Trong buổi Giáo Lý hôm ấy, vị giảng viên có đề cập đến chuyện “sợ”, nơi con người. Cụ cao hứng vào đề bằng một truyện cổ nước Nam, cho học viên nghe:
§16 – NÚI SỌ VÀ NỖI SỢ
( Mt 26, 39 )
Trong buổi Giáo Lý hôm ấy, vị giảng viên có đề cập đến chuyện “sợ”, nơi con người. Cụ cao hứng vào đề bằng một truyện cổ nước Nam, cho học viên nghe:
“Ngày xưa có một người muốn thoát khỏi bàn tay quân thù đang lục soát thôn làng, bèn lẩn vào một hang sâu núi thẳm quanh vùng, lánh nạn. Đêm đến, vì cuồng chân mỏi cánh, người ấy bèn ra ngoài hưởng tìm đôi chút trăng thanh gió mát. Bỗng, thấy có con ma nọ cứ lởn vởn quanh bụi rậm. Sợ quá, người này nằm rạp xuống đất không dám ngóc đầu ngọ nguậy gây tiếng động. Thấy thế, con mạ bèn xán lại gần và hỏi: “Này anh bạn, sao không ra ngoài mà chơi, chui vào đấy mà làm gì ?”
Thấy ma nói tiếng người sõi quá, người này càng sợ phát khiếp lên, run rẩy đáp: “Dạ, dạ thưa, con sợ ông quá con không dám ra”. Nghe thế, ma liền bảo: “Ơ kìa, sao mà lại ngốc thế ! Ta có gì đáng sợ đâu ? Có giống người kia mới đáng sợ. Anh bạn thử ngẫm nghĩ lại mà xem. Ai làm cho anh xất bất sang bang ? Ai làm anh ra cơ cực bần hàn, như thế này đây ? Người hay ma ?”
Nói xong, ma cười rống lên một tiếng thật to, rồi biến mất dạng trong đêm tối…”
Đám trò nhỏ nghe truyện cổ bèn nhao nhao phát biểu, có em cho rằng: từ xưa đến nay em chẳng biết sợ điều gì. Nhưng quỷ thì quả đáng sợ thật. Nói đến quỷ, một trò khác lên tiếng, bảo: hồi còn bé, em có thói quen đi Nhà Thờ làm thiếu nhi Cung Thánh, chuyên giúp lễ, quỳ chầu Mình Thánh Chúa suốt tuần. Có lần, thấy có các cha Dòng về Xứ Đạo làm tuần Đại Phúc giảng phòng, bổn đạo kéo đến ì xèo, nghe đông lắm. Chật ních Nhà Thờ. Nghe các cha Dòng giảng, hay thật. Nhưng khổ nỗi, các ngài hay đem chuyện quỷ dữ, với hồn ma hiện về cảnh cáo người còn sống. Nào là, ma quỷ cắt lưỡi người nói dối, nào là ma đội lốt người phàm, cứ kéo chân người ta lôi hết xuống hỏa ngục, chịu cảnh vạc dầu sôi lửa bỏng, nếu không bỏ tội vẫn lỗi phạm.
Nhiều người nghe xong, sợ quá cứ đấm ngực thùm thụp. Có vị còn kêu tên cực trọng suốt buổi giảng. Thậm chí, có người lại kéo nhau vào Tòa Cáo Giải xưng tội với cha Dòng cho yên tâm. Có người quá sợ cảnh lửa bỏng, bèn theo chân các cha, đăng ký tình nguyện gia nhập trường Dòng. Các cụ vốn nghĩ rằng: làm thế, sẽ nắm chắc chiếc vé thẳng lên Thiên Đàng, trăm phần trăm, không sợ gì !?!
Trên đây là mẩu chuyện nhỏ, mang dáng dấp cổ sơ thần thoại, khó tin là có thật. Nhưng, cũng không sai sự thật là mấy. Duy có chi tiết, bảo rằng: sợ hỏa ngục đến độ phải đăng ký gia nhập Dòng Tu này nọ, thì xem ra không thực tế. Chẳng thuyết phục được đám học trò lớp Giáo Lý.
Thời buổi khoa học, với những vi tính truyền hình bộc phát khắp nơi, mà còn nói chuyện sợ với sệt, thì xem ra không khoa học chút nào. Nói thì nói thế, nhưng thực tế vẫn có nhiều vị mang dáng dấp, những sợ và sệt, khi tham gia hành trình đi Đạo và giữ Đạo. Có vị, còn dựa vào Phúc Âm Lời Chúa, kể về hoàn cảnh không đến nỗi khiếp đảm, nhưng vẫn sợ, vội trích dẫn: “Người bắt đầu buồn bã và âu sầu. Bấy giờ Người bảo các ông:
“Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”.
(Mt 26, 38).
Và sau đó:
“Tiến xa thêm ít bước,
Người sấp mặt xuống mà cầu nguyện:
“Lạy Cha, nếu có thể được,
xin cho chén này qua đi khỏi Con !”
(Mt 26, 39)
Trích dẫn như thế, có người hiểu là: Đức Chúa đã hãi “sợ” vì phải uống chén đắng. Có lẽ Ngài sợ kinh qua con đường khổ ải nhục hình trước khi vào chốn vinh quang chăng ?
Với bản tính con người, quả là Đức Chúa cũng có lúc do dự khi cần có quyết định tiến lên với chương trình cứu độ, Cha Ngài trao. Bởi thế, Ngài nói tiếp:
“Nhưng song không phải như ý Con,
mà là như ý Cha.”
(Mt 26, 39)
Xem thế, thái độ do dự, hoặc khựng lại vài giây phút trước khi có quyết định có liên quan đến sự “rỗi” cả loài người, Đức-Chúa-Làm-Người” sao tránh khỏi trạng thái rất người” ấy.
Tuy nhiên, sợ hay không chính là thái độ của Si-môn Phê-rô, khi được người hầu gạn hỏi:
“Cả bác nữa,
bác cũng đã ở với ông Giê-su,
người Ga-li-lê đó chứ gì ?”
(Mt 26: 69)
Sau lúc ấy, chính cột trụ vững chắc của Hội Thánh, cánh tay mặt của Đức Chúa đã thật sự biết sợ. Thánh nhân sợ liên lụy, sợ dính dấp cảnh khổ hình như Thầy Chí Thánh của mình, trong khổ nhục, hay còn sợ nhiều chuyện xấu khác sẽ xảy đến.
Tuy nhiên, sau ba lần chối Thầy, Phê-rô thánh nhân đã thực sự biết “sợ”. Ngài sợ cho chính mình, sợ thái độ hèn hạ của mình, sợ khổ, sợ chết, chết như Thầy mình. Cũng may, vì biết sợ như mọi người, mà Thánh Phê- rô kịp quay đầu trở về mà sám hối đổi đời.
Là người, hẳn là còn một nỗi “sợ” khác, không kém hèn hạ và nhục nhã. Đó là nỗi “sợ” của vị trấn thủ Phi- la-tô, khi được vợ cảnh cáo, kể về cơn mộng mị “đáng sợ” bà vừa nằm mơ “thấy người ấy”. Cũng vì sợ bóng sợ vía, sợ liên lụy, mất chức. Sợ sự xấu xảy đến với gia đình, thôi thì đủ mọi thứ lo và sợ, kể sao hết. Bởi thế, quan trấn thủ Phi- la-tô mới rửa tay chấm dứt phiên xử bằng một lệnh truyền cho đem Đức Chúa đi đóng đinh.
Cũng trong trình thuật Tin Mừng, các chuyện về nỗi “sợ” của người phàm, đều như thế. Nhưng, ngôn ngữ và tinh thần của Tin Mừng, lại khác hẳn. Tin Mừng giải thoát con người, trước tiên là giải thoát khỏi những nỗi sợ quái đản. Sợ những chuyện không nên sợ, không đáng sợ.
Trong Tin Mừng thánh Mát-thêu có đoạn nói Đức Ki-tô chấn chỉnh các Tông Đồ khi thấy các vị quá hãi sợ, thì Ngài bảo:
“Đừng sợ chúng !”
(Mt 10, 26)
Hoặc:
“Đừng sợ những kẻ giết được xác,
nhưng không thể giết được hồn;
hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác
trong hỏa ngục.”
(Mt 10, 28)
Tóm lại, trong khí thế đồng hành với Giáo Hội, kinh qua những ngày cuối của Mùa Chay rất đáng sợ – hiểu theo nghĩa phàm tục – tưởng cũng nên tự kỷ và tự nhủ mà hướng thẳng về phía trước. Về những ngày tươi sáng có Chúa giải phóng hết mọi người khỏi nỗi sợ chết chóc. Chết cả xác lẫn hồn. Ta sẽ hiên ngang tiến vào vùng sáng Phục Sinh, có Chúa ở cùng.
Hiên ngang lên mà hát ca những lời lẽ triệt hạ nỗi sợ vu vơ:
“Đừng nhìn tương lai với những lo sợ
Đừng nhìn tha nhân trong nỗi nghi ngờ hay dèm pha
Đừng sợ chông gai vướng chân ta
Đừng ngại gian lao suốt tâm hồn sáng chân người…
Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên.
(Lê Hựu Hà – Bài ca tuổi trẻ)
o0o
Thành thử, hãy sống như tuổi trẻ, tuổi không biết sợ, dù có lên Núi Sọ với Đức Giê-su trẻ tuổi…
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ tự nhủ
dù cho không còn trẻ.
Tác giả Trần Ngọc Mười Hai