Thắc mắc trong Phụng Vụ

Thắc mắc trong Phụng Vụ

Hỏi đáp - Mar 24/03/2014

Người tín hữu ngày nay không buộc giữ ngày Sabat nhưng phải giữ ngày Chúa Nhật. Trước hết, theo giáo lý của Giáo Hội thì ngày Chúa Nhật được gọi là Ngày của Chúa (Dies dominica) theo tinh thần Thánh Vịnh 118: 24:

I-Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng trong giáo hội ngày nay.

Người tín hữu ngày nay không buộc giữ ngày Sabat nhưng phải giữ ngày Chúa Nhật. Trước hết, theo giáo lý của Giáo Hội thì ngày Chúa Nhật được gọi là Ngày của Chúa (Dies dominica) theo tinh thần Thánh Vịnh 118: 24:

“ Đây là ngày CHÚA đã làm ra

Nào ta hãy vui mừng hoan hỉ”

Mặt khác, ngày Chúa nhật cũng là ngày kỷ niêm Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Giáo Hội dạy rằng : “ việc cử hành Ngày của Chúa và Hy tế Tạ Ơn của Chúa (The Eucharist) mỗi ngày Chúa Nhật là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ngày Chúa Nhật cũng là ngày cử hành Mầu Nhiệm vượt qua theo truyền thống Tông Đồ, và phải được tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ buộc chính yếu.” (x. SGLGHCG, số 2177; giáo luật số 1246).

Như thế, ngày Chúa Nhật vữa hoàn tất tinh thần ngày Sabat ca tụng Thiên Chúa về công trình sáng tạo của Ngài vừa làm sống lại Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh để nhắc nhở mọi tín hữu về sự viên mãn của công trình cứu chuộc và hy vọng vào ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô.

Nói khác đi, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật trước hết là để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài qua Chúa Kitô, đồng thời cũng nói lên hy vọng vào ơn cứu độ, vào sự sống chung cuộc trong Nước Thiên Chúa sau khi đã sống và làm chứng tá đích thực cho Tin Mừng Cứu Độ nơi trần thế này. Như vậy, các tín hữu phải sốt sắng và vui sướng được tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật thay vì ngần ngại hay miễn cuỡng phải giữ vì luật buộc.Nghĩa là phải coi luật buộc này như sự nhắc nhở đặc biệt của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của phụng vụ thánh ngày Chúa Nhật chứ không phải sự gò bó làm mất tự do của ai.

Nói về luật buộc, thì ngoài ngày Chúa Nhật quanh năm, giáo luật cũng liệt kê thêm các ngày lễ trọng khác như lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh , lễ Phục Sinh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Đức Me là Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm , lễ Đức Mẹ lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phaolô và Phaolô Tông Đồ, lễ các Thánh nam nữ . (x. giáo luật số 1246,triệt 1)

Tuy là luật buộc, nhưng không có nghĩa là bó buộc trong mọi hoàn cảnh, không chút nhân nhượng nào như thái độ giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái xưa.

Nói rõ hơn, trong điều kiện bình thường, thì mọi tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng khác. “ Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này cách có suy nghĩ thì phạm một tội trọng” (x.SGLGHCG số 2181). Nhưng trong những truờng hợp bất khả kháng như đau yếu, phụ nữ sinh con, người săn sóc bệnh nhân trong nhà thương hay tư gia, sinh sống ở nơi không có nhà thờ Công Giáo, bị bắt buộc phải đi làm theo lệnh hay đòi hỏi của chủ nhân trong ngày Chúa nhật, nhân viên công lực phải làm nhiệm vụ, hoặc binh sĩ tác chiến ngoài trận địa….. thì đó là những lý do chính đáng không buộc phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng , tức là không có tội nếu không tham dự được thánh lễ các ngày đó.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trong vì lòng yêu mến Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh ..chứ không phải vì sợ lỗi luật buộc hay sợ người ta phê bình là “khô đạo”.

II-Luật kiêng làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng.

Kinh Thánh cho biết : “..Khi làm xong mọi công việc của Người , ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” ( St 2,2).

Đây là lý do khiến Giáo Hội mong muốn cho các tín hữu tạm ngưng nghỉ các công việc làm ăn bận rộn hàng ngày để dành thì giờ và tâm trí cho việc thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa cách đặc biệt trong Ngày của Chúa, đồng thời cũng có chút thì giờ để thư giãn thể xác và tâm hồn hầu lấy lại sức cho những sinh hoạt tiếp tục sau đó. Như vậy luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng cũng nhằm giúp chu toàn bổn phận thiêng liêng trong các ngày đó một cách tốt đẹp, hài hoà giữa thể xác và tâm trí. (giáo luật số 1247; SGLGHCG số 2184)

Tuy nhiên, cũng như luật giữ ngày Chúa Nhật, luật kiêng làm việc cũng không nhất thiết áp dụng khắt khe trong mọi trường hợp. Thông thường khi không có lý do chính đáng thì các tín hữu phải chú tâm chu toàn việc thờ phượng Chúa và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, để kính nhớ sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy sau khi Ngài đã hoàn tất mọi việc sáng tạo trong sáu ngày. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, nhất là ở những nơi người ta chủ yếu hoạt động thương mạiï và dịch vụ vào những ngày cuối tuần khiến rất nhiều người phải đi làm hay mở của hàng buôn bán, lo dịch vụ trong ngày thứ bảy và chúa nhật. Do đó vì lý do sinh sống thực sự cho gia đình hay vì lợi ích của xã hội thì đây là “ những lý do chính đáng để chuẩn miễn việc buộc nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật” (x. Sđd, số 2185).

Điều quan trọng là phải chu toàn việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, nghĩa là không được tự ý gây trở ngại cho việc đi dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Nói khác đi, khi có điều kiện cho phép thì phải giữ các ngày lễ buộc và kiêng việc xác trong những ngày này. Nhưng nếu vì lý do kinh tế, phải đi làm những ngày đó mới đủ sống cho bản thân và gia đình, hoặc phải đi làm theo đòi hỏi của người thuê mướn; bác sĩ , y tá làm việc ở các bệnh viện, nhân viên cấp cưú, nhân viên an ninh công cộng phải làm theo nhu cầu của lợi ích chung thì không thể giữ luật buộc để nghỉ việc được. Đó là lý do chính đáng để được miễn trừ theo lương tâm và theo giáo lý của Giáo Hội.

Tóm lại, luật chỉ áp dụng trong những trường hợp bình thường để tránh thói lười biếng hay cố ý lơ là những bổn phận thiêng liêng mà thôi.

Lm Phanxico Xavie Ngô Tôn Huấn.

Hỏi: “Xin cha trả lời giúp cho tại sao năm nay không có Chúa Nhật thứ I Thường Niên?”

Trả lời:
1. Theo quy định chung của Giáo Hội: “Nếu lễ Chúa Hiển Linh trùng vào ngày 7 hoặc 8 tháng 1 thì Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa sẽ được cử hành vào ngày thứ Hai liền sau đó tức là ngày 8 hoặc 9 tháng 1…” (PVCGK p. 309). Vì thế cho nên mới xảy ra chuyện Chúa Nhật thứ I mùa Thường Niên “bị biến mất” trong năm 2001 & trong năm nay. Vào những năm 2012, 2017, 2029, 2045 … Chúa Nhật thứ I mùa Thường Niên cũng sẽ “bị biến mất” chứ không phải chỉ xảy ra trong năm 2001 & 2007 này mà thôi. XIN LƯU Ý: Không có CN I Thường Niên nhưng tất cả các ngày sau đó đều được gọi là: “thứ ba, tư, năm, sáu và thứ bảy trong tuần 1 Thường Niên” (tất cả các bài đọc đều thuộc về CN I Thường Niên và phẩm phục của các linh mục là màu xanh). Cho nên sẽ không có tình trạng thiếu 1 tuần trong niên lịch Phụng Vụ.

2. Chúa Nhật thứ 12 Thường Niên tức ngày 24 tháng 6 năm 2007 cũng sẽ bị “biến mất” luôn bởi vì đó là ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng tất cả các ngày sau đó đều được gọi là: “Thứ hai, ba, tư, năm, sáu và thứ bảy trong tuần 12 Thường Niên.”

3. Còn nữa, hàng năm Chúa Nhật thứ 34 cũng bị “biến mất” bởi vì đó là ngày lễ Chúa Kitô Vua nhưng những ngày sau đó thì vẫn được gọi là “Thứ hai, ba, tư, năm, sáu và bảy trong tuần 34 Thường Niên.

TẠI SAO THÁNH LỄ THƯỜNG BẮT ĐẦU BẰNG MỘT BÀI HÁT?

Ca hát là cách diễn tả thông thường của bất cứ lễ hội nào. Đúng không em? Và việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một lễ hội.

Bài hát nhập lễ nhằm xóa tan sự "lạnh lùng" của mỗi người chúng ta và kết hợp chúng ta thành một cộng đoàn tình thương và sống động.

Hát là dấu chỉ niềm hân hoan trong tâm hồn. Chúng ta hát để diễn tả sự hiệp nhất của cộng đoàn tham dự và để nói lên rằng chúng ta vui sướng được gặp lại nhau, như Thánh vịnh 132 đã biểu lộ:

"Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống sum vầy bên nhau!"

Niềm vui này phải được diễn tả cụ thể trong nghi thức đầu tiên của thánh lễ là sự tập hợp của đoàn dân Chúa.

(trích từ internet)

TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN KÍP CÓ THỂ XƯNG TỘI QUA ĐIỆN THOẠI HAY THAM DỰ THÁNH LỄ QUA TRUYỀN HÌNH ĐƯỢC KHÔNG ?

Với những tiến bộ về phương tiện truyền thông hiện nay nhiều người đã nêu lên thắc mắc về việc tham dự thánh lễ truyền hình hay xưng tội qua điện thoại.

Thực ra, kể từ cuối Thế Kỷ XIX khi điện thoại đã trở nên phổ biến thì người ta cũng nghĩ đến chuyện xưng tội qua điện thoại trong trường hợp nguy cấp. Vấn đề cũng đã được bàn cãi khá nhiều. Xin được lưu ý là vấn đề được đặt ra cho những trường hợp khẩn cấp mà thôi chứ các trường hợp khác thì ý kiến chung đều bác bỏ việc xưng tội như thế. Năm 1884, Toà Ân Giải Tối Cao từ chối tuyên bố. Vấn đề này lại được bàn cãi giữa các nhà luân lý. Việc trả lời của Toà Ân Giải tối cao gây một nghi vấn về việc xưng tội qua điện thoại trong trường hợp khẩn cấp. Có người cho rằng bí tích có thể thành sự trong hoàn cảnh tuyệt đối khẩn thiết; đa số không tin như vậy. Bộ Giáo Luật 1917 đã không đưa ra lời giải đáp cho vấn đề này. Còn Bộ Giáo Luật 1983 khẳng định :

Điều 964:

#1. Nơi dành riêng để nghe thú tội hầu lãnh nhận bí tích là nhà thờ hay nhà nguyện.

#2. Về toà giải tội thì Hội Đồng Giám mục phải ban hành những quy tắc, nhưng phải lưu ý thế nào để các toà giải tội được đặt ở nơi dễ thấy, các toà phải có chấn song ngăn cách hối nhân với linh mục giải tội, và để các tín hữu ai muốn thì có thể tự do đến.

#3. Không được nghe thú tội ngoài toà giải tội, trừ khi có lý do chính đáng.

Có nhiều người vẫn nghi ngờ vấn đề chưa được giải quyết.

Những người chủ trương xưng tội qua điện thoại là không thành kể cả trong trường hợp nguy cấp dựa vào quan điểm truyền thống luôn chống lại cách thức tiến hành như vậy. Sự hiện diện của hối nhân xem ra là điều cốt yếu không thể thiếu.

Những người khác chủ trương thành sự thì cho rằng việc phát minh phương tiện truyền âm thanh là một cách thế đối thoại mới mẻ và có sự hiện diện tinh thần của người đối thoại.

Vấn đề cốt thiết vẫn là sự hiện diện đồng thời giữa hối nhân và cha giải tội, sự kết hợp giữa chất thể và mô thể.

Gần đây Văn Phòng Phụng Vụ của Giám Mục Châu Mỹ nhắc nhở rằng không bí tích nào được lãnh nhận qua phương tiện truyền thông điện tử. Mọi việc cử hành phụng vụ đòi buộc sự hiện diện thể lý của tín hữu và sự hiện diện của Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế hay của thừa tác viên chủ sự. Đặc biệt đối với bí tích giải tội, chỉ có sự hiện diện thể lý của linh mục bên cạnh hối nhân là dấu chỉ cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa Cha, Đấng tiếp đón tội nhân và ban ơn tha thứ ”Liên lạc điện tử qua điện thoại, truyền hình, vidéo, hay internet không đủ cho việc cử hành bí tích“ Thông cáo nói trên của Văn Phòng Phụng Vụ Giám Mục Châu Mỹ đã trả lời cho thắc mắc đồng thời cũng cho thấy quan điểm chính thức của Hội Thánh.

Ngoài ra ngày 22 tháng 2 năm 2002, Uỷ Ban Giáo Hoàng về Truyền thông Xã Hội có ra một văn kiên “Giáo Hội và Internet” đề cập đến khía cạnh bí tích của các phương tiện truyền thông ở số 9 như sau.

“Thực tại ảo không thể thay thế cho sự hiên diện thật của Đức Kitô trong Thánh Lễ, cho thực tại bí tích trong các bí tích khác, và cho sự tham dự vào việc thờ phượng của cộng đoàn nhân loại bằng xương bằng thịt.
Không hề có bí tích trên Internet; và ngay cả những kinh nghiệm tâm linh có thể cảm nhận được nhờ ân sủng của Chúa cũng không đủ nếu bị tách rời khỏi sự tương tác trong thế giới thật với những người tin khác.”

Với những khẳng định trên đây việc xưng tội qua điện thoại hay tham dự Thánh Lễ trên TV không thành bí tích được nên không thể thay thế việc tham dự trực tiếp. Tuy nhiên, không nên quên rằng trong trường hợp nguy tử, việc ăn năn tội cách trọn vẫn cho ta được ơn tha thứ. Vì thế, dù không được dùng những phương thế truyền thông để lãnh bí tích giải tội thì khi cần kíp ta vẫn có thể ăn năn tội cách trọn là phương thế giúp ta được nhận lãnh trực tiếp ơn tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích phụ trách