TUẦN 1: TIN MỪNG MARCO
(chương 1-8)
I. TỔNG QUÁT
1. Tin Mừng Marco: một trong bốn bức chân dung của Chúa Giêsu
Đa số các học giả Tân Ước ngày nay nhìn nhận rằng Tin Mừng Marcô là sách Tin Mừng đầu tiên, và là nguồn được thánh Matthêu và Luca sử dụng khi biên soạn sách Tin Mừng của các ngài. Còn Tin Mừng Gioan xem ra không biết đến ba sách Tin Mừng trên. Khi linh hứng cho bốn thánh sử viết sách Tin Mừng, ý định của Chúa không chỉ là để các ngài ghi lại những sự kiện có tính lịch sử, nhưng còn nhằm đáp trả những nhu cầu thiêng liêng khác nhau trong cộng đồng Dân Chúa vào thời kỳ mới thành lập. Ngày nay cộng đoàn tín hữu cũng có những nhu cầu thiêng liêng khác nhau, và đức tin của ta được nuôi dưỡng nhờ cả bốn sách Tin Mừng. Khi đọc Tin Mừng Marco, ta sẽ gặp được chân dung đơn giản nhất của Chúa Giêsu nhưng cũng rất đòi hỏi vì Marco tập trung vào ý nghĩa đau khổ và sự chết của Chúa. Cùng với thánh Marco, ta được mời gọi khám phá ý nghĩa của sự sống và sự chết bằng cách tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và hết lòng phục vụ tha nhân.
2. Một cái nhìn tổng thể về Tin Mừng Marco
Tin Mừng Marco phát triển tuần tự theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất (chương 1 – 8), Chúa Giêsu được giới thiệu như nhà rao giảng vĩ đại và đấng chữa lành đầy quyền năng. Nhưng xem ra người ta không hiểu được căn tính đích thực của Chúa, kể cả các môn đệ cũng không hiểu. Rồi bất ngờ, căn tính đó được bày tỏ : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều…” (8,31), và người theo Chúa cũng thấy được đâu là đường phải đi : “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình …” (8,34).
Trong giai đoạn thứ hai (chương 9-15), đời sống môn đệ đích thực của Chúa được trình bày từ từ, và đỉnh cao là “Con Người không đến để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (10,45). Ý nghĩa này được thể hiện trọn vẹn trong cuộc thương khó và cái chết của Chúa (chương 14-15).
Thế nhưng cái chết của Chúa không phải là điểm kết thúc. Giai đoạn thứ ba bắt đầu bằng việc loan báo Chúa phục sinh và việc Ngài đến Galilê trước các môn đệ (16,6-7). Giai đoạn này vẫn đang tiếp tục trong đời sống của Hội Thánh cho đến khi Chúa quang lâm.
3. Những chủ đề chính trong Tin Mừng Marco
Nhân tính của Chúa Giêsu
Trong bốn sách Tin Mừng, thánh Marco là người nhấn mạnh đến khía cạnh con người nơi Chúa Giêsu nhiều nhất : Ngài quát mắng (1,25), giận dữ buồn phiền (3,5), bực bội khó chịu (10,14). Chỉ có Marco ghi nhận chi tiết trong việc Chúa Giêsu cho một bé gái sống lại, “ngài bảo họ cho con bé ăn” (5,43). Chỉ có Marco ghi nhận Chúa đưa mắt nhìn anh thanh niên giầu có và đem lòng yêu mến (10,21) trước khi đòi hỏi anh phải từ bỏ nếu muốn theo Chúa. Thánh Marco còn cho thấy Chúa Giêsu bực bội khó chịu vì sự tối dạ của các môn đệ (4,13; 8,14-21). Vì thế khi đọc Marco, một đàng ta thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa quyền năng, đàng khác ta lại thấy Chúa rất “người.” Do đó cảm thấy dễ đến gần Chúa vì Ngài cũng có những kinh nghiệm về cuộc sống như ta với những hỉ nộ ái ố của con người!
Lòng tín thác
Theo thánh Marco, dấu chỉ đích thực của người môn đệ là sự tín thác (tin tưởng, phó thác). Xem ra các môn đệ chỉ nhìn Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế ban cho họ có bánh ăn (6,34-44; 8,1-10) chứ không thấy được Ngài là Người Tôi tớ đau khổ, Đấng ban cho họ sự sống nhờ cái chết của Ngài (10,35-45). Chúa Giêsu có thể chữa lành cho người mù về phần xác (8,22-26; 10,46-52) nhưng xem ra Chúa không chữa được sự mù loà tâm trí của các môn đệ! Đây là điều thánh Marco nhấn mạnh trong Tin Mừng của ngài, với hi vọng rằng người đọc sẽ biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa Giêsu là Đấng đã dùng sự chết để ban tặng ý nghĩa cho đời sống và những đau khổ của con người.
Phục vụ tha nhân, phương thế vác thập giá hằng ngày
Nhấn mạnh đến lời mời gọi bỏ mình, vác thập giá theo Chúa, thánh Marco cũng cho thấy cách thế thể hiện trong đời sống hằng ngày : phục vụ tha nhân thay vì để người ta phải phục vụ mình (10,44). Tinh thần đó phải là định hướng cho mọi chọn lựa và hành động của người môn đệ Chúa Giêsu.
4. Tin Mừng Marco trong phụng vụ
Trước Công đồng Vaticano II, hầu hết các bài đọc Tin Mừng trong phụng vụ Thánh Lễ được rút ra từ Tin Mừng Matthêu. Sau Vaticano II, Sách Các Bài Đọc cho ta được tiếp cận nhiều hơn với các bản văn khác. Tin Mừng Marco được chọn đọc trong hầu hết các Chúa nhật Năm B (chu kỳ ba năm). Ta cũng được nghe đọc Tin Mừng Marco trong các lễ ngày trong tuần (8 tuần trước khi vào mùa Chay).
II. LỜI MỞ (1,1)
Tin Mừng Marco mở đầu bằng một khẳng định quan trọng : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” Với khẳng định này, thánh Marco tuyên xưng Đức Giêsu, Đấng đã sống giữa mọi người trong 30 năm, chữa lành các bệnh nhân và dạy dỗ mọi người về Thiên Chúa, Đấng đã bị người ta liệt vào hàng trộm cướp và bị giết chết, Đấng ấy chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và Đấng ấy là Chúa Kitô Phục Sinh vẫn đang sống giữa mọi người.
Như thế lời mở của Tin Mừng Marco loan báo nhận vật trung tâm của sách Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Đó cũng là chìa khoá mở cánh cửa hiểu biết 16 chương tiếp theo. Trong Tin Mừng Marco, ngoài lời mở này, chỉ có một chỗ khác Đức Giêsu được tuyên xưng là Con Thiên Chúa, đó là lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng thi hành án tử đóng đinh Chúa Giêsu (15,39). Như thế Marco muốn nhấn mạnh rằng nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chính là tin rằng Ngài là Đấng Mêsia chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá, và nay đang sống giữa chúng ta. Và Chúa Giêsu mời gọi ta đi theo Ngài trên con đường đó, con đường yêu thương phục vụ cho đến chết.
III. LỜI RAO GIẢNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA GIÊSU (1,21-28)
Điều đặc biệt là thánh Marco không kể cho ta nghe Chúa Giêsu giảng dạy điều gì nhưng chỉ ghi nhận, “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người vì Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư” (1,21). Marco lập lại hai lần “Đấng có thẩm quyền” (câu 21 khi kể về lời giảng dạy và câu 27 khi kể về phép lạ). Như thế lời nói và hành động của Chúa được liên kết mật thiết với nhau : lời nói diễn tả hành động và hành động thực hiện lời nói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hành động như thế trong cử hành bí tích của Hội Thánh, và nhiều khi ta không ý thức nội dung phong phú đó.
Nên biết rằng với thánh Marco cũng như với các Kitô hữu ở thế kỷ I, “thần ô uế” (1,23) cũng như các thần khác (1,32; 3,11; 15,22) là đại diện cho quyền lực sự dữ, thù nghịch với Thiên Chúa và những sự tốt lành. Những quỷ thần này rất nhạy bén đến nỗi chúng có thể nhận ra ai là đại diện của Thiên Chúa. Ở đây thần ô uế la lên khi thấy Chúa Giêsu, “Ơng là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24) và cố gắng ngăn cản sứ vụ của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu cương quyết trục xuất nó ra khỏi người bị ám.
Lời rao giảng và quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu khiến mọi người kinh ngạc và tự đặt câu hỏi “Thế nghĩa là gì?” Câu hỏi về ý nghĩa hành động và về căn tính của Chúa Giêsu phải là câu hỏi ta đặt ra cho mình khi đọc sách Tin Mừng này. Thánh Marco ghi nhận thêm rằng “danh tiếng Người đồn ra khắp nơi.” Đúng như thế. Nhưng vì danh tiếng Người vang xa lan rộng nên các thế lực thù nghịch rắp tâm tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu (x. 6,14-29). Như thế ngay từ đây, thánh Marco đã đặt cho ta câu hỏi : Bạn kinh ngạc và ca tụng khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy và thấy Chúa làm phép lạ, vậy liệu khi nghe Chúa loan báo rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị người ta giết chết (8,31), bạn có ngỡ ngàng và ca tụng nữa không? Liệu bạn có nhận ra Chúa khi Người bị đóng đinh trên thập giá và bị mọi người bỏ rơi không? Bạn sẽ trả lời ra sao?
IV. CHÚA GIÊSU THÀNH LẬP NHÓM MƯỜI HAI (3,13-19)
Vào thời thánh Marco viết sách Tin Mừng (năm 70), hầu hết các môn đệ trực tiếp của Chúa Giêsu đã qua đời. Thánh Marco ghi lại việc Chúa Giêsu thành lập nhóm Mười Hai để nhấn mạnh hai điểm căn bản cho đời sống người môn đệ Chúa, đó là “ở với Chúa” và “được Chúa đặt tên.”
Trước hết là ở với Chúa (3,14). Là môn đệ tức là học trò, và muốn học thì phải ở với Thầy. Cũng vì thế Chúa Giêsu luôn để Nhóm Mười Hai ở sát với Người. Họ học từ Chúa những mầu nhiệm Nước Trời (qua các dụ ngôn 4,1-34), khám phá những khó khăn trên đường theo Chúa (chương 8-16). Sự kiện Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai khi ở trên núi cũng nhắc nhớ những biến cố khác diễn ra trên núi như Chúa biến hình (9,2-10), Chúa hấp hối trên Núi Cây Dầu (14,26-42). Như thế người môn đệ không chỉ học với Chúa trong vinh quang mà cả trong đau khổ.
Yếu tố thứ hai là được Chúa đặt tên (3,16). Trong sách Sáng Thế, vì Thiên Chúa đã “đặt tên” cho trời đất và mọi loài thụ tạo nên chúng là sở hữu riêng của Người (St 3,1-10). Khi Thiên Chúa cho Adam quyền đặt tên cho các loài vật, thì Adam cũng được chia sẻ quyền năng của Chúa (St 2,20). Như thế, được Chúa đặt tên có nghĩa là thuộc về quyền sở hữu của Người, đồng thời được chia sẻ quyền năng của Người (3,14-15)
Là Kitô hữu, là người chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu, là môn đệ của Người, thánh Marco nhắc nhớ ta những điều kiện căn bản của đời môn đệ : ở với Chúa, học với Chúa, và chia sẻ sứ mạng của Người.