“Tự sắc” có nghĩa là gì?

“Tự sắc” có nghĩa là gì?

Hỏi đáp - Mar 24/03/2014

Tự sắc là một sắc lệnh mà những điều khoản trong bản văn được chính vị giáo hoàng quyết định, chứ không đến từ một vị hồng y hoặc cố vấn. Vì vậy mà loại sắc lệnh này được gọi là “tự sắc”,

Tự sắc là một sắc lệnh mà những điều khoản trong bản văn được chính vị giáo hoàng quyết định, chứ không đến từ một vị hồng y hoặc cố vấn. Vì vậy mà loại sắc lệnh này được gọi là “tự sắc”, dịch từ chữ Latinh “motu proprio”, có nghĩa là “of his own motion”, “of one’s own accord”, hay là “tự đề xướng, tự ý”, chứ không do ai thúc bách, thúc giục.

“Motu proprio” theo nghĩa rộng cũng có thể là một “tự thư,” không có tính cách sắc lệnh, hoặc không nặng tính chất pháp lý, thí dụ như một “motu proprio” ban một ân huệ cho một nhóm người. Có khi một văn kiện được gọi là tông thư dưới dạng tự sắc, thí dụ như văn kiện mới được ban hành là “Summorum Pontificum,” khi văn kiện thực sự không đặt ra luật mới, nhưng có tính cách hướng dẫn việc thực thi những gì đang có. Tuy nhiên, văn kiện loại này vẫn theo cách hành văn của một sắc lệnh: “Qua tông thư này ta ra sắc lệnh như sau….”

Tất nhiên, trước khi ký và ban hành một tự sắc, các đức giáo hoàng thường dành nhiều thời giờ tham khảo với các vị cố vấn hoặc chuyên viên liên hệ. Theo các tin tức báo chí, trong sáu tháng qua, trước khi ký tự sắc “Summorum Pontificum,” ĐGH Bênêđictô XVI đã dành nhiều thời giờ tham khảo, lắng nghe ý kiến và quan tâm của nhiều giới, trong đó có các giám mục Pháp, là những người có nhiều kinh nghiệm về nhóm theo ĐGM Lefèbvre là nhóm chỉ làm lễ Latinh theo nghi lễ cũ và phủ nhận lễ theo nghi lễ mới (Novus Ordo). Nói như thế có nghĩa là một tự sắc, tuy là một sắc lệnh “tự ý,” không phải là một sắc lệnh có tính tùy tiện, tùy hứng.

Đằng khác, sau khi một tự sắc được công bố, vị giáo hoàng vẫn cần đón nhận ý kiến và phản ứng từ các giới, các nơi trong Giáo Hội, và xem coi việc áp dụng tự sắc mang lại những kết quả hoặc khó khăn gì. Bằng chứng là khi công bố tự sắc “Summorum Pontificum” về Thánh Lễ Latinh cũ, Đức Thánh Cha đã viết thêm một thư giải thích, nói với các giám mục trên thế giới rằng “tôi mời gọi Chư Huynh gởi cho Tòa Thánh tường trình về kinh nghiệm của mình sau khi Tự Sắc này có hiệu lực được ba năm. Nếu quả thực là có những khó khăn nghiêm trọng, chúng ta có thể tìm cách khắc phục.”

Tự sắc đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội là tự sắc của ĐGH Innocent VIII được công bố vào năm 1484. Riêng ĐGH Bênêđictô XVI thì cho đến nay đã ký những tự sắc này:

* – Tự sắc về vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành (31-5-2005).
* – Tự sắc phê chuẩn Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (28-6-2005).
* – Tự sắc “Totius Orbis” về việc phối hợp các sinh hoạt và sáng kiến mục vụ tại hai vương cung thánh đường ở Assisi (9-11-2005).
* – Tự sắc tái lập những quy định truyền thống về đa số phiếu phải có khi bầu vị giáo hoàng (11-6-2007).
* – Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc cử hành Thánh Lễ Latinh theo nghi lễ cũ (7-7-2007).

Tưởng cũng nên biết, ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố 24 tự sắc, trong đó có tự sắc “Ecclesia Dei” về Thánh Lễ Latinh theo nghi lễ cũ (2-7-1988).

Các tự sắc thường lấy hai chữ đầu mà đặt tên cho tự sắc, như tự sắc mới ban hành có 2 chữ đầu là "Summorum Pontificum". Tự sắc cũng thường mở đầu bằng những lý do của việc ban hành tự sắc, sau đó diễn tả luật lệ hoặc quy định hoặc một ân huệ được ban cho ai. Ở cuối bản tự sắc, chính vị giáo hoàng ký tên mình, phía dưới ngày tháng được viết bằng tiếng Latinh. Một điều khoản trong tự sắc, nếu đi ngược với những điều khoản trong bộ Giáo Luật, vẫn có hiệu lực.
LM Bùi Tiếng