Ngày 21/09: Kính Thánh Mátthêu, Tông Đồ Thánh Sử

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Sep 21/09/2024

Thánh Mátthêu, Tông Đồ Thánh Sử

1 Cr 15:35-37,42-49; Tv 56:10-12,13-14; Lc 8:4-15

 

 

Không có sử sách nào ghi lại khai sinh căn cước của vị Thánh sử này. Nhưng theo Tin Mừng do Thánh sử Marcô và Thánh sử Luca thuật lại, Mathêu là một người Do Thái làm nghề thu thuế có tên là Lêvi, quê quán ở Carphanaum vùng miền gần bờ hồ Genezareth, và được Chúa Giêsu kêu gọi làm Môn đệ: “Hãy theo theo Ta!” ( Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Và chính Matthêu cũng viết thuật lại như thế trong Phúc âm do Ông viết (Mt 9,9).

Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.

Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.

Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.

Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nhưng Thánh nhân còn là người viết sử thuật lại cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu.

Xưa nay trong các hình vẽ hay tượng tạc Thánh sử Matthêu ngồi bàn viết tay cầm bút lông và trên đầu phía sau có hình Thiên Thần. Hay cũng có hình vẽ tạc Thánh nhân là một người có đôi cánh như Thiên Thần.

Điều này nói lên Thánh nhân viết Phúc âm Chúa Giêsu được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn

Biểu tượng đó cũng nói lên nét đặc thù của vị Thánh sử này.

Ngay chương mở đầu của Phúc âm ( Mt 1,1-17) Mattheo đã viết thuật lại thứ tự dòng dõi nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu. Với chi tiết này Thánh sử Mathêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế từ trời cao xuống trần gian làm người. Chúa Giêsu là một con người có xuất xứ nguồn gốc trong xã hội loài người. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người có tổ tiên, dòng dõi họ hàng gia đình.

Chúa Giêsu là một người như mọi người trong xã hội. Nhưng con người đó mang trong mình bản tính cùng sứ mạng của Thiên Chúa.

Thánh sử Matthêu viết thuật lại duy nhất trong phúc âm (Mt 2,1-12) ba nhà chiêm tinh tìm đến thăm viếng thờ lạy Vua Hài nhi Giêsu ở hang chuồng súc vật Bethlehem, lúc Chúa sinh ra.

Trong dòng lịch sử, người ta đã tìm đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đó là Caspar, Melchior và Balthasar. Nhưng không có gì chắc chắn tên của họ đúng như thế.

Rồi ba món tặng vật của ba nhà Chiêm tinh tặng hài nhi Giêsu là Vàng, Nhũ hương và Mộc dược, cũng được cắt nghĩa như vàng cho Vua, Nhũ hương cho Thiên Chúa và Mộc dược cho tẩm liệm xác sau này.

Lối cắt nghĩa này phù hợp theo tâm tình đạo đức thờ kính sâu thẳm nhiều hơn.

Nhưng có lẽ Thánh Matthêu qua tường thuật về ba nhà Chiêm tinh từ phương trời xa lạ vượt đường núi sa mạc tìm đến thờ lạy hài Nhi Giêsu, muốn nói lên ý nghĩa tòan dân thiên hạ dù ở nơi chốn xa xôi tuôn tìm đến Giáo Hội Chúa Giêsu. (Isaia 60, 1-6).

Phúc âm theo thánh sử Mattheo viết, theo khoa nghiên cứu, rất nhiều đoạn chương trùng hợp giống với Phúc âm theo các thánh sử Marcô và Luca cũng viết như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu khoa Kinh Thánh gọi ba Phúc âm nay là Phúc âm nhất lãm.

Trong Phúc âm theo Thánh sử Matthêu vai trò đứng đầu Gíao hội Chúa Giêsu của Thánh Phêrô được nhấn mạnh nổi bật hơn hết.

Cũng như nơi phúc âm Theo Thánh sử Marcô (8,27-30) và theo Thánh sử Luca (9,18-21), Thánh Phêrô đại diện anh em Tông đồ tuyên xưng Chùa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Thánh sử Matthêu còn thuật viết thêm: Chúa Giêsu trao quyền bính chìa khóa nước trời đứng đầu Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian cho Thánh Phêrô. (Mt 16, 18-19)

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh bản Phúc âm theo thánh sử Matthêu viết để lại cho Giáo Hội được viết vào năm 70 thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Ông viết phúc âm giáo lý Chúa Giêsu Kitô muốn trình bày cho người Do Thái về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà toàn dân trông đợi mong chờ đã đến giữa con người trong xã hội. Nơi chốn Thánh sử viết bản Phúc âm ở vùng Palästina và Syrien.

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Mathêu viết gồm 28 chương, dài hơn Phúc âm theo các Thánh sử khác Marcô có 16 chương; Luca có 24 chương và Gioan có 21 chương.

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu gọi ông Matthêu (Lêvi) khi ông đang còn làm việc ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32). Lúc bấy giờ ông mới đi theo Chúa Giêsu như nhiều môn đệ khác. Sau đó Chúa Giêsu mới chọn trong số các môn đệ lấy 12 vị đặt làm Tông Đồ, trong đó có Matthêu (x.Mt 10,1-4; Mc 3,13-19; Lc 6,12-16).

Chúa Giêsu đến nhà ông Matthêu dùng bữa và khi có nhiều người phái Pharisêu càm ràm thì Người đã nói rằng Người đến không để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi và rồi Người biểu họ hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng không một ai, kể cả các môn đệ và các tông đồ thực là người công chính đúng nghĩa.

 Phúc âm hôm nay thuật lại rằng: Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó và nói với ông “hãy theo tôi”. Như thế, trước khi mời gọi Mát-thêu trở thành môn đệ của mình, Đức Giê-su đã quan sát và nhìn ông với một ánh mắt trìu mến, đầy yêu thương. Ông Mát-thêu đang là một người thu thuế phục vụ cho nhà nước Rô-ma và trong con mắt của những người dân Do thái, thì ông cũng giống như kẻ tội lỗi, bị mọi người chê ghét và loại ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng đối với Đức Giê-su. Người đã nhìn xuống thân phận thấp hèn của Mát-thêu và đã gọi ông. Chính Đức Giê-su đã làm thay đổi cuộc đời của ông: từ một người thu thuế trở thành môn đệ của Người. Gặp được Đức Giê-su ông đã được biến đổi và bằng chứng là ông đã đứng dậy để đi theo Người.

Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ thì mọi người thảy đều “sinh ra trong tội” nghĩa là chịu ảnh hưởng bởi “nguyên tội” theo chiều kích xã hội. Tuy nhiên tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá “tình trạng tội lỗi của con người” nên Giáo hội không ngần ngại cất lên lời ca trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi tội hồng phúc”. Và sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi một người mà theo nhãn quan của dân Do Thái thời bấy giờ là tội lỗi gấp đôi người thường khiến chúng ta thêm xác tín chân lý này.

Tuy nhiên khi chọn Matthêu vào hàng ngũ Tông đồ chúng ta lại nhận biết thêm một chân lý này đó là ân sủng và tình thương của Thiên Chúa không loại bỏ các điều kiện tự nhiên phần phía con người. Chúa muốn mỗi người chúng góp phần của mình để tình yêu của Người được hiển lộ cho chúng ta và cho tha nhân.

Trong tập thể nhóm Mười Hai thì hầu hết là thất học, không biết đọc, không biết viết. Dĩ nhiên Matthêu là trường hợp ngoại lệ. Với cái nghề thu thuế thì chắc chắn ngài phải biết đọc biết viết. Những trang Tin Mừng ngài để lại còn cho chúng ta biết cách nào đó tính cách của ngài. Xem ra ngài là người tính khí khá kỹ lưỡng vì viết có trước có sau, có tích có tuồng (trích dẫn Cựu Ước). Văn phong, cú pháp của ngài cũng cân đối nhịp nhàng, chẳng hạn như “tám mối phúc thật”… Như thế có thể phỏng đoán rằng Chúa Giêsu cũng cần một người biết chữ và cẩn thận để lo quản lý việc chung bằng giấy tờ. Ngày nay chúng ta có thể xem đó như là “ngành kế toán – tài chính”. Sự phỏng đoán thì có thể có phần trăm thiếu chính xác nhưng điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã không để ngài giữ việc quản lý, giữ tiền bạc, vì đó là việc đã giao cho ông Giuđa Iscariô.

Mừng lễ kính thánh tông đồ Matthêu, Kitô hữu chúng ta vốn thường đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Chúa Giêsu đã chọn gọi người tội lỗi gấp đôi người thường để đi rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên xin đừng quên rằng Thiên Chúa còn muốn mỗi người chúng ta góp phần riêng của mình. Không một ai là người vô tích sự. Ước gì chúng ta nhận biết nén bạc Chúa trao cho mình là gì qua các khả năng để rồi sử dụng nó cho hữu hiệu vào công trình cứu độ của Thiên Chúa hầu làm vinh Danh Chúa và mưu ích cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúa thấy rõ con người và hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Chúng ta cũng được Chúa yêu thương nhìn đến và được mời gọi trở nên các môn đệ của Người. Chính bí tích Rửa Tội đã biến đổi chúng ta thành những con người mới, được xóa bỏ tội tổ tông và các tội khác.

Chúng ta, từ những tội nhân và giờ đây đã trở thành con cái Thiên Chúa. Gặp được Chúa, con người chúng ta cũng được biến đổi và chúng ta cần có hành động thiết thực để thể hiện là người môn đệ đi theo Người. Xưa kia tông đồ Mát-thêu đã đứng dậy, từ bỏ công việc và địa vị của mình để chọn một đời sống mới, thì hôm nay chúng ta cũng cần có sự từ bỏ những cái xấu, tội lỗi của con người cũ và tuân theo giới răn của Chúa để mặc lấy những điều tốt đẹp của con người mới, người môn đệ Đức Ki-tô. Xin Chúa ban ơn thêm cho chúng ta. Amen.

 

Lm Antn Tuệ Mẫn CSsR