Matthêu kể chuyện mình được Thầy chọn làm môn đệ. Chắc ông sửng sốt bỡ ngỡ lắm. Cả thị trấn Caphácnaum ngẩn ngơ. Các đệ tử của Thầy cũng không ngờ … Bản thân con cũng không thể tưởng tượng nỗi. Chỉ có ba từ “Hãy theo tôi” của Thầy làm mọi người chới với. Chỉ vì Matthêu là người thu thuế. Chỉ vì thái độ của Thầy lúc đó và sau đó.
Thầy kính mến,
Matthêu kể chuyện mình được Thầy chọn làm môn đệ. Chắc ông sửng sốt bỡ ngỡ lắm. Cả thị trấn Caphácnaum ngẩn ngơ. Các đệ tử của Thầy cũng không ngờ … Bản thân con cũng không thể tưởng tượng nỗi. Chỉ có ba từ “Hãy theo tôi” của Thầy làm mọi người chới với. Chỉ vì Matthêu là người thu thuế. Chỉ vì thái độ của Thầy lúc đó và sau đó.
1. Matthêu là người thu thuế.
Giáo Hội và xã hội Do Thái thời ấy coi người thu thuế là người vừa phản đạo vừa phản quốc và cho họ đứng hàng ngang với gái điếm, người Samari và người ngoại. Bốn hạng người này bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai được quan hệ với họ. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Matthêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp. Ong mất tất cả, nhưng được rất nhiều tiền. Chánh quyền La mã nhắm mắt cho ông hà lạm và bóc lột đồng bào, để mua lấy sự trung thành của một con chó săn.
Matthêu là người như thế đó. Thế mà Thầy đã vẫy gọi ông, chọn ông làm Tông đồ, tức là Giám mục ngày nay. Không ai hiểu nổi.
Matthêu không hiểu được, vì chính ông tự biết mình là gì rồi. Lý lịch của ông đen quá, đen hơn mõm chó nhiều. Đã lỡ đâm lao, ông đành theo lao, không bao giờ trở lại. Cũng chẳng ai cho ông trở lại. Người đạo đức nhất cũng phải nói rằng: “Những thứ ấy tôi đuổi cho khuất mắt”. Toàn dân ghét bỏ ông. Bề trên trong đạo xua đuổi ông. Trẻ con nhổ nước miếng khi gặp ông. Chỉ còn “bọn không cắt bì” niềm nở với ông. Chỉ còn đồng tiền La mã giơ tay chào ông … Tận cùng bằng số. Thế mà vị ngôn sứ cao quý lại tốt với ông như thế. Chẳng biết thật hay mơ.
Các môn đệ của Thầy thì bất bình quá lẽ. Đưa Matthêu vào đoàn Tông đồ, thì có khác gì cào bằng họ với tên phản quốc và phản đạo. Một con sâu làm rầu nồi canh, huống hồ là một con chuột chết thối tha. Nhục lắm! Ức quá!
Các đấng bề trên trong đạo thì bĩu môi khinh dể. Họ đánh giá Thầy là nhập băng với bọn đàng điếm, là phá luật phá lệ. Từ thời Môsê tới bây giờ họ chưa thấy có một vị ngôn sứ nào làm như vậy. Trên các toà giảng của Hội đường, đặc biệt là tại Caphácnaum, các vị kinh sư sẽ nguyền rủa Thầy về tội có quan hệ với người thu thuế.
Chính con cũng không tài nào hiểu được Thầy. Nếu con là Phêrô, con sẽ nói toạc ra với Thầy rằng: “Một là con, hai là hắn. Thầy phải chọn một trong hai đứa”. Không phải chỉ một mình con, ngay cả giáo luật hiện hành cũng không cho phép đưa vào hàng giáo sĩ và giáo phẩm một ứng sinh quá đáng như thế.
2. Thầy đến nhà Matthêu ăn tiệc.
Được Thầy vẫy gọi, Matthêu cho là một vinh dự quá lớn. Ong phải làm tiệc mừng. Nhưng một điều đáng mừng hơn nữa đó là ông giải nghệ. Ong thôi thu thuế. Bữa tiệc ấy có ý nghĩa thứ hai là giã từ đồng nghiệp. Ong mời Thầy. Thầy không từ chối theo Luật: đến nhà người thu thuế, thì mắc uế.
Điểm mặt những người dự tiệc, ai cũng phải lắc đầu: quân ngoại đạo, bọn thu thuế bị vạ tuyệt thông, bọn bợm nhậu vô lương tâm và … Thầy. Thầy ngồi ăn với bọn ngoại đạo và bỏ đạo! Thầy quên luật, hay Thầy áp dụng luật một cách linh động? Hay là Thầy cố tình phá luật? Luật và lệ Do Thái giáo không tha thứ cho Thầy vì bất cứ lý do nào. Bởi thế sau bửa tiệc là có vấn đề ngay.
Các ông Pharisêu hạch sách các môn đệ của Thầy: “Tại sao Thầy trò các anh lại ngồi ăn với bọn tội lỗi?” Dĩ nhiên là các môn đệ của Thầy chỉ biết gãi đầu gãi tai, cứng họng không nói được một lời.
Dư luận quần chúng chắc cũng ồn ào lắm và không thuận lợi cho Thầy. Họ không thể đồng cảm với Thầy được. Đó là truyền thống, truyền thống ngàn đời, truyền thống thánh thiện, thấm sâu vào dòng máu của tín đồ. Đây mới là năm thứ nhất của đời truyền giáo. Theo sự tính toán của Daniel Rops thì đây mới là tháng thứ ba của năm thứ nhất. Giáo lý của Thầy chưa thấm vào não tủy của quần chúng. cuối năm thứ ba dư luận quần chúng cũng vẫn chưa thay đổi. Bằng chứng là khi Thầy ngỏ ý với ông Dakêu đang ngồi vắt vẻo trên cây vả là Thầy muốn đến ở đậu nhà ông, thì Luca kể rõ rằng: “Mọi người xầm xì với nhau rằng: Ông này lại vào trọ nhà người tội lỗi”(Lc19,7). Ong Dakêu là trưởng ty thuế vụ thành Giêrikhô.
Có một điều khôi hài là các ông Pharisêu không thắc mắc với Thầy, mà lại nạt nộ môn đệ của Thầy. Họ kiềng mặt Thầy. Họ cãi không lại Thầy. Trăm trận trăm thua. Nếu có ai phỏng vấn họ: “Tại sao các thầy không trực tiếp nói với ông Giêsu? Bọn học trò của ông ấy dốt thấy mẹ”, thì các ông ấy sẽ chống thẹn: “Một thằng nói ngang, cả làng không cãi lại”. Đó là cách bảo vệ danh dự của bề trên. Cãi không lại thì chê là cãi ngang.
3. Các môn đệ chuyển đến Thầy lời nạt nộ của các đấng bề trên là Pharisêu. Thầy tuyên bố lập trường của mình: “Người đau ốm mới cần thầy thuốc. Thầy đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối”. Thầy ví von hay quá. Lý luận kiểu đó thì vừa rõ vừa sâu thăm thẳm. Người dốt nghe cũng hiểu. Người giỏi thì cứ muốn ngẫm nghĩ. Càng nghĩ càng thấm. Thầy ơi. Thầy tuyệt vời.
Đến bây giờ thì con hiểu rồi. Con không còn tức Thầy nữa.
Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. Loại trừ là thất sách, là mất sạch, là tiêu diệt chớ không cứu vớt. Từ thời Môsê cho đến lúc ấy, loại trừ người tội lỗi là đường lối mục vụ thánh. Thầy đến. Thầy làm lại mọi sự. Hay quá! Vaticanô II rất cảm kích đường lồi mục vụ của Thầy nên đã dõng dạc tuyên bố: “Người tội lỗi vẫn còn nhân phẩm. Làm nhục người tội lỗi là xúc phạm đến nhân phẩm”.
Matthêu trở về, Matthêu đi truyền đạo với Thầy. Biến cố đổi đời của Matthêu tạo nên một phong trào trở lại. Người thu thuế, gái điếm ùn ùn đến nghe Thầy giảng. Họ thích nghe lời Thầy không phải vì Thầy giảng hay mà thôi, mà vì còn được Thầy yêu thương và quý mến. Tình yêu của Thầy đã khuất phục người lỡ lầm trở về. Như vậy rõ ràng là Luật Môsê sai, dù nó đã tồn tại và được trọng vọng suốt mười ba thế kỷ.
Thầy kính mến,
Con đã nặng lời với Thầy, vì con không hiểu. Bây giờ con hiểu rồi. Xin Thầy tha thứ cho con.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT