Chúng ta thường nói “Mẹ Maria là mẹ Đức Chúa Trời” là đúng hay sai?

Chúng ta thường nói “Mẹ Maria là mẹ Đức Chúa Trời” là đúng hay sai?

Hỏi đáp - Mar 24/03/2014

Là người công giáo hằng ngày chúng ta đọc kinh Kính Mừng như thế. Chào và xin Đức Mẹ Maria với danh hiệu “Mẹ Chúa Trời”.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.”

Là người công giáo hằng ngày chúng ta đọc kinh Kính Mừng như thế. Chào và xin Đức Mẹ Maria với danh hiệu “Mẹ Chúa Trời”.

Trong kinh Cầu Đức Bà : chúng ta đọc những câu khấn nguyện đầu như sau :

Rất Thánh Đức Bà Maria.
Thưa: Cầu cho chúng con.
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Rất Thánh Nữ Đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Đức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ Giáo Hội.
Đức Mẹ Thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ cực thanh cực tinh.
Đức Mẹ cực trinh cực sạch…

Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời .

Không biết Thúy Phương có biết rằng , để dùng được công thức chỉ có hai chữ trên đây : “Maria Theostokos (HyLạp), Deo Genitrix ( LaTinh), Mater Dei (Latinh)– Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời” Giáo Hội đã phải kinh qua một lịch sử hơn bốn trăm năm với nhiều công đồng và phải đối đầu với cả lạc giáo, lạc giáo của Nestorius ?

Chúng ta tin Mầu nhiệm Nhập thể. Mầu nhiệm này dạy chúng ta rằng Thiên Chúa Ngôi Hai, nhập thể làm người. Thiên Chúa chọn đức Maria, một thiếu nữ làng Nagiareth để làm mẹ Ngôi Hai khi nhập thể làm người.

Đức Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1:26-38 và Mt 1:18-25)

Như thế qua mẹ Maria, mà Đức Giêsus Kytô, Thiên Chúa Ngôi thứ hai trong Ba Ngôi, Đấng đồng bản thể với Thiên Chúa Cha – nghĩa là Đấng mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” – đã nhập thể vào thế gian này, làm người có một thân xác và một linh hồn.

Nói cách khác, Chúa Giêsu Kytô là người thật, mà cũng là Thiên Chúa thật.

Ngài chỉ có một Ngôi vị : là Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng lại có hai bản tính, bản tính loài người, và bản tính Thiên Chúa.

Mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu, nghĩa là Ngài là Mẹ thật của Chúa Giêsu.

Nhưng chúng ta phải minh định (nghĩa là ôn lại) cho kỹ rằng, (và đành phải dùng những công thức cho chính xác để nói rằng) Mẹ Maria không sinh ra Ngôi Vị Thần linh của Chúa Giêsu. Ngôi vị Thần Linh -là Chúa Giêsu- đã hiện hữu từ đời đời cùng với Chúa Cha. Nhưng “ Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Ma-ri-a thực sự là "Mẹ Thiên Chúa" (Theotokos) (DS 25l). ( Giáo Lý Công Giáo số 495)

Thánh sử Gioan đã viết :"Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật." (Ga 1:14)

Vì lý do đó mà ngay từ thời sơ khai của Giáo hội, Đức Mẹ Maria đã đưọc mọi người gọi bằng danh xưng “Mẹ Thiên Chúa.”

Nhưng dần dà đến thế kỷ thứ năm, danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” bị đặt thànhvấn đề, do người ta hiểu hồ đồ về mầu nhiệm Nhập Thể. Vị Giám mục thành Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ, là Nestorius (428-431), đã tạo ra cả một cuộc tranh luận lớn .

Ngài cho rằng Mẹ Maria chỉ sinh ra ông Giêsu Kytô, một người thường như chúng ta, một người như mọi người. Sau đó Ngôi Hai Thiên Chúa mới “hiệp” với ông Giêsu Kytô này . Như thế theo ngài Nestorius, việc hiệp nhất hai ngôi vị này , một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa,và ngôi vị kia là ngôi vị của ông Giêsu Kytô, là “mật thiết” ( nói theo nghĩa thông thường là chặt chẽ, sâu sa đến tận cùng), là “duy nhất” (nghĩa là cả hai ngôi vị trở thành một ), nhưng chỉ xảy ra hoàn toàn ở bình diện tùy thể (accidental).

Ông hiểu, và cắt nghĩa điều này giống như là ngôi vị thần linh, Ngôi Hai Thiên Chúa “ở”, “cư trú”, “tạm trú” trong ngôi vị con người Giêsu Kytô, như là ta ở trong một ngôi đền hay trong môt cái nhà. Nhà là nhà, nhưng ta vẫn là ta.

Và cứ thế theo đúng lập luận của ngài, Nestorius cho rằng chỉ là “ông” Giêsu chết trên thập tự, chứ không phải “Chúa” Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, chết trên thập tự.

Và vì thế ông kết luận, Mẹ Maria không phải là “Mẹ Thiên Chúa”, mà chỉ là mẹ Đức Kytô, người đàn ông mang tên Giêsu.

Nói và tin như thế là chia hai Đức Kytô thành hai ngôi vị, và phủ nhận là không hề có việc Nhập Thể

Thánh Cyrillo, Giám mục thành Alexandria, bên Ai Cập (mất năm 440), đã phản bác lại Nestorius , nói rằng : “Đức Maria không sinh ra một người thường. Rồi sau đó Ngôi Lời mới nhập vào người đó. Nhưng chúng tôi nói rằng, sau khi hiệp nhất với xác thịt trong lòng trinh nữ Maria, Ngôi Lời trở thành nhục thể, chính Ngôi Lời được sinh ra trong nhục thể .

Vào ngày 23 tháng sáu năm 431, công đồng nhóm họp tại thành Ephêsô để giái quyết tranh luận , và công đồng đã đưa ra định tín: “If anyone does not confess that the Emmanuel is truly God and therefore that the holy Virgin is the Mother of God (Theotokos) (since she begot according to the flesh the Word of God made flesh), anathema sit."

dịch nghĩa :

“Nếu ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và vì thế không tuyên xưng Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) ( vì Mẹ đã sinh ra theo huyết nhục Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể thành huyết nhục) thì người đó tự tách mình ra khỏi Giáo Hội.

Lịch sử kể lại chi tiết thú vị này, ngay sau khi công đồng Êphêsô tuyên tín như trên, cả hàng trăm ngàn người trong thành phố tối hôm ấy đã rước đèn tuần hành suốt đêm la lớn “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”.

Như thế công đồng đã chính thức công nhận rằng Đức Giêsu là một Ngôi Vi với hai bản tính: bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa, hiệp nhất với nhau trong cùng một Ngôi vị, – danh từ chuyên môn gọi sự kiện này là “ngôi hiệp”.

Thứ hai, công đồng Ephêsô khẳng định rằng Đức Mẹ Maria có thể được gọi một cách đúng đắn là “Mẹ Thiên Chúa”.

Maria không phải là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Cha, cũng không phải là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần.

Mẹ chỉ là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai, Ngôi Con, Chúa Giêsu Kytô.

Và công đồng Êphêsô đã tuyên bố Nestorius là người lạc giáo.

Việc Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người là một mầu nhiệm sâu xa. Giáo Hội đã phải dùng những từ triết học chuyên môn được định nghĩa cách chính xác để nói cho chính xác, hầu tránh hiểu lầm và sai lạc.

Tuy nhiên mỗi năm vào ngày Lễ Giáng Sinh, đứng trước máng cỏ, chúng ta vẫn luôn sững sờ ngạc nhiên về huyền nhiệm Thiên Chúa làm người để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi này.

Và đồng thời chúng ta cùng phải ngạc nhiên về ơn sủng Đức Maria nhận được từ Thiên Chúa, ơn đượcThiên Chúa chọn làm Mẹ Ngôi Hai nhập thể.

Mẹ Maria cũng là người như chúng ta. Nên tự Mẹ, Mẹ không thể có gì để ban cho chúng ta. Mọi ơn sủng phải do từ Thiên Chúa ban ra.

Mẹ Maria có thể cầu xin Chúa ban ơn cho ta, và lời Mẹ cầu xin Chúa như thế có hiệu lực hơn lời cầu xin của chúng ta, vì vị thế Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai.

Hy vọng trả lời đưọc cho câu hỏi của Thúy Phương.