Một trí thức Nhật ”lỡ yêu” Việt Nam

Một trí thức Nhật ”lỡ yêu” Việt Nam

Suy Tư - Aug 23/08/2014

Tôi đến VN lần đầu vào năm 2000 và quyết định ở lại đây từ 2005. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với vùng đất này, tôi đã không theo học tiếng Việt từ chập chững ABC tới trình độ cao học như bây giờ.

1- Bài viết của người nước ngoài về giới trẻ Việt Nam

Tôi đến VN lần đầu vào năm 2000 và quyết định ở lại đây từ 2005. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với vùng đất này, tôi đã không theo học tiếng Việt từ chập chững ABC tới trình độ cao học như bây giờ.

Tôi yêu nơi này bởi:

– Xã hội an toàn

– Khí hậu rất tốt

– Thức ăn ngon

Nhớ ngày xưa khi còn ngồi ghế giảng đường ở Nhật, tôi đã lập trình cuộc đời mình là sẽ tốt nghiệp, lập gia đình và làm việc mãi mãi ở Nhật. Thế mà chỉ một dịp được đến thăm VN, tôi đã ra một quyết định khiến ai nấy đều bất ngờ là sẽ tới VN sinh sống và chấp nhận học lại từ đầu, bỏ hẳn tấm bằng đại học chuyên ngành xã hội học ở Nhật. Và chắc chắn đây là một quyết định đúng đắn, bởi cha mẹ tôi sau khi qua thăm tôi đã gật đầu đồng ý với quyết định từng được cho là nông nổi ngày nào.

Thật ra, trước khi làm điều gì tôi đã phải tìm hiểu, phân tích rất kỹ càng. Tôi đã tìm hiểu nhu cầu cần nhân sự biết tiếng Việt trong xã hội hay của các công ty Nhật trong tương lai sẽ cao tới mức nào, và nếu biết tiếng Việt thì khả năng thăng tiến của tôi cao hơn khi biết tiếng Anh hay không…?
Chính vì thế
ngoài yếu tố bị thu hút bởi nền văn hóa, tôi cũng đã trình bày với cha mẹ những lý do hợp lý trên, bên cạnh đó đưa ra các mốc thời gian chắc chắn để trở về nước. Tôi cũng hứa sẽ chịu trách nhiệm những việc mình đã và sẽ làm.

Nói điều này, tôi muốn hướng tới việc giới trẻ Việt có lẽ còn coi nhẹ việc xác định hướng đi, đưa ra mục tiêu ngắn và dài hạn trong công việc, cuộc sống. Các bạn cũng chưa quen với việc ngồi lại cùng gia đình để giải thích rõ tại sao mình lại chọn giải pháp đó cho cuộc đời.

Phần lớn mọi người đều làm theo các hướng như: thấy mọi người ra sao mình làm như thế cho hợp thời hoặc chưa có lập trường cụ thể… Khi bạn tập đưa ra bình luận, quan sát và lời hứa thì chắc chắn bạn sẽ làm việc có trách nhiệm, hiệu quả hơn.

Các bạn trẻ Việt cũng có sự thay đổi quá lớn trong cách vận trang phục, ứng xử văn hóa nơi công cộng. Nhớ năm 2000 khi tôi tới VN, mọi người hầu hết đều ăn mặc vô cùng giản dị và rất ít người trẻ trang điểm khi ra đường. Lúc ấy hầu hết các bạn đều sở hữu một nét thuần khiết châu Á, không rườm rà, đó chính là điều khiến những ai đến từ các nước đã phát triển như tôi cảm thấy rất thích thú, yêu mến. Bây giờ ra đường tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ tại đây ăn mặc, trang điểm, tiêu xài… y hệt bên Nhật!

Tôi dám chắc những chiếc xe mắc nhất, những bộ quần áo hợp thời “gây sốc” nhất tại Nhật… đều có thể phát hiện khắp nơi trong thành phố này. Điều khó hiểu và đáng nói là ở chỗ thu nhập cũng như mức sống ở Nhật rất cao và chênh lệch nhiều so với VN, tại sao giới trẻ VN có thể làm được điều này?

Tôi biết VN là quốc gia đang phát triển, nhưng dường như sự phát triển trong cách sống của giới trẻ đã đi quá nhanh so với kinh tế. Tôi không mong muốn được thấy VN phát triển theo hướng như thế. Bản thân tôi muốn đi theo hướng của những phụ nữ Việt thời xưa, ăn nói nhỏ nhẹ và luôn đơn giản hóa trong ăn bận, tôn trọng vẻ đẹp và sự giàu có bên trong hơn.

Tôi cũng lưu ý một điều khi một bạn trẻ Việt đi một mình thì không sao, nhưng nếu đi theo nhóm và đến một nơi công cộng thì hầu hết đều không còn quan tâm đến không gian xung quanh nữa. Họ cười nói lớn tiếng, chạy giỡn và có những hành động thể hiện sự không tôn trọng những người gần đó. Dường như họ quan niệm đơn giản: “Đi nhiều người nhất thì phải đồng nghĩa với việc gây được nhiều sự chú ý nhất.” Và thế là tôi biết mỗi khi có một nhóm bạn trẻ kéo tới ngồi kế bên thì tốt nhất chúng tôi phải là “người ra đi”!

Mười năm trước, giới trẻ Việt ngoan và hiền lắm. Tôi mong sao điều đó sẽ được giữ lại mãi mãi, nhưng có vẻ như đây chỉ là điều viển vông…

2- Links nêu cảm tưởng về Việt Nam

a- Du Khách Nghĩ Gì Về Du Lịch Ở Việt Nam? (Diễn Đàn Học Sinh-Sinh Viên Tỉnh Bình Thuận)

b- Người nước ngoài suy nghĩ về người Việt Nam (Giáo Xứ Tân Lộc, Giáo Phận Vinh)