Trong thánh lễ các ngày Chủ Nhật mùa Vọng, mùa Chay và múc Phục Sinh, cũng như các ngày lễ trọng (Giáng Sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống,…), cả 3 bài đọc đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về tư tưởng
CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ ĐƯỢC LỰA CHỌN NHƯ THẾ NÀO?"
1- Thánh Lễ ngày Chủ Nhật có 3 bài đọc: bài đọc 1 trích từ Cựu Ước (trừ mùa Phục Sinh, vì từ chủ nhật Phục Sinh đến chủ nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nghe đọc sách Tông Đồ Công Vụ), bài đọc 2 thường là một thư của thánh Phaolô hay của một tông đồ khác, còn bài đọc 3 thì luôn luôn là một đoạn Tin Mừng.
Các bài đọc Cựu Ước kể cho chúng ta nghe công trình của Thiên Chúa trước khi Đức Kitô xuống thế. Bài đọc 2 cho chúng ta biết tư tưởng và đời sống của những Kitô hữu thời tiên khởi, còn bài Tin mừng thuật lại các việc làm và giáo huấn của Đức Giêsu.
Trong thánh lễ các ngày Chủ Nhật mùa Vọng, mùa Chay và múc Phục Sinh, cũng như các ngày lễ trọng (Giáng Sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống,…), cả 3 bài đọc đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về tư tưởng. Một sứ điệp được công bố dưới 3 khía cạnh khác nhau.
Còn vào các ngày Chủ Nhật Thường Niên, bài đọc 1 được chọn và hợp lý với ý nghĩa của bài Tin Mừng. Mục đích để làm nổi bật sự hợp nhất của Cựu Ước và Tân Ước, của lịch sử cứu độ mà Đức Kitô phục sinh, và sau cùng là lời của chính Đức Kitô.
Sau Công đồng Vaticanô II, chúng ta có 3 bài đọc thay vì 2, được đọc lại sau một chu kỳ 3 năm: Năm A đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu; Năm B, thánh Maccô; Năm C, thánh Luca; Tin Mừng theo thánh Gioan được đọc mỗi năm trong mùa Chay và mùa Phục Sinh. Như vậy, chúng ta có thể nghe gần như trọn vẹn sách Tin Mừng.
2- Thánh Lễ trong tuần chỉ có 2 bài đọc, (bài đọc 1 trích từ Cựu Ước hoặc Tân Ước (trừ Tin Mừng), bài đọc 2 luôn là một đoạn Tin Mừng), được phân phối như sau: trong các tuần 1-9 Thường niên, đọc Tin Mừng theo thánh Mac-cô; trong các tuần 10-21, theo thánh Matthêu; trong các tuần 22-34, theo thánh Luca. Trong các mùa khác, bài Tin Mừng được chọn theo tính cách đặc biệt của mỗi mùa.
Trong mùa Thường Niên, bài đọc 1 có chu kỳ 2 năm, bài đọc 2 (Tin Mừng) có chu kỳ 1 năm. Các mùa khác, bài đọc 1 và 2 đều có chu kỳ 1 năm.
Trong thánh lễ, một trong những giây phút liên hệ chặt chẽ với Lời Chúa, đó là lúc đọc kinh Tin Kính (hay lời tuyên xưng đức tin). Kinh Tin Kính được đọc trong các lệ Chúa nhật và lễ trọng như là sự chấp nhận và đáp lại Lời Chúa mà giáo dân đã nghe trong các bài đọc và bài giảng.
Kinh Tin Kính tóm tắt tất cả các điều căn bản của đức tin Kitô giáo. Đọc kinh Tin Kính là dấu chỉ nhìn nhận đức tin của mọi Kitô hữu.
Dù không được coi là quan trọng trong thánh lễ, nghi thức này không thiếu ý nghĩa sâu sắc.
Rửa tay trước khi làm một việc gì cần sự sạch sẽ đặc biệt, đó là chuyện tự nhiên, đúng không em ? Vì thế em không nên ngạc nhiên khi thấy vị chủ tế rửa tay để chuẩn bị cầm bánh và rượu sẽ được truyền phép để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.
Nghi thức rửa tay đã có từ thế kỉ thứ IV. Ngay từ đầu, nghi thức này luôn có một ý nghĩa thiêng liêng, đó là dấu hiệu của việc thanh tẩy trong tâm hồn, vì nước là dấu chỉ của sự thanh tẩy.
Khi rửa tay, vị chủ tế đọc: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy (Thánh Vịnh 50, câu 4).
Cho dù mọi tín hữu có thể thông dự vào việc thanh tẩy thanh tẩy này, nghi thức rửa tay chỉ dành riêng cho chủ tế, cũng dễ hiểu thôi, trong chốc lát, vị chủ tế sẽ hành tác nhân danh Chúa Kitô.
TẠI GIÁO XỨ EM, MỖI CHỦ NHẬT CÓ 5 LỄ NHƯNG CHỈ CÓ 3 LINH MỤC. MỖI NGÀY LINH MỤC ĐƯỢC DÂNG MẤY THÁNH LỄ? CÓ LUẬT NÀO BUỘC LINH MỤC PHẢI DÂNG LỄ MỖI NGÀY KHÔNG?
Theo luật chung của Giáo hội, mỗi ngày các linh mục chỉ được phép cử hành 1 thánh lễ. Tuy nhiên, các giám mục có thể "chuẩn" cho các ngài dâng 2 lễ trong những lễ đặc biệt hay trong các ngày Chúa nhật khi cần thiết. Nguyên tắc căn bản trong những vấn đề như thế là để đáp ứng nhu cầu hợp lý của cộng đồng dân Chúa, nhất là trong việc cử hành thánh lễ và các bí tích. Vì thế, các linh mục cử hành 2 thánh lễ mỗi ngày trong tuần chẳng có gì là "bất thường". Chẳng hạn, ngoài thánh lễ trong ngày, các ngài còn phải cử hành lễ an táng, lễ hôn phối…
Cũng có nhiều linh mục mỗi ngày Chúa nhật phải dâng 3 lễ mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của giáo dân muốn dự lễ tại nhà thờ giáo xứ. Các linh mục phải hết sức tránh tình trạng đó, nhưng đôi lúc vì số linh mục ít ỏi không thể phân phối đồng đều trong các giáo xứ, nên để phục vụ cộng đồng dân Chúa một cách thích đáng thì các linh mục phải làm như thế thôi.
Giáo luật không quy định một cách chặt chẽ khi nào linh mục buộc phải dâng lễ, nhưng chắc chắn Giáo hội khuyến khích các ngài cử hành thánh lễ thường xuyên. Giáo luật viết: "Các linh mục nên nhớ rằng công cuộc cứu rỗi được thực hiện trong Hiến lễ tạ ơn, do đó các ngài phải thường xuyên cử hành thánh lễ. Thật vậy, các linh mục rất nên cử hành thánh lễ mỗi ngày, ngay cả khi không có giáo dân tham dự, vì đó là hành vi của Đức Kitô và Giáo hội mà linh mục là người thi hành chức vụ trọng yếu ấy" (GL 904).
Hiển nhiên, để chu toàn trách nhiệm đối với cộng đồng dân Chúa trong giáo xứ, bất cứ linh mục nào cũng phải dâng lễ hầu như mỗi ngày trong điều kiện sống bình thường.
Khi xưng tội, có phải xưng số lần đã phạm một tội trọng không?
1. Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép rửa tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng.
2. Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.
"Theo từng loại và số "(in kind and number/ in specie et numero/ selon leur espère et leur nombre) để nói nên hối nhân cần rõ ràng nhìn nhận bản chất nặng nề của tội lỗi mình và để thừa tác viên phán đoán với đủ hiểu biết.
Trong bản luật cũ năm 1917 còn ghi rõ hối nhân cần giải thích cho cha giải tội hoàn cảnh thay đổi loại tội. Như thế theo luật hiện nay, hối nhân không cần giải thích hoàn cảnh của tội miễn là nói rõ loại và số tội.
"Đựơc trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội" (nghĩa là nhờ quyền bính và mục vụ của Giáo Hội) lấy lại từ điều 902 của bản 1917. Có thể Chúa đã tha thứ cho hối nhân rồi nhờ việc ăn năn tội cách trọn. Tuy thế, sự bắt buộc vẫn còn phải trình với quyền tháo gỡ của Giáo Hội. Trường hợp xảy ra như một tội nặng bị quên trong nhiều lần thực tình xưng tội, Chúa đã tha thứ. Nhưng khi nhớ buộc phải thưa lại để quyền tha thứ của Giáo Hội áp dụng.
Cũng như thế, "chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng" nghĩa là các tội nặng đã được tha thứ trong dịp xưng tội tập thể, vẫn bó buộc phải thưa lại trong lần xưng tội riêng lần tới.
Dù được nhấn mạnh nghi thức nhưng để chiếm được ơn cứu độ của bí tích thống hối, theo như chương trình của Chúa tình thương, tín hữu phải xưng thú với linh mục từng và hết mọi tội nặng mà họ nhớ sau khi cẩn thận xét mình.
Dù đi tu từ nhỏ, tôi cảm thấy xưng tội là một gánh nặng hơn là ơn giải thoát. Tôi vốn tự hỏi sao Giáo Hội đặt gánh nặng cho con cái mình khi bắt xưng tội với một người dù người đó chẳng biết mặt mình, dù người đó không được nói ra? Vì chỉ Chúa mới có quyền tha tội, sao không xưng tội trực tiếp với Chúa như Tin Lành? Đồng ý là như thế ơn Chúa quá rẻ!
Nhưng từ khi tôi biết tâm lý học hiện đại xác quyết theo tâm lý, "'Cái tôi' không tin những gì chúng ta nghĩ và cảm cho đến khi chúng ta nói ra rõ ràng với một người quan trọng" tôi mới thấy Giáo Hội làm đúng ý Chúa. Chúa muốn chúng ta dùng bí tích này để sửa đổi nhưng trước hết chúng ta cần nhận thực ra tội lỗi mình: tuyên bố trước một người quan trọng. Ai đã từng dự một buổi họp của các nhóm chữa trị mê nghiện như AA chẳng hạn sẽ phải quả quyết điều này thích hợp với tâm lý con người. Trong các buổi họp này, một người nghiện rượu chẳng hạn phải nói rõ tên tuổi và bị mê nghiện cái gì. Chính việc nói rõ đó cho họ nghị lực để sửa chữa.
Khi không nhớ rõ ràng chúng ta nhớ phỏng chừng bao nhiêu lần. Cứ thành thực như mình nhớ phỏng, đừng nhiều lần hơn, đừng ít hơn. Sau này dù biết rõ số lần cũng không cần xưng lại.
7 Chức Thánh
Hỏi: Thưa cha, trước năm 1954 con có nghe ông bà nói: Để trở thành một linh mục phải có đủ 7 chức thánh. Bảy chức ấy là những chức gì, và nhiệm vụ của mỗi chức ra sao? Ngày nay để trở thành linh mục chỉ cần 2 chức: chức sáu (Phó Tế) và chức linh mục. Xin cha giải thích tại sao Giáo Hội lại có sự thay đổi này. Chân thành cám ơn cha và kính chúc cha luôn an mạnh, nhiều ơn khôn ngoan, sáng suốt để cha hướng dẫn chúng con hiểu đạo và sống đạo tốt hơn.
Đáp:nghe ông bà nói: Để trở thành một linh mục phải có đủ 7 chức thánh". Trước Công Đồng Vatican II: bảy chức gồm bốn chức nhỏ (cắt tóc, mở cửa nhà thờ, rung chuông và đọc sách). Ba chức lớn là (Phụ phó Tế — cụ năm, Phó tế — cụ sáu, và linh mục). Để về nguồn Thánh Kinh nhiều hơn, Giáo Hội ngày nay nhấn mạnh đến tác vụ rõ ràng trong Thánh Kinh là thừa tác vụ: phó tế, linh mục, giám mục. Các chức nhỏ là những bổn phận khác nhau trong phụng vụ. Đức Phaolo VI, trong Ministeria Quaedam, muốn gồm tóm 5 chức nhỏ khi trao ban hai thừa tác vụ: Độc viên và Phục vụ Bàn Thờ. Một chủng sinh nhận lãnh hai thừa tác vụ này là đón nhận các chức nhỏ, nếu ông muốn gọi thế, như ngày xưa. Hình thức có khác nhưng đại cương thực chất cũng thế thôi. Ngay ngày xưa, một số chủng sinh nhận bốn chức nhỏ trong một lần rồi chức năm chịu sau. Chức năm phải để sau vì chủng sinh phải tuyên hứa giữ độc thân trước khi lãnh nhận. Nay lời tuyên hứa được chuyển lên trong nghi lễ truyền chức phó tế.
Đức Phaolô VI cũng mở rộng để các Hội Đồng Giám Mục xét và xin với Tòa Thánh để có các thừa tác vụ khác theo nhu cầu của Giáo Hội địa phương.
Ngày nay các chủng sinh trước khi được truyền "chức" phó tế cũng nhận các thừa tác vụ khác nhau do Giám mục: tiến sinh, đọc sách, giúp lễ …. Tất cả chỉ là những giai đoạn khác nhau trong việc đào tạo một linh mục thôi.
"Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần". Dấu thánh giá là một trong những dấu hiệu lâu đời nhất, và là dấu hiệu tuyệt hảo của chúng ta, những người Kitô hữu.
Khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Đức Kitô, chúng ta bày tỏ niềm tin vào Đức Kitô đã chết trên thập giá vì chúng ta, chúng ta nói lên lòng ước muốn liên kết đời sống chúng ta và đời sống của Đức Kitô chết trên thập giá. Thánh giá là dấu chỉ sự cứu độ, sự cứu chuộc và sự Phục sinh.
Dấu thánh giá còn nhắc chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi chúng ta được rửa tội "nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
Dấu thánh giá là một dấu chỉ "đặc trưng" của chính đức tin Kitô giáo, chúng ta tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa tình yêu được mặc khải bởi đời sống của Đức Kitô. Do đó, các nghi thức phụng vụ luôn luôn được bắt đầu bằng dấu thánh giá. Và người Kitô hữu thường làm dấu thánh giá trước và sau khi cầu nguyện, khi cảm thấy sợ hay lo lắng… Nếu em chú ý, em sẽ đồng ý với tôi về điều đó.
Tôi hi vọng là sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa của dấu thánh giá, em sẽ không bao giờ quên làm dấu thánh giá nữa.
Thói quen xưng hô "cha" không phải là mới. Cách xưng hô này đã có từ thế kỉ đầu của Kitô giáo và được sử dụng từ đó đến giờ, mặc dù danh xưng này theo truyền thống, thường được dùng cho các tu sĩ hơn là cho các linh mục triều.
Các lí do để gọi linh mục là "cha" thì đơn giản và rất tự nhiên. Các ngài là thừa tác viên ban các bí tích. Các bí tích này, nhân danh Đức Kitô và Giáo hội của Người, ban cho chúng ta sự sống mới và đời sống ân sủng (bí tích Thanh tẩy, Thánh thể, Hòa giải,v.v…). Bằng sự chăm sóc dạy dỗ, nâng đỡ liên tục, các ngài nuôi dưỡng sự sống của Thiên Chúa, sự sống mà chúng ta thông dự phần với tư cách Kitô hữu, theo cách thức giống như một người cha tự nhiên.
Cũng vì lí do đó mà thánh Phaolô không do dự, ngại ngùng khi tự cho mình là cha của những người trở lại đạo: "Cho dù anh em có thể có mười ngàn thầy dạy khác về Đức Kitô, nhưng anh em nên nhớ rằng anh em chỉ có một mình tôi là cha" (1 Cr 4,15).
Thánh Phaolô đã hai lần gọi Timôthê là con vì đã đưa gia đình của Timôthê đến với đức tin vào Đức Kitô: "Timôthê đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha" (Pl 2,22), "Gửi anh Timôthê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin." (1 Tm 1,2).
Đoạn Phúc âm của Mátthêu (Mt 23,9) cho chúng ta thấy rõ ràng là Đức Kitô lên án thái độ của một số nhà lãnh đạo kiêu căng, tự cho mình quan trọng và cố chất cho mình thật nhiều tước hiệu.
Năm Phụng vụ bắt đầu từ Chủ nhật I mùa Vọng (vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, tùy theo năm) cho đến thứ bảy của tuần 34 thường niên, nhằm kể lại toàn bộ lịch sử ơn cứu độ và cuộc đời của Đức Kitô mà lễ Phục sinh là đỉnh điểm.
Mỗi lễ Phụng vụ làm nổi bật mộ khía cạnh nào đó của mầu nhiệm cứu độ duy nhất.
Năm Phụng vụ gồm các mùa sau đây, theo tuần tự:
-Mùa Vọng: khoảng 4 tuần trước lễ Giáng sinh.
-Mùa Giáng sinh: từ lễ Giáng sinh tới cuối tuần lệ Hiển Linh.
-Mùa Thường niên (hoặc Quanh năm), phần I: từ Chủ nhật sau lễ Hiển Linh đến thứ tư lễ Tro. Vì ngày lễ Phục sinh không cố định nên mùa này kéo dài từ 5 đến 9 tuần, tùy theo năm.
-Mùa chay: gồm 40 ngày (không tính các ngày chủ nhật), từ thứ tư lễ Tro đến Chủ nhật Phục sinh.
-Mùa Phục sinh: gồm 50 ngày, từ Chủ nhật Phục sinh đển Chủ nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
-Mùa thường niên, phần II: kéo dài từ 25 đến 29 tuần (tùy theo năm), từ lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đển Chủ nhật I mùa Vọng. Và năm Phụng vụ lại bắt đầu.
Ngày lễ Phục sinh được tính vào Chủ nhật đầu tiên sau trăng tròn đầu tiên của mùa xuân. Từ ngày lễ Phục sinh này, chúng ta xác định được ngày của ba lễ khác: thứ tư lễ Tro, 40 ngày trước đó (không tính các ngày chủ nhật); lễ Thăng thiên, 40 ngày sau (vào ngày thứ năm); lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 50 ngày sau (vào ngày chủ nhật).
Việc tôn sùng Đức Maria không phải là việc làm mới đây hay chỉ được phát triển sau Phong Trào Cải Cách vào Thế Kỷ XVI mà việc đạo đức này đã có từ rất lâu ngay trong những thời đầu của Giáo Hội. Từ đầu Thế Kỷ III, người ta tìm được ở Ai Cập cuộn chỉ thảo (papyrus) chép kinh Trông Cậy ( Sub Tuum Praesidium). Sách giáo Lý Công Giáo số 971 đã trình bầy giáo huấn của Công Đổng Vatican II về lòng sùng kính này như sau :
Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó… Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Hội Thánh, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Đức Ma-ri-a khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (x. LG 66).
Việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria như là Mẹ Thiên Chúa đã được Giáo Hội luôn thực hành qua các thời đại được diễn tả qua các lễ phụng vụ trong năm và các kinh nguyện kính Đức Mẹ như kinh Mân Côi. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn phải nhớ rằng Đức Trinh Nữ Maria cũng là một thụ tạo như chúng ta, là nữ tì của Thiên Chúa như mẹ đã khẳng định trong ngày được Truyền Tin ( Lc 1, 38) “Mẹ là đền thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của đền thờ” Thánh Ambrôsiô, vị thánh rất yêu mến Đức Mẹ ở thế kỷ IV, đã nói về Đức Mẹ như thế.
Đức Trinh Nữ Maria đã sống gắn hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Thiên Chúa khi lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cộng tác với công trình cứu độ khi dự phần vào hy lễ Thập Giá với tâm tình ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra. Mẹ đã nên mẫu gương về Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái cho toàn thể Hội Thánh và Mẹ là một "chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh" (x. LG 53). Thánh Augustinô đã nói về Đức Maria như là "mẹ các chi thể của Đức Ki-tô…vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Ki-tô là Đầu"
Chính vì thế, Mẹ có một vai trò rất cao trọng trong Hội Thánh và đối với toàn thể loài người :
"Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Ma-ri-a tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời …. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian" (LG 62).
Trên bình diện ân sủng Mẹ là Mẹ thật của chúng ta ( LG 61).
Việc tôn kính Đức Trinh Nữ khác với việc tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa chắc chắn sẽ không ghen tị khi chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với Mẹ Maria, người nữ tì khiêm tốn mà Thiên Chúa đã thực hiên những điều cao cả. Nhưng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta (LG 67).
Với những giáo huấn và hướng dẫn trên của Hội Thánh thì việc tôn sùng Đức Trinh Nữ cần thiết cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng ơn cứu rỗi của chúng ta là do Thiên Chúa chứ không bởi Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là Mẹ thật của chúng ta trên bình diện ân sủng nên mẹ sẽ chuyển cầu một cách hiệu quả cho chúng ta những ơn ta cầu xin với Chúa nhất là những ơn thiêng liêng đem lại phần rỗi cho chúng ta. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô" (x. LG 60). ."Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc (GLCG 970)
Nếu lòng sùng kính Đức Mẹ do bởi những tình cảm tự nhiên làm lu mờ lòng tin, cậy, mến đối với Chúa và tạo nên những lệch lạc trong đời sống đạo thì cần phải được chỉnh đốn lại cho phù hợp. Việc diễn tả lòng đạo đức cũng thế. Cần thể hiện cách nào đó tránh sự hiểu lầm và vẫn phải luôn cho thấy việc tôn thờ Thiên Chúa là việc không thể xao nhãng và coi nhẹ để chỉ biết lưu tâm đến những hình thức đạo đức thuần tuý tình cảm đối với Đức Mẹ.
Hỏi:: xin cha giải thích rõ luật buộc xem lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng và luật kiêng việc xác các ngày này.
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần nói qua về ý nghĩa và mục đích cử hành Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc trong phụng vụ của Giáo Hội.
Như chúng ta biết, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái phải giữ ngày Sabat, thức ngày thứ bảy trong tuần như sau:
“ ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi..” (Xh 20:8-10).
Đây là nguồn gốc của luật giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng và luật kiêng làm việc xác những ngày này trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.
Thật vậy, Thiên Chúa muốn cho dân Do Thái dành riêng một ngày để thờ kính Ngài và suy niệm về công trình sáng tạo vũ trụ và tạo dựng loài người cách riêng của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Ngài cũng không có ý bắt buộc họ phải giữ ngày Sabat một cách máy móc, nghiêm ngặt đến nỗi không cho ai làm bất cứ điều gì trong ngày này kể cả chữa bệnh cho người đau ốm hoặc cho người đói khát ăn uống. Đây chính là sự mù quáng của nhóm Biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu khi bọn này bắt bẻ Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat, khiến Người đã phải nghiêm khắc nói với họ như sau: “ Ai trong các ông có con chiên độc nhất bị sa xuống hố ngày Sa bát lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao ? Mà người thì quí hơn chiên biết mấy. Vì thế, ngày Sabat được phép làm điều lành.” (Mt 12:11-12)
Như thế cho thấy rõ là Chúa Giêsu không hài lòng về cách giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái vì họ hoàn toàn hiểu sai mục đích Thiên Chúa mong muốn cho dân tuân giữa ngày này. Họ giữ theo luật để bắt bẻ người khác không giữ luật cách máy móc như họ chứ không phải giữ vì lòng mến Chúa thực sự.