VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P I)

VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P I)

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Con người là ai? Tôi là ai? Đó là câu hỏi từ thẳm sâu mỗi người cần phải được trả lời để định hướng đời sống, vì sai một ly đi một dặm.

Thao Luyện 1A

XÁC TÍN DÒNG GIỐNG TIÊN RỒNG.

I. MỞ ĐẦU: TRUYỆN TIÊN RỒNG.    

Con người là ai? Tôi là ai?    

Đó là câu hỏi từ thẳm sâu mỗi người cần phải được trả lời để định hướng đời sống, vì sai một ly đi một dặm.    

Kẻ thì bảo con người là con vật biết suy nghĩ, là con vật kinh tế. Kẻ thì bảo con người bởi khỉ theo thuyết tiến hóa.    

Nhiều người đã nhận ra thân phận mình có cái gì khác hơn: trong giấc mơ thấy mình là một cái trứng phượng hoàng nở ra trong đám gà con, lớn lên với những "phong tục" gà sà sà mặt đất không sao bay lên được!    

Tổ tiên Việt Tộc đã cảm nghiệm thấy mình không phải là con gà hay con khỉ, mà có cái gì cao hơn nhiều, và đã vẽ ra bằng một hình ảnh biểu  tượng qua huyền thoại để truyền lại cho con cháu. Huyền thoại là một cách truyền đạt chân lý đi thẳng vào tim chứ không ngừng trên óc bằng lý luận. Truyện Hồng Bàng mở đầu sách LĨNH NAM CHÍCH QUÁI có thể nói được là Kinh Khởi Nguyên của mỗi người dân Việt. Đó là những truyện truyền khẩu được thu góp lại không biết từ bao đời qua không biết bao nhiêu kinh nghiệm sống tích lũy lại thành Đạo Sống.    

Ngày xưa Bà Âu Cơ lấy Lạc Long Quân sinh ra một bọc trứng, nở ra một trăm con. Bà đem về nuôi nấng, không phải cho ăn cho bú mà tự nhiên to lớn, trí dũng song toàn, ai cũng kính phục bảo nhau đó là những anh em phi thường.    

Một hôm Long Quân bảo:    

– Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở dưới nước, nàng là giống Tiên sống ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng vuông tròn bất đồng, nước lửa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về dưới nước phân trị các xứ, năm mươi con theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.    

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã ra đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.    

Tiên là vật biểu từ hình ảnh mẹ Âu Cơ là chim hải âu có cánh bay lên được thanh thoát như Tiên. Và vì là chim nên có thể đẻ trứng và làm tổ, nên gọi là tổ tiên. Tiên luôn là hình ảnh của xinh đẹp, an hòa thảnh thơi, tràn trề từ tâm và yêu thương, nhiều quyền phép sẵn sàng trợ giúp, thoát tục siêu phàm, sống động nhưng vượt không gian và thời gian. Đúng là hình ảnh hoa trái ơn Chúa Thánh Thần.    

Rồng là hình ảnh biểu trưng cho nét hùng mạnh trổi vượt, sức sống vô tận, biến hóa vô song, vùng vẫy khắp biển khơi và bay bổng mãi tận tầng mây, không gì có thể cản được.    

Con người là Vua Hùng, kết tinh sức sống hùng anh của mẹ Tiên bố Rồng, gồm tất cả những đặc tính trên đây. Chính vì thế mà trong các thiệp cưới, chúng ta thường thấy hình ảnh chim phượng và con rồng đang bay lượn tuyệt đẹp.    

Tổ tiên Việt tộc khi vẽ lên hình ảnh tiên rồng, đã đi trước khoa tâm lý miền sâu ngày nay rất xa. Đó là biểu tượng của mỗi người (self image) trong tiềm thức, và hơn nữa là biểu tượng nguyên sơ (archetypal image) trong tiềm thức cộng thông của cả một dân tộc, thì quả là một xác tín có khả năng gây sức mạnh vô biên.    

Kinh Thánh xác nhận: "Ai hy vọng vào Chúa sẽ quật khởi được tinh thần. Một nếp sống mới đã vươn lên như chim phượng hoàng bay cao". (Isaia  40:31).    

Vậy sức mạnh vươn cao của Tiên Rồng cũng là sức mạnh của mỗi người  Việt, kết tinh của bao ngàn năm kinh nghiệm sống của tổ tiên. Vì thế Việt  có nghĩa là Vượt Qua, vươn tới, bay lên được.

II.TINH THẦN THÁNH TÔMA TRẦN VĂN THIỆN    

Muốn xây một tòa nhà hay chế tạo một chiếc xe, người ta cần có họa đồ, một cái khuôn, cái mẫu. Muốn được đào tạo thành những người tốt, người ta cần những người mẫu lý tưởng để rập khuôn theo. Sống trong một xã hội đầy những quảng cáo qua những người người mẫu "model" nhằm thu hút để bán đồ. Nên khó phân biệt đâu là mẫu thật toàn vẹn. Thì nay cả thế giới Công Giáo trong ngày 19.6.1988 đã công khai xác nhận và giới thiệu một người mẫu lý tưởng chắc chắn đáp ứng nếp sống xô bồ hiện tại, bảo đảm mang lại nếp sống an vui hạnh phúc và trẻ trung. Đó là Thánh Tôma Trần văn Thiện.    

Trần văn Thiện sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh tại Trung Quán tỉnh Quảng Bình, con ông bà Hiêrônimô Miên, hai chị là Yến và Sào. Chị Yến về sau đi tu. Cậu Thiện được người dì tên là Nghi làm bề trên nhà dòng, hết sức thương yêu giúp vun trồng ơn gọi đi tu. Mồ côi cha từ lúc 10 tuổi, cậu Thiện được cha Chính giúp đỡ dạy dỗ để sửa soạn cho vào chủng viện.    

Vào thời đó, vua Minh Mạng rất ghét người Công Giáo, muốn tiêu diệt tận gốc, nên ra lệnh cấm đạo, bắt người Công Giáo phải đạp ảnh Thánh Giá để tỏ dấu bỏ đạo.    

Năm 18 tuổi, Tôma Thiện được lệnh bề trên gọi vào Di Loan để nhập chủng viện An Ninh. Dù đang lúc bắt đạo dữ dội, cậu Thiện vẫn cương quyết lên đường cùng với chị Sào đi Di Loan tuân hành lệnh bề trên chẳng nề quản  nguy hiểm đang chờ đợi. Khi chị Yến cho biết tình hình bắt đạo ở Di Loan, và cha Bề Trên Kim đã trốn ẩn, cậu Thiện đã nói với chị:    

"Dù không gặp Ngài, em cũng phải tới nơi cho chắc. Cha gọi em, em không thể không đi".    

Đó là tinh thần kính phục người trên trong đức vâng lời và chu  toàn bổn phận trách nhiệm. Trên đường đi Di Loan cậu đã bị bắt, bị đeo  gông giải về Quảng Trị. Cậu bị đánh đập tra tấn:          "Hãy bỏ đạo thì sẽ được tha."    

Cậu Thiện trả lời:    

– "Đạo dạy tôi thờ kính Thiên Chúa là đạo thật, tôi không thể bỏ được."    

Quan lại nói: "Có lệnh vua cấm. Nếu không bỏ thì sẽ bị chém đầu."    

– "Tôi sẵn sàng bị chém đầu chứ không chịu bỏ đạo."    

Dùng biện pháp mạnh không được, các quan lấy lời ngon ngọt dụ dỗ:

"Nếu cậu bỏ đạo thì Ta gả con gái cho và giúp cho làm quan."    

Cậu Thiện cương quyết trả lời:    

– "Tôi chỉ ước mong làm quan có địa vị trên Trời, chứ làm quan dưới  đất thì tôi không thèm."    

Quả là cậu Thiện đã nhìn thấy rõ đâu là giá trị thật của đời sống. Cậu đã "khám phá ra viên ngọc quí báu thì sẵn sàng bán mọi sự để mua lấy" (Mt 13:46). Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì! (Mt 16:26). Khi đã nhìn thấy rõ lý tưởng cao đẹp mình là phượng hoàng bay cao, cậu sẽ không bao giờ chịu làm kiếp gà chỉ biết coi những con sâu con bọ là món ăn ngon lành.

  Cậu đã nhìn rõ đích điểm đời sống xa hơn và cao hơn. Còn mọi sự Chúa ban như phương tiện để giúp tiến về đích điểm đó, mà nếu chúng cản trở thì sẵn sàng cắt bỏ. Đó là nguyên lý nền tảng đời sống.    

Quan tỏ dấu thương mến để thuyết phục cậu Thiện:    

– "Ngươi còn trẻ lại khôi ngô tuấn tú, hãy đạp ảnh theo lệnh vua để được tha, rồi sau đó về giữ đạo thế nào thì giữ. Cứ bỏ đạo đi đã rồi tính sau."    

Đúng là một tấm gương cương quyết dứt khoát chọn rõ lý tưởng, không giả vờ toa rập viện cớ này cớ kia để được lợi nhất thời. Đây là cơn thử thách "cám dỗ" nặng nề nhất đối với cậu Thiện, vì chỉ cần nhắm mắt chiều theo một chút có sao đâu. Rồi vì còn trẻ, còn đủ giờ làm lại cuộc sống mà.    

Cũng giống như câu chuyện Chúa Giêsu trên hoang địa, Tôma Thiện cũng phải đương đầu với những thử thách: bị cám dỗ biến những nhu cầu vật chất  và thân xác như bánh ăn hay việc lấy được con gái quan làm đích điểm đời sống,  ngoài ra không con gì hơn nữa; bị cám dỗ đạt thành công trước mắt bằng sức  trai trẻ của mình; bị cám dỗ thờ lạy tà thần để được làm quan có địa vị chức  tước quyền uy.    

Nhưng cậu Thiện vững một lòng kiên trung không sợ chết để giữ đức tin. Cậu đã dứt khoát lựa chọn giá trị thật là linh hồn cao quí của mình. Cậu biết rằng chỉ có sự lựa chọn dứt khoát này mới là chọn lựa được hạnh phúc. Cậu xác tín vào bản chất của mình như lời Chúa xác quyết: "Con thật quí báu trước mắt Cha và thật danh giá, cha yêu thương con." (Is.43:5), và con "thuộc dòng giống được tuyển chọn" (1 Phêrô 2:9), là dòng giống tiên rồng vươn lên, là loài phượng hoàng bay cao, chứ không thấp hèn sà sà mặt đất như gà, với những bả mồi tẹp nhẹp. Cậu hãnh diện mình là dòng giống Việt, nghĩa là luôn vượt tới, luôn vươn lên và bay cao, chứ không lùi bước. Vì thế quan đã tức giận cho lính đánh không thương tiếc, rồi bắt  ngồi phơi nắng giữa trưa mùa hè cùng với Cha Phan, và cấm không cho ăn uống.  Phơi nắng xong, quan lại lấy kìm nung nóng để tra tấn, thịt da cháy kêu xèo  xèo tỏa mùi khét. Có lúc quan lại tra tấn bằng kìm sống cho đau hơn. Nhưng  Tôma Thiện luôn miệng cầu xin Chúa ban ơn sức mạnh để chịu nổi cực hình và  cương quyết trung thành với đức tin.    

Cuối cùng quan phải làm án xử tử. Tôma Trần văn Thiện bị thắt cổ chết vì đạo ngày 21.9.1838 lúc 18 tuổi tại pháp trường Nhan Biều.

III.CHỨNG NHÂN TIN MỪNG: (1 Phêrô 2:2-5,9-12)    

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ.    

Anh em thân mến, như trẻ sơ sinh, anh em hãy thèm khát sữa thiêng liêng trong sạch, để nhờ đó anh em được lớn lên trong ơn cứu độ, khi anh em nếm được Chúa ngon ngọt dường nào. Anh em hãy tiến đến viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng được Chúa tuyển chọn và tôn vinh. Anh em như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên tòa nhà thiêng liêng, nên chức vụ linh mục thánh, để hiến dâng những của lễ thiêng liêng xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô.      

Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả cao sang, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Anh em xưa kia không phải là dân của Chúa, nhưng nay là dân của Người; xưa kia anh em không được xót thương, nhưng nay được thương xót.

Anh em thân mến, tôi khuyên anh em: như những người di cư tỵ nạn, hãy xa tránh những đam mê xác thịt hằng chống lại linh hồn. Anh em hãy sống lương thiện giữa dân ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người gây rối, nhưng khi thấy được việc lành của anh em, họ phải ngượi khen Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm.

IV.CẦU NGUYỆN

A. Ý CHỈ CẦU NGUYỆN.

1. XIN ƠN KHIÊM NHƯỜNG

      Nhận mình đang sống kiếp gà sà sà mặt đất, đang thích thú những con sâu con bọ ở những đống rác vườn sau, đang tìm những giá trị tầm thường thấp hèn, chứ không sao vươn cao hơn được, không sao nhìn xa nhìn rộng hơn được.

2. XIN ƠN XÁC TÍN MÌNH LÀ AI THẬT

      Nhìn đích đời sống cao đẹp hơn những cái đang tìm kiếm: xác tín mình là phượng hoàng cao quí, là dòng giống Tiên Rồng, là con Thiên Chúa thông phần cùng một bản chất thần linh, chứ không phải là gà hay bởi khỉ thành ra nửa người nửa ngợm nửa đười ươi!

3. XIN ĐƯỢC NHẬN RA LÝ TƯỞNG ĐỜI SỐNG.

      Công cuộc đào luyện và giáo dục thành công hay không là do có đề cao một lý tưởng hay không.   

Lý tưởng là một đích để vươn tới. Thường là một hình ảnh toàn vẹn đích thực, một mẫu cao đẹp, trở thành thần tượng có sức gây phấn khởi tinh thần.    

Mẫu Lý Tưởng Trần văn Thiện phải là một mẫu thời trang nhất, hợp "mốt" nhất, có sức hấp dẫn và thu hút hết tâm trí và mọi hoạt động hướng về đó.

B. THÁNH CA: TRÈO LÊN TRÊN KHẮP NÚI ĐỒI

(LM Trần Cao Tường, ý Isaia 40:9-11, 31)

     

      ĐK. Trèo lên trên khắp núi đồi, niềm vui loan báo cho mọi người, hân hoan gióng tiếng rằng: Này đây Chúa đến.

     

     1. Hỡi những ai biết hy vọng, sẽ reo vui hoan lạc. Một nếp sống mới đã vươn lên, như chim phượng hoàng bay cao.

      2. Hỡi những ai biết hy vọng sẽ không phải u buồn. Vì Chúa đã đến loan Tin Vui, loan tin vui mừng hân hoan.

      3. Chúa đã đem đến sức mạnh, cho con được phục hồi. Vì Chúa dẫn dắt con ra đi, ra đi như đoàn chiên con.

      4. Hỡi những ai sống trên đời, hãy ca ngợi luôn rằng: Tình Chúa mãi mãi vẫn kiên trung, kiên trung không hề quên con.

C. THÁNH VỊNH 8.

ĐC. Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi đất.

      * Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,

Lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi đất,

Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

      * Chúa cho miệng trẻ nhỏ thơ ngây măng sữa,

Vang tiếng ngợi khen chống địch thù,

Khiến kẻ thù quân ngụy phải tiêu tan.

      * Ngắm trời xanh tay Ngài sáng tạo,

Muôn trăng sao Chúa đã an bài,

Thì phàm nhân là chi, mà Chúa cần nhớ đến?

Con người là gì, mà Chúa phải bận tâm?

      * So với thần linh, Ngài không để thua mấy,

Ban vinh dự huy hoàng, làm mũ triều thiên,

Kiệt tác của Ngài, Ngài cho làm bá chủ.

      * Muôn loài muôn sự, Ngài đặt cả dưới chân,

Bò chiên và dã thú, chim trời cùng cá biển,

Mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

      * Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,

Lẫy lừng thay danh Chúa toàn cõi đất.

      * Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con,

Cùng sáng danh Thánh Thàn Thiên Chúa.

      * Tự muôn đời như chính hiện nay,

Và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen.

V. HỌC HỎI. LÝ TƯỞNG, BÍ QUYẾT VƯƠN LÊN.    

Nhận ra tôi là ai?

Bí Quyết nào Tôma Trần văn Thiện đã xử dụng để có thể trở thành phượng hoàng bay lên được như tiên rồng, để có thể quật khởi tinh thần  sung mãn vô biên như mẹ Tiên bố Rồng?

1. NHẬN RA MÌNH KHÔNG PHẢI LÀ GÀ?

      Trong đời sống có ba câu hỏi rất quan trọng phải được tả lời: Tôi đang thấy tôi là ai? Tôi nghĩ người khác đang cho tôi là ai? Và tôi thực sự là ai?

 Theo Thánh Vịnh 8, Chúa cho tôi làm bá chủ kiệt tác của Ngài.    

Vậy mà trên thực tế có lẽ tôi thua xa những con chim đang bay  lượn nhởn nhơ thanh thoát trên bầu trời hay hững con sư tử tung hoành dọc ngang trong rừng thẳm, hay những con cá tung tăng dưới lòng đại dương. Không một con vật nào mập quá phải "diet" và phải lo đủ mọi thứ bảo hiểm, đi bác sĩ. Không một con nào bị bệnh cao máu "chết béo" vì mỡ vít mạch tim như con người sống trong xã hội văn minh Âu Mỹ!

Không con nào nhăn nhó hốc hác hay nghiêm trọng như tôi. Đúng là một bông hoa ngoài bờ cỏ còn đẹp hơn ngàn lần những bộ quần áo và đồ trang sức của tôi. Vậy thì phải có cái gì sai trệch căn bản trong tôi?    

Tôi cần soi gương để nhận thật mặt mình đang như thế nào!

 Có thể tôi  đang lo lắng, bất an, không bằng lòng, đang sợ hãi, buồn khổ, nhăn nhó, giận dữ, thù hằn, ham hố, hiếu thắng…. Mặt tôi lúc này có diễn tả phần nào "con người là hình ảnh Thiên Chúa" không, hay mỗi ngày mỗi tồi tệ? Chẳng lạ gì một người mắc bệnh tâm lý soi gương thấy mặt mình là mặt quỉ, diễn tả đúng bảy nét thần dữ trong bảy mối tội đầu.    

Nhiều lần tôi không rõ mình là ai. Đó là cuộc khủng hoảng về bản sắc, như người mất thẻ căn cước, như người lái xe mất bằng lái, luôn trong sự sợ sệt, bất an. Nhiều khi tôi có cảm tưởng tôi không phải là tôi:

           " Soi gương nhìn lại chính mình,

      Men say đã thấm nhuộm tình đời cay.

      Giật mình lạ lẫm thân gầy,

      Ô hay có phải ta đây không kìa?

     Có thể tôi đang cảm thấy mệt mỏi rã rời và căng thẳng.    

Tôi phải chạy theo quá nhiều nhu cầu không bao giờ thỏa mãn. Tôi cứ luẩn quẩn mấy chuyện ăn uống mua sắm  và va chạm ngột ngạt hằng ngày. Công việc thì nhàm chán máy móc. Đến một lúc nào đó tôi có cảm tưởng có mọi sự mà vẫn thấy mình khát khao một cái gì sâu xa hơn.                  

Tôi đang có quá nhiều điều lo lắng và sợ sệt!    

Chuyện gia đình, công ăn việc làm, việc học, sức khoẻ, nhà cửa, cướp giật, trộm cắp, tai nạn, thời trang… Tôi càng tìm cách giải quyết thì hình như càng bế tắc, càng thêm vấn đề!    

Vậy đời là bể khổ hay đầy hạnh phúc như Chúa dựng cho con người được sống sung mãn? (Gioan 10:10). Có cái gì sai trệch trong cuộc tạo dựng của Chúa không mà nhiều người than khóc thế?    

Công giáo là gì? Tại sao tôi là Công giáo? Chúa của người Công giáo đã sống lại thật chưa? Nếu có thì người Công giáo phải vui tươi phấn khởi đầy tin mừng chứ. Tôi đang có tin gì mừng không hay cũng mang bộ mặt như đưa đám? Tại sao vạn vật vui tươi mà con người hốc hác?    

Chắc chắn có gì bất ổn then chốt trong tôi chứ không phải Chúa dựng ẩu hay tính sai.    

Lý do là tôi vẫn tưởng mình là gà, thậm chí chủ trương con người bởi khỉ mà ra với những nhu cầu vật chất trước mắt mà thôi. Nên tôi luẩn quẩn với kiếp gà.

2. NHẬN RA NHỮNG ĐIỀU ĐANG KIẾM TÌM CHỈ LÀ SÂU BỌ.

      Thánh Tôma Thiện đã dám khước từ lời cám dỗ bỏ đạo để được làm quan và được lấy con gái của quan.    

Tôi đã biến những phương tiện Chúa ban trở thành đích điểm đời sống để mà bỏ hết sức lực thời giờ khả năng tìm kiếm! Tôi đang thờ tà thần với những những giá trị giả. Cứ nhìn một thành phố về đêm với những nhà băng cao ngất và sáng rực để biết con người đang thờ gì. Trung tâm thành phố không phải là nhà thờ nữa. Trung tâm đời sống của tôi không phải là Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày tôi có nhiều cái phải quyết định, nhưng tôi đã không dám dứt khoát chọn lựa như Thánh Trần văn Thiện.    

Tôi đã nhận định sai ngay từ lúc khởi hành về hướng đi cuộc sống, về nguyên lý căn bản mà thánh I Nhã đã có lần cảm nghiệm trong Linh Thao của Ngài (số 23).    

Nhiều lúc tôi sống trôi nổi, không hướng, không đích, không lý tưởng, ai sao tôi vậy. Tôi để quyền năng điều khiển đời tôi cho Tivi, cho những luận điệu quảng cáo và áp lực của đám đông như con cừu bị dẫn đi chỗ nào cũng không biết nữa, như con dế bị buộc tóc quay rồi ném vào cho đấm đá nhau, như con ngựa bị che mắt không được phép trông xa hơn để dễ theo lệnh những chiếc roi điều khiển.    

Nhiều lúc tôi không rõ tại sao mình sinh ra ở đời này. Sinh ra đó, lớn lên đó, lập gia đình, làm lụng kiếm cơm kiếm áo, kiếm chỗ ở. Đầu tắt mặt tối. Rồi già lúc nào không biết. Rồi chết… Đời chỉ có vậy thôi sao?    

Tôi không thấy có đích gì cao hơn, về quê hương dân tộc, về làm đẹp cộng đoàn. Suốt ngày chỉ luẩn quẩn ba chuyện trước mắt. Có lúc nào đó thấy chán chường mệt mỏi và buồn nôn.

3. BIẾT NHÌN RÕ ĐÍCH ĐỜI SỐNG.

      Có bao giờ tôi dừng chân tự hỏi: tôi từ đâu tới? trước khi tôi sinh ra vào đời tôi là ai? Tôi đang ở đâu trên trái cầu như trên một phi thuyền không gian bay vào vũ trụ bao la? Tôi sẽ đi đâu và sẽ là ai sau mấy chục năm ngắn ngủi sống trên mặt đất này?    

Thánh Tôma Thiện đã biết nhìn cuộc sống cao hơn và xa hơn. Ai cũng phải chết một lần, nên đã biết chọn giá trị quí báu của linh hồn. Vì thế cậu đã cương quyết chối từ lời dụ dỗ của quan: "Ngươi còn trẻ lại khôi ngô tuấn tú, hãy đạp ảnh theo lệnh vua để được tha, rồi sau đó về giữ đạo thế nào thì giữ. Cứ bỏ đạo đi đã rồi tính sau".    

Tôi thử tưởng tượng lên một ngọn núi cao nhìn xuống dòng đời:    

Thành phố nhỏ li ti dưới chân, trong đó bao người đang vận  lộn nhớn nhác và phô trương một cách nực cười. Từ trên cao nhìn xuống, mọi sự trở nên tương đối lắm.    

Tôi thử tượng tượng đêm nay tôi chết:    

Những gì sẽ xảy ra khi hay tin tôi chết? Một đám tang. Những người khóc tiễn đưa. Rồi ngày lại ngày, xác bắt đầu thối rữa, nghĩa địa về chiều… Tôi sẽ như thế nào sau khi tôi chết 1 năm, 10 năm, 50 năm, 100 năm, 1000 năm?    

Tôi đang sống như kiểu không bao giờ chết! Lời ca của Phạm Duy trong bài "Những gì sẽ đem theo về cõi chết?" khiến tôi suy nghĩ:    

"Rồi mai đây tôi sẽ chết, trong lòng còn bao luyến tiếc, tôi sẽ mang theo với tôi những gì đây? Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng. Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn. Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi. Tôi không đem theo với tôi và để lại cho thế giới. Rồi mai đây tôi sẽ chết trên đường về nơi cõi hết. Tôi không đem theo với tôi những gì đâu!         Lời ca bái biệt nào tôi để lại cho đời? Tôi có thể nói người ta  viết trên bia mộ tôi:    

"Những gì tôi đã nhận được nay không còn nữa. Những gì tôi đã mua sắm nay người khác sài. Những gì tôi đã cho đi nay là của tôi".

Giờ đây tôi muốn có một thái độ chọn lựa đi tìm ý nghĩa cuộc đời như tâm tình của một người bạn trẻ:    

      "Ta theo nhịp thở miệt mài,

      Tìm đường lên núi hát bài thánh ca,

      Lâu rồi mười mấy năm qua,

      Bước chân viễn xứ hững hờ niềm tin,

      Soi gương nhìn lại chính mình,

      Men say đã thấm nhuộm tình đời cay.

      Giật mình lạ lẫm thân gầy,

      Ô hay có phải ta đây không kìa?

      Kiếp ngắn dài, một mộ bia,

      Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian.

      Dừng chân đếm túi hành trang,

      Những gì còn lại chuỗi vàng lời kinh.

4. XÁC TÍN MÌNH LÀ AI THẬT.

      Chương trình của Chúa tạo dựng nên con người để sống sung mãn (Gioan 10:10). Ngài đặt vào Vườn Địa Đàng hạnh phúc và cho làm Vua vũ trụ và muôn loài. Và như Thánh Tôma Thiện tôi xác tín sẽ được làm quan làm vua trên trời cùng với Chúa, chứ không chịu làm nô lệ cho những của cải vật chất, chức quyền và thành công đời này.    

Chúa đã xác quyết: "Con thật quí báu trước mắt Cha và thật sáng giá. Cha yêu thương con" (Isaia 43:5). Vì con người được tạo dựng giống như Chúa, được chế tạo bằng chính chất liệu thần linh là hơi thở Chúa, thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Phêrô 1:4); Chúa đã nói: "Chúng con là những thần linh" (Thánh Vịnh 82:6; Gioan 10:34), "là con của Đấng tối cao" (Thánh Vịnh 82:6).    

Tôi xác tín tôi có khả năng vô hạn có thể bay lên như tiên rồng, như phượng hoàng Trần văn Thiện. Nhìn bức tranh Chúa và Mẹ Maria lên Trời, tôi hình dung ra những con phượng hoàng đang tung cánh bay lên khi sống hết cỡ người. Và bức tranh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày lễ phong Thánh diễn tả đúng một đoàn phượng rồng đang vươn lên trong ca khúc khải hoàn "Ngày Vinh Thắng".    

Người ta sống khua múa khoe khoang là vì mặc cảm mình không có giá trị đủ. Một khi nhận ra mình là kỳ công của Chúa thì mọi giá trị khác trở thành rác rưởi. "Cảm tạ Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng" (TV 139:14)    

Hôm nay tôi quán sát kỳ công của Chúa nơi tôi để lớn tiếng "cảm tạ Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng" (Thánh Vịnh 139:14).

5. XÁC TÍN VÀ HÃNH DIỆN DÒNG GIỐNG TIÊN RỒNG.

      Xác tín và hãnh diện về nguồn gốc là lý do khiến một dân tộc có sức mạnh vươn lên hay không. Cứ xem các dân tộc đang xác tín và hãnh diện như Do Thái là dòng giống được Chúa tuyển chọn, như Nhật là con của thần nữ Mặt Trời…    

Ngược lại, không có gì hãnh diện về nguồn gốc của mình như dân Da Đen trong phim Nguồn Gốc (Roots) của Alex Haley, là lý do sống nghèo nàn bệ rạc…        

Người Việt có gì để hãnh diện?    

Lớp gìa thì bảo thủ, ca tụng quá khứ vàng son, than trách hiện tại và muốn "đóng cửa trần gian". Nhưng quá khứ vàng son này lại chỉ như một thứ đồ cổ trong bảo tàng viện, thiếu sinh khí, thiếu chất sống nên không sao hình thành nổi một đạo sống và mở đường cho thế hệ trẻ đi tới. Một truyền thống chỉ có thực chất khi truyền thống đó có sức chảy tới như một dòng nhựa sống làm cho cây hiện tại trổ sinh hoa trái.    

Vì hồ nghi gốc rễ, không xác tín và hãnh diện về nguồn của mình có chất sống , thế hệ trẻ mang mặc cảm về giá trị cũ chỉ là thành cổ rêu phong, nên muốn mở tung theo bất cứ lống sống nào xem ra hấp dẫn. Rồi những đào kép mới trong sân khấu cuộc đời hồ hởi cũng chẳng khác những con ngựa bị bịt mắt kéo xe trong đợt sống mới.      

Chính vì ý thức tầm quan trọng của niềm xác tín và hãnh diện về nguồn gốc mà nhiều người đã nỗ lực đi tìm hồn Việt, triết Việt, dòng sinh mệnh dân tộc, đạo sống của người Việt….    

Giữa lúc người Việt hoang mang về hướng đi, khủng hoảng về bản sắc của mình như những người mất thẻ căn cước, thì thế giới Công Giáo qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công khai xác nhận Việt Đạo và giới thiệu cho thế giới.    

Biến cố phong Thánh ngày 19.6.1988 không phải như một dịp an ủi một dân tộc có quá nhiều hệ lụy khổ đau, hay chỉ như một dịp phô trương thanh thế . Mà Giáo Hội Công Giáo muốn đề cao một con đường tu đức rất cần thiết có thể đáp ứng cơn khủng hoảng của thế giới vật chất hiện tại. Đây là bí quyết mà thánh Tôma Trần văn Thiện và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã xử dụng để quật khởi kho tàng tinh thần.    

Đang khi cả thế giới Công Giáo đã xác nhận Việt Đạo qua đường tu đức của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thì không lẽ gì người con dân Việt không hãnh diện, để nghe theo tiếng trống lệnh của Đức Thánh Cha, thức dậy khỏi cơn ngủ dài, bắt đầu lên đường khai quật cả một gia sản tinh thần đã bị chôn giấu lâu ngày tới lãng quên, để sống nếp sống mới sung túc hoàng vương chứ không nghèo nàn xơ xác và ngơ ngác mất hướng nữa.

VI. CÂU HỎI CHIA SẺ.    

      1. Tôi đang có những lo lắng gì khiến tôi sống tù túng không sao vươn lên được như phượng hoàng?

      2. Tôi quyết định gì cụ thể nhất về lối sống của tôi hiện tại để tỏ ra tôi xác tín và hãnh diện mình là con của Mẹ Tiên Bố Rồng mà Chúa đã ban một thần lực để có thể sống vui sống mạnh?

Tôi có thể quyết định vẽ hoặc để hình ảnh phượng rồng trước mặt để nhắc cho tôi luôn ý thức tôi là ai?

* CHÚ Ý:

      Khi sinh hoạt với các đoàn thể hay các nhóm, có thể để cho các nhóm tóm lược bài vừa học hỏi cũng như các bài kế tiếp rồi trình bày lại, để tạo bầu khí tham dự tích cực của hết mọi người.

VII. THÁNH CA KẾT THÚC.

A. HÃY CHỖI DẬY

ĐK. Hãy chỗi dậy hỡi ai ngủ mê! Hãy chỗi dậy từ cỏi chết, Chúa sẽ chiếu ngời ánh vinh quang trên đầu ngươi.

1. Đã bao năm qua gian trần miệt mài sống trong vòng u tối. Giờ được Chúa dẫn vào nguồn sống . Ta hãy bước theo đường quang vinh.

2. Hãy chung câu ca, chung lời nguyện cầu tán dương một Thiên Chúa. Nguyện lòng trí muôn người hiệp nhất trong một đức tin một tình yêu.

B. THÁNH CA: Hát Mừng Tôma Thiện (J.M. Thích, 1938)    

ĐK. Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện, một đóa hoa chủng viện, giọt máu nhỏ thơm đầy.    

1. Vừa đang tuổi xuân xanh, nghe tiếng gọi hy sinh, trong vườn nho Hội Thánh, một niềm phú dâng mình.    

2. Ôi cái chết đẹp thay, trên cổ một vòng dây. Cái vòng dây yêu mến, buộc lòng tớ theo Thầy.    

3. Nay ở chốn trường sinh, xin đoái hộ An Ninh, nhắc đoàn em yêu dấu, nhẹ bước dõi gương lành.

MỤC LỤC