Ơn Gọi của Thánh Matthêu

Ơn Gọi của Thánh Matthêu

Thánh Matthêu Bổn Mạng - Mar 24/03/2014

Trong lúc con người khép kín cánh cửa lòng, thì Đức Kitô xuất hiện đầy uy quyền và giơ tay chỉ về phía con người như đang truyền lệnh rằng: “Anh, hãy theo tôi” (Mt. 9: 9). Tiếng gọi của Đức Kitô làm cho con người phải kinh ngạc và phản ứng khác nhau.

Gió chiều nhẹ lướt trên những cụm cỏ non xanh rì, đung đưa từng ngọn cây chung quanh tôi, tạo nên những âm thanh rì rào êm đềm, tưởng chừng như tiếng ru hời của mẹ hiền quê tôi, như tiếng ai đang gọi mời tôi bước vào một thế giới linh thiêng nào đó. Lặng lẽ, tôi đến quỳ gối trước Thánh Thể, tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi. Thinh lặng một hồi lâu, tôi đưa mắt chiêm ngắm bức họa của Caravaggiô, với nhan đề: “The Calling of Saint Matthew,” tạm dịch là “Ơn Kêu Gọi của Thánh Matthêu.” Trong bức hoạ, Caravaggiô đã dùng ánh sáng và bóng tối để mô tả sự giằng co giữa những chọn lựa làm theo Thánh ý Thiên Chúa hay thế gian. Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối làm cho bức họa của Caravaggiô nổi tiếng và đáng cho chúng ta phải ngừng lại để suy tư.

Bóng tối nói lên điều gì? Phải chăng, Caravaggio muốn diễn tả lòng người khi bị tiền, tài, tình làm chủ cuộc sống chứ không phải là Thiên Chúa. Khi cuộc sống của con người không có Thiên Chúa là “sự sống” và “sự sáng” thì cũng giống như một căn phòng đóng kín. Cuộc sống con người sẽ đi ra sao và đi về đâu khi không có Chúa “là Đường, là sự Thật, và là sự Sống”? Nhưng ngay cả khi lòng người hóa ra tăm tối, chúng ta phải luôn xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và không bỏ mặc chúng ta, trái lại còn ban ơn liên lỉ để hy vọng rằng một giây phút nào đó chúng ta giác ngộ và quay về bến yêu thương. Như thuở ban đầu trong vườn địa đàng, khi con người phạm tội, lẩn trốn Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đi tìm và gọi con người, “Ađam, ngươi ở đâu?” (St 3:9). Nét đặc thù này, Caravaggio đã diễn tả một cách rất độc đáo qua nguồn ánh sáng và hình ảnh của Đức Kitô. Phía bên phải của bức tranh có một luồng ánh sáng lạ từ phía bên trên đầu Đức Kitô chiếu thẳng vào phía những người đang ngồi ở phía bên trái của bức hình, làm cho khuôn mặt của những người này rạng rỡ hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận ánh sáng linh thiêng chân thật này. Như chúng ta thấy trong số những người đang ngồi: người thì hoảng hốt muốn tự vệ, người muốn bỏ chạy, người thì vẫn miệt mài chăm chú đến những bạc tiền-đầu cắm cúi xuống và khuôn mặt họ lu mờ, chỉ có một người ngồi ở giữa, ngẩng lên đón nhận luồng ánh sáng dành cho mình và được soi sáng. Ông giơ tay chỉ vào mình, mắt ngỡ ngàng như muốn hỏi, “Tôi ư?” Người này chính là thánh Matthêu. Người ta còn nhận ra ông là nhờ ở một đồng tiền giắt trên mũ, một dấu hiệu của người chuyên nghiệp về thuế má tiền bạc của thời bấy giờ, thế kỷ thứ 16. (Xin xem hình phụ họa ở bìa sau.)

Luồng ánh sáng lạ này là nguồn sáng duy nhất cho bức tranh “Ơn Gọi của Thánh Matthêu”. Nó như là xuất phát từ Đức Kitô, vì khuôn mặt của Người và của thánh Phêrô cũng như thân thể của thánh Phêrô được chiếu sáng trong khi ngay sau họ lại tối đen. Cavaraggio còn ngụ ý nói lên bản tính thánh thiêng của Đức Kitô và của Giáo hội qua hình ảnh vị đại diện là thánh Phêrô, vì hai vị đứng đấy nhưng không có bóng mình ngả trên những người đối diện. Sự xuất hiện của Đức Kitô mang đến luồng ánh sáng của sự sống có sức biến đổi cuộc đời của Matthêu, từ kẻ thu thuế lừng danh trở nên người môn đệ trung tín của Đức Kitô. Đức Kitô là sự sáng và là sự sống thật cho những ai biết mở rộng cửa lòng để đón nhận. Cánh cửa sổ ở phía trên, giữa Đức Kitô và con người, Caravaggiô đã dùng để minh họa tâm hồn của con người. Quan sát cánh cửa sổ này, chúng ta thấy gì? Cánh cửa có hai lớp một lớp kính bên ngoài đóng rất kín và một lớp gỗ được mở ra do động lực từ phía bên trong chứ không ở bên ngoài. Khi Đức Kitô xuất hiện thì có sức mạnh thiêng liêng từ Ngài làm cánh cửa mở ra, tuy nhiên, con người vẫn có tự do để đón nhận hay khước từ ơn thánh của Chúa. Cũng giống như lớp kính vẫn còn bị đóng chặt.

Trong lúc con người khép kín cánh cửa lòng, thì Đức Kitô xuất hiện đầy uy quyền và giơ tay chỉ về phía con người như đang truyền lệnh rằng: “Anh, hãy theo tôi” (Mt. 9: 9). Tiếng gọi của Đức Kitô làm cho con người phải kinh ngạc và phản ứng khác nhau. Thánh Matthêu một trong những người thu thuế đang ngồi đếm tiền, giật mình ngửng mặt nhìn thẳng vào ánh mắt của Đức Kitô, bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng và giơ tay chỉ vào mình như để xác tín lại lời mời gọi của Đức Kitô rằng: “Ai, là tôi ư?” Khi nhận ra là Chúa Giêsu gọi mình, thánh Matthêu đã đứng dậy và đi theo Người. Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy Cavaraggio đã vẽ những con người được mời gọi, nhóm người ngồi chung quanh cái bàn, đang mặc y phục đương thời thuộc thế kỷ 16, trong khi Chúa Giêsu và thánh Phêrô thì lại mặc áo thụng của thế kỷ thứ nhất! Ông đã muốn thăng hoa lời mời gọi theo chân Chúa làm môn đệ như thánh Mathhêu cho tới tất cả chúng ta. Vị họa sĩ thời danh này đã khôn khéo diễn tả trung thực ý nghĩa của Tin Mừng Đức Kitô, là Tin Mừng này cũng được loan báo cho chúng ta, những người thuộc chính thời đại này, cũng như đã được loan báo cho những người thuộc thời đại các tông đồ, và cho những người thuộc thời đại của ông, thế kỷ 16. Nói cách khác là Tin Mừng của Đức Kitô và lời mời gọi làm môn đệ của Ngài dành cho hết mọi người thuộc mọi thời đại.

Một vài chi tiết khác trong bức họa chúng ta cũng nên để ý tới, như vị thế bàn tay của Chúa Giêsu làm nhắc nhớ đến bức họa của Michelanglo với nhan đề Cuộc sáng tạo Ađam-The Creation (Xin xem hình phụ họa ở bìa sau.)Trong tác phẩm này, điểm nổi bật nhất là bàn tay của Thiên Chúa giơ ra gần đụng tới ngón tay của Adam. Khi nghiên cứu về điểm này, thì nhiều người cho rằng Caravaggio muốn xác định cho chúng ta một lần nữa về Thiên tính của Đức Kitô. Đồng thời bàn tay ở phía dưới là của Phêrô cũng đưa ra như bắt chước Chúa Giêsu, điều này nói lên nhân tính của Chúa Giêsu và Thiên tính của Giáo Hội (Xin xem hình phụ họa ở bìa sau.) Thực thế, Đức Kitô là Thiên Chúa và là người thật, đã đến thế gian để kêu mời và tác thánh con người qua Giáo hội. Hơn nữa, trong công cuộc tạo thành, khi Thiên Chúa giơ tay ra truyền sinh khí cho Ađam, làm cho Ađam từ bụi đất trở nên con người có sức sống. Cũng vậy, trong công cuộc cứu chuộc, Đức Kitô đã giơ tay ra để tái tạo và ban lại cho con người sự sống thần linh mà xưa Ađam đã đánh mất. Ý tưởng này, cùng với suy tư về ý nghĩa của luồng ánh sáng lạ và cánh cửa sổ đóng kín đã trình bày trên đây, cũng gợi lên cho chúng ta một suy nghĩ mà thánh Augustine đã nói, “Khi tạo dựng, Chúa không cần sự cộng tác của chúng ta, nhưng để cứu chuộc, Chúa cần phải có sự cộng tác của chúng ta.”

Sự kiện không chỉ xẩy ra cho Matthêu ngày đó mà thôi, nhưng hôm nay cũng vẫn còn tiếp diễn. Đức Kitô vẫn xuất hiện trong cuộc sống con người, nhưng đôi khi con người cứ mải mê đắm chìm trong bạc tiền như hình ảnh của hai nhân vật ngồi ở phía bên trái trong bức họa. Họ dường như chẳng có một linh cảm gì về sự kiện đang xẩy ra trước mắt họ. Như lời Chúa nói: “Họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu” (Mc. 4:12), bởi vì lòng họ bị bạc tiền mê hoặc.

Còn hình ảnh của hai chàng thanh niên trẻ, Caravaggiô muốn nói gì với chúng ta? Chàng trai trẻ trong y phục quân nhân với thanh kiếm thắt ngang hông, mặt hướng nhìn Thánh Phêrô tỏ vẻ kinh ngạc. Chàng thanh niên trẻ hơn ngồi cạnh thánh Matthêu, một tay để trên vai thánh nhân như xin sự che chở, đôi mắt mở rộng hướng nhìn về Đức Kitô, với vẻ bàng hoàng sợ hãi trước sự hiện diện của Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Nhưng, Thánh Phêrô nhìn hai chàng trai trẻ và ra hiệu cho họ phải bình tĩnh, đừng sợ! Dựa trên lời Thánh Gioan đã viết: “Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1 Jn. 4:18), chúng ta thấy rằng nơi lòng của hai chàng thanh niên này vẫn chưa có được tình yêu và sự hiểu biết về Thiên Chúa.

Họa sĩ Caravaggio đã âm thầm dùng đôi bàn chân của Đức Kitô để kêu mời chúng ta suy tư về đời mình. Bình thường không mấy ai để ý đến bàn chân của Chúa Giêsu, bởi vì nó bị ẩn đằng sau chân Thánh Phêrô. Chúng ta có thấy sự khác biệt giữa chân của Thánh Phêrô và của Chúa Giêsu không? Hai người đều hướng nhìn về phía mấy người thu thuế, cùng giơ tay phải để chỉ, nhưng có điều bàn chân của Thánh Phêrô cũng hướng về phía ngài nhìn, trong khi đó bàn chân của Đức Kitô lại hướng về phía chúng ta (Xin xem hình phụ họa ở bìa sau.) Điều đó nói lên Đức Kitô không chỉ mời gọi Matthêu của hơn hai ngàn năm về trước, nhưng Ngài vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta để bước theo chân Ngài.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên để ý sự khác biệt giữa chân của Chúa Giêsu và thánh Phêrô cùng với những người thu thuế. Đôi chân của hai đấng, Đức Kitô và thánh Phêrô, không có dép và có lẽ rất bẩn. Còn chân của những người thu thuế thì rất sạch và mang dép. Với sự khác biệt này, Caravaggiô muốn diễn tả đức khó nghèo của Nước Trời, sẵn sàng từ bỏ tất cả để ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa và sự giàu sang phú quý của thiên đàng. Chúng ta chắc hẳn đều biết đến Lời Chúa phán bảo trong Tin Mừng, “được giàu sang phú quý ở đời này mà phải mất linh hồn thì nào có ích chi?”

Nhìn ngắm bức họa “Ơn Gọi của Thánh Matthêu”,chúng ta hãy dừng lại đôi phút để trở về với lòng mình và cầu nguyện xin ơn can đảm đón nhận “ánh sáng” và lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể trở thành một thánh Matthêu thứ hai. Một Matthêu can đảm đáp trả lại lời mời gọi của Đức Kitô và hăng hái đi theo làm môn đệ của Ngài cho đến chết vì Ngài. Một Matthêu không mặc cảm tự ti về những lầm lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa nhưng luôn hy vọng vào tình yêu và lòng xót thương của Ngài. Tôi xác tín điều này là Thiên Chúa không bao giờ “chơi xấu”, Ngài sẽ không bao giờ bỏ chúng ta. Chúng ta cũng đã thấy rất rõ, Thiên Chúa đã không bỏ mặc Ađam và Evà cũng như Matthêu sau khi phạm tội, thì hôm nay và cho đến tận thế Ngài vẫn không bỏ rơi chúng ta bao giờ.

Một điểm đặc biệt cuối cùng, không kém phần quan trọng, đó là tên thật của họa sĩ Cavaraggio là Michelangelo Merisi. Cavaraggio là tên ngôi làng nơi họa sĩ đã sinh trưởng. Khi đã lớn khôn và nổi tiếng, người ta không còn nhớ đến tên chính thức của người họa sĩ mà chỉ nhớ mỗi tên của nơi sinh trưởng mà thôi, và nghiễm nhiên trở thành tên gọi của ông. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến việc người tu sĩ ngày xưa, khi vào dòng thường hay được đổi tên để chứng tỏ một cuộc đời mới trong Đức Kitô. Việc này cũng giống như Chúa Giêsu đã đổi tên của thánh Phêrô từ Simon ra Phêrô (Mt 16:17-18). Đây cũng là trường hợp của vị thánh mà chúng ta đang suy niệm, ngài có tên là “Lêvi” khi đang làm nghề thu thuế, và khi trở thành môn đệ của Chúa thì mang tên là Matthêu (Mc 2:14.)

Sr. Hoàng Ngọc Thy, OP