7 Mẫu Kinh Tối Năm Đức Tin

7 Mẫu Kinh Tối Năm Đức Tin

Các Kinh - Mar 24/03/2014

Chúng ta không thể chấp nhận để cho muối trở nên nhạt và ánh sáng bị che kín (x. MT 5,13-16). Cả con người ngày nay cũng có thể tái cảm thấy nhu cầu như người phụ nữ xứ Samaria đến giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu

GIA ĐÌNH SỐNG NĂM ĐỨC TIN

 

Bài 1: Đức Giêsu Kitô là ai ?

Bài 2: Từ bỏ mình và vác thập giá mình ?

Bài 3: Đức tin là gì ?

Bài 4: Đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Bài 5: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?”

Bài 6: Tuyên xưng đức tin với một niềm xác tín mới.

Bài 7: Sống đức tin theo mẫu gương Mẹ Maria.

Bài một:

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ AI ?

 Người hướng dẫn : Chúng ta không thể chấp nhận để cho muối trở nên nhạt và ánh sáng bị che kín (x. MT 5,13-16). Cả con người ngày nay cũng có thể tái cảm thấy nhu cầu như người phụ nữ xứ Samaria đến giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng mời gọi hãy tin nơi Người và kín múc nơi nguồn mạch của Ngài vọt lên dòng nước sự sống (x. Ga 4,14) . Chúng ta phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng lời Chúa được Giáo Hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh sự Sống, được trao ban để nâng đỡ các môn đệ của Chúa  (x. Ga 6,51).

Thực vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay như trước đây:  “ Các con hãy cố gắng làm việc không phải để được lương thực mau qua, nhưng là lương thực tồn tại mãi mãi” (Ga 6,27).  Câu hỏi mà những người nghe Chúa nêu lên cũng là thắc mắc đối với chúng ta ngày này: “Chúng tôi phải làm gì để thi hành những công việc của Thiên Chúa?” (Ga 6,28). Chúng ta biết câu trả lời của Chúa Giêsu: “Công việc của Thiên Chúa là: Anh em hãy tin nơi Đấng mà Ngài đã sai đến” (Ga 6,29). Vì thế, tin nơi Chúa Giêsu Kitô là con đường để có thể đạt tới ơn cứu độ một các vĩnh viễn.

1/  Làm dấu Thánh Gía :

Nhân danh  Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Amen

2/ Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần:

  • Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Đem xuống cho con hồng ân chan chứa. Trau dồi cho đáng ngôi Thánh đường.

ĐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm. Nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

 3/ Lời nguyện Gia Đình :

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con/ Vì yêu thương/ Cha đã cho Con Một Cha/ là Đức Giêsu Kitô/ đến cứu độ chúng con. Chính Người đã dạy chúng con/ Hãy yêu thương nhau/ như Người đã yêu thương chúng con./ Vì vậy: Chúng con rất sung sướng/ nhận ra/ chấp nhận/ và sống với Chúa là Cha/ với nhau/ và với mọi người là anh chị em con Cha.

Chúng con quyết tâm luôn làm trạng sư cho nhau/ bằng cách nghĩ tốt/ nói tốt/ và làm tốt cho nhau.- Chúng con ra sức tìm hiểu/ kính trọng/ yêu thương/ và giúp đỡ lẫn nhau mỗi ngày nhiều hơn. Chúng con hứa sẽ không giận nhau/ ngược lại/ còn tha thứ cho nhau vô điều kiện/ về tất cả những gì có thể xúc phạm đến nhau.

Đời đời chúng con sẽ tạ ơn Cha./ Đời đời chúng con sẽ cám ơn nhau./ Đời đời chúng con sẽ ca ngợi quyền năng Thánh Thần Cha/ đã thể hiện nơi tình Gia Đình giữa chúng con. AMEN.

4/ Hát : Đến muôn đời

 

ĐK: Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, đến muôn đời con ngợi khen Danh Chúa, muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa, và mãi mãi con nhớ công ơn Người.

  • Vì tình yêu bao la Chúa nâng đỡ con như phượng hoàng tung đôi cánh. Chúa dắt dìu con đi trong cánh tay Người, hạnh phúc nào hơn.

5/ Lời Chúa:

 Tin Mừng  Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marco (Mc 8,27 – 30).

  • Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

– Đó là Lời Chúa

   – Lạy Đức Kitô ngợi khen Chúa

 6/ Tư vấn lương tâm: (người hướng dẫn đọc chậm)

  • Đức Giêsu Kitô đối với tôi, đối với gia đình tôi là ai?

(người xa lạ, người quen, bạn thân thiết, hay Vị Chúa mà tôi tôn thờ)

  • Cuộc sống của gia đình tôi có dõi theo những lời Ngài dạy không?
  • Tôi đã thực hành được lời nào của Ngài chưa ?
  • Cả gia đình tôi thường sống lời nào của Chúa?
  • Gia đình tôi có cảm nghiệm hạnh phúc nào khi sống Lời Chúa?

7/ Cầu nguyện:

 * Lời nguyện sám hối: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Con xin lỗi Chúa vì đã bao lần con đã chối bỏ Chúa trong cuộc đời. Con đã sống xa lạ như những người chưa biết Chúa.

Xin Chúa thương xót con – Xin Chúa thương xót con

 

 * Cầu cho Hội Thánh: Hội Thánh là nhiệm thể của Chúa KiTô. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha, cho các Đức Giám mục, Linh mục luôn là hiện thân của Chúa KiTô và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người trên trần gian.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa- Xin Chúa nhận lời chúng con.

8/  Kinh Lạy Cha – Kính mừng – Sáng danh

–  Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất/ Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha  cùng là Chúa chúng tôi/ Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai/ sinh bởi bà Maria Đồng Trinh/ chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô/ chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá/ chết và táng xác/ Xuống ngục tổ tông/ ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại/  lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng/ Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kể chết/ Tôi tin kính  Đức Chúa Thánh Thần/ tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này/ các Thánh thông công/ tôi tin phép tha tội/ tôi tin xác loài người ngày sau sống lại/ tôi tin hằng sống vậy.Amen

    9/ Học hỏi về NĂM ĐỨC TIN

 a. Hỏi: "Cánh cửa đức tin" dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào. Giáo Hội vẫn luôn mở rộng cho chúng ta. Việc bước qua cánh cửa ấy kèm theo sự gì? (Porta Fidei Số 1)

  – Thưa: Việc bước qua cánh cửa ấy kèm theo sự dấn thân trong một hành trình kéo dài suốt đời.

b. Hỏi: Đức Giáo Hoàng luôn nhắc nhở về sự cần thiết phải tái khám phá hành trình đức tin / để ngày càng làm nổi bật niềm vui / và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ ai? (Porta Fidei Số 2)

– Thưa: Gặp gỡ Chúa Giêsu

c) Hỏi: Giáo Hội và các vị Mục Tử phải giống như ai, để dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc, tiến đến sự sống, hướng về tình bạn với Con Thiên Chúa, về Ðấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống sung mãn? (Porta Fidei Số 2)

– Thưa: "Giáo Hội và các vị Mục Tử trong Giáo Hội, giống như Chúa Kitô, phải lên đường, để dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc, tiến đến sự sống, hướng về tình bạn với Con Thiên Chúa, về Ðấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống sung mãn".

  9/. Bài hát kết thúc: Đâu có tình yêu thương.

ĐK: Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.

  • Nài xin tha thiết Thượng Đế muôn tình lân ái, xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng hết sức hết cả trí khôn, cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.
  •  

Bài hai :

 TỪ BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH

NHD : Sự canh tân Giáo Hội cũng tiến hành qua chứng tá cuộc sống của các tín hữu, qua chính cuộc sống giữa trần thế, các tín hữu được mời gọi làm cho Lời Chân lý mà Chúa Giêsu đế lại cho chúng ta được chiếu sáng rạng ngời. Chính công đồng, trong Hiến chế tín lý Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, đã quả quyết : "Trong khi Chúa Kitô, 'là Đấng Thánh, vô tội, không tỳ ố" (Dt 7,26) không hề biết tội (x. 2 Cr 5,21), đã đến để đền bù tội lỗi cho dân (Dt 2,17), thì Giáo Hội, có cả những người tội lỗi trong cộng đoàn của mình, và vì thế Giáo Hội vừa thánh thiện đồng thời cũng luôn cần được thanh tẩy, vẫn liên tục tiến bước trên con đường thống hối và canh tân. Giáo Hội "tiếp tục cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa", loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Ngài đến (x. 1Cr 11,26).

Từ sức mạnh của Chúa phục sinh, Giáo Hội kín múc năng lực để kiên trì và yêu thương khắc phục những sầu muộn và khó khăn, đến từ bên trong cũng như bên ngoài, và để tỏ lộ mầu nhiệm về Chúa, giữa lòng thế giới, một cách trung thực, tuy không hoàn hảo, cho đến khi mầu nhiệm ấy được tỏ lộ trong ánh sáng sung mãn vào cuối thời gian". Trong viễn tượng đó, Năm Đức Tin là một lời mời gọi thực hiện một cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thê giới, một cách chân thực và mới mẻ. Trong mầu nhiệm sự chết và sống lại, Thiên Chúa đã biểu lộ trọn vẹn Tình Thương cứu độ và kêu gọi con người hoán cải cuộc sống nhờ ơn tha thứ tội lỗi (X.Cv 5, 31).

Đối với Thánh Phaolô Tông Đồ, Tình Thương ấy dẫn con người đến cuộc sống mới: "Nhờ phép rửa, chúng ta cùng được chôn táng với Chúa trong cái chết, để như Chúa Kitô sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, cả chúng ta cũng có thế bước đi trong sự sống mới" (Rm 6, 4). Nhờ đức tin, sự sống mới này hình thành toàn thể cuộc sống con người theo sự mới mẻ tuyệt đối của sự sống lại. Tùy theo mức độ tự nguyện sẵn sàng, các tư tưởng và tình cảm, tâm thức và thái độ của con người dần dần được thanh tẩy và biến đổi, trên con đường không bao giờ được hoàn tất ở đời này. Đức tin "được năng động nhờ đức mến" (GI 5,6) trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người (x. Rm 12, 2 ; Cl 3, 9-10 ; Ep4, 20-29 ; 2 Cr 5,17).