ĐỂ LẠI CHO EM, NÀY NHỮNG BUỔI CHIỀU

ĐỂ LẠI CHO EM, NÀY NHỮNG BUỔI CHIỀU

Chuyện Phiếm Đạo Đời - Mar 24/03/2014

Cứ như phong tục ở nhà, vào những ngày giỗ chạp hoặc thắp nén hương lòng, bà con nhà mình thường có thói quen ôn lại kỷ niệm hoặc giáo huấn của các cụ,

 §13 – ĐỂ LẠI CHO EM, NÀY NHỮNG BUỔI CHIỀU

 
 
(Mt 28: 20)

Cứ như phong tục ở nhà, vào những ngày giỗ chạp hoặc thắp nén hương lòng, bà con nhà mình thường có thói quen ôn lại kỷ niệm hoặc giáo huấn của các cụ, lúc sinh thời. Ra đi, nhưng các cụ vẫn để lại của hồi môn quý giá của ông bà. Của dòng họ ‘hào kiệt’. Gia phả đặc thù, của riêng ta. Mùa Chay hôm nay, Mùa của những tưởng nhớ ghi tạc lời vàng, thân thương của Thầy Chí Thánh, rất Nhân Hiền.

Vào ngày giỗ, Thầy Nhân Hiền có điều nhắn nhủ dặn dò và tôi xin mạo muội gọi đó là “chúc thư Tông Đồ”, gửi đến cho mọi người, ở trần thế. Thầy ra đi, chừng như Thầy vẫn nhớ thương đàn em, những muốn ở lại. Rất muốn ở lại, nên Thầy đã để chúc thư thần thánh, ngắn gọn đầy tình Thầy-trò, sau đây:

“Và này Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày, cho đến tận thế” (Mt 28, 20)

Lời chân tình ở trên, hẳn đã hơn một lần bạn cũng như tôi, chúng ta đều nghe trối trăn. Nhưng sao như, lời rót vào tai này rồi lọt tai kia. Rõ ràng là: Thầy đã hứa và Thầy vẫn làm. Nhưng, chừng như lời trăn trối ấy được lặp đi lặp lại khá nhiều lần, vào những dịp ta tụ họp mừng Tiệc Thánh, cũng đành nghe quen. Nghe nhiều quá, đâm quen. Vốn dĩ quen dần, ta không còn để ý đến ý nghĩa hoặc nội dung của Lời trối trăn từ Thầy nữa.

Và hôm nay, nội dung Lời Thầy quả quyết vẫn còn ý nghĩa như “Thầy ở với anh em mọi ngày…” Ở với anh em mọi ngày, là lời cam kết của Đấng Thánh Chí Tôn, khi đã căn dặn nhiều điều trước đó. Điều căn bản, trước khi Thầy rời bỏ đàn con vào buổi chiều êm ả trên đồi vắng. Và lời căn dặn ngàn đời còn ghi tạc, vỏn vẹn có mấy câu:

“Vậy, các con hãy ra đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh tẩy cho họ, dạy họ giữ những điều Thầy đã truyền cho các con.”

(Mt 28, 19)

Vỏn vẹn chỉ mấy câu. Nhưng, cũng đã gói ghém tấm lòng: vẫn như “nhưng Cha thương con thương con, cho nước phải giật mình.” Hoặc: “nhưng Cha thương con thương con, cho tình lên sức sống, cho tủi hờn đi xuống, và: “nhưng Cha thương con thương con, cho niềm kiêu hãnh vươn lên”. (nhái Phạm Duy)

Vâng. Tấm lòng ấy, lòng của Cha đã từng biểu lộ cho người con, người em môn đệ trong suốt cuộc đời của Cha. Và cũng là Thầy. Cuộc đời của Cha ‘đau khổ cũng nhiều’, lại ‘đủ điều đắng cay’. Thì nay, trước khi giã từ con, giã từ người em môn đệ, Thầy để lại lời cuối cho con cho em, lời cuối rất chân tình.

Lời cuối cho em hôm nay, chắc chắn bạn bè người thân cũng từng bức xúc, niệm suy trong các tuần lễ vừa xảy đến. Khỏi cần nghi vấn. Khỏi cần ngại ngần. Nghi, mà làm gì. Ngại, mà làm chi. Chỉ e dè, ý nghĩ vẩn vơ nảy ra trong đầu trong óc của đàn em thân thương, vào phút cuối của đường hầm tăm tối. Có sám hối. Có đổi thay. Vào Mùa Chay.

Lời cuối cho em, có thể là lời của phút cuối một buổi chiều. Buổi hôn hoàng không có cảnh trời hụp lặn. Không thấy được hy vọng đổi mới, ngày Phục Sinh hôm sau.

Chắc chắn, bà con hôm nay khi quây quần bên người Thầy sẽ ra đi, đều quyết tâm thực thi điều Thầy trăn trối. Với căn dặn. Thầy đi cho siêu thoát. Thầy đi trong vui mừng. Nhiều phấn khởi. Cha đi, đàn con cũng chẳng buồn. Vì: “cha vẫn ở lại với các con, cho đến tận thế”. (Mt 28: 20)

Nhưng vấn đề, là: lòng con đã khấn nguyện. Đã tỏ bày quyết tâm thực hiện cái gọi là Chúc Thư Tông Đồ từ Thầy. Nhưng thực tế, con làm được điều gì? Hỏi, tức: đã trả lời.

Trả lời hôm nay, không là bằng chứng đã làm những gì. Làm được bao nhiêu ? Mà, chỉ để tưởng nhớ tinh thần của một hội ngộ rất thân. Nhân ngày giỗ tổ. Giỗ người Thầy Nhân Hiền đã ra đi. Thầy đi, nhưng Thầy “để lại cho con, những buổi chiều”. Những hôn hoàng có sám hối, có hứa hẹn đổi đời.

Thầy đã đi. Nhưng “Thầy vẫn ở lại mọi ngày”. Điều này, là con ai cũng đã ghi tạc. Cũng đều nắm vững. Nhưng, có lúc người con, người em đã nhiều lần quên lãng. Nhiều lần, nhưng không có nghĩa cố tình lãng quên. Nhiều lần, chỉ có nghĩa: người con, người em của Thầy đã từng thực hiện chúc thư của Thầy. Đã từng rong ruổi, lòng muốn chuyển tải lời nhắn của Thầy, nhưng quên sót.

Trong bầu khí tưởng nhớ ‘lời Thầy dặn dò’ trước lúc ra đi, khi thắp nén hương lòng ngày giỗ Tổ, người em, người môn đệ của Thầy hẳn sẽ nhận chân được tầm quan trọng của Chúc Thư Tông Đồ, Thầy đã gửi gắm.

Còn lại, là quyết tâm thực hiện. Được bao nhiêu ? Đến bao giờ? Việc ấy, tùy lòng con – và em.

Trần Ngọc Mười Hai

gửi đến cho mình

lời nhắn nhủ

với lòng mình



Tác giả Trần Ngọc Mười Hai