Những Lời Giải Đáp Cho Các Câu Hỏi Về Tín Lý

Những Lời Giải Đáp Cho Các Câu Hỏi Về Tín Lý

Hỏi đáp - Mar 24/03/2014

“Chính qua việc cử hành Thánh Thể của Chúa trong mỗi Giáo Hội này mà Giáo Hội của Chúa được xây dựng lên và được phát triển trong thế giá”

Bộ Giáo Lý Đức Tin: Những Lời Giải Đáp Cho Các Câu Hỏi Về Tín Lý

Giới thiệu

Công Đồng Vatican II, với Hiến Chế Lumen gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, và những Sắc Lệnh về Đại Kết (Unitatis redintegratio – Tái nhập Hiệp Nhất) và Các Giáo Hội Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum – Các Giáo Hội Đông Phương ), đã đóng góp một cách quyết định vào việc canh tân khoa giáo hội học Công Giáo. Các Đức Giáo Hoàng cũng đã đóng góp vào việc canh tân này bằng cách đưa ra những suy tư của các ngài cũng như những định hướng trong việc ứng dụng cụ thể: Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục trong Thông Điệp Ecclesiam suam -Giáo Hội của Chúa (1964) và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Ut unum sint – Để chúng nên một (1995).

Nhiệm vụ tiếp theo của các thần học gia nhằm giải thích minh bạch hơn những khía cạnh đa dạng của khoa giáo hội học đã dẫn đến một sự đua nở các bài viết về lãnh vực này. Thật vậy, rõ ràng là chủ đề này đã là một chủ đề đem lại nhiều thành quả nhất, nhưng đôi khi cũng cần đến sự minh xác qua việc định nghĩa chính xác và sửa sai, chẳng hạn, trong tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae – Mầu Nhiệm Giáo Hội (1973), Thư gởi Các Đức Giám Mục Công Giáo Communionis notio – Ý niệm Hiệp Thông(1992), và tuyên ngôn Dominus Iesus – Đức Giêsu là Chúa (2000), tất cả đều được Bộ Tín Lý Đức Tin công bố.

Tầm bao quát của vấn đề cũng như sự mới mẻ của nhiều đề tài liên quan tiếp tục gợi lên suy tư thần học. Giữa những đóng góp cho lãnh vực này, một số không tránh khỏi sự diễn dịch sai lạc làm tăng thêm sự hoang mang và ngờ vực. Một số những diễn dịch này đã được tường trình về Bộ Tín Lý Đức Tin. Vì tính phổ quát của giáo lý Công Giáo về Giáo Hội, Bộ muốn giải đáp cho những vấn nạn này bằng cách minh xác ý nghĩa chân thực của những thành ngữ về giáo hội học được dùng bởi huấn quyền đang mở ngỏ cho hiểu nhầm trong tranh luận thần học.

NHỮNG GIẢI ĐÁP CHO CÁC CÂU HỎI

Câu hỏi thứ nhất: Có phải Công Đồng Vatican II đã thay đổi tín lý Công Giáo về Giáo Hội?

Trả lời: Công Đồng Vatican II chẳng thay đổi và cũng chẳng có ý định thay đổi tín lý này, trái lại Công Đồng phát triển, đào sâu và giải thích đầy đủ hơn về tín lý này.

Đó chính là điều Đức Giáo Hoàng Gioan XIII tuyên bố trong buổi khai mạc Công Đồng1. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục khẳng định điều đó 2 và bàn thêm khi công bố Hiến Chế Lumen gentium: “Không có lời bình luận nào hay hơn là nói rằng việc công bố này không thay đổi gì tín lý truyền thống. Điều Chúa Kitô muốn, chúng tôi cũng muốn như thế. Điều đã là thì vẫn là. Điều Giáo Hội đã dạy xuyên suốt các thế kỷ, chúng tôi cũng dạy như vậy. Nói đơn giản, điều được giả định thì nay được minh định; điều chưa chắc chắn thì nay được minh xác; điều được suy tư, bàn cãi và đôi khi tranh biện, thì nay được gom lại trong một công thức rõ ràng. 3Các Đức Giám Mục đã bày tỏ nhiều lần và mong mỏi điều này. 4

Câu hỏi thứ hai: Ý nghĩa của việc khẳng định rằng Giáo Hội của Chúa Kitô đặt nền tảng trong Giáo Hội Công Giáo là gì?

Trả lời: Chúa Kitô "thiết lập trên trần gian này" chỉ một Giáo Hội duy nhất và đặt để Giáo Hội như “một cộng đoàn hữu hình và thiêng liêng” 5, mà từ buổi khởi đầu và xuyên suốt các thế kỷ đã tồn tại và sẽ luôn luôn tồn tại, và chỉ trong Giáo Hội ấy mới có các yếu tố mà chính Chúa Kitô đã thiết lập. 6 “Chỉ một mình Giáo Hội duy nhất này của Chúa Kitô, mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền […] Giáo Hội này được thành hình và tổ chức trong thế giới này như một xã hội, căn bản chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản bởi Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và bởi các Đức Giám Mục trong tình hiệp thông với ngài” 7

Trong đoạn 8 của Hiến Chế về Tín Lý Lumen gentium cụm từ ‘hiện hữu căn bản bên trong’ đề cập đến tính liên tục lâu dài trong lịch sử và tính chất vĩnh viễn của tất cả các yếu tố đã được thiết định bởi Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo 8, mà trong đó Giáo Hội của Chúa Kitô được hình thành cụ thể trên trần gian này.

Theo giáo lý Công Giáo, có thể khẳng định một cách đúng đắn là Giáo Hội của Chúa Kitô hiện diện và hoạt động trong các giáo hội và các cộng đoàn giáo hội chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo khi dựa trên các yếu tố về sự thánh hóa và sự thật mà cũng có trong các giáo hội này. 9Dẫu thế, từ “có căn bản trong” chỉ có thể dành cho Giáo Hội Công Giáo mà thôi chính vì từ này liên hệ đến dấu chỉ hiệp nhất mà chúng ta tuyên xưng trong các biểu tượng của đức tin (Tôi tin … một Giáo Hội “duy nhất”); và Giáo Hội “duy nhất” này có căn bản trong Giáo Hội Công Giáo.10

Câu hỏi thứ ba: Tại sao lại dùng thành ngữ “có căn bản trong” thay vì một chữ đơn giản hơn là chữ “là”?

Trả lời: Việc dùng thành ngữ này, vốn nói lên sự đồng hóa trọn vẹn Giáo Hội của Chúa Kitô với Giáo Hội Công Giáo, không thay đổi tín lý về Giáo Hội. Trái lại, thành ngữ đó bắt nguồn từ một sự kiện và làm rõ nét hơn sự kiện này là có “vô số các yếu tố của sự thánh hóa và sự thật” được tìm thấy bên ngoài cấu trúc của Giáo Hội, nhưng những yếu tố này “mà như là các ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, chúng thúc đẩy tới sự Hiệp Nhất Công Giáo” 11.

“Hệ quả là những giáo hội và các Cộng Đoàn ly khai này, dù chúng ta tin là họ phải chịu những thiếu xót, không mất đi ý nghĩa hay tầm quan trọng trong mầu nhiệm cứu độ. Thực ra, Thần Khí Chúa Kitô đã không bỏ mặc mà không dùng như những khí cụ của ơn cứu độ những giáo hội và các Cộng Đoàn có những giá trị bắt nguồn từ sự viên mãn về ân sủng và sự thật được tín thác cho Giáo Hội Công Giáo”.12

Câu hỏi thứ tư: Tại sao Công đồng Chung Vatican II sử dụng danh từ “Giáo Hội” khi nói tới các Giáo Hội Đông phương đã ly khai khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo?

Trả lời: Công Đồng muốn công nhận sự sử dụng truyền thống danh từ Giáo Hội. "Bởi vì những Giáo Hội này, tuy dù là ly khai, có những bí tích thật và trên hết – vì có sự nối tiếp tông đồ – chức linh mục và phép Thánh Thể, qua đó các Giáo Hội này còn được liên kết với chúng ta bằng những liên hệ mật thiết” 13, họ đáng được nhận danh xưng là “các Giáo Hội địa phương và đặc thù” 14, và được gọi là Các Giáo Hội chị em của các Giáo Hội Công Giáo đặc biệt 15.

"Chính qua việc cử hành Thánh Thể của Chúa trong mỗi Giáo Hội này mà Giáo Hội của Chúa được xây dựng lên và được phát triển trong thế giá” 16. Thế nhưng, vì sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, trong đó thủ lĩnh hữu hình là vị Giám Mục Rôma và là Đấng Kế Vị của Phêrô – không phải là một yếu tố bổ sung ngoại tại nào đó đối với một Giáo Hội nhất định, nhưng là một trong những nguyên tắc định chế nội tại của nó; những Giáo Hội Kitô giáo đáng kính này thiếu điều nào đó trong điều kiện của các giáo hội đặc thù 17.

Đàng khác, do sự chia rẽ giữa các người Kitô hữu, sự đầy đủ trọn vẹn trong tính cách hoàn vũ, vốn là điều chính đáng dành cho Giáo Hội được cai quản bởi Đấng Kế Vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài, vẫn chưa được nhận thức trọn vẹn trong lịch sử 18.

Câu hỏi thứ năm: Tại sao các văn bản của Công Đồng và của Huấn Quyền Giáo Hội từ thời Công Đồng về sau không sử dụng danh từ “Giáo Hội” đối với các Cộng Đồng Kitô hữu được phát sinh ra từ thời Phục Hưng ở thế kỷ thứ XVI?

Trả lời: Theo tín lý Công Giáo, các Cộng Đồng này không được hưởng sự tiếp nối tông truyền trong bí tích Truyền Chức Thánh, vì thế, các Cộng Đồng này thiếu yếu tố định chế của Giáo Hội. Những Cộng Đồng giáo hội này, một cách đặc biệt vì thiếu bí tích truyền chức linh mục, nên đã không tiếp nối duy trì được thực thể căn bản chân thực của Mầu Nhiệm Thánh Thể 19 và theo tín lý Công Giáo, họ không thể được gọi là “Các Giáo Hội” trong đúng nghĩa của danh từ này20.

Giáo Tông Tối Cao Bênêđictô XVI, trong cuộc triều yết dành cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã chuẩn y và xác nhận những câu trả lời này, đã được Cuộc Họp Toàn Thể của Bộ chấp nhận, nay truyền cho phổ biến .

Roma, từ Văn Phòng của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 29/6/2007, Lễ Trọng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

ĐHY William Levada

Tổng trưởng

+ Angelo Amato, S.D.B.

Tổng giám mục hiệu tòa Sila

Thư ký

(Bản dịch của Lm Trần Công Nghị và Đặng Minh An)
+ĐHY William Levada