Thứ Hai Tuần Tám Mùa Quanh Năm : Khôn ngoan đích thực

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Feb 28/02/2022

Thứ Hai trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm

1 Pr 1:3-9; Tv 111:1-2,5-6,9,10; Mc 10:17-27

Khôn ngoan đích thực

 

 

Trình thuật hôm nay là một trong những câu chuyện buồn của Tin Mừng. Hình ảnh người thanh niên buồn rầu bỏ đi có lẽ khiến nhiều độc giả buồn lây và tiếc nuối cho một cuộc đời và một ước mơ đẹp. Hơn nữa, biết đâu sẽ có người tự nghĩ: giá mà Chúa Giêsu đưa ra một chỉ dẫn khác, để anh có thời gian chuẩn bị rồi Chúa hãy đòi hỏi quyết liệt thì hay hơn.

Thậm chí, chẳng may lại có người bị lôi vào hệ thống lý luận khá hay, khá hấp dẫn như nhiều người vẫn triết lý về của cải rằng có thực mới vực được đạo, rằng có thể dùng của cải để giúp đỡ sẻ chia cho người nghèo, rằng Caritas của giáo hội sẽ hoạt động thế nào nếu không có tiền, …

Một chút …lo ra để rồi tôi, bạn và anh chị, ta cùng nhớ mình đang dành những phút quý báu, những phút thánh thiêng, những phút mà có thể nói, mỗi chúng ta đang được chính Chúa Giêsu nhìn và đem lòng yếu mến. Vậy, dưới cái nhìn của Chúa, ta cùng nhau để Chúa giúp ta nhận ra sứ điệp của Niềm Vui trong câu chuyện buồn hôm nay.

Trước thái độ cung kính của người thanh niên đang quỳ dưới chân mình, trước một cuộc đời dù chưa dài nhưng đã có độ dày về đạo đức, về sự tốt lành qua việc tuân giữ đầy đủ các khoản Luật (cũ) dạy, Chúa Giêsu thấy người này chỉ cách xa đỉnh trọn lành có một bước. Ngài mạnh dạn mời gọi anh thực hiện một chuổi hành động: bán của cải – cho tiền người nghèo – đi theo Ngài. Ngài hồi hộp chờ đợi một lời đáp trả.

Đức Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.

Thực ra, Đức Giêsu không lên án người giàu có, cũng không chúc lành cho người nghèo. Bằng chứng: những người đàn bà thánh thiện đi theo Chúa, họ là những người giàu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án? Cũng như khi Maria, em của Marta và chị của Lazarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng). Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giàu có (Lc 7, 36-38) hay những người thu thuế có tiền (Lc 19, 1-10). Vậy Chúa lên án những gì.

Qua cuộc đối thoại với người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ lề luật mà thôi không bảo đảm cho ơn cứu rỗi của con người. Muốn được ơn cứu rỗi, phải chia sẻ của cải cho người nghèo khó để được phần trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói khác đi, đối với Chúa Giêsu, việc tuân giữ luật lệ không đủ để được ơn cứu rỗi, cần phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, nghĩa là có được kho tàng trên trời, và yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần.

Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian, có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi, khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời gọi cách mạng, có sức biến đổi thế giới. Theo Chúa Giêsu là có can đảm từ bỏ tất cả: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ, từ bỏ những người thân thương và từ bỏ chính mạng sống của mình nữa. Nhưng tất cả những từ bỏ ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chọn Chúa Giêsu và tiến bước theo Ngài. Và đó chính là sự khôn ngoan đích thực của chúng ta.

Vì sao Chúa Giêsu muốn anh bỏ của cải để theo Ngài ? Hằn vì những điều Luật đòi hỏi đã là rất tốt nhưng chưa hoàn hảo. Luật đang cần được bổ túc, được kiện toàn bởi chíinh Chúa Giêsu. Tín hữu Dothái giữ Luật – dù rất đầy đủ và chi tiết – vẫn chưa thể vươn tới đỉnh trọn lành nếu không gắn bó với Chúa Giêsu. Ngài sẽ ban Luật Mới trong Giao ước Mới được kí kết bằng chính Máu Thánh Ngài. Chính Ngài là Đỉnh sự trọn lành, là sự thánh thiện vẹn toàn, là sự sống vĩnh cửu và viên mãn.

Sự hồi hộp của Chúa Giêsu đã đi đến kết thúc buồn: Người thanh niên từ chối đáp trả lời mời gọi của Ngài. Anh tốt thật, nhưng không thánh thiện. Của cải đã thay chỗ cho sự thánh thiện trong anh.

Thế giới này có nhiều người tốt nhưng lại rất ít người thánh thiện. Bởi đó mà con người ngày nay đang khát những chứng nhân thánh thiện. Thật vậy, thiếu gắn bó với Chúa, thiếu tuân giữ các điều Chúa truyền dạy, thiếu sự từ bỏ những bám víu trần đời, nhất là của cải, nên những nỗ lực gặp gỡ, khuyên nhủ, chia sẻ Lời Chúa, giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân, cho anh chị em giàu có, nghèo khó, bệnh tật, bị bỏ rơi, … của ta không sinh hoa thơm không kết trái ngon được.

 “Con chỉ còn thiếu một điều ….!” – Chúa Giêsu vẫn đang nói và không ngừng nói với từng người trong tôi, bạn và anh chị. Mà đau xót là, nhiều người trong chúng ta nghe được Chúa nói, biết được điều ta đang thiếu, và vẫn …buồn rầu bỏ đi như người thanh niên xưa.

Tin Mừng hôm nay cho ta thêm một cơ hội : hãy xin Chúa Giêsu cho ta biết ta đang thiếu một điều nào và xin Ngài giúp ta lấp đầy điều thiếu sót ấy.

Lm Antôn Tuệ Mẫn