VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P VIII)

VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P VIII)

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Dù ban tối trong nhà có chuyện gì bận, ông cũng bắt mọi người đọc kinh chung trước, chứ không chịu đọc kinh vắn tắt. Ông năng đọc sách đạo cho cả nhà nghe, và gương mẫu trong việc dọn mình xưng tội.

Thao Luyện 7

PHÁT HUY VIỆT ĐẠO

I. MỞ ĐẦU. TRUYỆN PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG.

Đời Hùng Vương thứ ba có giặc Ân sang xâm chiếm nước ta. Vua sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.    

Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giầu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:    

– Sinh được thằng này chỉ biết ăn uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.    

Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:    

– Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.    

Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ báo với xóm làng:    

– Con tôi đã biết nói.    

Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước sứ giả về nhà.    

Sứ giả hỏi rằng:    

– Mày là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?    

Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo sứ giả rằng:    

– Lập tức về tâu vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một cái gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà phải lo.    

Sứ giả chạy về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:    

– Thế thì Ta không lo gì vậy.    

Quần thần đều tâu:    

– Một người đánh giặc làm sao phá nổi.    

Vua nói:    

– Đó là Long Quân giúp Ta, lời lão nhân nói trước không phải là lời nói không, các ngươi không nên ngờ.    

Rồi sai người tìm sắt cho được năm mươi cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt. Sứ giả đem tất cả đến, bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo sợ hỏi con.    

Đứa trẻ cả cười nói rằng:    

– Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.

     Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây hoa lau mà che nữa.    

Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhảy, nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:    

– Ta là Thiên Tướng đây.    

Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ân cả vỡ, trở giáo chạy lùi, Ân Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng thì la liệt sụp lạy và hô rằng:    

– Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.    

Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.

II. TINH THẦN THÁNH MICAE NGUYỄN HUY MỸ    

Thánh Mỹ tên thật là Nguyễn Huy Diệu, sinh năm 1804 tại Ninh Bình, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, và được người dì nuôi nấng cho ăn học đàng hoàng. Về sau lớn lên, ông đi lập nghiệp tại làng Kẻ Vĩnh và kết hôn với cô Miện con gái ông Trùm Đích.    

Ông có lòng đạo đặc biệt, không bỏ kinh sáng tối bao giờ. Dù ban tối trong nhà có chuyện gì bận, ông cũng bắt mọi người đọc kinh chung trước, chứ không chịu đọc kinh vắn tắt. Ông năng đọc sách đạo cho cả nhà nghe, và gương mẫu trong việc dọn mình xưng tội. Khi xét mình, ông thường ghi các tội ra giấy trước hai ngày cho dễ nhớ. Ông đi lễ hàng ngày, và trong mùa chay ông ăn chay mỗi tuần hai ngày.    

Đối với gia đình, ông ăn ở hiền hòa, không bao giờ nặng lời. Bà Lý Mỹ làm chứng: trong suốt 18 năm chung sống chỉ có một lần ông đánh bà ba cái vì không chịu đọc kinh. Và chỉ lần ấy là mất lòng nhau thôi. Bà còn nói: "Tôi chẳng thấy ông say sưa, đánh bạc và chửi tục bao giờ, chỉ chuyên cần làm ăn, săn sóc gia đình và giữ đạo sốt sắng."    

Ông rất thương người nghèo khó. Gặp năm mất mùa, ông cung cấp đồ ăn cho họ.    

Đối với xã hội, ông có lòng chung và tinh thần phục vụ khiêm tốn.  Nên tuy còn trẻ mà ông đã được cả dân làng kính nể cử làm lý trưởng. Vì thế người ta thường gọi là ông Lý Mỹ.    

Trong nhiệm vụ, ông rất phân minh và công bằng, không ăn bớt của công và nhận tiền biếu. Ông sửa phạt những người đánh bạc nghiêm chỉnh. Đối với đàn bà ngoại tình, thay vì đuổi ra khỏi làng hay gọt đầu bôi vôi và buông sông như thói tục các làng ngoại, ông chỉ phạt công khai làm cho xấu hổ mà chừa.    

Dù làm công vụ, ông vẫn giữ lòng đạo đọc kinh đi lễ hàng ngày. Ông bắt mọi người tuần phiên đọc kinh chung với nhau trước khi canh gác. Và ông luôn khuyên nhủ dân làng năng đi xưng tội và dự lễ.    

Ông thương mến những ngừơi tu trì một cách đặc biệt. Và nhất là giúp đỡ các linh mục trốn ẩn trong nhà.    

Một hôm đựơc mật báo, quan quân đã đến vây làng Kẻ Vĩnh và bắt được cha Năm đang trốn ẩn trong làng. Ông đã bị bắt vì tội chứa chấp các linh mục và đồ đạo, cùng với ông Trùm Đích và cha Năm. Lúc đó ông 34 tuổi. Ông bị đánh đập rất dã man, tính ra tới 500 roi, da thịt máu me tung toé, mà ông vẫn can trường không kêu ca, khiến các quan phải nói: "Thằng này chết rồi thế nào cũng làm thành hoàng đất của nó."    

Quan khuyên ông bỏ đạo: "Mày là thằng giỏi lại còn trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng khá, ai cũng được nhờ, sao mày dại mà chẳng chịu bỏ đạo đi."    

Ông đáp: "Sao tôi lại dại? Khi chưa có tôi thì đã có dân, thế thì ai coi sóc dân lúc bấy giờ? Nhưng mà linh hồn tôi thì tôi phải giữ. Của cải và chức quyền làm sao so sánh được với phúc trọng tôi được chết vì đạo."    

Quan lại bảo: "Sao mày không thương vợ con mày ? Con cái còn thơ dại mà mày nỡ quên tình cha sao! Chúng tao còn biết xót thương, chứ sao mày mê dại quá vậy?"    

Ông đáp: "Tôi vốn thương vợ con tôi lắm, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh vì tôi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ coi sóc cho tôi, và ngày sau sẽ cho tôi được gặp lại trên Thiên Đàng."    

Quan bảo: "Mày hãy bắt chước nhiều đứa bỏ đạo đi rồi tính sau."    

Ông Lý Mỹ liền nói châm biếm:    

"Quan lớn bảo có nhiều người bỏ đạo? Họ cũng giống như mấy thằng lính thấy giặc liền sợ hãi bỏ chạy. Tại sao quan lại dạy tôi bắt chước chúng nó? Giả như có ai bảo quan lớn đập đầu đức Vua để được quyền cao chức trọng thì chắc quan chẳng dám làm. Giả như giặc đến đây mà bắt chúng tôi đập đầu quan lớn để được sống thì chúng tôi dám làm, chứ còn Chúa chúng tôi thờ thì chúng tôi chẳng dám đập đâu.    

Nghe vậy, quan liền nổi giận cho đánh nhừ tử.    

Trong nhà tù, vợ và bốn con ông rất thương ông nên năng thăm viếng và khuyên ông chịu khó, đừng lo cho gia đình. Thật là một hồng phúc cho ông vì mọi người thân yêu đều có lòng tin mạnh mẽ. Riêng với Bố vợ là ông trùm Đích, ông sợ tuổi già yếu chịu đòn nên đã khuyên bố đừng sợ chết, và nhiều lần xin chịu đòn thay cho.    

Ông bị xử án chém đầu ngày 12.8.1938 tại pháp trường Bảy Mẫu do lệnh của Vua Minh Mạng. Xác được dân làng Kẻ Vĩnh tưng bừng đón rước về chôn táng trong làng.

III. CHỨNG NHÂN TIN MỪNG:

A. BÀI 1: Tông Đồ Công Vụ 2:42-47.    

Họ hăng hái tham gia các buổi giáo huấn của các Tông Đồ, và tham dự đời sống chung, cùng nhau bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều dấu kỳ phép lạ do các Tông Đồ đã làm.    

Những người tin theo đều chia sẻ mọi sự làm của chung. Họ bán hết của cải và ruộng đất để phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người. Hằng ngày họ cùng nhau họp tại đền thờ, còn ở nhà thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau với tinh thần vui tươi chân thành. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến phục. Càng ngày Chúa càng làm tăng số những kẻ được chọn lựa gia nhập.

B. BÀI 2: Gioan 13:1-15.    

Trước ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.    

Sau bữa ăn tối, ma quỉ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.    

Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thày làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu." Phêrô thưa lại "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con." Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy." Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa. Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu." Vì Người biết ai sẽ nộp Thầy nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu."    

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con.

IV. CẦU NGUYỆN.

A. Ý CẦU NGUYỆN.

1. Xin ơn được nhận ra Chúa đang gọi chính tên mình lên đường xây dựng cộng đồng nhiệm thể Chúa. Đừng lo. Vì Chúa dùng chính sự nhỏ bé mà làm nên đại sự.

2. Xin ơn được hăng hái sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa để bắt đầu ngay.

3. Được nhận ra sức sống của chính Chúa đang được chuyển xuống qua mình để làm bừng lên mùa xuân mới trong cộng đồng Giáo Hội.

B. THÁNH CA: ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG.

ĐK. Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui.

1. Nài xin tha thiết Thượng Đế muôn tình lân ái. Xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng, hết sức hết cả trí khôn, cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.

2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hoà hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ oán hờn, ghét ghen, gìn giữ Đức Ái: Yêu Chúa mến thương anh em.

TỪ RẤT XA KHƠI

1. Từ rất xa khơi, Người đã gọi tôi đi giữa lòng đời rao truyền tin mới. Từ rất xa khơi Người đã chọn tôi đi vào thế giới rắc gieo tình người.

ĐK. Xin cho đôi chân tôi miệt mài, để từ nay bước đi hoài, ngọt lời rao tin mới. Tôi xin đôi tay, giang vời vợi để tình thương lan khắp nơi là vòng tay ôm trùng khơi.

2. Từ rất xa khơi, Người muốn đời tôi như đuốc rạng ngơi soi niềm tâm tối. Từ rất xa khơi, Người đã đặt tôi như loài muối đất ướp thêm mặn đời.

3. Từ rất xa khơi, Người đã chọn tôi trong những bạn bè nơi lòng dương thế. Và đỡ nâng tôi, Người biến luyện nên như hạt giống tốt gieo trên mọi miền.

C. ĐÁP CA: Isaia 12:2-6.    

ĐC. Đấng Thánh của Israel cao cả ở giữa ngươi.

– Này là Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi,

Tôi sẽ tin tưởng hành động, và không sợ hãi;

Vì Chúa là sức mạnh và sự ngợi khen của tôi,

Và Ngài đã đem lại cho tôi ơn cứu độ.

– Hãy tuyên xưng Chúa và kêu cầu thánh danh Người.

Hãy làm cho dân tộc biết việc Chúa sáng tạo.

Hãy nhớ rằng danh Người thật cao sang.

– Hãy ca mừng Chúa, vì Ngừơi đã làm những việc trọng đại.

Hãy công bố việc đó trong khắp hoàn cầu.

Hỡi dân thành Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi,

Vì Đấng thánh của Israel cao cả ở giữa ngươi.

V. HỌC HỎI.

BÍ QUYẾT LẬP LÀNG CỘNG ĐỒNG.

A. CÙNG RUNG MỘT NHỊP TRỐNG: viễn tượng xây dựng làng cộng đồng.    

Làm thế nào để xây lại cộng đồng Công Giáo theo viễn ảnh của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ban đầu? Đó là mẫu, là lý tưởng, mà mọi người Kitô đều phải nhìn nhận để lập một cộng đồng với danh nghĩa Công Giáo đích thật. Nếu không thì không thể gọi là cộng đồng Công Giáo được.    

Chúa Giêsu đã bắt đầu lập Giáo Hội không phải với một đại hội , mà chỉ bằng một nhóm 12 cán bộ ban đầu. Sau ba mươi năm Ngài âm thầm tu luyện, thì bây giờ Ngài bắt đầu một chương trình "nhà tập" ba năm cho 12 môn đệ này. Họ đã đến và ở lại với môn sư, để cùng rung một nhịp tim, một nhịp sống, một viễn ảnh chung trước đã.    

Trước khi về trời Chúa đã chỉ cầu nguyện cho sự hợp nhất và yêu thương : người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau. Đó là đồng phục và huy hiệu duy nhất cho hội đoàn Chúa lập. Đó cũng là nội qui. Bây giờ trở lại trần gian Chúa Giêsu có nhận ra Giáo Hội của Ngài không? Với không biết bao nhiêu đẳng cấp và cơ cấu.

     Giáo Hội ban đầu đã thực hiện viễn ảnh đó. Họ đã rung chung với nhau một nhịp tim đập: cùng ăn, cùng hiện diện với nhau và chia sẻ tình thân, cùng sinh hoạt, cùng hội họp, cùng tài sản, cùng cầu nguyện. Họ đã có cùng một lý tưởng, một mẫu số chung, một nếp sống chung, nên họ đồng tâm nhất trí, gây thu hút, mọi người mến phục. Họ đã nói với nhau như bà Ruth nói với mẹ chồng: từ nay nỗi vui nỗi buồn, hy vọng hay lo lắng của bạn cũng là của tôi. Như một lời cam kết ngày lễ cưới. Họ đã cảm nghiệm được thế nào là liên đới của một nhiệm thể: anh chị em là nhiệm thể Chúa Kitô. Họ đã nếm được Nước Thiên Đàng của Chúa ngay trong đời sống trần gian: nước Cha trị đến. Mọi sinh hoạt đều xoay quanh một tâm điểm duy nhất là chính Chúa.    

Tổ tiên Việt tộc cũng đã thực hiện cuộc sống hài hòa lý tưởng trên bằng Đạo Trống. Tất cả trăm con đều nhảy múa theo một nhịp trống , và nghe theo một tiếng trống lệnh của người lãnh đạo. Tất cả như những con chim phượng trong vũ khúc "phượng minh triều dương" cùng hướng về chào đón mặt trời ở tâm điểm là nơi mọi sinh hoạt hội tụ . Tất cả đều cùng một bọc, đồng bào, cùng chia sẻ một thân thể, bình đẳng theo tình chứ không phải là địa vị . Đó là hình ảnh kiểu mẫu của một làng Văn Lang thu hẹp. Chính sự đoàn kết này tạo ra sức mạnh như sau này trong hội nghị Diên Hồng. Chính vì thế mà Mã Viện đã thu tất cả trống của nước Việt đưa về Tàu khi đánh bại Hai Bà Trưng với ý thức: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (trống đồng mà bể thì Giao chỉ bị diệt).    

Người Do Thái khi trở về lập quốc đã đặt trọng tâm vào chủ đạo Làng Cộng Đồng Kibbutz. Họ đã lập được khoảng 250 làng cộng đồng. Mỗi làng đều theo một một số qui tắc chung: cùng ăn, cùng làm việc chung, cùng góp tài sản chung. Họ rất bình đẳng, không ai có đặc ân về quyền lợi và địa vị. Chính mẹ của tướng Dayan đã cùng nấu cơm rửa chén cho làng cộng đồng của bà. Muốn được gia nhập làng, "tập sinh" phải qua giai đoạn tập sự hai năm với tinh thần chung trên và với sức cần lao canh tác thiên nhiên. Một trong những làng cộng đồng đầu tiên là Tel Aviv, có nghĩa là Đồi Xuân. Quả thực với chí khí quật cường, họ đã biến sa mạc cát cháy thành những đồi xuân đầy nho cam chín mọng. Chính vì thế mà Ông Ben Gurion, thủ tướng đầu tiên của quốc gia Do Thái, đã tuyên bố: "Hằng trăm bài diễn văn, hằng ngàn kế hoạch, cũng không bằng tạo được một làng Kibbutz". Với 250 làng cộng đồng, người Do Thái đã lập lại quốc gia của họ. Và dù nhỏ bé như thế mà có một sức mạnh phát triển giữa một biển người Ả Rập chung quanh sẵn sàng ăn sống nuốt tươi.    

Ngày nay trong lòng Giáo Hội đang phát sinh nhiều phong trào sống đạo theo mẫu sống Giáo Hội ban đầu. Làng cộng đồng Lopiano của phong trào Focolare là một thí dụ. Trong đó các linh mục, tu sĩ, giáo dân đều cùng ăn, cùng làm việc, cùng tài sản, cùng cầu nguyện. Những cộng đồng Kitô căn bản tại Nam Mỹ, một số nhóm Thánh Linh, nhóm Sống Đời Kitô… cũng mô phỏng phần nào nếp sống trên.

B. THỰC HIỆN VIỄN ẢNH LẬP LÀNG CỘNG ĐỒNG.    

Tại sao người Do Thái cũng như nhiều phong trào đang thực hiện được viễn ảnh của Chúa Giêsu và Giáo Hội ban đầu mà nhiều cộng đồng mệnh danh là Công Giáo lại xa lạ với   lý tưởng đó?    

Vậy muốn canh tân lại Cộng đồng Công Giáo thì trước hết phải theo đúng phương thức của Chúa:

1. CÙNG ĐỒNG Ý MỘT MẪU CHUNG.    

Khi hai môn đệ đầu tiên theo Chúa, Chúa thấy ngay có thể mỗi người đang có những mẫu khác nhau, nên Ngài hỏi ngay: "Các ông tìm gì?" Và Ngài muốn cho các ông cùng nhận một mẫu ngay từ đầu: "Hãy đến mà xem". Chúa có ý nói: Thầy là mẫu mực, Thầy là Đường, chứ không phải một lý thuyết.

2. TỤ LẠI MỘT NHÓM NÒNG CỐT:    

Muốn canh tân lại cộng đồng thì phải bắt đầu từ việc lập nhóm nòng cốt. Một hội đoàn theo đúng nghĩa phải là nhóm mười hai này: có chung một lý tưởng, một viễn ảnh, và cùng tập sự tinh thần sống với nhau đường dài. Rồi từ đó mới lan ra cộng đồng và rộng lớn hơn.    

Hiện tại đã có bao nhiêu Làng Cộng Đồng theo phương thức "cộng đồng" đúng với viễn ảnh trên?           

3. THỰC HIỆN NĂM ĐIỂM CHUNG:    

– Cùng ăn: những bữa ăn chung rất quan trọng để tạo tình thân. Bữa ăn trong nhà hay du ngoạn ngoài trời. Người Ấ Đông thường hội họp ở bàn ăn để bàn chuyện hòa hợp.    

– Cùng hiện diện chia sẻ tình nghĩa: để giờ cho nhau và thương cảm được với nhau như một nhiệm thể. Nên có những quĩ tương trợ trong nhóm.    

– Cùng sinh hoạt làm việc chung: các công tác cùng làm sẽ là sợi dây nối kết chia vui xẻ buồn.    

– Cùng ngôn ngữ, cùng độ rung.    

– Cùng cầu nguyện để nhận một sức sống chung.

4. BẮT ĐẦU TỪ TÔI: Chúa gọi tôi.    

Với ý thức Giáo Hội không phải chỉ là hàng giáo phẩm hay các linh mục tu sĩ, mà là mỗi người Dân Chúa. Chúng ta là Giáo Hội. Mỗi người đều là phần then chốt trong nhiệm thể Chúa, nếu thiếu tôi, Giáo Hội vẫn bị thương tích, và chưa phát triển tốt đẹp được.    

Chúa ban cho mỗi người mỗi khả năng, mỗi nén bạc khác nhau. Nhưng mỗi người đều là tuyệt tác của Chúa. Mỗi người đã được ban đủ ơn để sống đời hạnh phúc và làm cho người khác sống hạnh phúc. Hôm nay Chúa gọi chính tên tôi. Tôi có thể viện cớ nói ngọng như Maisen, còn quá trẻ như Giêrêmia, tội lỗi như Isaia. Ngay cả Mẹ Maria cũng chối từ lúc ban đầu. Nhưng rồi nghe lời Chúa xác quyết : không có gì mà Chúa không làm được, con sẽ đáp lại : này con sẵn sàng.    

Thường chúng ta dễ bán ý kiến cho người khác thi hành. Đức Gioan XXIII đã có lần kể chuyện vui: tuần đầu tiên khi mới được bầu làm giaó hoàng, một đêm Ngài trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ hết ý kiến xây dựng này đến kia, và tự nhủ sáng mai dậy sớm sẽ trình Đức Giáo Hoàng. Đến gần sáng Ngài mới sực nhớ ra: "Mình đang là Giáo Hoàng rồi mà!"         

 

C. HUẤN LUYỆN TINH THẦN BẰNG VIỆT ĐẠO.    

Chúa đã huấn luyện các môn đệ trong thời gian "NHÀ TẬP" là ba năm. Một nhóm hay một hội đoàn cần có thời giờ đủ để tham dự các buổi học hỏi, sinh hoạt và cầu nguyện chung.

1. LÀM CHỨNG NHÂN CHO LÝ TƯỞNG: xác tín mình là ai và Chúa là ai thật.    

Làm nhân chứng là làm cho Chúa đáng tin qua tôi, làm cho thấy được sức sống thu hút đầy hấp lực qua tôi. Cứ xem "điệu múa" cách sống của tôi, cứ xem ánh mắt tôi sáng lên, người ta sẽ nhận ra tôi đã nếm được nguồn sống, đã có lý tưởng, đã nhận ra mình là ai và Chúa là thật trong chương trình kỳ diệu của Chúa: tôi thật có phúc đầy ơn, tôi thật tuyệt vời dưới mắt Chúa khi biết hiếu trung tìm nguồn sinh lực. Cành nho phải luôn gắn liền với cây nho. Dây điện phải luôn cắm vào mạch điện.    

Thánh Mỹ đã là hiện thân cho chính Chúa bằng một đời sống gương mẫu đã cảm nghiệm được Chúa, nên có sức thu hút và cảm hóa được cả làng Kẻ Vĩnh.    

Tôi trở thành bí tích sống động cho người khác thấy Chúa qua tôi, và cứ theo điệu múa của tôi thì thế nào cũng tới được nguồn. Con người tôi như ánh lửa sáng lên từ nguồn lửa thiêng và chuyển tới được. Tôi là muối ướp đời, sẽ không kêu cá tanh mà tự hỏi muối đã mặn đủ chưa.            

Muốn trở thành hiện thân của Tiên Rồng, cha ông chúng ta đã mặc áo lông chim để ca vũ, và vẽ mình rồng hay đi thuyền rồng, chứng tỏ muốn sống tinh thần vươn lên. Trống Đông Sơn đã vẽ lên một nếp sống tưng bừng hân hoan nhảy múa vì đã cảm nghiệm được sức sống mặt trời ở tâm điểm.    

Một cách cụ thể, tôi xếp lại ưu tiên trong đời sống: làm lại thời khóa biểu để có giờ cho đời sống thiêng liêng theo nguyên tắc "không ai có thể làm tôi hai chủ", dùng khả năng cho đời sống cộng đồng, và tính lại việc chi tiêu trong gia đình.

2. THỰC HIỆN ĐẠO TRỐNG.    

Để cho ánh sáng Chúa chiếu qua tấm kính đã lau sạch của tôi mà tới người khác. Tôi càng vẽ vời thì càng lảm cản ánh sáng Chúa. Dòng suối của tôi phải khai thông thì nước nguồn mới chảy xuống thênh thang.

– Bằng ÂM THẦM NHỎ BÉ:    

Thánh Mỹ đã bắt đầu xây tổ ấm gia đình bằng đời sống đạo đức, bằng bổn phận thầm lặng không tên hằng ngày. Và dù Ngài còn trẻ cũng đã can đảm ra giúp việc chung làm lý trưởng làng Kẻ Vĩnh. Thánh Mỹ đã biến Kẻ Vĩnh thành một làng cộng đồng lý tưởng: cùng sinh hoạt chung, cùng đọc kinh chung trước khi đi tuần, cùng chia sẻ tình thương hơn là quyền bính cai trị, xử tình hơn xử lý.    

Thánh Dóng Phù Đổng Thiên Vương cũng đã ba năm âm thầm luyện công, nói ít làm nhiều, nên đã đạt sức hùng vươn lên mười trượng hết cỡ người  như rồng dẹp tan giặc Ân giải thoát đồng bào, và đã có một nội lực như tiên bay lên được Sóc Sơn. Ngài không hoạt động để đạt tham vọng theo kiểu lợi hành, cũng không vì áp lực theo kiểu cưỡng hành. Ngài đã thể hiện chủ đạo Trống Không mà đạt đức, nên ở thôn Tam Đảo vẫn còn phong tục rước trầu không vào chính ngày lễ kính Ngài.    

Thường những người khua múa và tỏ ra quan trọng dễ làm rối việc Chúa và làm hỏng việc chung nhiều hơn là xây dựng. Ngược lại, những người bắt đầu bằng những việc nhỏ bé âm thầm thì lại làm nên đại sự, như Mẹ Têrêsa bên Ấn Độ. Có lần được hỏi làm thế nào mà Mẹ có thể cứu được nhiều người như vậy, mẹ đã trả lời: "Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể cứu nhiều người. Tôi chỉ có thể bắt đầu bằng giúp người này rồi đến người kia. Thế thôi".    

Kinh nghiệm của những năm vừa qua, đa số các cuộc canh tân đời sống nội tâm ở các cộng đoàn, đều do những người rất âm thầm nhỏ bé chứ không phải là những kế hoạch vĩ đại.

– Bằng KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ.    

Bằng việc quì xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã là mẫu sống tinh thần phục vụ: tình yêu chỉ phát khởi khi tôi biết quên mình, làm Trống những tham vọng ích kỷ, khai thông con người mình để ơn thánh Chúa tác động và dòng nhựa sống mới có thể chuyển tới người khác được.    

Tôi quyết định gì cụ thể để thực hành tinh thần khiêm nhường? Một  hành động cách mạng ngược với thường tình sẽ giúp tôi bắt đầu canh tân lối sống. Thí dụ: tôi dám cúi xuống hôn đất; về lau nhà vệ sinh, rửa chén đĩa; đi xin lỗi một người xưa nay vẫn xa tránh, dọn một thùng rác công cộng…

3. SỨC MẠNH TÌNH YÊU:

     

Tình yêu có sức biến đổi và hòa hợp những đối nghịch: "ta là loài rồng, nàng là loài tiên, vốn chẳng như nhau". Yêu bằng trái tim của Đức Mẹ, nhìn bằng con mắt Chúa, tôi sẽ thấy nét đẹp nơi người khác hoặc thương cảm tha thứ cho họ dễ dàng. Họ cũng là kỳ công của Chúa, tuy rất khác nhau, nhưng cần phải được xác quyết khen ngợi và cám ơn vì họ là quà tặng cho tôi và cho đời.    

Lời khen tặng khuyến khích là chiếc đũa thần khai mỏ quí còn tiềm ẩn nơi người khác. Ngược lại, lời phê bình chỉ trích luôn là thuốc độc giết đời sống chung, và là lý do chính của những cuộc li dị tan vỡ gia đình.    

Lời xác quyết của Mẹ tại Cana đã đã khiến Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên dù Ngài nghĩ rằng chưa đến lúc. Cái nhìn chấp nhận của Chúa Giêsu đã làm cho Mađalêna và Phêrô đổi đời.    

Trong nếp sống chung, người Việt xử với nhau bằng tình hơn bằng lý, gọi nhau bằng cô, chú, anh, chị, em, ông, bà… như trong họ hàng ruột thịt vậy.

VI. CÂU HỎI.    

1. Điểm tốt và khả năng nào tôi nhận thấy nơi mỗi người trong nhóm mà tôi cần nói lên để xác quyết cho họ, giúp họ đào kho tàng tiềm năng? (Hoặc: ai trong hội đoàn tôi tác động tôi nhất về cách sống đạo của họ? Kể tên hai người với những chuyện cụ thể).    

2. Tôi quyết định phát huy Việt Đạo và áp dụng chương trình huấn luyện trong Tập Thao Luyện này như thế nào trong gia đình và hội đoàn tôi?

VII. THÁNH CA KẾT THÚC: NÀY CON SẴN SÀNG

(Lời Việt: LM Trần Cao Tường).

1. Cha dựng nên đất trời mênh mông. Cha đã nghe bao người than khóc. Sống mãi trong tội lỗi tối tăm. Cần Cha cứu độ. Cha dựng nên muôn vì sao đêm. Cha sẽ cho đêm dài bừng sáng. Có ai đi mang ánh sáng Cha? Này Cha sai ai?

Đ.K. Thật Chúa đã gọi. Này con sẵn sàng. Vì trong đêm chính Chúa kêu tên gọi con. Và quyết lên đường. Vì Chúa dắt dìu. Này con sẽ ủ ấp dân Người trong lòng.

2. Cha dựng nên bốn mùa nắng mưa. Cha đã xem bao người đau thương. Với kiên tâm Cha yêu mọi người. Mà họ trở lòng. Cha sẽ cho tim thịt biết yêu, thay vì những tấm lòng chai đá. Sẽ nói lời cứu rỗi mời gọi. Này Cha sai ai?

3. Cha dựng nên muôn loài xinh tươi. Cha thật thương người nghèo đau yếu. Bữa tiệc này dọn sẵn cho họ. Này Cha cứu độ. Cha cần ai giúp bàn cho Cha. Cho họ ăn để được no nê. Chính Cha cho sức sống dồi dào. Này Cha sai ai?

MỤC LỤC