SÁNG THẾ
(chương 25-36)
I. ESAU, GIACOP VÀ MẦU NHIỆM TUYỂN CHỌN (25,19-26)
Với bản gia phả của Isaac (câu 19-20), sách Sáng Thế đưa ta vào một giai đoạn mới trong lịch sử các tổ phụ, là giai đoạn của Isaac và Giacóp. Bản gia phả được tiếp nối bằng câu chuyện về việc sinh hạ Esau và Giacóp.
Bà Rebecca là một phụ nữ hiếm muộn cũng giống như bà Sara. Nhưng chính sự hiếm muộn này lại làm nổi bật sự can thiệp của Chúa trong việc bà thụ thai (câu 21). Niềm vui thụ thai của bà lại trở thành nỗi lo lắng vì cảm nhận những đứa con “đánh nhau” ngay trong lòng dạ mình. Chính ở đây xuất hiện lời sấm được coi như tâm điểm của trình thuật, “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (25,23). Lời sấm này đã loan báo trước những gì sẽ được trình bày trong câu chuyện về Esau và Giacóp.
Tác giả sách Sáng Thế cũng mô tả một số đặc tính của hai đứa trẻ sơ sinh, báo trước tính cách của mỗi đứa trẻ và mối tương quan giữa Esau và Giacóp sau này. Esau “đỏ hoe” (admoni) và “đầy lông lá” (séar), sau này sẽ trở thành tổ phụ của dân Edmonites sống ở vùng Seir. Việc mô tả Giacóp ra sau nhưng “nắm gót chân” của Esau cũng mang tính biểu tượng, diễn tả tính cách của Giacóp. Tên gọi Giacóp là thể rút ngắn của Jacobel, nghĩa là “xin Thiên Chúa bảo vệ.”
Trình thuật được tiếp nối bằng những câu chuyện về việc Esau bán quyền trưởng nam của mình (25,27-34), kể cả việc bà Rebecca tìm cách đánh lừa Isaac để ông chúc lành cho Giacóp ((27,1-46). Những câu chuyện trên có thể làm cho ta đặt nhiều câu hỏi, ví dụ tại sao Giacóp lại được chọn thay vì Esau, phải chăng hành động lừa dối của bà Rebecca là hành động tốt vì phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đã được bày tỏ trong lời sấm (25,23)? Tác giả sách Sáng Thế không đưa ra câu trả lời. Ông chỉ kể chuyện.
Ở đây chúng ta đối diện với một mầu nhiệm sẽ còn tái diễn nhiều lần trong lịch sử cứu độ, là mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Sự chọn lựa của Thiên Chúa mãi là một huyền nhiệm vượt trên những tính toán và suy nghĩ bình thường của con người. Thiên Chúa điều khiển và thực hiện dự định của Ngài, vượt trên những tính toán của chúng ta.
III. HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA GIACÓP VÀ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
1. Hành trình của Giacóp
Trong một thị kiến ở Bethel (28,10-12), Giacóp thấy một cái thang nối Trời với Đất, và ông nghe nhắc lại những lời hứa đã được ban cho tổ phụ Abraham. Nhưng Giacóp không biết: “Có Đức Chúa ngự nơi này mà tôi không biết” (28,16). Sau đó Giacóp lấy hòn đá ông đã gối đầu qua đêm dựng lên làm trụ, và khấn hứa rằng nếu Thiên Chúa gìn giữ ông được bình an, thì ông sẽ trở về dựng bàn thờ kính Chúa ((28,18-22).
Giacóp lại có một thị kiến khác, đó là ông vật lộn với Thiên Chúa tại Peniel (32, 22-33). Sau biến cố này, Giacóp trở thành một con người khác, ông mang tên gọi mới là Israel và sống cuộc đời chính trực.
Sau cùng, khi trở về Bethel (35, 1-18), ông hoàn tất lời thề xây một bàn thờ tại Bethel để kính Thiên Chúa, “Đấng đã đáp lời tôi ngày tôi gặp bước gian truân, và đã ở với tôi trong chuyến đi tôi đã thực hiện” (35, 3).
2. Hành trình của Kitô hữu
Những sự kiện và biến cố trong đời tổ phụ Giacóp cho thấy đức tin là cả một hành trình dài chứ không chỉ là một lý thuyết hay sự vật mà ta chỉ cần nắm lấy một lần là xong. Tin là bước vào mối tương quan gắn kết với Thiên Chúa, mối tương quan mà ta cảm nghiệm, vun đắp và xây dựng xuyên qua những biến cố dọc dài cuộc sống.
Trong hành trình đó, không ít lần ta cảm nhận nỗi khó khăn khi sống đức tin, nhất là khi phải đối diện với những thử thách và cám dỗ. Quả thật sống đức tin là cả một cuộc vật lộn với Thiên Chúa, vật lộn với lời mời gọi của Ngài, vật lộn với lý tưởng Phúc Am.
Thế nhưng chính khi ta chấp nhận cuộc vật lộn đau đớn đó, con người mới dần dà được hình thành nơi ta. Sứ điệp đầu tiên và căn bản nhất mà Chúa Giêsu gửi đến những ai muốn theo Ngài là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” nghĩa là phải đổi mới thường xuyên. Là Kitô hữu là đón nhận một tên gọi mới, một danh hiệu mới, và phải sống cuộc sống mới.