Thánh Matthêu đáp lại tiếng Chúa

Thánh Matthêu đáp lại tiếng Chúa

Thánh Matthêu Bổn Mạng - Mar 24/03/2014

Thánh Matthêu sinh quán tại Capharnaum. Khi được Chúa gọi vào nhóm Mười Hai, ngài đang là một người thu thuế. Truyền thống tin rằng ngài đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Thánh nhân đã chịu tử đạo tại Ba Tư.

Thánh Matthêu sinh quán tại Capharnaum. Khi được Chúa gọi vào nhóm Mười Hai, ngài đang là một người thu thuế. Truyền thống tin rằng ngài đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Thánh nhân đã chịu tử đạo tại Ba Tư.

 Thánh Matthêu đáp lại tiếng Chúa. Ơn gọi của chúng ta.

Các thánh sử của Phúc Âm Nhất Lãm đều kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh Matthêu xảy ra ngay sau khi Chúa chữa người bất toại tại Capharnaum. Khoảng một ngày sau phép lạ ấy, Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, có đám đông dân chúng đi theo Người. Chúa đến đó từ một thành phố cảng nhỏ nằm giáp miền đất Perea, trên bờ bên kia sông Giođan. Trên đường, Chúa đi ngang qua bàn thu thuế của Matthêu.

Matthêu khi ấy đang làm việc trong ngành thuế vụ của vua Hêrôđê. Mặc dù không phải là một quan chức chính thức, nhưng ngài đã mua quyền được thu thuế. Chức vụ thu thuế không được người Do Thái kính nể, thậm chí còn bị nhiều người khinh bỉ. Tuy nhiên, đó lại là một chức vụ rất hấp dẫn, vì đem lại của cải giàu sang. Người thu thuế dường như có địa vị cao trong xã hội, vì khi Matthêu khoản đãi Chúa Giêsu trong nhà, có rất đông người thu thuế và những người khác đến đồng bàn.

Chúa kêu gọi Matthêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Matthêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Matthêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Matthêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, Chúng ta thấy vì sự vâng phục mau mắn và trọn vẹn mà Matthêu đã tức khắc từ bỏ tất cả tài sản thế gian để đi theo Chúa khi được kêu mời đúng lúc.

Thời gian và địa điểm Chúa lên tiếng mời chúng ta hiến thân trọn vẹn đã được Người quan phòng từ đời đời, vì thế thời gian và địa điểm ấy rất quan trọng. Nhiều người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu. Đối với những người ấy, đó là lúc thuận tiện nhất để đáp lại tiếng Chúa. Một số người được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Cùng với ơn soi sáng cho chúng ta nhìn thấy ơn gọi, Chúa còn ban ơn sức mạnh giúp chúng ta mau mắn đáp lại và trung thành cho đến cùng. Nếu linh hồn không đáp lại tiếng Chúa mời gọi, có thể họ sẽ không còn một cơ hội nào khác. Hơn nữa, có thể Chúa sẽ không trở lại gõ cửa lần thứ hai. Mọi sự phản kháng ân sủng đều làm cho tâm hồn ra chai đá. Thánh Augustine đã mô tả rất súc tích sự khẩn thiết phải đáp lại ơn Chúa, khi Người đi ngang qua cuộc đời của chúng ta: Timeo Jesus praetereuntem et non redeuntem, ‘Tôi sợ Chúa Giêsu có thể đi qua và không quay lại nữa.’

Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để bạn biết sợ hãi và tri ân: ‘Elegit nos ante mundi constitutionem’ – Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian, ‘ut essemus sancta, in conspectu eius!’ – để chúng ta nên thánh thiện trước mặt Người.

Nên thánh thiện không phải là điều dễ, nhưng cũng chẳng quá khó. Nên thánh là sống đúng Kitô hữu, là nên giống Chúa Kitô. Ai càng nên giống Chúa Kitô, họ càng là Kitô hữu; ai càng thuộc về Chúa Kitô, họ càng thánh thiện.

Chúng ta có những phương thế gì để nên thánh? Chúng ta có những phương thế như các tín hữu thời sơ khai, khi họ đích thân tiếp xúc Chúa Giêsu hoặc thoáng nhận ra Người trong các lời giảng của các thánh Tông Đồ và các thánh sử.

Niềm vui trong ơn gọi.

Để ghi nhớ và tạ ơn vì được ơn gọi, Matthêu đã tổ chức một bữa tiệc và mời bạn hữu đến dự. Nhiều người trong số đó bị coi là hạng tội lỗi. Thái độ của vị tân Tông Đồ nói lên tấm lòng biết ơn của ngài vì nhận được ơn gọi. Ơn gọi là một hồng ân lớn lao, chúng ta cần phải luôn luôn cám tạ.

Chúng ta phải biết coi trọng những thành quả tuyệt vời Thiên Chúa sẽ thực hiện qua ơn thiên triệu Người ban cho chúng ta. Nếu chỉ nhìn phương diện từ bỏ mà lời mời gọi nào cũng đòi buộc, chúng ta sẽ buồn sầu như trường hợp người thanh niên giàu có không dám từ bỏ những của cải. Anh ta chỉ nghĩ đến những gì phải từ bỏ. Anh ta không hiểu được niềm hạnh phúc tuyệt vời được sống với Chúa Giêsu và trở nên công cụ của Người để thực hiện những việc lớn lao trên thế gian. Có thể hôm qua bạn vẫn là một trong số những người có các ý tưởng lầm lạc, những người bị tham vọng nhân loại đánh lừa. Nhưng hôm nay, vì Thiên Chúa đã đi vào cuộc sống của bạn – lạy Chúa, xin cám tạ Chúa! – bạn vui tươi, ca hát, và bạn đem nụ cười, tình yêu, và hạnh phúc của mình đến bất cứ nơi nào bạn đi qua.

Cuộc sống của người được mời gọi theo Chúa Kitô, như tất cả chúng ta đều thấy, không thể giống như cuộc sống của người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta trung thành sống bên cha, làm việc chăm chỉ, và không phung phí tài sản của cha. Tuy nhiên, anh ta thiếu niềm vui và đức ái đối với em trai mới sám hối trở về của anh. Anh ta là biểu tượng rõ nét của loại người công chính nhưng không hiểu được niềm vui được sống bên Chúa và tình thân với tha nhân. Phụng sự Chúa tự thân là một phần thưởng đúng nghĩa, bởi vì phụng sự Chúa là được cùng Người cai trị. Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự trong vui tươi, chứ không miễn cưỡng, bởi vì Thiên Chúa yêu thương người hiến dâng vui tươi. Lúc nào cũng có rất nhiều lý do để vui tươi, tạ ơn và hạnh phúc khi chúng ta được hiến thân cho Chúa và tích cực đáp lại tiếng gọi của Người.

Thánh Matthêu trở thành một chứng nhân đặc biệt cho đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ngài được tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để theo Chúa đi khắp nơi. Ngài lắng nghe lời Thầy Chí Thánh, dõi theo sứ mạng của Người, và được tham dự bữa Tiệc Ly. Thánh nhân hiện diện khi Chúa lập bí tích Thánh Thể, đích thân được nghe Chúa tuyên bố về giới luật yêu thương, và đồng hành đến vườn Cây Dầu với Người. Cùng các Tông Đồ khác, ngài cũng đau khổ vì đã bỏ rơi Chúa trong hồi Thương Khó. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, ngài đã cảm được niềm vui Chúa Phục Sinh. Trước khi Chúa thăng thiên, thánh Matthêu là một trong những người được nhận lệnh truyền đem Tin Mừng cho khắp trần thế. Cùng với Đức Maria, thánh nhân đã được đón nhận linh ân Chúa Thánh Thần trong ngày hiện xuống.

Trong khi viết Phúc Âm, chắc chắn thánh Matthêu đã bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm được sống gần gũi bên Chúa Giêsu, bởi vì cuộc sống bên cạnh Chúa thật là cao quí. Giả như ngài đã ngồi lại tại chiếc bàn thu thuế, có lẽ đời ngài đã khác xa biết bao. Chúng ta biết rằng cuộc đời sẽ trở nên giá trị nếu chúng ta sống hợp nhất với Chúa Kitô và hằng ngày trung thành đáp lại ơn Người. Chúng ta cũng sẽ trở nên những chứng nhân đắc lực cho Chúa nếu chúng ta biết vui mừng và mau mắn đáp lại tiếng Người.

Ơn gọi tông đồ của chúng ta.

Nhiều thân nhân bè bạn đã đến tham dự bữa tiệc của thánh Matthêu tổ chức để mừng Chúa. Trong số đó có một số người thu thuế, nên các ký lục và biệt phái đã xầm xì với nhau và thắc mắc với các môn đệ Chúa: Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và tội lỗi như thế? Thánh Jerome đã dí dỏm chú thích rằng đó là một bữa tiệc quây quần của những người tội lỗi!

Chúa Giêsu đã đến nhà Matthêu dự tiệc. Có lẽ Chúa vui mừng và nhân dịp ấy để thu phục cả những bè bạn của môn đệ mới của Người. Chúa Giêsu đã đáp lại lời phê bình của những người biệt phái một cách khôn ngoan mà giản dị: Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người yếu bệnh. Nhiều thực khách hôm ấy đã cảm thấy được Chúa thân ái đón nhận. Sau đó, chắc chắn họ đã được chịu phép rửa và trở nên những tín hữu trung thành.

Qua tấm gương ấy, Chúa dạy chúng ta biết rộng mở với mọi linh hồn. Như thế, chúng ta mới có thể đem nhiều người về với đức tin. Cuộc đối thoại về ơn cứu độ không dựa trên những công trạng hay những thành quả cá nhân. Chúa dạy: ‘Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc…’ Cuộc đối thoại về ơn cứu độ mở rộng cho mọi người, không phân biệt một ai. Tương tự, những cuộc đối thoại của chúng ta cũng hãy mở rộng và bao trọn mọi người… Chúng ta đừng lạnh nhạt với một ai. Một người càng cùng khốn, nỗ lực tông đồ của chúng ta phải càng lớn hơn, càng phải dùng những phương thế tự nhiên và siêu nhiên hầu truyền bá cái nhìn của đức tin. Trong giờ cầu nguyện, chúng ta hãy xét lại tính cách những tương giao xã hội của chúng ta. Chúng ta có đối xử với tha nhân – kể cả với những người dường như đã xa rời đức tin – bằng sự nồng nhiệt và cảm tình hay không?

Bạn có lý. Bạn đã viết cho tôi, ‘Những đỉnh cao xa xăm che khuất cả bầu trời miền quê, tuy nhiên không một đỉnh nào mà ta không nhìn thấy được,’ hết ngọn núi này đến ngọn núi kia. Nhiều khi, quang cảnh dường như đã rõ ràng, nhưng rồi sương mờ tan đi và hiện ra một rặng núi khác trước đó đã bị che khuất.’

Bầu trời tông đồ của bạn cũng như thế, và đúng ra phải như thế. Ta phải đi qua thế giới này. Nhưng không có những con đường làm sẵn cho bạn. Chính bạn sẽ phải làm ra con đường băng qua những dãy núi, san bằng chúng bằng những bước chân của chính bạn.