VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P VII)

VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P VII)

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Thầy bị tra tấn đánh đập bốn đợt, thân xác nhừ tử, bắt bỏ đạo và khai tên những người chứa các Cha các Thầy để quan quân lùng bắt. Nhưng thầy một mực kiên quyết khiến các quan kính phục coi như đạo trưởng

Thao Luyện 6

LUYỆN THẦN LỰC

và NGHI LỄ BÁNH DÀY BÁNH CHƯNG.

I. MỞ ĐẦU : TRUYỆN BÁNH DÀY BÁNH CHƯNG.    

Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình, mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị công tử lại mà bảo rằng:    

– Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng Ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương để tròn đạo hiếu thì Ta sẽ tuyền ngôi cho.    

Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.    

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:    

– Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vạt, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.    

Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: "Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm".    

Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dày.    

Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.    

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.    

Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.

II. TINH THẦN THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN KHẮC TỰ    

Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh quán tại làng Bình-Hải, huyện Yên-Mô, tỉnh Ninh-Bình. Lớn lên làm Thầy Giảng theo giúp cha Cao (cha Borie) ở Bình-Chính. Thầy Nguyễn Khắc Tự có một nếp sống rất nghiêm trang khắc khổ, đạo đức và chuyên cần, can đảm và bền tâm.    

Tinh thần Tín Trung Hiếu Nghiã của Thầy đối với cha Cao là nghiã phụ, thật đặc-sắc, nói lên truyền thống của dân Việt. Khi hay tin cha Cao bị bắt Thầy không sợ hãi quan quân, dám đến bên nghiã phụ mà ôm gông khóc lóc. Chính vì thế Thầy cũng bị bắt luôn. Lúc đó vào tháng 7.1883 Thầy khoảng 30 tuổi.    

Cha Cao sợ Thầy yếu lòng mà chối đạo nên tìm cách chuộc cho Thầy được tự do, nhưng Thầy đã cương quyết:    

"Lạy cha, con trông ơn Chúa giúp con chịu khó cho nên."    

Thấy vậy, cha Cao liền xé khăn đống đang đội trên đầu làm hai, trao cho Thầy một nửa và nói: "Con hãy giữ miếng khăn này làm chứng lời con nói". Quả thực đây là một lời thề hứa với nhau của những người cùng lý tưởng, và với Chúa. Và cả hai đã trung thành với lời thề cho đến chết.    

Thầy bị tra tấn đánh đập bốn đợt, thân xác nhừ tử, bắt bỏ đạo và khai tên những người chứa các Cha các Thầy để quan quân lùng bắt. Nhưng thầy một mực kiên quyết khiến các quan kính phục coi như đạo trưởng (linh mục): "Anh này quyết tâm trở thành đạo trưởng và thưc xứng đáng như vậy. Hẳn phải được ơn trên phù trợ ban sức mạnh và mẫu gương của Thầy mình khích lệ."    

Bí quyết nào để Thầy Tự có một sức mạnh kỳ lạ và lòng trung nghiã như vậy?    

Đó là trong những ngày bị giam tù, Thầy luôn dành thì giờ cầu nguyện. Thầy bị giam chung với Thánh Nguyễn Hữu Năm. Hai người sáng tối đọc kinh chung với nhau và an ủi nhau. Và một bửu bối rất bí truyền mà Thầy Tự đã dùng để "luyện công lực", đó là các Bí Tích. Trong thời gian gần hai năm giam tù, thầy được lãnh Bí tích Giải Tội và rước lễ do cha Ngôn. Chính vì thế các quan cũng lấy làm lạ vì sức can đảm của thầy, nên đã ghi trong bản án:    

"Tên Tự, học trò ông Cao, đã không chịu đạp ảnh vì người ta đã cho nó ăn thuốc làm tăng sức mạnh và kiên trì trong lầm lạc. Vì lý do này mà không có hy vọng thay đổi nó". Vua quan đều coi Mình Thánh là một thứ thuốc bùa mê lạ lùng.    

Đầu tiên thầy bị án lưu đày đi Phú-Yên cùng với Thánh Nguyễn Hữu Năm và phải khắc vào má trái hai chữ "Tả Đạo" (Đạo Tà) và má phải hai chữ "Phú Yên". Nhưng thấy mỗi ngày hai người mỗi kiên trì thêm. Vua Minh Mạng liền cho làm án xử tử thắt cổ cho chết.    

Trên đường ra pháp trường hai vị hớn hở vui tươi. Thầy Tự nói: "Hồng ân tôi được như thế này là do bởi một mình Thiên Chúa." Và ông Năm nói tiếp: "Vậy chúng ta phải cám ơn Chúa cho đáng, thưa anh chị em!"    

Thầy Tự đã xin được xử ngay chỗ đã xử Cha Cao. Ngài quì gối cầu nguyện. Cuộc hành quyết kết thúc vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy. Thầy Tự đã trút hơi thở trong tay Chúa ghi dấu tinh thần trung nghiã đến cùng với Nghiã phụ và với Chúa.    

Giáo dân đã được phép đưa xác hai vị Thánh chôn tại Nghệ An.

III. CHỨNG NHÂN TIN MỪNG: Marcô 16:15-20.    

Khi ấy Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán:    

"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu Phép Rửa thì sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị luận phạt. Và đây là phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".    

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.    

IV. CẦU NGUYỆN.

A. Ý CHỈ CẦU NGUYỆN.

1. Xin ơn cảm nghiệm được sức sống mới:Tôi được Chúa truyền ngôi làm người Kitô: làm Vua Hùng với đầy sức mạnh, đủ "mười thành công lực" là bẩy ơn Thánh Thần.    

Tôi bắt đầu sống đời hoàng vương là con của vua Trời trong một nếp sống vươn lên, thật thảnh thơi vui tươi và an bình. Khi đã nhận ra như vậy thì tất cả những giá trị xưa nay tôi kiếm tìm trở thành rác rưởi tẹp nhẹp.    

Chúng ta là Đoàn Người Sống Lại, sống bằng sinh lực mới của chính Chúa Phục Sinh và chuyển lại 100% cho mỗi người. Tức là mỗi người có thể nhận ra mình là ai thật, sống hết cỡ người, vì sống bằng cùng một Thánh  Thần đã biến đổi hoàng hôn Thánh Giá thành bình minh sống lại.    

Từ nay không một thế lực nào có thể chế ngự được đời sống tôi. Không một lời khen tiếng chê nào có sức điều khiển tôi.

2. Xin được xác tín và mở rộng tâm hồn đón nhận thần lực đó qua các bí tích và đời sống cầu nguyện.    

Qua việc dâng lễ bánh dày bánh chưng, Lang Liêu đã được truyền ngôi làm Vua Hùng, với vuông tròn sức mạnh. Qua việc dâng Lễ Thánh Thể, người Kitô sẽ nhận được đầy đủ thần lực của chính Chúa, được tấn phong làm Vua, làm hoàng tử của Vua Trời, thừa hưởng mọi phuc ân của nếp sống  hoàng vương.

3. Xin được phấn khởi chuyển dòng sức sống này cho cành lá đâm hoa kết trái, cho thấy được dòng sinh lực hấp dẫn của Giáo Hội, của dân tộc mình,  vẫn đang chảy qua mình là phần quan trọng trong nhiệm thể Chúa, trong dòng sinh mệnh dân tộc.

B. THÁNH CA.    

ĐK. Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con, Thần Trí tác tạo của Chúa, Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng.    

1. Người sẽ ban cho chúng con, nhớ lại lời hằng sống Chúa truyền ban.    

2. Người sẽ ghi trong trái tim, chính lề luật tình mến Chúa truyền ban.    

3. Người đốt lên trong chúng con, ánh lửa hồng bừng cháy của niềm tin.    

4. Nguyện Chúa ban cho chúng con, chính thần lực dìu dắt giữa trần gian.    

5. Và đến mai sau cánh chung, sẽ được về hưởng kiến Chúa toàn năng.

C. THÁNH VỊNH: 103.    

ĐC. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất.

1. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thượng Đế của con, Ngài quá ư vĩ đại. Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài. Địa cầu đầy dẫy loài thụ taọ của Ngài.

2. Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất.

3. Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời. Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui, phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa.

V. HỌC HỎI : BÍ QUYẾT LUYỆN THẦN LỰC.

A. MỌI QUYỀN NĂNG ĐÃ ĐƯỢC BAN:    

Chúa Giêsu đã được xức dầu tấn phong làm Đấng Kitô, làm Vua, đầy quyền năng trên trời dưới đất, đầy Thần Lực Chúa, vì thế Ngài đã làm những phép lạ, chữa mọi bệnh nhân.    

Khi về trời, Chúa Giêsu đã trao lại 100% sức mạnh Thánh Thần của  Ngài cho các Tông đồ. Chính nhờ sức mạnh từ trên cao này mà các Tông đồ cũng đã làm nhiều phép lạ ngoài sự tưởng tượng của mọi người chứng kiến. Người ta không thể hiểu được một người nhút nhát và tầm thường như cỡ Phêrô mà có thể giảng thuyết hùng hồn và thu hút cả mấy ngàn người tin theo đạo nhanh như thế, lại có thể chữa nhiều bệnh nhân cách lạ lùng.    

Chúa cũng đã trao lại cho mỗi người Kitô trọn vẹn sức mạnh đó, đủ mười "thành công lực" Thánh Thần qua bẩy mạch ơn Chúa. Mỗi người đã lãnh nhận ngày chịu phép Thêm Sức, nhưng lại chôn nhốt Thánh Thần quá kỹ!

B. BÍ QUYẾT TỪ LÒNG TIN và CẦU NGUYỆN.    

Thánh Nguyễn khắc Tự đã có một sức mạnh lạ lùng nhờ đời sống cầu nguyện, và lòng tin sắt đá.    

Ai tin vào Chúa thì cũng nhận được sức mạnh làm được phép lạ như Chúa. Ở đoạn khác Chúa còn nói mạnh hơn: "Ai tin vào Thầy thì sẽ làm được những việc Thầy đã làm, và còn làm được những việc lớn lao hơn nữa" (Gioan 14:12).    

Thánh Nguyễn khắc Tự đã tin Chúa hoàn toàn trong lúc gặp khó khăn. Ngài đã không ngừng cầu nguyện. Khi con người nhận ra mình yếu đuối nhất mà tin vào sức mạnh từ trên cao, thì cũng là lúc mạnh sức nhất. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm như vậy. Ngày nay trong phương pháp chữa nghiện rượu bằng tâm lý, ngay từ hai bước đầu người ta phải xác nhận mình không thể làm gì hơn, và hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh từ trên cao.    

Đang khi Lang Liêu cảm thấy mình nghèo hèn bất lực nhất và tin vào thần minh phù trợ, thì từ trong tiềm thức, Lang Liêu đã tìm ra giải pháp.

C. LUYỆN CÔNG BẰNG THÁNH LỄ.    

Thánh Lễ là một giờ luyện thần lực rõ nhất và đầy đủ nhất. Được Đức Mẹ dẫn lên Núi Thánh của Chúa để chính môn sư Giêsu luyện "nội công đủ mười thành công lực".    

Mỗi Thánh Lễ là một cuộc Vượt Qua, một cuộc cử hành tinh thần Việt. Vì Việt có nghĩa là vượt tới, vượt qua, vươn lên, bay cao.    

Trong nghi thức bữa Vượt Qua của người Do Thái, người con nhỏ trong gia đình đứng lên hỏi bố: "Bố ơi, nghi lễ bữa ăn hôm nay có nghĩa gì?" Và người trưởng gia đình đã trịnh trọng thuật lại câu chuyện Xuất Hành do sức mạnh Chúa dẫn dân Về Miền Đất Hứa như thế nào.    

Người Công Giáo Việt cũng đang trên một cuộc Xuất Hành để vượt qua tình trạng "giẵm chân tại chỗ" để tiến về miền đất hứa.

      Những nghi thức diễn tiến trong Thánh Lễ cũng rất hợp với tiến trình tu đức luyện công của tâm lý tu đức:

1. "GIẢI HUYỆT":    

Thường mỗi người đến dự lễ đều mang những thương tích khác nhau như bị "điểm huyệt". Nếu không được "giải huyệt" thì sẽ bị tình trạng "tẩu  hỏa nhập ma". Lời Chúa không sao lọt vào tai nổi, va mọi nghi thức trong  lễ cũng trở nên khô cứng không gây tác động gì, mà còn làm cho thêm bực bội  mệt mỏi.

      Thánh Lễ có những nghi thức "giải huyệt" thật tuyệt. Để được chữa lành:

– NGHI THỨC THỐNG HỐI ĐẦU LỄ    

Tôi phải đối diện với hiện trạng của tôi, với "bóng tối" của tôi. Câu hỏi cần được trả lời ngay khi bắt đầu lễ: "Tôi đang lo sợ gì nhất? Tôi đang có điều gì buồn nhất, khổ tâm nhất? Tôi đang tức bực gì, buồn giận ai? Tôi đang có mặc cảm tội lỗi gì?    

Tôi phải dám can đảm nói lên, thú nhận tôi đang là vậy đó, với thái độ  khiêm nhường thẳm sâu.

– NGHI THỨC RỬA TAY.       

Tôi bằng lòng trút bỏ làm TRỐNG con người cũ với tội lỗi và thương đau, chết đi cho một quá khứ với Chúa Kitô trong dòng Gióc-đan, để sống lại với Chúa trong cuộc sống mới. Tôi thấy màn trời mở ra và Thánh Thần Chúa lấy hình bồ câu bay lượn trên cao. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con rất yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng". Tôi nhận ra tôi là ai thực.

– NGHI THỨC DÂNG BÁNH CHƯNG VUÔNG.    

Tôi bằng lòng gói tất cả mọi sự tôi đang có và làm chủ: mọi buồn vui đắng ngọt, mọi mặc cảm tội lỗi, mọi người thân yêu, mọi của Chúa ban. Tất cả trở thành tấm bánh vuông tượng trưng cho đất. Tôi dâng lễ lên Vua Cha với lời cầu nguyện:    

"Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh nuôi sống chúng con".    

Của lễ đẹp lòng Vua Trời nhất không phải tìm đâu xa hay cầu kỳ như các công tử khác, mà là chính cuộc sống thường ngày, với bổn phận ngay trong gia đình. Đó là tấm bánh chưng được gói ghém lại. Tôi sẽ kinh ngạc với đôi mắt mở lớn như Mẹ Maria trong tâm tình:    

      "Như con bướm vàng vụt bay lên từ miền hoang dại,

      Từ hoàng hôn thánh giá thử thách cam go.

      Sức Thần Linh Chúa biến đổi để bình minh Phục Sinh bừng dậy.

      Như cầu vồng rực rỡ kết từ những tím xanh đỏ vàng,

      Là buồn vui đắng ngọt cuộc đời con đây.

      Tất cả hòa hợp làm thành bài hát ca ngợi tình yêu,

      Làm thành của lễ dâng trên bàn thờ Chúa".

      (trích Đường Đi Tới Nguồn của LM Trần Cao Tường trang 141)

– PHA NƯỚC VÀO RƯỢU.    

"Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thiên tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con".    

Thánh Atanasiô đã nói: "Chúa đã làm người để con người có thể trở thành Chúa". Khi tôi bằng lòng hòa vuông vào tròn, thì sức mạnh biến đổi bắt đầu thực hiện kỳ lạ.     

Tôi phó dâng mọi sự trong tay Chúa và để Chúa tác động.

2. LUYỆN CÔNG TU ĐỨC.

– KINH TIỀN TỤNG: bí quyết của tu đức luyện công là biết tạ ơn.    

Tôi hòa nhịp cùng đoàn người trên mặt trống Đồng Đông Sơn, cùng toàn thể vũ trụ, cùng Mẹ Maria, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và toàn thể triều đình Thiên Quốc, nhảy mừng trong tình khúc Tạ Ơn. Tạ ơn mọi nơi mọi lúc, mọi biến cố trong đời sống. Đó là bí quyết sống hạnh phúc, thật "hữu ích cho phần rỗi chúng con. Vì khi Chúa không cần chúng con ca tụng Chúa, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa là một hồng ân Chúa ban. Bởi chưng những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng con" (Kinh Tiền Tụng Chung IV).

– KINH TẠ ƠN.    

Tôi chứng kiến và cử hành chính mầu nhiệm đời tôi: để cho "Chúa là Đấng Thánh, là Nguồn mọi sự thánh thiện", Nguồn mọi ơn, là nguồn nước tình yêu tuôn đổ xuống trên tôi và biến đổi tôi. Để tôi cũng trở thành của lễ dâng lên Chúa.

– RƯỚC LỄ: kết hợp Vuông Tròn.    

Thánh Nguyễn khắc Tự đã làm cho các quan tưởng rằng người ta đã cho Ngài ăn phải thuốc "bùa" nên có một sức mạnh và kiên trì lạ lùng, khiến Ngài không biết sợ gì nữa.    

Tôi cùng ăn một tấm bánh dày, tấm bánh tròn. Tôi rước lấy mọi người trong nhiệm thể Chúa như nhận lấy cả bọc tròn trăm anh em. Tôi nhận lấy chính Chúa là sức mạnh của tôi: "Tôi sống không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2:20).    

Tôi để giờ cảm nghiệm được Chúa là nguồn nhựa sống đang chuyển qua từng thớ thịt và mạch máu tôi, khiến cho các cành cây xanh tươi lại và trổ sinh hoa trái đầy nhựa sống. Tôi có thể hình dung Chúa đang đặt tay trên tôi, truyền tất cả sức sống và sức mạnh của Chúa sang cho tôi. Tôi đang thấy 7 mạch ơn thánh Chúa đang chuyển qua tôi.    

Tôi trở thành hiện thân của chính Chúa. Chúa đã truyền ngôi lại cho tôi cũng được làm Vua với tất cả quyền năng và thần lực của Chúa để sống nếp sống mới vươn lên, không gì có thể chế ngự và điều khiển đời sống tôi.    

Như vậy mỗi lần đi dự lễ, mỗi lần rước lễ, là tôi được tấn phong, nhận lãnh đầy Thánh Thần Chúa. Và tôi có thể nói như Thánh Phaolô: "Không gì mà tôi không làm được trong Chúa là sức mạnh cho tôi" (Phil 4:13). Mọi giá trị tôi mơ tưởng trong cuộc sống đều nhận được trong Thánh Lễ. Tôi cảm thấy được yêu thương tràn trề.    

Vậy tại sao tôi đi kiếm hạnh phúc ở mọi nơi mọi cách mà chưa đặt trọng tâm vào Thánh Lễ?

VI. CÂU HỎI CHIA SẺ.    

– Tôi quyết định gì cụ thể về đời sống cầu nguyện và đi dự Thánh Lễ?    

– Tôi áp dụng nghi lễ bánh dày bánh chưng vào phụng vụ Thánh Lễ như thế nào? (Thí dụ dùng biểu tượng vuông tròn khi làm bánh lễ hay trang trí thánh đường, bánh dày bánh chưng để dâng lễ).    

– Tôi duy trì phong tục bánh dày bánh chưng trong ngày Tết như  thế nào?

VII. THÁNH CA KẾT THÚC. MẸ LÀ SUỐI MÁT

ĐK. Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang. Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang. Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng. Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang.

1. Đi trong ân tình lòng con tha thiết yêu Mẹ. Mẹ là trăng thanh soi đường dẫn lối trong đêm. Mẹ là hy vọng đưa con về bến bình an. Lữ khách viễn du tìm về Mẹ đầy yêu mến.

2. Như cây khô cằn cần dòng suối mát êm đềm. Từ Nguồn muôn ơn cho đời tươi thắm an vui. Mẹ là suối thiêng cứu chữa muôn nỗi khổ đau. Nước mát rót tuôn truyền ban tràn trề sức sống.

3. Trong đêm cuộc đời, nhìn lên ánh sáng rạng ngời. Mẹ là sao mai soi đường dẫn bước con đi. Mẹ đầy phúc ân có Chúa luôn ở cùng Mẹ. Cất tiếng hát ca, đời con trọn tình yêu Chúa.

(Lời câu 2 và 3 do LM Trần cao Tường)

MỤC LỤC