Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbano II đã lập ra lễ Mình Máu Thánh Chúa KI-tô để xác nhận, bảo đảm và khuyến khích lòng kính mến vốn sẵn có của giáo dân thời Trung Cổ
Nhân ngày lễ long trọng suy tôn Mình Máu Thánh Chúa, tôi xin gởi bài chia sẻ và suy niệm về Bí tích tình yêu này đến mọi người. Đây là bài chia sẻ của Linh mục Gio-a Kim. Phạm Văn Lượng; qua bài viết, chúng ta sẽ biết thêm về nguồn gốc của ngày lễ này cũng như cùng lắng đọng tâm hồn hầu chuẩn bị mừng lễ thật sốt sắng…
1. NGUỒN GỐC LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU
Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbano II đã lập ra lễ Mình Máu Thánh Chúa KI-tô để xác nhận, bảo đảm và khuyến khích lòng kính mến vốn sẵn có của giáo dân thời Trung Cổ bên Châu Âu, với ý nghĩa ban đầu được Thánh Tô-ma tiến sĩ gợi ý qua các bản kinh ca ngợi của Ngài là: “Chúa về Trời nhưng vẫn còn hiện diện bên chúng ta, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể”.
Theo thời gian, lòng sùng kính đó càng ngày càng sâu xa: ngày lễ này được coi là lễ rất trọng. Sau này ý nghĩa được mở rộng ra có tính cách xã hội, với ý hướng là khi mừng lễ, tham dự Thánh Lễ và rước Mình và Máu Chúa, người Ki-tô hữu sẽ noi gương Chúa Giê-su mà trở thành lương thực nuôi sống nhau như trong bài Tin Mừng: Chúa đã nên của ăn của uống nuôi sống những ai tin và gia nhập vào đoàn dân của Người – là Giáo Hội – ở đời này và bảo đảm cho họ có được cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau.
2. CHÚA GIÊ-SU ĐÃ LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Trong bữa Tiệc Ly, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ của Người vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa đã làm một việc vô cùng hệ trọng, một phép lạ lớn lao chưa tùng có, đó là biến bánh miến thành thịt của Người và biến rượu nho thành máu của Người; đồng thời Chúa truyền cho các môn đệ hãy làm như thế để tưởng nhớ đến Người. Vì vậy, bữa Tiệc Ly ngày hôm đó đã trở thành Thánh Lễ đầu tiên do chính Chúa Giê-su là Linh Mục tối cao cử hành. Và trong Thánh Lễ này, Chúa đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể qua việc biến bánh rượu trở nên Mình Máu của Người. Chúa còn muốn qua sự kiện cao quý này, tức là Thánh Lễ với việc truyền phép trên bánh và rượu được tiếp diễn luôn mãi qua các môn đệ của Người ở mọi thời và mọi nơi khi Giáo Hội còn lữ hành trên trần gian này.
3. MÌNH VÀ MÁU CHÚA GIÊ-SU
Công Đồng Trento đã tuyên bố rằng: “Bản thể của bánh và rượu trong lúc truyền phép được biến đổi sang bản thể của Mình và Máu Chúa Ki-tô”. Đây là giáo lý về biến thể. Biến thể có nghĩa là sự biến chuyển vô hình từ một bản thể này sang một bản thể khác. Sau sự biến chuyển này, bánh và rượu không còn nữa, mặc dầu hình bánh và hình rượu vẫn còn, nghĩa là màu sắc, mùi vị, hình thức… tất cả những gì giác quan chúng ta cảm nhận được, vẫn còn y nguyên, không thay đổi. Nhưng bản chất bánh và rượu đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa.
4. THÁNH THỂ LÀ BÍ TÍCH ĐỨC TIN, BÍ TÍCH TÌNH YÊU
Sự biến thể nêu trên là một mầu nhiệm, mầu nhiệm cao cả, chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng Đức Tin. Chính vì thế, sau truyền phép, Linh Mục lớn tiếng công bố: “Đây là mầu nhiệm Đức Tin”.
Thánh Thể còn là Bí Tích Tình Yêu. Thánh Gio-an, môn đệ của Người đã viết: “Chúa Giê-su đã yêu thương các môn đệ của Ngài, và đã yêu thương họ đến cùng”. Đỉnh cao tình yêu của Chúa Giê-su ở đây là việc lập Bí Tích Thánh Thể, để từ nay Người trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Người với bất cứ ai muốn đến viếng thăm, trò chuyện với Người và giữa những người Ki-tô hữu với nhau. Như vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giê-su đã tìm ra một cách thế tuyệt hảo để ở lại với tất cả những ai tin vào Người. Đúng như lời Chúa đã nói: “Thầy ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa đã ở lại, đã chờ đợi chúng ta luôn mãi qua Bí Tích Thánh Thể.
5. THÁNH THỂ CÒN LÀ BÍ TÍCH CỦA SỰ CHIA SẺ
Trong bầu khí thân thương của một bữa ăn từ biệt giữa Chúa Giê-su và các môn đệ, Chúa đã lần lượt cầm tấm bánh và chén rượu, truyền phép và phân chia cho các ông để các ông cùng ăn cùng uống với nhau trong tình huynh đệ. Chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Người.
Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc người Ki-tô hữu, ngoài việc cử hành Thánh Thể bên trong Nhà Thờ, còn phải sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tình yêu ngay trong cuộc sống hằng ngày. Người Ki-tô hữu sẽ cử hành Thánh Thể một cách có ý nghĩa hơn nếu biết sống vị tha, biết quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh. Nếu người Ki-tô hữu nào nghèo của cải vật chất, thì có thể chia sẻ, cho nhau tình thương, sự thông cảm, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.
6. THÁI ĐỘ NỘI TÂM CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU ĐỐI VỚI MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
Việc ăn thịt và uống máu Chúa là một thái độ, một hành vi nội tâm hơn là việc mang tính thể lý, xác thịt. Không có thái độ hay hành vi nội tâm ấy thì việc rước Mình Máu Thánh Chúa có lẽ không được ơn ích gì !
Vả lại, Mình và Máu Chúa là chính Chúa với toàn thể Con Người và hoạt động của Người trong suốt ba năm truyền giảng Tin Mừng. An thịt và uống máu Chúa chính là dùng gương mẫu đời sống của Người, dùng Lời của Người để suy niệm, để thực hành, để bắt chước hầu ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su trong quan niệm, tư tưởng, lời nói và hành động của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài đã yêu thương mà hy sinh lấy Mình Máu Chúa làm của ăn của uống nuôi sống chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận và sống sự sống Thần Linh của Chúa để chúng con biết yêu thương, hy sinh và phục vụ lẫn nhau. Amen.