Thứ Ba trong tuần thứ XXVIII – TN : Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Oct 17/10/2023

Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm

 

Thánh Inaxiô thành Antiôkia, Gmtđ

 

Rm 1:16-25; Tv 19:2-3,4-5; Lc 11:37-41

 

Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

 

         

          Trong bài Tin mừng hôm nay, một ông Pharisiêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Ông ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu, một nhân vật được dân chúng kính trọng như một thầy dạy đầy uy quyền, vậy mà không chịu rửa tay trước khi dùng bữa. Thực ra, Chúa chẳng hề quên rửa tay, nhưng Ngài như thể cố ý làm điều đó để dạy cho những người đạo đức giả một bài học. Điều làm cho người ta nhơ bẩn thật sự chính là lòng tham lam, sự độc ác trong cách ứng xử với người khác, chứ không phải chuyện rửa tay hay chuyện lau chén, đĩa bề ngoài. Phái Pharisiêu vốn dĩ bề ngoài rất bóng bảy, sạch sẽ, nhưng trong lòng họ thường ấp ủ nhưng mưu mô tính toan đầy gian tham, cướp bóc đối với những người thấp cổ bé họng trong xã hội.

Chúa nặng lời với ông Pharisiêu không phải là ghét bỏ, đố kỵ gì với ông, nhưng tất cả là vì Chúa muốn ông được hoán cải để trở nên người trong sạch thật sự. Vì vậy, Chúa nêu ra cho ông ta một phương án để tẩy rửa sự ô uế bấy lâu nay trong lòng ông ta: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”.

          Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

          Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

          Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

          Chúa nói với ông Pharisiêu trong bài Tin mừng hôm nay cũng như đang nói thẳng với mỗi chúng ta: Hãy có lòng bác ái, vị tha và quảng đại trong tư tưởng, lời nói và hành động thì ta mới có được sự trong sạch đích thực để có thể tiếp rước vị khách cao quý là chính Chúa đến thăm ngôi nhà tâm hồn chúng ta.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn