Tuần 90: Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 1-6)

Tuần 90: Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 1-6)

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

 

TUẦN 90 (Tuần 15 – T.Ư.)

 

 

TIN MỪNG MATTHÊU
(Chương 1-6)

 

 

I. TỔNG QUÁT

 

Truyền thống vẫn xem Matthêu, người thu thuế (9,9) đã trở thành tông đồ (10,3), là tác giả sách Tin Mừng này. Dựa vào những chỉ dẫn trong sách Tin Mừng, vd. biến cố tàn phá Giêrusalem vào năm 70 (x. 22,7; 21,41; 27,25), các học giả cho rằng Tin Mừng Matthêu được hoàn thành vào khoảng năm 85, có lẽ tại Antiochia thuộc Syria.

 

Cộng đoàn của Matthêu là cộng đoàn có đa số là các Kitô hữu gốc Do thái. Cho đến năm 85, rõ ràng không phải mọi người Do thái đều tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia họ mong đợi, vì thế đây là cánh đồng truyền giáo phải vươn tới. Thánh Matthêu giúp các Kitô hữu gốc Do thái khám phá ra rằng họ chính là những người thừa hưởng lời Thiên Chúa đã hứa với Israel. Đồng thời Matthêu cũng thúc đẩy họ truyền giáo cho cả dân ngoại.

 

Cũng vì nhắm đến đối tượng là người Do thái nên Matthêu thường xuyên minh chứng những biến cố trong đời Chúa Giêsu là sự thể hiện lời các tiên tri đã loan báo trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ở một số điểm, xem ra Chúa Giêsu hủy bỏ hay đối nghịch lại những lề luật Cựu Ước (x. 5,21-48). Người làm như thế vì Người là Con Thiên Chúa, là Đấng có thẩm quyền giải thích truyền thống và đưa truyền thống đó đến chỗ thành toàn.

 

Khi biên soạn sách Tin Mừng, chắc chắn thánh Matthêu đã dựa vào Tin Mừng Marcô và những nguồn khác. Tuy nhiên, ngài cũng có những nét riêng của ngài khi đối chiếu với Marcô:

 

– Marcô bắt đầu sách Tin Mừng với sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, còn Matthêu lại bắt đầu từ thời thơ ấu của Chúa (chương 1-2).

 

– Marcô kết thúc Tin Mừng với cái chết của Chúa, sau đó là sự kiện ngôi mộ trống; còn Matthêu lại thêm vào sự kiện Chúa hiện ra với 11 môn đệ ở Galilê (28,16-20).

 

Ngoài ra, Matthêu còn ghi lại 5 bài giảng lớn của Chúa Giêsu. Chắc chắn đây không phải là những bài giảng được Chúa Giêsu giảng trực tiếp trong 5 dịp khác nhau; đúng hơn, Matthêu đã biên soạn lại dựa vào những chất liệu thu thập được.

 

Có thể nhìn vào Tin Mừng Matthêu cách tổng quát như sau:

 

1,1 – 2,23 Gia phả và thời thơ ấu của Chúa Giêsu

 

3,1 – 4,25 Khởi đầu sứ vụ công khai

 

5,1 – 7,29 Bài giảng trên núi

 

8,1 – 9,38 Những phép lạ

 

10,1-42 Bài giảng về truyền giáo

 

11,1 – 12,50

 

13,1-53 Các dụ ngôn về Nước Trời

 

13,54 – 16,4 Các phép lạ và những cuộc tranh luận

 

16,5 – 17,27 Đường dẫn đến cuộc khổ nạn

 

18,1-35 Giáo huấn cho đời sống cộng đoàn

 

19,1 – 23,39 Sự chống đối gia tăng

 

24,1 – 25,46

 

26,1 – 28,20 Sự chết và phục sinh của Chúa

 

II. GIA PHẢ (1,1-17)

 

Bản gia phả đặt Chúa Giêsu trong truyền thống Do thái. Người là con của Abraham và của Đavít cũng như là sự tiếp nối dòng dõi Đavít sau cuộc lưu đầy năm 587 trước Công nguyên. Trong bản gia phả này, lịch sử Israel được vẽ lại từ khởi đầu là Abraham (câu 2) đến đỉnh cao với vua Đavít (câu 6) rồi xuống thấp với cuộc lưu đầy ở Babylon (câu 11) và được kiện toàn nơi Chúa Giêsu (câu 16). Trong Tin Mừng thứ ba, thánh Luca nhấn mạnh tầm vóc phổ quát của Chúa Giêsu bằng cách đưa ngược bản gia phả lên đến Adam (3,23-38), còn thánh Matthêu lại quan tâm đến việc đặt Chúa Giêsu trong truyền thống của dân được tuyển chọn.

 

Bản gia phả của Matthêu có những nét lạ thường. Cụ thể là sự có mặt của 4 phụ nữ. Việc đưa tên phụ nữ vào gia phả là chuyện bất thường đối với người Do thái. Hơn thế nữa, 4 phụ nữ này lại là những nhân vật có thành tích đặc biệt. Tamar (câu 3) đóng vai gái điếm để ăn nằm với bố chồng nhằm có con nối dõi tông đường (x. St 38). Rahab (câu 5) là gái điếm ở thành Jericho, nhờ cộng tác với Joshua mà được sống khi quân Israel chiếm đóng thành (x. Joshua 2,6). Ruth (câu 5) là phụ nữ xứ Moab nhưng gắn bó với dân Israel qua gia đình nhà chồng. Vợ của Uria (câu 6) là bà Batsheba, người phụ nữ mà vua Đavít phải lòng và đã tìm cách giết chồng bà để chiếm đoạt (2Sam 11).

 

Như thế bản gia phả trong Matthêu vừa nhấn mạnh tính liên tục giữa Chúa Giêsu và các nhân vật lớn trong lịch sử Israel, vừa cho thấy tính độc đáo khác thường. Thật vậy, Chúa Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đavít, đúng như lời các tiên tri loan báo về Đấng Mêsia. Đồng thời, Chúa Giêsu vượt xa những nhân vật này vì Người là Đấng cứu dân khỏi tội và là Emmanuel (x. 1,18-25).

 

III. BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (5,1 – 7,29)

 

So sánh với bài giảng trên đồng bằng trong Luca 6,20-49, bài giảng trên núi trong Matthêu dài gấp 3 lần. Thánh Matthêu đã thu thập nhiều lời giảng dạy của Chúa Giêsu và tập trung lại trong bài giảng quan trọng này. Chủ đề chính ở đây là “Nếu sự công chính của anh em không vượt trên sự công chính của các luật sĩ và Pharisêu, thì anh em không vào được Nước Trời” (5,20).

 

Cấu trúc của bài giảng gồm:

 

– Phần mở đầu (5,1-20): Tám mối phúc (câu 3-12), vai trò của các môn đệ (câu 13-16), vai trò của Chúa Giêsu (câu 17-10)

 

– Phần thứ hai (5,21-48): Tương phản giữa sự công chính của các luật sĩ và sự công chính Chúa Giêsu dạy

 

– Phần thứ ba (6,1-18): Cảnh cáo lối sống đạo hình thức

 

– Phần thứ tư (6,19 – 7,29): Những lời nhắn nhủ các môn đệ

 

Bài giảng trên núi là một kho tàng vô cùng phong phú và đã được giải thích từ nhiều góc độ. Có người xem đây là những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo. Có người lại coi đây là những lời khuyên đưa đến sự trọn lành và chỉ dành cho một số ít người. Điều hiển nhiên là thánh Matthêu muốn đề cao Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, và thẩm quyền của Người vượt xa các luật sĩ. Người không chỉ là kẻ giải thích lề luật như các luật sĩ mà là Đấng ban bố Lề luật: “Anh em đã nghe dạy người xưa rằng, còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Bài giảng trên núi là những chỉ thị của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, những chỉ thị đó trình bày những đòi hỏi căn bản cho những ai muốn theo Chúa, đồng thời diễn tả những giá trị cao quý của Kitô giáo.

“Bài giảng trên núi không huỷ bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng khai thông những khả năng tiềm ẩn và làm nổi bật những đòi hỏi mới của các quy định ấy… Luật mới không thêm vào luật cũ những điều luật mới ở bên ngoài, nhưng canh tân tâm hồn là nơi phát xuất mọi hành vi, nơi con người chọn lựa giữa thanh khiết và ô uế, nơi hình thành đức tin, cậy, mến, và các nhân đức khác. Như thế, Tin Mừng (bài giảng trên núi) đưa luật cũ tới chỗ viên mãn khi dạy chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời, tha thứ cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bách hại theo gương lòng cao thượng của Thiên Chúa. Luật mới dạy con người thực hành các hành vi tôn giáo như bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, nhưng quy hướng về Cha là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” chứ không chỉ làm để vinh danh chính mình” (GLHTCG số 1968-1969).