Năm Đức Tin

Năm Đức Tin

Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Ngày 11 tháng 10 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin nhân kỷ niệm đúng 50 năm khai mở Công Đồng Chung Vaticăng II và 20 năm công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

 Phỏng vấn Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon

Ngày 11 tháng 10 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin nhân kỷ niệm đúng 50 năm khai mở Công Đồng Chung Vaticăng II và 20 năm công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Năm Đức Tin là dịp để tín hữu công giáo toàn thế giới học hỏi, tìm hiểu, đào sâu và sống đức tin một cách ý thức xác tín và sâu đậm hơn. Riêng đối với các dân tộc có nguồn gốc Kitô kỳ cựu nhưng đã xa rời, đánh mất hay chối bỏ đức tin, đây là cơ may tìm về với gia tài tinh thần của mình.

Khi nhìn vào tình hình sống đạo tại các nước Âu châu, người ta không chỉ ghi nhận các hậu qủa tiêu cực của nạn tục hóa gia tăng làm suy yếu cuộc sống của các Giáo Hội: tín hữu không sống đạo nữa, ơn gọi giáo sĩ tu sĩ khan hiếm, các linh mục già nua chết đi mà không có người thay thế, số giáo xứ không có linh mục coi sóc ngày càng gia tăng. Tại một vài nước đã có lịch sử truyền giáo oai hùng như Hòa Lan, từ mấy thập niên qua Giáo Hội đã phải bán đi hàng trăm nhà thờ, vì tín hữu không sống đạo, cũng không có linh mục coi sóc và Giáo Hội không có khả năng tài chính để duy trì các cơ sở ấy.

Nước Pháp xưa kia được mệnh danh là “Trưởng nữ của Giáo Hội” cũng đã bị tục hóa thê thảm. Trong các thập niên 1960-1990 Giáo Hội tại Pháp đã phải đương đầu với các nỗ lực nhổ rễ Kitô giáo, dưới ảnh hưởng của chủ thuyết mác xít vô thần lan tràn, mê hoặc và khuynh đảo thế giới đại học và thế giới truyền thông, tạo ra các thành phần trí thức thiên tả quảng bá và phục vụ không công cho chủ thuyết cộng sản vô thần, trong đó cũng có một số giáo sĩ tu sĩ của Giáo Hội, mệnh danh là các “thành phần cấp tiến”.

Nhưng sau khi chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ tan tành cách đây 20 năm, Giáo Hội Pháp cũng như các Giáo Hội Âu châu lại phải đương đầu với trào lựu tục hóa và duy đời cực đoan, lấy cớ luật tách rời Giáo Hội và Nhà Nước, muốn gạt bỏ Giáo Hội ra khỏi cuộc sống xã hội, và bịt miệng không cho Giáo Hôi lên tiếng về các vấn đề liên quan tới các quyền con người, đặc biệt là quyền bảo vệ luân lý đạo đức.

Xem ra là điều không thể tin được, nhưng sự thật là Kitô giáo hiện nay lại bị bài bác, kỳ thị, hạn chế và bách hại bởi luật lệ của chính quyền các nước tây âu có nền văn hóa Kitô. Người ta đi đến chỗ cấm treo, trưng bầy và đặt để các Thánh Giá và tượng ảnh tại các nơi công cộng.

Riêng đối với Giáo Hội Pháp, trong các thời gian qua người ta vui mừng ghi nhận sự hiện diện của nhiều tín hữu công giáo sống đạo xác tín trong nhiều lãnh vực và cơ cấu xã hội: từ Hàn lâm viện Pháp, cho tới Hàn lâm viện Goncourt; từ lãnh vực kịch nghệ cho tới lãnh vực phim ảnh và âm nhạc; từ ]ãnh vực ấn loát với các nguyệt san và nhật báo cho tới các hiệp hội và tổ chức bác ái xã hội. Riêng trong lãnh vực ơn gọi và mục vụ hiện có hàng trăm linh mục và chủng sinh đến từ các nước Phi châu nói tiếng Pháp hay từ Ba Lan dấn thân làm việc trong các giáo xứ không có linh mục Pháp nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Philip Barbarrin, Tổng Giám Mục Lyon, về ý nghĩa Năm Đức Tin đối với Giáo Hội tại Pháp. Đức Hồng Y Barbarin nổi tiếng về dấn thân đối thoại đại kết và liên tôn, cũng như về các can thiệp trong lãnh vực quốc tế. Hồi thượng tuần tháng 8 vừa qua Đức Hồng Y đã cảnh cáo giới lãnh đạo chính trị Pháp, khi khẳng định rằng chính quyền “Không được làm sai lạc bản chất của hôn nhân”.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Năm Đức Tin có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội Pháp, là một Giáo Hội Kitô kỳ cựu, nhưng trong nhiều thập niên qua đã suy yếu rất nhiều và bị tục hóa nặng nề?

Đáp: Năm Đức Tin là một món qùa rất đẹp đối với nước Pháp và toàn thể Giáo Hội. Chúng ta đã sống một Năm Linh Mục ngoại thường, với cảm tưởng là tại Lyon có được một năm như ở ngoại ô thành Ars. Năm Đức Tin sẽ cho phép chúng tôi đào sâu Kinh Tin Kính và hiểu biết Giáo Lý của Giáo Hội công giáo một cách tốt đẹp hơn. Đó đã là điều Đức Thánh Cha đã muốn làm với giới trẻ trong Ngày Quốc Tế giới Trẻ tại Madrid, bằng cách cống hiến cho họ trang mạng Youcat.

Hỏi: Ngày nay câu nói cổ điển “Nước Pháp, trưởng nữ của Giáo Hội” có nghĩa là gì?

Đáp: Điều này nhắc lại một lịch sử rất phong phú chúng tôi phải nhớ lại và cảm tạ Thiên Chúa về lịch sử ấy. Nhưng chúng tôi cũng phải chú ý đừng để cho qúa khứ xâm lấn, cho đù nó có tuyệt vời thế nào đi nữa. Chúa chờ đợi chúng ta trong giây phút hiện tại này và trong tương lai. Chẳng hạn Giáo Hội tại Lyon nhớ lại các vị tử đạo của mình hồi thế kỷ thứ II, các vị đã trở thành suối nguồn của việc rao truyền Tin Mừng cho vùng Gallia và miền Bắc Âu châu. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng từ tử đạo trong tiếng Hy lạp có nghĩa là làm chứng. Điểm khởi đầu gây ấn tượng ấy của Giáo Hội chúng tôi dẫn đưa chúng tôi tới chỗ đặt ra một câu hỏi nòng cốt: “Chúng tôi có là những người phục vụ và làm chứng cho Chúa không?”

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, làm sao diễn tả được lòng hăng say truyền giáo của Giáo Hội trong những cách thức hùng hồn nhất?

Đáp: Tại Pháp chúng tôi có rất nhiều may mắn. Có những người ngoại quốc bầy tỏ với tôi lòng khâm phục trước các sáng kiến đa diện và mạnh mẽ của công tác tái truyền giảng Tin Mừng. Chúng tôi có các trường thần học và các phong trào tinh thần sinh động và rất táo bạo. Chỉ cần nghĩ tới trung tâm nghiên cứu mới tại Notre Dame de Vie ở Venasque, hay trung tâm của phân khoa Notre Dame de Paris, hay sự tái sinh của các tu sĩ dòng Đa Minh ở Toulouse. Chúng tôi biết có sự phát triển gây ấn tượng của các cộng đoàn mới, như các cộng đoàn bên Brasil. Một vài cộng đoàn chẳng hạn như cộng đoàn Emmanuel và Con đường mới đã có khoảng 40 năm kinh nghiệm. Cũng có thể nhắc tới rất nhiều hoạt động canh tân truyền giáo qua âm nhạc và các buổi hòa nhạc, hay các địa chỉ truyền giáo trên mạng. Trong giáo phận của tôi, chúng tôi đang sống một kinh nghiệm đẹp gọi là “Các phòng thí nghiệm đức tin”, theo lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II trong Năm Thánh 2000.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu đã là các khó khăn chính mà Giáo Hội tại Pháp gặp phải hiện nay?

Đáp: Trong một nghĩa nào đó, chúng tôi rất nghèo nàn, bởi vì đã có nhiều phần bị sụp đổ: nhiều đan viện và chủng viện đã đóng cửa. Hàng giáo sĩ già nua, và điều này gây khổ đau cho Giáo Hội, và đôi khi còn có sự bất ổn trnog các cộng đoàn của chúng tôi nữa. Hằng năm tại Lyon tôi truyền chức Linh Mục cho hai, ba tân linh mục, trong khi có khoảng 20 linh mục già qua đời. Đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy có một sự năng động đích thật, một sức sinh động gây kinh ngạc. Tôi không muốn là một người lạc quan khờ khạo, cũng không muốn là một người bi quan tối tăm. Có những tình hình báo động trong nhiều giáo phận, nhưng cũng có các lực lượng canh tân tại khắp mọi nơi.

Hỏi: Sự hiện diện và lời nói của các tín hữu công giáo có là một thách đố trong xã hội hay không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chúng tôi có tự do ngôn luận và bổn phận phải lên tiếng, phải bầy tỏ vì thiện ích của xã hội, nhất là trong giai đoạn nghi ngờ đối với tương lai của nền văn minh của chúng tôi. Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng nền dân chủ của chúng ta đang chặt đi cái cây, trong đó nó sinh sống. Tại Pháp chúng tôi đã thấy quyền bính mất đầu, khi nó đã trở thành một “nền quân chủ tuyệt đối” và bắt đầu nói tới một “ông vua mặt trời”. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ không bước vào kỷ nguyên của một “nền dân chủ tuyệt đối”, và quên rằng mọi hình thức quyền bính được làm ra trước hết là để phục vụ. Người ta thường nói rằng nền dân chủ là “chế độ ít tàn ác hơn”. Khi tìm cách lắng nghe và tôn trọng thiện ích của tất cả mọi người, một quốc hội phải bỏ phiếu một luật tài chánh và làm luật. Nhưng nếu người ta tự ý chiếm lấy quyền thay đổi các nền tảng của xã hội, nghĩa là nếu người ta coi mình là Thiên Chúa Tốt Lành, thì khi đó chúng ta đang gặp nguy hiểm. Cả một quốc hôi cũng có thể dẫn đưa một quốc gia tới ngõ cụt. Thật luôn luôn khó mà khiêm nhường, khi có quyền bính trong tay.

Hỏi: Người ta thường tái đưa ra cuộc thảo luận về tính cách đời, nhưng có phải nó che dấu các nứt rạn sâu xa không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nước Pháp sống các hậu qủa của một cuộc xung đột cũ. Với luật tách rời năm 1905 Nhà Nước dấn thân bảo đảm tự do phụng tự và giao cho các tín hữu trách nhiệm tài trợ Giáo Hội. Điều này trao ban vinh dự cho các tín hữu công giáo. Việc đào tạo một chủng sinh tốn kém 20.000 Euro một năm. Vấn đề đó là đàng sau từ “tính cách đời” thường dấu ẩn một sư thù ghét tôn giáo. Vì thế, một nền cộng hòa đời thì chấp nhận được, nhưng một não trạng duy đời thì không chấp nhận được. Nguyên tổng thống Pháp đã thăng tiến một “tính cách đời tích cực”, và điều này là bằng chứng nó không phải như thế một cách tự phát. Theo nguyên tắc, từ này không cần đòi hỏi các tính từ. Nhưng trên thực tế, nước Pháp vẫn còn bị phân chia giữa hai trào lưu: tôn trọng tôn giáo hay tiêu diệt tôn giáo.

(Avvenire 25-8-2012)

Linh Tién Khải