TÁI SINH ĐỂ ĐƯỢC CỨU

TÁI SINH ĐỂ ĐƯỢC CỨU

SUY NIỆM - Apr 30/04/2019

Thứ Ba Tuần II Mùa Phục Sinh 

Cv 4, 32-37; Ga 3, 7-15

TÁI SINH ĐỂ ĐƯỢC CỨU

          Trong Tân Ước, có nhiều từ ngữ diễn tả ý nghĩa của việc tái sinh như: sinh bởi Chúa Thánh Linh (Ga 3,6-8), “sinh bởi Đức Chúa Cha (Ga 1, 13), “làm cho sống” (Êphêsô 2, 5 hoặc Côlôsê), “dựng nên mới” (2 Cr 5,17)…

          Tái sinh là ra khỏi chính mình, cởi bỏ con người cũ và cởi mở để Chúa Thánh Linh tác động và biến đổi thành con người mới. Sự Tái sinh có tác động làm thay đổi bản chất của mỗi con người. Tái sinh không thể hiểu là trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa, hoặc hai ba lần nữa… như cách hiểu của Nicôđem. Bởi vì: những gì thuộc về xác thịt là xác thịt, nên dầu có sinh ra đến bao nhiêu lần cũng hoàn toàn xác thịt, không thuộc về thần khí.

          Vì vậy, con người cần phải được giải phóng, được tái sinh trong cuộc đời mới.

          Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Galata nói cho chúng ta biết:

          “Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Gal 5, 24)

          “Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.” (Gal 5, 19-21)

          “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gal 5, 22-23)

          Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gal 5, 25), “Ở đâu có Thánh Thần thì ở đó có tự do.” (2Cr 3,17), “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8.14)

          Ni-cô-đê-mô đã không thể hiểu được sự tái sinh trong Thần Khí. Ông cho rằng con người tự mình có thể nên công chính nhờ việc tuân giữ các lề luật; nhưng Đức Giê-su mời gọi con người đặt niềm tin vào Người để được cứu độ, được sống muôn đời (x. c.15).

          Tin vào Đức Giê-su là gì nếu không phải là thực hành những điều Ngài truyền dạy trong cuộc sống yêu thương vô vị lợi, chấp nhận hy hiến bản thân mình vì tình yêu, nhờ Thần Khí hướng dẫn. Bởi vì không có tình yêu đích thực nếu không có hy sinh. Ai mong muốn hưởng hoa thơm trái ngọt của tình yêu mà không chấp nhận hy sinh, thì đó chỉ là sự mong muốn ảo tưởng và hão huyền của lòng ích kỷ. Và Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta đã dạy: “Không có tình yêu nào cao quí bằng tình yêu của kẻ hiến mạng vì bạn hữu của mình.” (x. Ga 15,13)

          Đức Giêsu khẳng định chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí. Trang Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định: “Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15). Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu. Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi, Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao. Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá, được giương cao khi được Cha phục sinh, và được giương cao khi được Cha đưa về trời. Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu. 

          Vâng, để được tái sinh con người cần phải tin vào Đức Ki-tô, chấp nhận hy hiến bản thân, từ bỏ chính mình, chết đi cho tội lỗi và những thói hư tật xấu; như hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận sự mục nát , thối rữa để làm phát sinh mầm sống mới, sống một cuộc đời mới, đơm hoa thơm, kết trái ngọt làm phong phú đất trời đem lại sự sống cho cuộc đời. x. Ga 12, 24)

          Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người lần thứ nhất trong lòng mẹ. Đây là sự khởi đầu của cuộc sống đơn thần được di truyền từ Ađam và Êvà-sự sống bất toàn và không vĩnh cửu. Một khi được sự tái sinh, mỗi người sẽ bắt đầu cuộc sống mới- cuộc sống sung mãn và đời đời. Những ai tin vào Chúa Giêxu thì được Ngài tái tạo nên con người mới.

          Tái sinh thường là một thách đố đối với mọi người vì nó đòi hỏi sự từ bỏ chính mình, mà từ bỏ bao giờ cũng là một sự hy sinh, nói như Napoléon “Thắng được cả Âu Châu còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Tái sinh thường là không chỉ do sức riêng của chính bản thân mà phải phải nhờ ơn Chúa, nhất là sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Mỗi người chắc cũng từng có kinh nghiệm với những khao khát sâu xa và tha thiết được biến đổi, được tái sinh thành một con người khác tốt hơn, nhưng xem ra lực bất tòng tâm…

          Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Linh rất lớn trong sự biến đổi và tái sinh của mỗi thụ tạo. Chúa Thánh Linh tựa như sự vô hình vô dạng của gió. Gió! không ai bắt nó trong tay được, nó không màu sắc, không có hình dạng, nhưng sức mạnh của gió rất phi thường. Sức mạnh của Thánh Linh cũng vậy, Chúa Thánh Linh sẽ âm thầm tác động và biến đổi tái tạo để mỗi người trở thành con người hoàn toàn mới, ví tựa sự biến hóa khác nhau rất xa giữa con sâu và con bướm, chỉ từ một con, nhưng trước và sau tái sinh.

          Như Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cùng chết với Đức Kitô để được cùng sống lại với Người. Xin Thần Khí tình yêu và sự bình an của Đức Kitô Phục sinh ở cùng mỗi người chúng ta, dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống mới của người con cái Chúa.

Tuệ Mẫn