Từ nhiều năm qua, người công giáo Việt Nam thắc mắc : phải dùng mạc khải hay là mặc khải, vì các sách đạo của chúng ta dùng các từ này chưa nhất quán
Từ nhiều năm qua, người công giáo Việt Nam thắc mắc : phải dùng mạc khải hay là mặc khải, vì các sách đạo của chúng ta dùng các từ này chưa nhất quán. Nhiều sách dùng mạc khải, trong khi những sách khác lại dùng mặc khải. Phải chăng phần lớn các sách dùng mạc khải đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của nhà Kinh Thánh, Cha Nguyễn Thế Thuấn (x. bản dịch “Kinh Thánh” của Cha) ?
Tuy tương đối mới, nhưng từ mạc khải đã có thời gian đủ dài để trở thành quen thuộc, nhất là trong nhiều năm, bản dịch của Cha là bản dịch duy nhất được phổ biến khá rộng rãi trong nước. Nhưng cũng nên đặt tiếp câu hỏi : tính quen thuộc này là kết quả của một thói quen (được nghe dùng thường xuyên hơn), hay của một sự chọn lựa có tính khoa học ?
Trước khi có ý kiến, xin đưa ra những tư liệu khả dĩ soi sáng vấn đề, nhất là giúp cho thấy từ trước đến nay, người trong nước đã dùng từ như thế nào. Chúng tôi sẽ dựa vào các từ điển hiện có thể tham khảo tại TP Hồ Chí Minh (có ghi hai mục từ đang bàn tới), tuy có lẽ không đầy đủ nhưng cũng xét được là những chứng cứ đáng tin cậy, trải qua lịch sử văn học trong nhiều thập niên.
mặc khải (tôn) |
Từ điển Việt Nam |
Ban tu thư Khai Trí. 1971 |
mặc khải |
Việt Nam tân từ điển |
Thanh Nghị. 1967 |
mạc chiếu = mặc chiếu = illuminer, révéler mặc thị = révéler |
Từ điển Việt-Pháp |
Génibrel. 1898 |
mặc chiếu mặc khải = révéler mặc thị |
Dictionnaire annamite- chinois-francais |
Hue. 1937 |
mặc chiếu mặc khải = révéler mặc thị |
Dictionnaire vietnamien- chinois-francais |
Gouin. 1957 |
khải thị mặc thị révéler = (Relig.) thần khải thiên khải |
Từ điển Pháp-Việt |
Đào Duy Anh. 1957 |
thần khải khải thị = (Relig.) révéler thiên khải |
Từ điển Pháp-Việt |
Viện ngôn ngữ học. 2000 |
thiên khải révéler = (Relig.) mặckhải |
Pháp-Việt tân từ điển |
Thanh Nghị. 1961 và 1967 |
khải thị = révéler mặc thị lục = sách Khải huyền |
Sách Kinh Thánh / thần học |
bằng tiếng Trung Hoa |
Kết luận : không có sách nào dùng mạc khải, chỉ có Génibrel cho mạc chiếu, nhưng là ở mục từ “mạc = mặc”, tức là mặc đọc trại ra.
· khải 啓 : vén, mở (vd. khải báo, khải trí, khải huyền)
· thị 示 : cho thấy (vd. chỉ thị, thị oai),
khác với 視 : thấy (vd. cận thị, khinh thị)
· mặc 默 : ngầm, lặng lẽ, âm thầm, không nói ra (vd. mặc niệm, mặc nhiên). Chỉ có Đức-Trụ cho mặc thị với nghĩa là “cách tự nhiên, không cần hình thức, không bày tỏ ra”. Có thể “thị” đây là thấy, xem như … dù không nói ra.
a/ trong Thanh Nghị (Việt Nam tân từ điển), với ghi chú ‘tôn’ và
b/ trong Ban tu thư Khai Trí (Từ điển Việt Nam) : sự gợi cho biết một cách thầm kín và không thể lấy lý trí để giảng giải được.
Theo nghĩa đã được hai từ điển trên nêu ra, nên tham khảo thêm :
c/ trong cuốn “Dictionnaire Petit Robert” :
* révéler : 1. faire savoir. V.dévoiler, manifester, etc…2. Faire connaître, par une voie surnaturelle (ce qui était ignoré des hommes et inconnaissable par la raison) ;
d/ và trong từ điển Trung Hoa :
· khải thị 啓示 : cho biết chỉ thị, để đưa đến hiểu biết.
Thói quen ứng dụng một từ ngữ đã được một bậc thầy chế ra là một hiện tượng phổ biến. Nhưng, theo như Génibrel đã ghi, mạc chiếu = mặc chiếu, tức là có những trường hợp mặc được đọc trại ra thành mạc. Chuyện đọc trại một số chữ không có gì là mới lạ ở một vài địa phương hay một vài môi trường. Do đó cũng có thể giả thiết rằng Cha Thuấn không phải đã chế ra mạc khải, mà chỉ dùng cách nói của địa phương nơi Cha ở, hoặc cách nói của người cùng môi trường với Cha thôi.
Tuy nhiên, dù có theo giả thuyết này, chúng ta còn có thể nghĩ vấn đề nằm ở một tầm sâu hơn : để dùng dạng mạc thay vì mặc, một tác giả có thể có hai thái độ :
1/ đơn sơ dùng chữ thông dụng tại địa phương, tức là đọc trại chữ mặc ra mạc ;
2/ dùng âm mạc của địa phương, với một chủ ý nhất định.
Vậy chúng ta có thể đặt câu hỏi : Cha Thuấn đã “đơn sơ” hay có chủ ý ?
Hãy giả thiết là Cha có chủ ý, vì nếu chỉ là việc “đọc trại” thì khi in thành sách, chỉ cần chỉnh lại thôi ; trường hợp có chủ ý mới cần xét đến vấn đề ngôn ngữ. Vậy giả thiết là Cha đã chọn dùng mạc, cố tình gán cho nó một nghĩa mới là “màn”, để sát với chữ La-tinh revelare thuộc gốc chữ velum có nghĩa là “màn”. Do đó, mạc ở đây rất sáng giá về mặt nghĩa chữ, và thoạt tiên, từ mạc khải này rất là hấp dẫn, vì nó hàm ý cái “màn”, cho phép hiểu mạc khải có nghĩa là “vén màn”.
Nhưng lại có vấn đề về mặt khác.
Trước hết, xét theo ngữ pháp. Trong tiếng quốc ngữ, nghĩa này không đặt vấn đề, vì chữ mạc – dạng đọc trại của chữ mặc- và chữ mạc có nghĩa là màn cũng đều viết như nhau và đọc như nhau. Nhưng viết theo Hoa ngữ thì có hai chữ khác nhau:
chữ mạc dạng đọc trại của mặc viết là 默
trong khi chữ mạc có nghĩa là “màn” thì viết 幕
Vậy theo Hán Việt, mạc 幕 với mặc 默
là hai chữ có hai nghĩa hoàn toàn không ăn nhằm gì với nhau, không thể gán ghép bên này với bên nọ được.
Đàng khác, theo cấu trúc Hoa ngữ, Hán Việt, ghép từ mạc khải theo chủ ý của Cha Thuấn thật ra không chỉnh. Chúng ta vẫn nói khai mạc (mở màn) và bế mạc (đóng, hạ màn), tức là dùng công thức động từ + danh từ bổ túc (= khai / bế + mạc). Vậy tại sao ở đây lại dùng công thức danh từ bổ túc + động từ ? Nói mạc khải là đảo ngược hẳn thứ tự bình thường các từ ngữ. Hoá ra như thể thay vì nói khai mạc, bế mạc, nay nói mạc khai, mạc bế cũng được hay sao ?
Vả lại, bản thân Cha Thuấn cũng không dịch từ Hy-lạp apocalypsis một cách nhất quán :
· tựa sách “Apocalypsis” thì Cha dịch là “Sách Khải huyền”,
· liền sau đó, từ mở đầu cuốn sách, cũng là từ Hy-lạp đó, thì Cha lại dịch ra “Mạc khải” (Kh 1,1).
Thêm một bước nữa : từ La-tinh revelatio dịch từ Hy-lạp apokalypsis, nghĩa là action de découvrir… và nhấn mạnh ý để lộ ra hơn là nhấn mạnh các từ bổ túc. Tự điển Bailly còn cho thêm phần chú : fig., particul. révélation divine, có thể hiểu là nhấn mạnh khía cạnh siêu phàm hơn là cái màn vật chất. Như vậy chúng ta gặp lại định nghĩa của Thanh Nghị, Ban tu thư KT, và nghĩa 2 của Petit Robert, như nói trên (x. B.2).
Gần đây hơn, trong hai số bán nguyệt san “Kiến thức ngày nay”, tác giả An Chi đã trả lời bạn đọc về vấn đề này, và kết luận rằng mặc khải là từ thích đáng (x. số 141 và 154, năm 1994).
Từ những lý lẽ trên, chúng ta có thể đề nghị rút ra những điểm sau đây :
· muốn nhấn mạnh nghĩa màn của từ La-tinh revelare, revelatio, thì có thể giữ mạc, nhưng nên dùng cho đúng cấu trúc từ, nghĩa là dùng khải mạc thay cho mạc khải,
· muốn nhấn mạnh khía cạnh siêu nhiên trong tôn giáo (transcendance) mà Ban tu thư Khai Trí, Thanh Nghị và Petit Robert đã nêu, thì giữ mặc khải.
Tuy nhiên, nhìn chung lại, từ mặc khải đã có từ lâu trong văn chương tôn giáo nước nhà. Ngoài ra, nó còn có giá trị từ nguyên, nói lên ý nghĩa linh hứng và nội tâm (Giê-rê-mi-a 31,33-34 ; Giô-en 3,1-2 ; thông điệp “Divino afflante Spiritu”, EB 551, 553, 556, 567) và ý nghĩa siêu phàm nữa, hợp với quan niệm đặc thù của Ki-tô giáo là một đạo không do lý trí người phàm suy ra, mà được thông ban từ trời (Gio-an 1,18 ; hiến chế “Dei Verbum”, ch. 1 và 2, đặc biệt số 6). Vì thế mặc khải có phần trội hơn tất cả những từ đã được các từ điển nêu ra.
Nt. Ma-ri A-mê-li Nguyễn thị Sang, CND