TÔN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI VIỆT NAM

TÔN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI VIỆT NAM

Hạnh Tích Các Thánh - Mar 24/03/2014

Nhóm Thầy Giảng khoảng 12 người, có cả người lớn lẫn thanh thiếu niên, được cha Đắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này đã làm nảy sinh ra lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình chúa Nguyễn

TẦM QUAN TRỌNG VÀ Ý NGHĨA PHONG PHÚ CỦA VIỆC TÔN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI VIỆT NAM : THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN (1625-1644)

ANRÊ PHÚ YÊN LÀ AI

Người mà từ xưa người ta quen gọi là “ Thầy Giảng AnRê”, sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 16 tuổi, do chính cha Đắc Lộ ( Alexandre de Rhodes). Lúc đó Anrê đã bắt đầu học chữ Nho.

Một năm sau, Anrê xin được gia nhập vào nhóm các Thầy Giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo. Anrê được gởi gắm cho vị quan thuộc nhóm Thầy Giảng tên là Inhaxiô, một người được vị Thừa Sai tin cậy và là trụ cột của cộng đồng Công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.

Nhóm Thầy Giảng khoảng 12 người, có cả người lớn lẫn thanh thiếu niên, được cha Đắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này đã làm nảy sinh ra lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam là nơi có trung tâm sinh hoạt truyền giáo chính của nhóm. Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấy phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài. Theo kế hoạch của nhà cầm quyền thì “ đạo của người Bồ Đào Nha” chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, và mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm chỉ.

Inhaxiô vắng mặt khi lính đến tìm bắt ngài, Thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy đang ở nhà một mình, và Thầy đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả của mình. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: “ Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài”. Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho Thầy để Thầy được “ giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Anrê chết do nhiều nhát dao đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Ngày ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1644. Anrê vừa được 19 tuổi. Cha Đắc Lộ ở bên cạnh Thầy. Đứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài Công giáo. Mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của Thầy. Gương tử đạo của Thầy lập tức nổi danh, và qua những lời chứng và tường thuật, đã loan truyền ra đến nhiều nước tận Rôma. Tòa Giám mục Áo- môn (Macao), nơi có rất nhiều nhân chứng sinh sống, đã đón nhận thi hài Thầy hết sức trọng thể, và tổ chức ngay trong tháng 12 năm ấy hồ sơ xin phong Chân Phước cho Anrê. Chính hồ sơ này ngày nay đã cung cấp cơ sở lịch sử chủ yếu giúp Giáo Hội có thể căn cứ vào để phán quyết.

117 VỊ TỬ ĐẠO, CHỪNG ẤY CHƯA ĐỦ SAO ?

Đó là một nhận định bài bác chúng ta đã từng được nghe. Việt Nam đã có 117 vị Tử đạo đã được phong hiển thánh, trong đó có 96 vị là người bản xứ. Như vậy thì nào có gì hơn nếu có thêm vào một người thứ 118, hoặc một người thứ 97 ? Quan điểm ấy theo chúng tôi, là quá thiển cận. Thật vậy, Anrê Phú Yên không phải là người thứ 118, nhưng chính là người tiên khởi, và là người anh đầu của tất cả. Người ta sẽ nghĩ gì về một gia đình Việt Nam, khi mà người anh cả bị bỏ quên, bị xem như không quan trọng, và không được đặt di ảnh lên trên bàn thờ tổ tiên ? Con đường hẹp, khó khăn, gian khổ để nên thánh của người Việt Nam, chính Anrê là người đi tiên phong : Nếu không có ân sủng đặc biệt, duy nhất, của Thiên Chúa, Thầy hẳn đã không bước đi được trên con đường ấy. Chúng ta là ai mà có thể nhắm mắt làm ngơ trước mầu nhiệm ấy ?

Hiện nay, người anh cả của những người Việt Nam đã được phong thánh tử đạo là Vinxentê Liêm, chết năm 1773. Thánh Liêm là một khuôn mặt lớn, đầy đủ nhân đức để cho chúng ta học tập. Nhưng ngài đã đi du học trong nhiều năm ở nước ngoài, và ngài là một Linh mục. Địa vị của vị “ tử đạo tiên khởi” phải thuộc về Anrê, chết 129 năm trước thánh Liêm, với lòng can cường không kém. Hơn nữa, Anrê là một người con của đất nước, mang trong mình 100% nền văn hóa của đất nước; thầy là một giáo dân công giáo. Vì thế, chắc hẳn Anrê là tiêu biểu trực tiếp hơn cho khối đa số vô danh của những người Công Giáo Việt Nam, nhất là những người thuộc những thế hệ đầu tiên, nhờ vào sự khôn ngoan và tính kiên cường họ đã khám ra phương cách Việt Nam để sống đạo.

Đối chiếu với phần lớn các vị tử đạo được tôn phong năm 1988, Anrê biểu hiện một kinh nghiệm đặc sắc và có thể là sống động hơn cho ngày nay, do bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt. Những thế hệ Công Giáo tiên khởi được sinh ra trong bối cảnh của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập đối với các thế lực phương Tây thì không bao giờ Bồ Đào Nha, là nước đã gửi đi các nhà Thừa Sai, đã can thiệp vào công việc của Việt Nam bằng bất cứ cách nào, dù là để bênh vực cho người Công Giáo.

Những đồng bào không Công Giáo, đại đa số đã tỏ ra hết sức ngưỡng mộ đối với chàng trai trẻ có lòng can đảm bất khuất nầy. Họ cảm nhận được nơi Anrê tình thương mà thầy đã đem đến cho tất cả những người đồng hương của thầy- một sự việc mà những nhân chứng đã nói đến- và họ đã đáp lại tình thương đối với Thầy. Đó là một sắc thái khá độc đáo trong cái chết của Anrê. Đến thế kỷ 18 và 19 thì các tình huống và tâm trạng đã biến chuyển.

Cần phải nói thêm một điểm chót. Lịch sử rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam đã ghi lại nhiều cuộc cạnh tranh và căng thẳng ngay cả trong nội bộ của cộng đồng Công Giáo. Trong thời đại của Anrê, ngược lại, theo tất cả các chứng cớ và những tài liệu, người Công Giáo yêu thương nhau như anh em, đến độ lúc bấy giờ người ta gọi đạo Công Giáo là “ đạo của những người yêu thương nhau”. Anrê phải lấy lại địa vị của mình là địa vị tiên khởi trong bảng danh sách các thánh của nước Việt Nam, và cũng để làm chứng cho thời đại hoàng kim của cộng đồng Công Giáo; chính đó là nguồn đích thực mà người Công Giáo thời nay được mời gọi trở về.

MỘT GƯƠNG MẪU PHẢI NOI THEO

Khi nói đến lịch sử khởi công xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, người ta có thói quen đưa ra một vài nhân vật lịch sử lớn, đặc biệt là nhân vật Đắc Lộ. Điều nầy không có gì cần phải cải chính. Nhưng lịch sử của Anrê còn chứng tỏ rằng Giáo Hội cũng đã được xây đắp nhờ vào những nỗ lực của số đông giáo dân Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên. Ở vào thời của Anrê, thừa sai chỉ thỉnh thoảng mới có thể, và không thể sống thường xuyên ở trong nước. Chính vì lý do này mà những Thầy Giảng phải luân phiên thay thế họ.

Anrê là tiêu biểu cho tất cả những Thừa Sai Việt Nam vô danh này, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết. Người ta không thể không nghĩ rằng, chính họ là những thừa sai thực sự, vì chỉ có họ mới đủ sức bảo đảm cho sự liên tục và sự tiến triển của cộng đồng Công Giáo. Thử hỏi tình trạng này không phải là giống như tình trạng ngày nay tại nhiều nơi mà sự lui tới của Linh mục bị hạn chế đó sao? Chính ở điểm này mà Anrê là một gương mẫu của đời sống Công Giáo rất thích hợp cho thời nay. Thực thế, thật khó mà chọn Đắc Lộ làm gương mẫu để noi theo, nếu không muốn nói là một cách gián tiếp. Ngài đại diện cho một thời đại vẻ vang, nhưng đã qua, của sứ mạng truyền giáo. nhưng thời đại của Anrê, thời đại này, không bao giờ là không có.  Là một tín đồ Công Giáo gương mẫu, Anrê nêu gương về nhiều mặt. Chính Thầy đã tuyên bố với quan tòa rằng Thầy ở với vị Thừa Sai “ để có dịp học hỏi và tìm hiểu cho thấu đáo đức tin Kitô giáo của mình”. Tất cả những ngôn từ kể lại về thầy chứng tỏ thầy đã đạt đến một trình độ cao thâm trong sự hiểu biết và thực hành đời sống Công Giáo. Thầy đã tóm gọn trong một câu: “ Đi theo Thầy Giêsu của tôi cho đến chết.

Anrê còn là một gương mẫu có tính cách rộng lớn hơn nữa. Thầy chết có những người Công Giáo thuộc nhiều nước vây quanh, tất cả đều một lòng ngưỡng mộ và tôn kính thầy. Thi hài Thầy đến Macao đã đem lại cho thành phố này một sự hòa giải rộng rãi, trong lúc tại đây đang có những tranh cãi đau buồn từng chia rẽ công giáo từ nhiều năm qua. Như thế, chàng trẻ tuổi Anrê không thể biểu hiện cho sự bình an và sự hòa hợp mà chúng ta hằng cầu mong có được trong Giáo Hội và giữa nhiều dân tộc sống trên địa cầu đó sao?

TẠI SAO PHẢI ĐỢI QUÁ LÂU ĐỂ TÔN PHONG CHO THẦY ANRÊ ?

Khi ThầyAnrê bị giam, những người đến thăm quá xúc động, xin Thầy cầu nguyện cho họ, Anrê trả lời họ rằng chính Thầy là người tội lỗi đáng thương, và lẽ ra họ phải cầu nguyện cho Thầy, để Thầy được trung thành cho đến cùng. Đức khiêm tốn sâu thẳm này có thể nói được là số mệnh của Anrê. Số mệnh này chắc cũng đã đeo theo vụ án của Thầy khiến phải tụt lại đằng sau vụ án của các vị tử đạo khác của thời rất gần đây hơn…

Ngay từ năm Anrê vừa qua đời, người ta đã hăm hở tiến hành ngay hồ sơ xin phong chân phước. Nhưng chẳng may diễn tiến công việc vướng mắc vào những cạm bẫy của lịch sử. Vào năm 1649, vụ án đã đến Rôma, và đã được Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đứng ra bảo trợ. Nhưng luật Giáo Hội qui định phải có một bản điều tra thứ hai, tiên liệu việc thẩm cứu các nhân chứng- hình như chủ yếu phải là người Việt Nam- về những câu hỏi do Tòa Thánh đặt ra. Do những cuộc bách hại, nên phúc trình thứ hai này đã không bao giờ được kết thúc. Lúc bấy giờ chỉ nghe được ở một nhân chứng: chính con trai của người đứng đầu cộng đoàn Công Giáo, cùng bị giam với Anrê, nhưng đã được ân xá vì đã 73 tuổi.

Cũng phải nói thêm rằng, một mặt các nhân chứng trực tiếp lần lượt mất đi, mặt khác cộng đồng Công Giáo Việt Nam thì bị xâu xé bởi những chia rẽ trầm trọng do đó mà nguyện vọng của dân Chúa muốn tôn vinh tử đạo cho Anrê dĩ nhiên cũng bớt phần tha thiết…Vụ án Anrê được xúc tiến tại Rôma do các cha Dòng Tên. Dòng của Cha Đắc Lộ. Và rủi thay, vào thời kỳ đó, các Cha Dòng Tên ở Việt Nam bị phê bình nghiêm khắc tại Rôma, thậm chí bị lên án về nhiều việc, trong đó có vấn đề “ lễ nghi Trung Hoa”. Do đó không còn ai sốt sắng bênh vực cho vụ án do các Cha này trình lên, dẫu Anrê không có điểm nào đáng chê trách, thầy đã chết vẻ vang trước khi xảy ra tất cả những khó khăn này.

Vào cuối thế kỷ 19, và một lần nữa, trong thời gian họp Công Đồng Vaticanô II, vụ án được xúc tiến trở lại. Nhưng lúc bấy giờ lại có quyết định phải có những cuộc sưu tra thật chính xác và lâu dài. Những công việc này đã không hoàn tất, bởi lẽ những sử gia được chỉ định đã chết hoặc đã gặp trở ngại. Đến năm 1996, vụ án đã được mở lại: một ủy ban sử gia mới đã được chỉ định, và cuối cùng thì các công việc nghiên cứu của họ đã đươc kết quả theo ý nguyện. Bấy giờ Tòa Thánh giao cho một chuyên gia để soạn thảo bản tường trình dài chính thức, để được Thánh Bộ Phong Thánh sớm cứu xét là một bản tường trình rất thuận lợi.

Phải tin rằng Thiên Chúa đã dành để cho thế hệ chúng ta được nhận thấy rõ ràng sự cao cả của vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam và dạy chúng ta phải học hỏi với Ngài. Ngài đã được gọi để nên mẫu mực cho tất cả những ai ngày nay đang dấn thân vào công việc làm chứng Tin Mừng, và cách riêng cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam. Diễn tiến chậm trễ của hồ sơ xin tôn vinh Chân Phước Thầy Anrê qua nhiều thế kỷ làm cho chúng ta tin rằng đó có thể là do thánh ý của Thiên Chúa.

CON ĐƯỜNG CÒN LẠI PHẢI VƯỢT QUA

Tuy nhiên, trước khi tôn vinh thầy Anrê Phú Yên lên trên các bàn thờ, còn một chặng đường nữa phải vượt qua, chắc chắn là ngắn hơn chặng đường trước. Công trình nghiên cứu lịch sử thực hiện theo lời yêu cầu của các Giám mục Việt Nam sẽ được nghiên cứu và thẩm định bởi một ủy ban sử gia do Tòa Thánh chỉ định, bởi lẽ, Giáo Hội không muốn kể vào số các thánh những người, dù cho xứng đáng, một khi những hoàn cảnh (chẳng hạn như về mặt chính trị) của đời sống và của cái chết của các vị này chưa được làm sáng tỏ. Sau đó, một ủy ban các nhà thần học cũng do Tòa Thánh chỉ định, sẽ xem xét giá trị làm chứng đức tin nơi cái chết của Thầy Anrê, và sẽ phán quyết xem Thầy có thực sự là một vị tử đạo không, nghĩa là một người bị xử tử do sự thù ghét đức tin và đã chấp nhận cái chết vì lòng mến Chúa và yêu thương anh em mình.

Nếu sự phán quyết của hai ủy ban đầu thuận lợi thì đến lượt một ủy ban thứ ba, gồm các hồng y, sẽ làm một phúc trình cho Đức Giáo Hoàng về hoàn cảnh thích hợp để phong Chân Phước. Đức Giáo Hoàng sẽ lấy quyết định tối hậu và tuyên bố Thầy Anrê là vị Chân Phước. Sau cuộc tôn vinh Chân Phước, nếu có được một phép lạ nhờ sự cầu bầu của Thầy và được công nhận thì Thầy Anrê có thể được đề nghị trực tiếp tôn phong hiển thánh như 117 vị tử đạo khác đã bước theo con đường của Thầy.

Tất cả những cuộc vận động này có thể mất nhiều thời gian, thông thường thì trong nhiều năm, bởi vì Giáo Hội làm nảy sinh nhiều hoa quả thánh thiện và hiện nay còn nhiều trường hợp đang chờ đợi. Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng muốn thì mọi việc có thể tiến hành mau hơn. Chúng ta có quyền hy vọng Anrê sẽ được phong Chân Phước trong năm Đại Toàn Xá 2000. Đó là điều đã được công khai bày tỏ trước phái đoàn các Giám mục VN và cử tọa

các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ tại Rôma trong thánh lễ trọng thể ngày 26 tháng 4 năm 1998.

MỘT SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CHO VIỆT NAM

Các Giám mục Việt Nam, trong khi chuẩn bị tham dự cuộc họp Thượng Hội đồng Á Châu, đã cầu xin cho Giáo Hội của các ngài quay trở về nguồn. Điều này cũng có nghĩa là người ta phải học hỏi thời kỳ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Như vậy, việc phong Chân Phước cho thầy Anrê sẽ đến đúng lúc : nó sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhận biết rõ ràng hơn những thế hệ đầu tiên của người công giáo Việt Nam, và biết noi gương họ nhiều hơn.

Anrê chắc chắn sẽ gây được nguồn cảm hứng cho đồng bào của mình về một sự đổi mới thật sự trong đời sống tâm linh và sự can đảm trong việc làm chứng nhân trong những tình huống khó khăn mà họ đang trải qua. Khi Thầy Giảng trẻ tuổi này hy sinh mạng sống tại Quảng Nam, thì đời sống Công Giáo còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng Thầy đã biết đi cho đến cùng theo sự xác tín của mình, trong niềm hân hoan và sự can đảm. Thầy là người anh cả của mọi người. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cung kính dành cho Thầy một chỗ xứng đáng trong trái tim của chúng ta, và đừng ngại kêu cầu với Thầy như là vị bổn mạng của chúng ta.

Lm.Dương Hữu Nhân

(Hồ Ngọc Tâm chuyển qua Việt Ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp)

Tác giả: Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS