá nhân lấn nhanh vào phạm vi đời sống công cộng xã hội.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói có một nối kết mật thiết giữa việc làm vinh danh Chúa với việc xây dựng hòa bình của con người trên trái đất này.[2] Bởi thế, nếu “không rộng mở ra với Đấng siêu việt, con người dễ trở thành mồi ngon cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lí và dấn thân cho hòa bình”[3]. Trước một số hiện tượng gây hấn, xâm lấn của một số thế lực lớn áp đảo dân nước nhỏ, ta thấy lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng Bênêđictô là tiên tri: “Lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm qui tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực”[4].
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở: “Trên bình diện cá nhân và cộng đoàn sự thờ ơ đối với tha nhân, con đẻ của sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, mang dáng vẻ của sự bất động và không dấn thân, chúng dưỡng nuôi việc kéo dài các tình trạng bất công và mất quân bình xã hội trầm trọng. Tới lượt mình chúng có thể dẫn đưa tới các xung đột, hay trong mọi trường hợp, làm nảy sinh ra một bầu không khí bất mãn có nguy cơ, mau hay chậm, bùng nổ thành bạo lực và bất an”[5].
Kỷ niệm 50 năm sau Công Đồng hai tài liệu Nostra Aetate và Gaudium et Spes diễn tả cách hùng hồn ý thức liên đới của Hội Thánh với thế giới. Trong Tuyên ngôn Nostra Aetate Hội Thánh được mời gọi rộng mở cho việc đối thoại với các tôn giáo không Kitô. Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, từ lúc “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo và nhất là của tất cả những người đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”[6], thì Hội Thánh đã ước mong thiết lập một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại liên quan tới các vấn đề của thế giới, như dấu chỉ của tình liên đới và sự trìu mến tôn trọng[7].
Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sứ điệp gửi thế giới Ngày Thế Giới Hòa Bình 2016: “trong viễn tượng này, cùng với Năm Thánh Lòng Thương Xót tôi muốn mời gọi Hội Thánh cầu nguyện và hoạt động để mọi tín hữu Kitô có thể có một con tim chín muồi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới hiện đại tạo ra một cách bi đát”, không “rơi vào sự dửng dưng coi thường, không rơi vào thái độ thói quen máy móc làm tê liệt tâm hồn và ngăn cản khám phá ra những sự mới mẻ, không rơi vào thái độ hoài nghi cay độc hủy diệt”[8].
Văn Phòng HĐGMVN
[1] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2016, 2
[2] Cf. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, ngày 7.01.2013.
[3] Ibid.
[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Phát biểu ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Assisi ngày 27.10.2011.
[5] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2016, 4.
[6] CĐ Vatican II, Hch. Gaudium et Spes, 1.
[7] Ibid. 3.
[8] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới, 2; cf. Misericordiae vultus, 14-15.