THÀNH LẬP 12 CHI PHÁI

THÀNH LẬP 12 CHI PHÁI

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Mười Hai Người con Lập thành Mười Hai Chi Phái

Mười Hai Người con Lập thành Mười Hai Chi Phái

1. Ru-bên.

Ru-bên là con đầu lòng của Gia-cốp và Lê-a. Đức Chúa Trời cảm thông sự đau khổ của Lê-a vì bà không được chồng yêu mến, nên cho bà sanh Ru-bên. Tên Ru-bên có nghĩa là coi nầy, một trai, bà hy vọng nếu có được đứa bé trai thì chồng bà sẽ nghĩ lại và thương yêu bà hơn.

Kinh Thánh cũng cho biết về tánh tình nhân hậu của Ru-bên. Trong khi các em đều ghen ghét Giô-sép, định giết ông, thì chính Ru-bên đã đứng ra can thiệp và đề nghị bỏ ông xuống hố với ý định sẽ trở lại giải cứu em mình (Sáng thế ký 37:21-22). Trong lúc gia đình gặp nạn đói, phải qua Ê-díp-tô mua lương thực và bị Giô-sép làm khó dễ, cũng chính Ru-bên đề nghị đưa hai con trai mình để bảo đảm mạng sống Bên-gia-min. Thật tánh của Ru-bên đúng như Gia-cốp mô tả là nồi nước sôi trào. Ông rất nóng nảy, gấp rút, nhưng nhân hậu, độ lượng. Chuyện ông gian dâm với nàng hầu Bi-la của cha mình là một thảm họa, chẳng những cho đời ông mà cho cả hậu tự của ông sau nầy.

Là con đầu lòng, lẽ ra Ru-bên được hưởng quyền trưởng nam, nghĩa là được các phước hạnh tốt nhất và hai phần gia sản của cha, nhưng vì tội loạn luân, ông đã bị truất các quyền nầy, phần cơ nghiệp đã bị chuyển qua cho hai con của Giô-sép. Thêm vào đó, trong lời chúc tiên tri của Gia-cốp, trước khi qua đời, thì chi phái Ru-bên sẽ chẳng được gì trội hơn ai. Thật vậy, chi phái nầy chẳng cung ứng được một tiên tri, một quan xét, hay một người hùng nào cả.

Khi qua Ê-díp-tô, Ru-bên có bốn con trai, sau hơn bốn trăm năm tại xứ nầy, lúc Môi-se tu sổ bộ, thì chi phái Ru-bên có 46.500 trai trẻ trên 20 tuổi, đánh trận được. Lần tu bộ thứ nhì tại đồng bằng Mô-áp trước khi dân sự vượt sông Giô-đanh vào Ca-na-an, chi phái nầy còn lại 43.730 người.

Lúc đi trong đồng vắng, Cô-rê (dòng Lê-vi, xem phần Lê-vi) đã hợp cùng Đa-than, A-bi-ram và Ôn (thuộc chi phái Ru-bên) kéo theo 250 người nữa, nổi loạn không vâng phục quyền lãnh đạo của Môi-se vì họ cho rằng mọi người đều là thánh, đều có thể làm thầy tế lễ, dâng tế lễ (Dân số Ký 16:1-3). Nhưng sự nổi loạn bị thất bại vì Đức Chúa Trời phạt họ, đất bèn nứt ra hả miệng nuốt gia đình Cô-rê (nhưng các con trai Cô-rê không chết, Dân số Ký 26:11), Đa-than và A-bi-ram. Còn 250 người dâng lư hương[7] thì bị ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va thiêu hủy.

Khi đến sông Giô-đanh, chi phái nầy cùng chi phái Gát và một nữa chi phái Ma-na-se xin Môi-se cho ở lại bên nầy sông, chứ không chịu cùng anh em mình vào xứ mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tuyển dân của Ngài. Lúc đầu, họ đã giữ đúng lời hứa giúp các chi phái khác chiếm đất Ca-na-an. Nhưng về sau, chi phái Ru-bên từ chối không chịu giúp đỡ anh em mình chống lại dân Ca-na-an. Khi nước bị chia đôi, thì người Ru-bên đã theo Y-sơ-ra-ên ở phương Bắc.

Mặc dù không được nổi tiếng, nhưng chi phái Ru-bên không bị quên lãng. Chi phái nầy đã được tiên tri Ê-xê-chi-ên nhắc đến khi người chia đất mới và thành Giê-ru-sa-lem mới cũng có một cửa mang tên Ru-bên (Ê-xê-chi-ên 48:6; 31). Khải huyền cũng nói có 12.000 người thuộc chi phái nầy được đóng ấn (Khải huyền 7:5).

 

 

 

2. Si-mê-ôn.

 

Si-mê-ôn có nghĩa là nghe biết, là con thứ hai của Gia-cốp và Lê-a.

Si-mê-ôn có một em gái rất đẹp – tên là Đi-na – bị Si-chem, hoàng tử Hê-tít, làm nhục. Ông cùng em trai là Lê-vi lập mưu để các người Si-chem làm phép cắt bì[8], thừa lúc đó, giết tất cả các người nam trong xứ nầy, đồng thời cướp các tài vật và bắt đàn bà cùng con trẻ làm nô lệ. Việc đánh giết dân ngoại thời bấy giờ không phải là một trọng tội nhưng vì họ dùng phép cắt bì để gạt dân Hê-tít cho nên Gia-cốp có nói tiên tri về dòng dõi của hai người này sẽ bị rủa sả và tản lạc khắp nơi.

Khi đến Ê-díp tô, Si-mê-ôn có sáu con trai do người vợ xứ Ca-na-an sanh. Khi tu bộ dân sự tại núi Si-na-i, chi phái Si-mê-ôn có 59.300 trai tráng, ấy là chi phái đông vào hạng thứ ba khi ra khỏi Ê-díp-tô, sau Giu-đa và Đan. Lần tu bộ thứ nhì, thì dân số Si-mê-ôn giảm thiểu rất nhiều, chỉ còn 22.200 người, trở thành chi phái có số dân ít nhất. Sự giảm thiểu nầy là do việc thờ lạy hình tượng tại Phê-ô. Tội lỗi đã làm dân số Si-mê-ôn giảm sút đến nỗi ở vừa đủ trong phần đất của Giu-đa. Lúc Môi-se chúc phước cho dân sự trước khi qua đời, chi phái nầy không được ông nhắc đến, có lẽ vì tội thờ lạy thần tượng của họ.

Khi Giô-suê chia đất, thì chi phái Si-mê-ôn được các thành ở cực Nam, trong vòng phần đất của chi phái Giu-đa, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Gia-cốp trước khi qua đời.

Về sau, mặc dù chi phái nầy bị tản lạc, lẩn lộn với chi phái Giu-đa và biến mất, họ cũng được tiên tri Ê-xê-chi-ên nhắc đến trong nước Y-sơ-ra-ên mới[9] và Khải huyền cũng nói chi phái nầy có 12.000 người được đóng ấn.

 

 

 

3. Lê-vi.

 

Lê-vi có nghĩa là dính díu. Ông là con thứ ba của Gia-cốp và Lê-a. Khi sanh ông, Lê-a vui mừng vì cho rằng Gia-cốp sẽ nghĩ lại và yêu thương bà vì bà đã sanh cho ông đến ba người con trai.

Lê-vi đồng mưu với anh mình là Si-mê-ôn, trả thù người Si-chem đã làm nhục em gái mình là Đi-na. Vì vậy khi Gia-cốp sắp qua đời, ông không chúc phước cho Lê-vi riêng biệt mà chỉ nói chung với Si-mê-ôn, hai người cùng bị rủa sả vì tội ác xưa.

Dân số Ký 16:1 có nói chuyện Cô-rê – thuộc dòng Lê-vi, không phải là thầy tế lễ – đã cầm đầu một nhóm người chống đối Môi-se vì ông cho rằng mọi người đều có thể làm thầy tế lễ. Gia đình ông, cùng gia đình Đô-than, A-bi-ram bị Chúa phạt bằng cách cho đất nuốt. Các người theo họ thì bị lửa thiêu hủy. Dầu vậy, Chúa vẫn tỏ lòng nhân từ, đã không giết các con của Cô-rê. Nhờ chứng kiến việc nầy, con cháu ông trở nên tin kính Chúa thêm, vì thế, về sau dòng dõi Cô-rê có những người tài giỏi như tiên tri Sa-mu-ên, con cháu Cô-rê đã viết 11 đoạn Thi Thiên, trong đời vua Đa-vít, họ canh cửa đền tạm và làm nhạc công.

Biến cố tại núi Si-na-i trong đồng vắng cho chúng ta thấy rằng từ A-rôn cho đến hết thảy người Lê-vi cũng đều có tội thờ bò vàng như các chi phái khác, nhưng khi Môi-se kêu gọi: Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hảy đến cùng ta thì người Lê-vi biết lỗi và phục tùng mạng lệnh của Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 32:25-29).

Biến cố thứ hai tại Si-tim, khi dân Y-sơ-ra-ên nghe lời dụ dỗ thông dâm cùng con gái Mô-áp và thờ lạy các thần của họ, thì Phi-nê-a, cháu A-rôn, đã đứng ra làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời và được Chúa phán: Ta ưng cho người sự giao ước bình yên ta; ấy về phần người và dòng dõi người sẽ là sự giao ước về một chức tế lễ đời đời, bởi vì người có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời mình, và có chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên. (Dân số Ký 25:12-13).

Vậy chúng ta thấy dù tội lỗi nhưng biết ăn năn và trở lại cùng Chúa, vẫn được Chúa tha thứ và dùng trong chương trình của Ngài. Ở đây chúng ta cũng học được quyền năng lạ lùng của Đức Chúa Trời, Ngài có thể đổi sự rủa sả ra thành phước hạnh mà vẫn giữ được đúng lời tiên tri của Gia-cốp là dân Lê-vi sẽ phải ở tản lạc trong anh em mình.

Chuyện nầy cũng dạy chúng ta rằng Si-mê-ôn và Lê-vi, cùng có tội như nhau, cùng chịu một lời rủa sả như nhau, nhưng chi phái Si-mê-ôn không ăn năn tội và không trở lại cùng Chúa nên bị tản lạc, cuối cùng bị mất luôn cả tông tích; trong khi chi phái Lê-vi vì trở lại cùng Chúa nên được chức tế lễ đời đời. Chức vụ nầy rất được trọng vọng trong vòng tuyển dân của Chúa. Thầy tế lễ có rất nhiều quyền hành trong dân sự, ngay cả vua cũng phải hỏi ý kiến của người và, quan trọng nhất, họ là đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời.

Khi đến Ê-díp-tô, Lê-vi có ba người con trai là Ghẹt-sôn, Kê-hát và Mê-ra-ri, lúc Môi-se tu bộ dân trong đồng vắng chi phái nầy không có làm sổ bộ vì họ không ra trận. Người Lê-vi được Chúa chọn để thay thế cho hết thảy con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký 8:16), họ giúp đỡ thầy tế lễ, làm các công việc trong hội mạc và đền thờ. Chúng ta nên nhớ chỉ có hậu tự của A-rôn mới giữ chức thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô ký 28:1; Dân số Ký 3:5-10).

Người Lê-vi không được chia phần trong đất hứa của Chúa. Bù lại, chi phái nầy được 48 thành ở rải rác trong xứ Palestine cùng các đồng cỏ chung quanh dùng để nuôi súc vật họ. Trong số các thành nầy, có sáu thành ẩn náu. Ba thành bên phía Đông (Gô-lan cho người Ma-na-se, Ra-mốt, thuộc Ga-la-át,[10] cho người Gát, Bết-xe cho người Ru-bên) và ba thành bên phía Tây sông Giô-đanh (Kê-đe, Si-chem, Hếp-rôn). Khi một người, dù là dân Y-sơ-ra-ên hay khách ngoại bang kiều ngụ trong xứ, vì vô ý làm chết người thì được vào các thành nầy ẫn trốn, và thân quyến của nạn nhân không được vào đây báo thù. Người nầy sẽ ở trong thành cho đến khi thầy Tế Lễ Thượng Phẩm qua đời thì mới được trở về quê quán của mình (Dân số ký đoạn 35, Giô-suê đoạn 21). Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy sự phân chia các thành nầy rất đều, nhờ đó dân chúng luôn được gần gủi với các thầy tế lễ để được giúp đỡ về phương diện thuộc linh. Người Lê-vi được hưởng một phần mười các sản vật và hoa quả đầu mùa của dân sự, và họ cũng phải dâng lại một phần mười các của mình nhận được cho thầy tế lễ.

 

 

 

4. Giu-đa.

 

Ông là con thứ tư của Gia-cốp và Lê-a. Giu-đa có nghĩa là ngợi khen, vì khi sanh thêm được một trai, Lê-a rất mừng rỡ và ngợi khen Đức Chúa Trời.

Giu-đa có vợ người Ca-na-an và sanh ba con trai. Hai người con đầu là E-rơ và Ô-nan đều độc ác, nên bị Chúa giết. Theo tục lệ thời bấy giờ, vợ của anh phải gã cho em để lưu truyền nòi giống. Nhưng Giu-đa đã không theo tục lệ nầy vì hai người con trai lớn đã chết, ông sợ rằng Sê-la, người con thứ ba, cũng sẽ bị chung số phận. Ông gạt dâu mình là Ta-ma, vợ của E-rơ và Ô-nan, trở về nhà cha nàng, đợi đến khi Sê-la khôn lớn. Khi biết mình bị gạt, Ta-ma lập mưu đi lại với cha chồng và sanh đôi hai trai là Phê-rết[11] và Sê-rách.

Về tánh hạnh, Giu-đa là người nhân hậu. Ông đã cứu sống Giô-sép vì đã đề nghị bán chớ không nên giết (Sáng thế ký 37:26-28). Khi Giô-sép muốn giữ Bên-gia-min ở lại Ê-díp-tô, thì cũng chính Giu-đa đã đứng ra bằng lòng chịu ở lại thế Bên-gia-min để làm nô lệ (Sáng thế ký 44:33-34). Kết quả là Giô-sép tỏ mình ra ngay, không giấu nữa (Sáng thế ký 45:1).

Kinh Thánh cũng cho biết Giu-đa là cột trụ trong gia đình, sau Gia-cốp, chứ không phải trưởng nam Ru-bên. Vì lúc xuống Ê-díp-tô mua lương thực, khi bị Giô-sép chất vấn, chính Giu-đa đại diện cho anh em mình trình các lời lên với người; và khi dời sang xứ Ê-díp-tô, Gia-cốp đã chọn Giu-đa – chứ không phải Ru-bên – đi đến trước đặng xin Giô-sép đưa mình qua Gô-sen (Sáng thế ký 46:28).

Lúc đến Ê-díp-tô, Giu-đa có ba người con trai là Sê-la, Phê-rết và Xê-rách cùng hai cháu là Hết-rôn và Ha-mun (con của Phê-rết). Khi tu bộ thì chi phái nầy có đến 74.600 người trai trẻ đánh trận được, lần tu bộ thứ hai trước khi vào xứ Ca-na-an có 76.500 người. Đó là chi phái đông dân nhất của Y-sơ-ra-ên. Chi phái Giu-đa được chia cho phần đất nằm về phía tây Biển Chết đến Địa Trung Hải, phía bắc giáp với chi phái Đan và Bên-gia-min, phía nam chạy dài đến đồng vắng Sin.

Giu-đa đã vô tình phạm tội ăn nằm cùng dâu mình nhưng ông biết ăn năn, nên được phước (Sáng thế ký 38:26). Vì cớ tội ác của Ru-bên, Si-mê-ôn và Lê-vi, nên Gia-cốp chúc phước trưởng nam cho người con thứ tư là Giu-đa (49:3-12). Trong lời chúc phước nầy, ta nhận thấy ba điều:

1.- Ngợi khen

Hởi Giu-đa! các anh em sẽ khen ngợi con… đây là lời tiên tri chỉ về Đấng Mê-si. Đấng Cứu Thế được sanh ra từ dòng dõi nầy cho nên Giu-đa được ngợi khen. Ngoài ra, chi phái Giu-đa đã cung ứng người hùng Ca-lép[12], quan xét đầu tiên Ô-ni-ên[13], cùng Đa-vít, Sa-lô-môn… là những vị vua tài đức của Y-sơ-ra-ên.

2.- Quyền tể trị

Tay con sẻ chận cổ quân nghịch… nơi đây ta thấy Giu-đa được cho sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Giu-đa còn được gọi là sư tử tơ và trong Khải huyền 5:5, Chúa Jêsus được gọi là sư tử của chi phái Giu-đa. Như chúng ta biết sư tử là vua của muôn thú, với dáng điệu oai nghi và sức mạnh phi thường, sư tử xứng đáng tượng trưng cho quyền hành và sức mạnh.

Các con trai cha sẽ quì lạy trước mặt con, cây phủ việt, tất cả đều tượng trưng cho quyền của một vị vua, quyền tể trị trên muôn loài, đây chỉ về đấng Mê-si. Vì Ngài sẽ được sanh ra từ dòng dõi nầy nên Giu-đa được những lời chúc đầy phước hạnh trên. Khi Đấng Cứu Thế trở lại, thì lời tiên tri nầy sẽ thành sự thật: Đức Chúa Trời ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. (Phi-líp 2:9-11)

3.- Sự phồn thịnh

Các lời chúc về nhành nho, rượu nho, gốc nho, sửa… là những lời chúc về sự giàu có, thịnh vượng. Chi phái Giu-đa được chia cho phần đất rất lớn về phía cực Nam. Sản phẩm vùng đất nầy là nho và ô-li-ve. Nho để làm rượu và mật còn ô-li-ve để làm dầu. Vì vậy, Ca-na-an còn được gọi là xứ đượm sửa và mật. Người buộc lừa tơ mình vào gốc nho, lừa con mình vào nhành nho tốt nhất, cho thấy chi phái nầy gắn liền với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Thật vậy, cho đến ngày nay dân Do-thái vẫn còn được gọi là dân Giu-đa (Jews hay Judahites), mặc dù xứ Giu-đa đã bị tiêu hủy vào năm 70 S. C., nghĩa là gần 2.000 năm rồi.

Gốc nho nói ở đây cũng còn là hình bóng của Chúa Jêsus. Ngài là gốc nho và cơ đốc nhân là nhánh nho (Giăng đoạn 15). Sữa còn có nghĩa là lời Chúa trong Kinh Thánh như trong I Phi-e-rơ 2:2 đã dạy.

5. Đan.

Đan có nghĩa là xét đoán. Ông là con của Gia-cốp và Bi-la, nàng hầu của Ra-chên. Khi ông ra đời, Ra-chên rất mừng vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã xét đoán công bình cho bà.

Khi đến Ê-díp-tô, Đan chỉ có một con trai là Hu-sim, đến lúc rời Ê-díp-tô, chi phái nầy có đến 62.700 tráng niên trên 20 tuổi đánh trận được, đến lần tu sổ bộ thứ hai, trước khi vào đất hứa, thì tăng lên 64.400 người. Lúc đi trong đồng vắng, chi phái nầy có nhiệm vụ phòng vệ nên họ đi phía sau dân sự (Dân số Ký 10:25). Chi phái Đan lãnh một phần đất phì nhiêu ở trung bộ Ca-na-an trên bờ Địa Trung Hải gồm các thành A-gia-lôn, Éc-rôn, Ên-thê-kê và Xô-rê-a, trở nên đông đảo, chiếm được thêm đất vượt quá giới hạn đã được chia cho từ trước.

Ô-hô-li-áp, thuộc chi phái Đan là người có tài dệt vải và thêu, đã được Môi-se dùng trong việc xây đền tạm cho Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 35:30-35). Quan xét Sam-sôn cũng thuộc chi phái nầy, ông đã xét đoán dân sự trong 20 năm, lúc đầu đã anh dũng đánh đuổi quân xâm lăng, giải cứu dân mình, nhưng về sau lại đắm say nữ sắc đến nổi thân bại danh liệt. Sau đó, ông ăn năn và dâng những giờ phút cuối của cuộc đời để diệt quân thù. Chi phái Đan quả là rắn lục bên đường, cắn vó ngựa, làm cho kẻ cỡi phải té nhào như trong lời chúc của Gia-cốp. Chi phái nầy, về sau đã đánh đuổi được dân La-át, chiếm xứ của họ, đã dựng hình tượng và dùng hậu tự của Môi-se làm thầy tế lễ[14] để thờ Đức Giê-hô-va. Như vậy, họ đã xui dân chúng làm ô uế sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Cũng trong xứ Đan, vua Giê-rô-bô-am đã dựng tượng bò bằng vàng cho dân chúng thờ lạy (I Các vua 12:31).

Chi phái Đan ít chịu giúp đỡ các anh em mình trong việc chống trả ngoại bang, vì thế nữ quan xét Đề-bô-ra trong bài ca chiến thắng vua Gia-bin của dân Ca-na-an đã nói đến các chi phái không tích cực tham chiến, trong đó có chi phái Đan. Từ đó về sau, không thấy Kinh Thánh nhắc đến chi phái nầy nữa. Ngay cả trong Khải huyền, khi nói đến các chi phái được đóng ấn, Đan là chi phái duy nhất không được đề cập.

6. Nép-ta-li.

Chúng ta biết rằng Ra-chên được Gia-cốp thương yêu hơn Lê-a. Nhưng khi Gia-cốp có người con thứ tư, Ra-chên đem nàng hầu của mình là Bi-la đến cùng Gia-cốp. Bi-la sanh cho Gia-cốp Đan và Nép-ta-li. Nép-ta-li có nghĩa là đấu địch (Sáng thế ký 30:8). Ra-chên cho rằng: Tôi đã hết sức chống cự với chị tôi, và tôi được thắng.

Khi đến Ê-díp-tô, Nép-ta-li có bốn con trai, khi rời Ê-díp-tô, chi phái nầy có đến 53.400 trai tráng. Lần tu bộ thứ hai, trước khi vượt qua sông Giô-đanh, chi phái nầy có 45.400 tráng niên trên 20 tuổi đánh trận được. Chi phái Nép-ta-li được chia cho phần đất phì nhiêu với phong cảnh đẹp đẽ phía Tây Bắc biển Ga-li-lê. Họ không đuổi tất cả dân Ca-na-an ra khỏi phần đất mình, mà lại chung sống với họ. Chi phái nầy đã chiến đấu một cách anh dũng đánh bại vua Gia-bin dưới sự lảnh đạo của nữ tiên tri Đề-bô-ra và Ba-rắc (Các quan xét 5:18). Chi phái nầy cũng đã đáp lời kêu gọi của Ghê-đê-ôn và đánh bại dân Ma-đi-an (Các quan xét 6:35, 7:23).

Trong thời đất nước chia đôi, vì ở vùng cực bắc, chi phái nầy bị vua Sy-ri là Bên-Ha-đát đánh chiếm. Sau đó bị Tiếc-la-Phi-lê-se, vua A-si-ri chinh phục và bắt dân làm phu tù, vua nầy đã cho dân ngoại vào ở trong xứ. Về sau, Ê-sai đã nói tiên tri rằng: đất Nép-ta-li, bên kia sông Giô-đanh[15] trong xứ Ga-li-lê của dân ngoại được vinh hiển, dân đi trong tối tăm đã thấy sự sáng lớn… vì có một con trẻ sanh cho chúng ta… Ngài được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An… Thật vậy Đức Chúa Jêsus là sự sáng lớn, Ngài đã khởi đầu chức vụ tại xứ Ga-li-lê thuộc địa phận Nép-ta-li.

Đúng như lời chúc tiên tri của Gia-cốp, Nép-ta-li như nai bị nhốt trong chuồng, nhưng vì biết tranh đấu bằng cách nhờ cậy Chúa, nên đã được thoát và được tự do. Chi phái Nép-ta-li đã nhiều lần gan dạ chiến đấu bên cạnh anh em mình. Và mặc dầu bị gọi là xứ của dân ngoại, dân Nép-ta-li đã giang tay ra đón Chúa Jêsus trong khi dân thành Na-xa-rét chối bỏ Ngài (Ma-thi-ơ 4:12-16). Thật vậy, xứ Ghê-nê-xa-rết, thành Ca-bê-na-um, thành Bết-sai-đa, thành Cô-ra-xin là những nơi Chúa tới lui nhiều nhất trong thời gian Ngài thi hành chức vụ tại thế. Dân Nép-ta-li hưởng được phước lớn vì đã nghe lời Chúa Jêsus giảng dạy và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm, nhờ đó mà nhiều người được cứu. Thật đúng như lời chúc tiên tri của Môi-se: Nép-ta-li hưởng ân huệ cho thỏa nguyện, và phước lành của Đức Giê-hô-va cho đầy dẫy, chiếm được phương Tây và phương Nam.

7. Gát.

Gát có nghĩa là phước, ông là con đầu lòng của Xinh-ba, nàng hầu của Lê-a. Sau khi Giu-đa ra đời, Lê-a thấy mình không sanh nữa nên đem Xinh-ba làm hầu cho Gia-cốp, và nàng hạ sanh Gát. Lê-a vui mừng vì cho rằng mình được phước.

Khi đến Ê-díp-tô, Gát có bảy người con trai. Lần tu bộ thứ nhất, chi phái Gát có 45.650 trai tráng. Trong đồng vắng, chi phái nầy đóng tại hướng nam của đền tạm cùng với chi phái Ru-bên và Si-mê-ôn. Lần tu bộ thứ nhì trước khi vào Ca-na-an, dân Gát còn lại 40.500 người.

Vì người Gát lưu luyến với phần đất phì nhiêu Ga-la-át bên nầy sông Giô-đanh thuận tiện cho việc chăn nuôi, nên đã không cùng với anh em mình vào đất hứa. Phần đất của họ ở về phía đông sông Giô-đanh, bắc giáp với chi phái Ma-na-se, nam là chi phái Ru-bên. Thật đúng như lời chúc tiên tri của Gia-cốp: Còn Gát sẽ bị một đạo binh xông đánh, nhưng người xông đánh lại và đuổi theo. Chi phái Gát phải luôn luôn tranh chiến với quân thù vây bọc chung quanh. Nhưng vì biết nhờ cậy Đức Chúa Trời, nên cuối cùng họ vẫn thắng.

Môi-se đồng ý cho các chi phái Ru-bên, Gát và phân nữa chi phái Ma-na-se ở lại bên phía đông sông Giô-đanh Ềvì họ có bầy súc vật rất nhiều với điều kiện là phải theo anh em mình đánh chiếm các phần đất mà Đức Chúa Trời đã hứa cho dân Y-sơ-ra-ên (Dân số Ký đoạn 32). Những người trai trẻ trong chi phái Gát đã giữ đúng lời hứa, họ đã theo giúp Môi-se nên được người chúc phước như sau: Người nằm nghỉ như một con sư tử cái. Người đồng lòng với Y-sơ-ra-ên làm xong công bình của Đức Giê-hô-va. Và cũng để cho con cháu mình sau nầy vẫn giữ sự thờ phượng Đức Chúa Trời và sự hợp nhất của 12 chi phái, người Ru-bên và người Gát đã lập bàn thờ (nghĩa là chứng) vì họ muốn bàn thờ nầy làm chứng giữa họ rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời (Giô-suê 22:10-34).

Đặc điểm của chi phái Gát là mạnh mẽ, có tài đánh trận. Trong phần đất người Gát cũng có một thành ẩn náu là Ra-mốt (Giô-suê 20:8). Từ chi phái nầy có Bát-xi-lai là bạn thân với vua Đa-vít và đại tiên tri Ê-li.

8. A-se.

A-se có nghĩa là hạnh phúc. Ông là con thứ nhì của Xinh-ba, nàng hầu của Lê-a. A-se có bốn con trai là Di-ma (Dim-na), Dích-và, Dích-vi, Bê-ri-a và một con gái là Sê-rách (bà nầy là một trưởng tộc). Lúc ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chi phái nầy có 41.500 trai tráng; sau 40 năm đi trong đồng vắng, dân số lên đến 53.400 người, lần tu bộ dưới đời vua Đa-vít chỉ còn lại 26.000 người (I Sử-ký 7:40).

Chi phái nầy được đất tốt trên bờ biển Địa-trung-hải, giữa núi Cạt-mên và Li-ban, họ chẳng phải khó công chinh phục vùng nầy nhưng chỉ xâm nhập vào là được đất. Người A-se đã không đuổi các dân bản xứ mà lại sống lẫn lộn với họ.

Gia-cốp đã chúc tiên tri cho A-se như sau: Do nơi A-se có thực vật ngon, người sẽ cung cấp mỹ vị cho các vua, và Môi-se cũng chúc phước chi phái nầy: Nguyện cho A-se được phước giữa các con trai Y-sơ-ra-ên, được đẹp lòng anh em mình, và được dầm chơn mình trong dầu. Những câu nầy thật đã được ứng nghiệm. Đất rất phì nhiêu, màu mỡ, có nhiều mỏ, lại được ở ngay bờ biển nên rất thuận tiện cho việc buôn bán với người Phê-nê-xi. Chi phái A-se sống rất sung túc, nhưng cũng vì sự sung túc nầy nên về sau họ không dám liều mình giúp đỡ hai chi phái Sa-bu-lôn và Nép-ta-li tranh chiến với Si-sê-ra, quan thống lãnh đạo binh Ca-na-an với chín trăm thiết xa (Các Quan Xét 5:17).

Vì quen với nếp sống sung sướng, người A-se đã trở thành ích kỷ, dễ chán nản, không chịu được gian khổ, không dám hy sinh để giúp đỡ anh em mình chống lại kẻ thù chung. Dân số chi phái về sau bị giảm rất nhiều, không còn giá trị nữa, đến nỗi không có tên A-se trong số những người cai quản các chi phái Y-sơ-ra-ên (I Sử ký 27:16-22). Ngoài bà tiên tri An-ne (Lu-ca 2:36), không còn ai là người có danh tiếng thuộc dòng dõi nầy. Chi phái A-se đã dạy cho chúng ta thấy rằng khi được phước nên cẩn thận kẻo bị cám dỗ mà sa ngã, và thay vì làm sáng danh Chúa lại trở thành một gương xấu cho hậu thế.

9. Y-sa-ca.

Con thứ chín của Gia-cốp, và là con thứ năm của Lê-a. Y-sa-ca có nghĩa là đền bù. Lê-a nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã ban cho bà người con nầy vì bà đã dâng nàng hầu của mình cho chồng.

Khi đến Ê-díp-tô Y-sa-ca có bốn con trai. Lần tu bộ thứ nhất, chi phái nầy có 54.400 tráng niên, lần tu bộ thứ nhì được 64.300 người và trong đời vua Đa-vít con số nầy lên đến 87.000 người (I Sử-ký 7:5).

Phần đất họ được làm sản nghiệp ở về phía bắc xứ Ca-na-an: đông giáp sông Giô-đanh và chi phái Gát, tây và nam giáp Ma-na-se, bắc giáp Sa-bu-lôn, có 16 thành với các làng xung quanh, gồm các thành Gít-rê-ên, Ki-sôn, Su-nem, En-đô-rơ, En-ga-nim, A-na-cha-rát, Bết-Sê-mết… và núi Tha-bô. Đây là vùng thung lũng phì nhiêu, rất dễ bị quân nghịch vây chiếm, đúng như lời chúc tiên tri của Gia-cốp: Y-sa-ca và con cháu là con lừa rừng, nằm nghỉ giữa chuồng, chịu gánh nặng những điều sưu dịch của các chủ ngoại bang, miễn là cho mình được ở trong đất đai đẹp đẽ. Tuy nhiên, dân Y-sa-ca cũng đã anh dũng chiến đấu chống Si-sê-ra, tướng của vua Gia-binh và đã theo giúp vua Đa-vít chống lại vua Sau-lơ ( I Sử ký 12:32).

Chi phái Y-sa-ca có rất nhiều người tài giỏi như quan trưởng và thống lãnh quân đội Na-tha-na-ên, quan trưởng Ôm-ri, quan xét Thô-la, và hai vua của Y-sơ-ra-ên là Ba-ê-sa và Ê-la, con của Ba-ê-sa. Chi phái nầy đã vâng lệnh thầy tế lễ Ê-xê-chia gởi người đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua cùng với các chi phái khác ( II Sử ký 30:18). Chi phái Y-sa-ca cũng được Môi-se chúc cho bình an và hạnh phúc: Còn ngươi, Y-sa-ca, hãy hớn hở trong các trại mình! (Phục truyền luật lệ ký 33:18).

10. Sa-bu-lôn.

Sa-bu-lôn là con thứ mười của Gia-cốp, và thứ sáu của Lê-a, sau đó bà còn sanh thêm nàng Đi-na. Sa-bu-lôn có nghĩa là nhà ở. Khi ông ra đời, mẹ ông nghĩ rằng cha ông sẽ ở cùng bà vì bà đã sanh đến sáu con trai.

Ông xuống xứ Ê-díp-tô cùng các anh em và ba người con là Sê-rết, Ê-lôn, và Gia-lê-ên. Khi rời Ê-díp-tô, chi phái nầy có 57.400 trai tráng, lần tu bộ thứ nhì tăng lên 60.500 người, là chi phái đứng vào hàng thứ tư về dân số.

Địa giới của chi phái Sa-bu-lôn không được biết một cách rõ ràng. Đại khái, Sa-bu-lôn được chia cho phần đất miền bắc, phía tây bắc giáp với chi phái A-se, đông bắc có Nép-ta-li, tây nam có Ma-na-se, đông nam có Y-sa-ca. Trong lời chúc phước, Gia-cốp mô tả Sa-bu-lôn như là ở nơi gành biển, tức là nơi có tàu đậu, bờ cõi chạy về hướng Si-đôn (Sáng thế ký 49:13). Lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm phần nào vì Sa-bu-lôn được chia cho phần đất gần biển Ga-li-lê và Địa Trung Hải, giao dịch và buôn bán với các thành trên bờ biển. Tuy nhiên lảnh thổ Sa-bu-lôn không nằm trên bờ biển.

Người Sa-bu-lôn đã tích cực tham chiến cùng Ba-rắc và Ghê-đê-ôn để chống lại Si-sê-ra và dân Ma-đi-an (Các quan xét 4:6-10; 5:14, 18). Khi Đa-vít lên ngôi tại Hếp-rôn, cùng với các chi phái khác có 50.000 người Sa-bu-lôn đếngiúp để chống lại vua Sau-lơ (I Sử ký 12:33, 40).

Chi phái nầy cũng đã cung ứng một quan xét là Ê-lôn, người cai trị được 10 năm. Trong sự chia đất mới, tiên tri Ê-xê-chi-ên đã chỉ định một phần cho Sa-bu-lôn, và trong thành Giê-ru-sa-lem mới, cũng có một cửa mang tên chi phái nầy (Ê-xê-chi-ên 48: 26, 33).

Miền bắc chịu nhiều đau khổ vì phải tranh chiến với người A-si-ri, cuối cùng dân sự bị bắt làm phu tù (II Các vua 15:29). Dân ngoại vào chiếm đóng phần đất nầy, vì vậy bị coi là phần đất tối tăm, xứ của dân ngoại. Tuy nhiên Ê-sai nói tiên tri rằng các chi phái nầy sẽ được phước lớn: Dân đi trong tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết (Ê-sai 9:1). Sự sáng lớn ở đây chỉ về Đấng Christ, khi Ngài thi hành chức vụ tại thế, Ngài đã làm nhiều phép lạ tại xứ Ga-li-lê, thuộc phần đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li ngày trước, nhờ đó rất nhiều dân nơi đây trở lại đạo. Tất cả 12 sứ đồ của Đức Chúa Jêsus đều là người nguyên quán Ga-li-lê, thuộc lãnh thổ Sa-bu-lôn (ngoại trừ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt[16]). Những đồn lũy của Sa-bu-lôn cứ đứng vững chống với người La-mã cho đến cùng.

11. Giô-sép.

Ông là con thứ mười một của Gia-cốp, và là con đầu lòng của Ra-chên, sanh ra tại Cha-ran. Giô-sép có nghĩa là nguyện được tăng lên. Vì son sẻ hơn chị là Lê-a, nên khi Ra-chên sanh Giô-sép thì nói: Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi… cầu xin Chúa thêm cho tôi một con trai nữa (Sáng thế ký 30:23, 24). Lời cầu nguyện đã được Chúa chấp thuận, về sau Ra-chên sanh thêm một trai nữa là Bên-gia-min.

Khi còn nhỏ, Giô-sép ở nhà với cha tại Hếp-rôn, trong khi các anh đi chăn chiên ngoài đồng vắng tại Si-chem. Giô-sép thuật lại với cha chuyện xấu của các anh mình. Như vậy, Giô-sép mặc dầu còn ít tuổi cũng đã tỏ ra là người can đảm, biết trọng lẽ phải, giữ gìn luân lý và lời Chúa như trong Xuất Ê-díp-tô ký 23:2 đã dạy: Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy; khi ngươi làm chứng trong việc kiện cáo, chớ nên trở theo bên phe đông mà phạm sự công bình.

Gia-cốp yêu thương Giô-sép hơn cả, và đã ban cho ông một chiếc áo có nhiều màu (Sáng thế ký 37:3). Ngày xưa, chỉ những người có địa vị cao trong xã hội mới được mặc loại áo nầy. Có lẽ Gia-cốp định lập Giô-sép làm trưởng tộc thay cho Ru-bên vì Ru-bên đã phạm trọng tội cùng ông.

Các anh của Giô-sép ngày càng ghen ghét ông hơn vì cha đã không yêu thương các con đồng đều. Việc Giô-sép thuật lại các điềm chiêm bao ngụ ý các anh sẽ phải phục tùng mình đã làm tăng lên sự căm giận của họ. Lúc đầu khi nghe các điềm chiêm bao nầy, Gia-cốp không đẹp lòng, nhưng về sau, giống như bà Ma-ri đối với Chúa Jêsus, đã ghi các lời ấy vào lòng (Sáng thế ký 37:5-11; Lu-ca 2:19, 51).

Sự ghen ghét nầy ngày càng gia tăng, các anh chỉ chờ dịp để giết ông cho hả giận. Chúng ta học được nơi đây rằng nếu lòng ganh tị không được sớm dẹp đi, thì có thể đưa đến tội ác giết người dù người đó có cùng chung huyết thống.

Cơ hội trả thù đã đến khi Giô-sép vâng lệnh cha, một mình đến tìm các anh trong đồng vắng. Nhờ Ru-bên và Giu-đa can ngăn nên Giô-sép không bị giết nhưng bị bán cho người Ma-đi-an đem qua Ê-díp-tô làm nô lệ. Cuộc đời của Giô-sép gặp nhiều hoạn nạn và thử thách, nhưng ông vẫn trung tín với Chúa nên được nhiều phước hạnh. Chúa đã cho ông làm đến chức tể tướng của triều đình Ê-díp-tô, tước vị nầy tương đương với chức thủ tướng, chỉ dưới vua Pha-ra-ôn mà thôi.

Trong cuộc đối thoại với các anh, Giô-sép tỏ ra là người rất khiêm nhường. Ông đã không coi sự giàu sang uy quyền hiện nay là do tài sức ông tạo nên, nhưng do Đức Chúa Trời ban cho; sự hoạn nạn cũng không phải do âm mưu của các anh mà có, nhưng là do sự sắp đặt của Đức Chúa Trời và ông là người được chọn để cứu cả gia đình lẫn dân Ê-díp-tô khỏi nạn đói. Thay vì đau khổ, oán giận các anh, Giô-sép coi hoạn nạn của mình là sự thử thách, rèn luyện để ông được lớn lên trong đức tin, là nguồn phước hạnh chứ không phải là hình phạt (Sáng thế ký 45:7-8).

Giô-sép được vua Ê-díp-tô tôn trọng và yêu quí. Kinh Thánh cho thấy ông xin điều gì cũng được vua chấp thuận. Ông kết hôn với con gái của thầy cả thành Ôn, tên là Ách-nát và sanh hai trai là Ma-na-se và Ép-ra-im.

Sống trên đất khách là xứ thờ đa thần, Giô-sép chịu nhiều áp lực về tôn giáo, chính trị, phong tục…, nhưng ông vẫn giữ được sự trung tín với Đức Chúa Trời. Về sau, Giô-sép đem cả gia đình của cha và các anh em mình qua Ê-díp-tô chung sống để cùng hưởng sự giàu sang sung sướng. Chẳng những ông đã chiến thắng nhiều cám dỗ, lại còn là người độ lượng, không giữ lòng thù hận các anh mình.

Theo Phục Truyền luật lệ ký 21:15-17, thì con trưởng nam được phần gia sản gấp đôi. Tuy không nói ra, nhưng Gia-cốp đã thực sự ban cho Giô-sép quyền nầy khi ông nhận hai con của Giô-sép làm con và cho mỗi người một phần gia tài ngang bằng với phần của các con ông (Sáng thế ký 48:5-6). Việc nầy giúp cho Giô-sép trở thành tổ phụ của hai chi phái Ma-na-se và Ép-ra-im. Giô-sép cũng được hưởng một phần sản nghiệp của cha và là phần tốt nhất (Sáng thế ký 48:22).

Vì Gia-cốp nhận hai con của Giô-sép làm con của mình cho nên nước Y-sơ-ra-ên thật ra gồm có 13 chi phái. Nhưng số 12 vẫn được dùng trong suốt cả Kinh Thánh khi nói về dòng dõi dân Do-thái, Chúa Jêsus cũng chọn 12 môn đồ, tượng trưng cho 12 người con của Gia-cốp. Khi Giô-suê chia đất Ca-na-an thì chia 12 phần cho 12 chi phái, vì chi phái Lê-vi đã được chọn để hầu việc Đức Chúa Trời nên chỉ có 48 thành mà thôi. Về sau, Khải huyền cũng chỉ liệt kê có 12 chi phái được đóng ấn, vì chi phái Đan không được nói đến.

Sau đây xin nói qua về chi phái Ma-na-se và Ép-ra-im, là hậu tự của Giô-sép:

1. Ma-na-se:

Ma-na-se có nghĩa là kẻ làm cho ta quên, vì sự chào đời của ông đã khiến cho Giô-sép rất vui mừng, quên đi điều buồn đau trong quá khứ (Sáng thế ký 41:51). Ông là con đầu lòng của Giô-sép nhưng khi chúc phước thì Gia-cốp lại để tay trái lên đầu ông, người ngụ ý rằng ông sẽ phải thua em là Ép-ra-im.