Theo tục lệ bấy giờ thì Y-sác, trước khi qua đời, chúc phước cho con đầu lòng. Nhưng vì Ê-sau khinh quyền trưởng nam và để ứng nghiệm lời Chúa, Rê-be-ca đã tráo Gia-cốp vào
IV. Gia-cốp.
Gia-cốp có nghĩa là nắm gót hoặc chiếm chỗ. Ông và Ê-sau là con sanh đôi của Y-sác và Rê-be-ca. Trong lúc có mang, Đức Chúa Trời đã phán cùng Rê-be-ca rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà sanh ra. Dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ. (Sáng thế ký 25:23).
Như chúng ta biết Y-sác thương Ê-sau hơn vì Ê-sau thường giong ruổi nơi đồng ruộng, thích săn bắn mang về những thú rừng cho cha. Còn Gia-cốp là người hiền hòa, thích làm việc nhà và chăn chiên vì thế được mẹ thương yêu.
Theo tục lệ bấy giờ thì Y-sác, trước khi qua đời, chúc phước cho con đầu lòng. Nhưng vì Ê-sau khinh quyền trưởng nam và để ứng nghiệm lời Chúa, Rê-be-ca đã tráo Gia-cốp vào, nên quyền trưởng nam đã chuyển sang Gia-cốp, ông được Y-sắc chúc phước như sau:
Nầy, mùi hương của con ta khác nào mùi hương của cánh đồng mà Đức Giê-hô-va đã ban phước cho. Cầu xin Đức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, được màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu. Muôn dân phải phục con, các nước phải quì lạy trước mặt con! Hãy được quyền chủ các anh em, các con trai của mẹ con phải quì lạy trước mặt con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả lại, ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước lại!.
Ê-sau cưới bốn người vợ dân Ca-na-an: A-đa người Hê-tít, Giu-đích người Hê-tít, Ô-hô-li-ba-ma, người Hê-vít, Bách-mát là con gái của Ích-ma-ên, em Nê-ba-giốt. Sự chọn lựa nầy đã làm cho cha mẹ ông đau lòng. Trong khi đó, Gia-cốp đã vâng lời Y-sắc và Rê-be-ca đến cậu mình là La-ban để xin cưới vợ.
Cuộc đời của Gia-cốp rất lận đận. Ông đã bị cậu ông là La-ban lừa lọc tráo trở. Chúng ta thường xem La-ban là người không tốt vì đã lừa gạt Gia-cốp. Nhưng vào thời đó, theo phong tục, phải gả chị trước rồi mới tới em. Một lý do khác nữa là những người không có con trai như La-ban[4] thường nghỉ đến người nối dòng bằng cách có con nuôi và gả con cho người đó. Người con nuôi phải làm việc cho gia đình như trường hợp của Gia-cốp, và nếu sau nầy có con trai, thì người con nuôi sẽ không được phần gia tài. Có lẽ lúc đầu La-ban muốn Gia-cốp làm con nuôi của mình, nhưng về sau, khi có con trai, các con ông bắt đầu dị nghị, và ông cũng thay đổi ý định. Sau 20 năm phục dịch cho cậu mình, Gia-cốp vâng lời Đức Chúa Trời trở về quê cũ.
Qua nhiều thăng trầm, trong tuổi già nua, Gia-cốp đã diễn tả đời mình cùng Pha-ra-ôn rằng: tôi sống cuộc đời phiêu lưu… các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi… (Sáng thế ký 47:9). Các biến cố từ việc Ê-sau tìm cách giết ông, sự vật lộn với thiên sứ và bị đánh trật xương đùi, việc La-ban là cha vợ đã đối xữ với ông không ngay thẳng, việc con gái bị làm nhục, sự hung dữ của Si-mê-ôn và Lê-vi, việc Ra-chên qua đời, việc Giô-sép người con thương yêu nhất của ông bị mất tích, việc Si-mê-ôn bị bắt, Bên-gia-min bị đem qua Ê-díp-tô và Ru-bên phạm tội loạn luân… thật là đau đớn cho lòng ông: các con làm cho kẻ bạc đầu nầy đau lòng xót dạ xuống âm phủ.
Mọi sự đau khổ đó dường như nghịch cùng ông, song vì biết nhờ cậy Chúa, ông đã trưởng thành trong đức tin, nài xin Đức Chúa Trời ban phước cho mình, bỏ hình tượng và từng trải nhiều sự đổi mới. Chúa đã biến những khó khăn thành điều ích lợi cho ông. Và ơn phước lớn lao mà Đức Chúa Trời đã ban cho Gia-cốp là chẳng những ông và tất cả 12 người con ông đều được hưởng, mà cả hậu tự của họ, cả nước Y-sơ-ra-ên đều được ân điển nầy. Họ được gọi là tuyển dân của Đức Chúa Trời, được Ngài gìn giữ, được hưởng ân huệ đặc biệt của Ngài mà không một dân tộc nào trên thế gian có được. Trong khi đó đối với tổ phụ ông, Ngài chỉ lập giao-ước với từng người một: từ A-đam đến Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sắc.
Trước khi qua đời, Gia-cốp đã nâng 2 con của Giô-sép là Ma-na-se và Ép-ra-im lên ngang hàng như 12 người con của ông. Gia-cốp chúc phước cho chúng rằng: Hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy, nối danh tôi và tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sắc, và cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên mặt đất! Sau đó người chúc phước cho các con mình như sau (Sáng thế ký 49:5-27):
1. Hỡi Ru-bên! con là trưởng nam của cha, sức lực cha, và đầu tiên sự mạnh mẽ cha; vốn có sự tôn trọng và quyền năng tột đỉnh. Con sôi trào như nước, nên sẽ chẳng phần hơn ai! Vì con đã lên giường cha. Con lên giường cha bèn làm ô làm dơ đó!
2, 3. Si-mê-ôn và Lê-vi là anh em ruột. Thanh gươm chúng nó thật khí giới hung tàn. Cầu cho tâm hồn cha chớ có đồng mưu, vinh hiển cha chớ hiệp cùng hội họ; vì họ đã giết người trong cơn giận dữ, cắt nhượng bò đực vì ý riêng mình. Đáng rủa sả thay cơn giận dữ họ, vì thật là hung mạnh! Đáng rủa sả thay khí giận họ, vì dữ dằn thay! Ta sẽ phân chia họ ra trong nhà Gia-cốp, tán lạc họ trong dân Y-sơ-ra-ên.
4. Hỡi Giu-đa! Các anh em sẽ khen ngợi con, tay con sẽ chận cổ quân nghịch, các con trai cha sẽ quì lạy trước mặt con. Giu-đa là một sư tử tơ; hỡi con! Con bắt được mồi rồi tha về. Nó sụm gối, nằm khác nào sư tử đực, như sư tử cái; há ai dám khiến ngồi lên? Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô[5] hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó. Người buộc lừa tơ mình vào gốc nho, lừa con mình vào nhành nho tốt nhất. Người giặt áo xống mình vào rượu nho, cùng lấy huyết nho lau áo tơi mình. Mắt người đỏ vì cớ rượu, răng người trắng vì cớ sữa.
5. Sa-bu-lôn sẽ ở nơi gành biển, tức là nơi có tàu đậu; bờ cõi người chạy về hướng Si-đôn.
6. Y-sa-ca là một con lừa mạnh mẽ, nằm nghỉ giữa chuồng; thấy rằng sự yên ổn là tốt lành, và đất đai đẹp lắm thay. Người đã rùn vai vác gánh nặng, phải vâng phục những điều sưu dịch.
7. Đan sẽ xử đoán dân chúng mình, như một trong các chi phái Y-sơ-ra-ên. Đan sẽ là một con rắn trên đường, một con rắn lục trong chốn nẻo cùng, cắn vó ngựa, làm cho kẻ cỡi phải té nhào. Hỡi Giê-hô-va! Tôi trông ơn chửng cứu của Ngài!
8. Còn Gát sẽ bị một đạo binh xông đánh, nhưng người xông đánh lại và đuổi theo.
9. Do nơi A-se có thực vật ngon, người sẽ cung cấp mỹ vị cho các vua.
10. Nép-ta-li là nai cái thả chuồng, nói bày nhiều lời văn hoa.
11. Giô-sép là chồi của cây tươi tốt, mọc gần bên suối nước; nhành nhánh phủ bao trên ngọn tường. Kẻ cầm cung đã ghẹo chọc người, bắn tên vào, và hãm đánh; nhờ tay Đấng toàn năng của Gia-cốp, nên cung người vẫn bền-chắc; nhờ Đấng Chăn chiên, là Đá của Y-sơ-ra-ên[6], nên hai tay người thêm mạnh. Đức Chúa Trời của Cha sẽ giúp đỡ con; Đấng toàn năng sẽ ban phước cho con, tức là phước lành ở chốn trời cao xuống, cùng phước lành ở nơi vực rộng thẳm lên, phước lành của vú, và của lòng mẹ. Phước lành cha chúc cho con vượt lần lên cao hơn các phước lành của tổ phụ cha, cho đến các chót núi đời đời: các phước nầy sẽ ở nơi đầu Giô-sép, nơi trán của chúa các anh em mình.
12. Bên-gia-min là một con chó sói hay cấu xé; ban mai đi đánh chết mồi, chiều phân chia mồi đã được.
Các lời chúc phước tiên tri nầy chẳng những đã đi vào đời sống của từng người con, mà còn ảnh hưởng trên hậu tự của họ, trên tương lai của dân tộc Do Thái và mở đường cho sự cứu rổi các dân tộc khác trên thế giới.
[4] Lúc đầu La-ban không có con trai, nên Ra-chên phải chăn chiên ngoài đồng còn Lê-a có lẽ vì mắt yếu nên được ở nhà (Sáng thế ký 29:9, 16-17), đúng ra việc chăn chiên phải do con trai đảm trách. Về sau, "Gia-cốp được nghe các con La-ban nói rằng: Gia-cốp đã lấy hết gia tài cha ta và nhờ của cha ta, nên mới được giàu có dường ấy", Sáng thế ký 31:1. "Các con La-ban" ở đây phải là con trai, vì Lê-a và Ra-chên đã là vợ của Gia-cốp.
[5] Si-lô có nghĩa là bình an, "Đấng Si-lô" ở đây chỉ về Đấng Mê-si, Chúa Bình An (Ê-sai 9:5).
[6] "Đấng Chăn chiên, là Đá của Y-sơ-ra-ên" mà Gia-cốp nói đến nơi đây là Đức Chúa Jêsus Christ.