những câu hỏi về Chúa Ba Ngôi, nhưng chưa bao giờ được ai đặt câu hỏi: “Phải giải thích như thế nào về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” mà lại kèm theo bốn chữ “cho dể hiểu nhất.”
Phải giải thích như thế nào về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho dễ hiểu nhất? Hi vọng con sẽ không nghe câu nói: "Vì là mầu nhiệm của Chúa nên con người chúng ta không hiểu được"
Lãng Khách
Vài chia xẻ đầu tiên với Lãng Khách
Thú thật chú đã từng dạy giáo lý nhiều năm, có những tuần dạy ba buổi, đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi, có cả những câu hỏi về Chúa Ba Ngôi, nhưng chưa bao giờ được ai đặt câu hỏi: “Phải giải thích như thế nào về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” mà lại kèm theo bốn chữ “cho dể hiểu nhất.”
Đã thế lại còn kèm theo một lời yêu cầu cũng dễ thương không kém : “Hi vọng con sẽ không nghe câu nói:"Vì là mầu nhiệm của Chúa nên con người chúng ta không hiểu được"
Trong đại chủng viện, môn học về Chúa Ba Ngôi ( “De Uno et Trino” hay “De Trinitate”) là một môn chính, thuộc phần thần học Tín Lý, trung bình học trong 60 giờ, bây giờ phải viết lại làm sao cho dễ hiểu ngắn gọn, viết mà người đọc không chán, lại không viết sai hay lạc giáo, trên diễn đàn này thì .. quả là còn khó hơn học về chính Chúa Ba Ngôi!
Thường chúng ta nghe giai thoại sau đây về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi . Các Sơ dạy giáo lý hay các Cha giáo thường kể lại. Trong các bài giảng, các cha xứ thường hay kể lại như một lời biện hộ, cho bài giảng của mình về Chúa Ba Ngôi.
Khi thánh Augutinô đi trên bờ biển và suy nghĩ cố tìm hiểu về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, thì ban đầu, khi đi qua đi lại, chìm đắm vào trong suy tư của mình, ngài không để ý một chú bé đang dùng một cái vỏ sò múc nước biển đổ vào cái lổ đào trên cát . Khi ý thức được chung quanh và thấy chú bé hoài công chạy lên chạy xuống, Ngài hỏi :
-“Con làm gì thế ?”
-“Con muốn múc cho hết nước biển đổ vào cái lỗ này ”
–“Con có biết đó là môt điều không thể làm được không ?
Chúng ta ai cũng biết câu trả lời của chú bé, đại ý:
-“Nhưng thưa ngài điều này còn dễ hơn là vấn đề Ngài đang suy nghĩ trong đầu !”
Dĩ nhiên đó chỉ là câu chuyện cho thấy rằng trong các mầu nhiệm đã khó hiểu, thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi lại là “mầu nhiệm của các mầu nhiệm”.
Viết về Kinh Thánh thì còn tản mạn được, nghĩa là nghĩ lan man tới đâu viết tới đó, suy niệm tới đâu viết tới đó, tìm tòi được tới đâu viết tới đó, thu thập được điều gì hay, điều gì mới người ta chú giải ra thì viết tới đó.
Nhưng viết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì không thể theo lối ấy. Phải sử dụng những từ ngữ chuyên môn. Trước khi đó lại phải định nghĩa chúng. Rồi phải viết cho đúng sách vở.
Lãng Khách có biết không, trong lịch sử Giáo hội, chỉ vì một từ “Filioque” thôi, mà giáo hôi đã chia ly làm hai. Đại ly giáo đông phương nổ tung chỉ vì phần chính là do từ này, khi nói (hiểu) về tương quan giữa Ba Ngôi với nhau.
Bên Công giáo Lamã, trong kinh Tin Kính, khi chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần chúng ta đọc rằng: “Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (từ La Tinh đọc là “Filioque” ) trong khi Giáo hội Đông Phương lại cho rằng “Đức Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Đức Chúa Cha qua Đức Chúa Con .”
Xem thế có lẽ cách hay nhất, ngắn nhất, chính xác nhất là dịch nguyên văn một cuốn sách giáo khoa học về Chúa Ba Ngôi trong Đại Chủng viện.
Hơn nữa dành câu trả lời cho Cha Giáo nào dạy về Chúa Ba Ngôi trong đại chủng viện, chứ người viết e khó mà trả lời cho thấu đáo .
Sau đây là những trang web Lãng khách có thể tham khảo :
Trang trong Wikipedia : bằng tiếng Pháp, Bài giới thiệu tổng quát bằng tiếng Pháp http://fr.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A9ologie_trinitaire
Hoặc vào trang giáo phận Đà Lạt, có một trang mục lục về Chúa Ba Ngôi , có các bài tài liệu của ĐC Bùi văn Đọc ở đây :
http://www.simonhoadalat.com/Submenu/Sub_doc/Sub_menu3_doc4.html
Nên đọc bài LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU BA NGÔI của ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, nếu có can đảm :
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/BaNgoichp2.htm
Trong Trang Người Tín Hữu, về Chuá Ba Ngôi , chỉ có môt trang ngắn gọn như thế này. dịch từ sách của Cha Nouwen :
http://www.nguoitinhuu.com/dvd/chuong7.html
Rõ ràng, về Chúa Ba Ngôi, nói cho ngắn gọn thì không đủ. Mà nói cho đủ thì không thể ngắn.
Mà Lãng Khách cũng phải biết rằng: để trả lời cho câu hỏi của Lãng Khách thời người trả lời ắt cũng phải đọc lại các tài liệu ấy (hay các tài liệu tương tự ) rồi mới có thể trình bày lại cho ngắn và không sai lạc được.
2-
Thú thật với Lãng khách rằng, ngay từ ban đầu, khi đọc câu hỏi, chú đã ngần ngại không muốn trả lời. Lý do quan trọng là đề tài này chắc chắn khô khan, thuần túy suy luận, và nặng về lý thuyết .
Viết ra trên Net, không biết viết có đủ vui , đủ hấp dẫn, và “thông thoáng” dễ đọc, để người đọc đủ nhẫn nại bỏ thời giờ và tiền bạc lên Net để đọc bài hay không ?
Nhưng nghĩ lại, nếu mình không viết và ai cũng lý luận để thoái thác như mình thì hẳn giữa muôn vàn thông tin trên mạng, chẳng có (hay là ít có )nơi nào viết về Thiên Chúa và các kiến thức giáo lý về Ngài.
Cuối cùng chú chọn giải pháp trả lời cho câu hỏi của Lãng khách bằng cách viết ra thành tài liệu để Lãng Khách có thể dùng để dạy giáo lý cho trình độ lớp 10 – 12.
Khỏi cần nhắc lại lần nữa rằng bài sẽ rất khô khan đấy nhé. Chú cháu mình cùng hy sinh vậy, người chịu khó viết, người chịu khó đọc. Ít là một mình cháu đọc thì cũng bõ công rồi .
3-
Chúng ta bắt đầu loạt bài của chúng ta bằng câu chuyện này :
Chú có một người quen biết, vừa là thầy dạy vừa là bạn. Người ấy viết tặng chú một bài giao hưởng đồ sộ dài hơn hai tiếng đồng hồ, cần đến cả một giàn nhạc với 120 nhạc công đủ loại nhạc cụ mới trình tấu cho đạt bản giao hưởng có một không hai này.
Phần chú, vốn nhạc đựng không đầy một lòng bàn tay, chỉ đủ để nghêu ngao các bài thời trang hay sinh hoạt cộng đồng, kiểu như bài “Hà nội mùa này vắng những cơn mưa… ” Và lấy đó làm hay và thoả mãn rồi.
Khi bản giao hưởng được ban nhạc trường Quốc Gia Âm Nhạc trình tấu lên, chú chẳng hiểu gì, chỉ nghe ầm ầm như bão táp. Hàng trăm nhạc cụ được phối khí cái trước cái sau hay vang lên cùng một lúc, chú như vịt nghe sấm, chỉ biết đó là tiếng động, ồn ào chứ không cảm được đó là âm nhạc hoặc nó hay ở chỗ nào …
Người bạn trân quý bản giao hưởng, thấy nó hay vô vùng, coi nó như là một tuyệt tác để đời.
Nhưng đối với chú, nó là vô ích, và chú dửng dưng với nó.
Dĩ nhiên người bạn ấy buồn lắm. Cuối cùng người ấy biết rằng điều chú cần là lòng yêu thích âm nhạc và kiến thức về âm nhạc.
Vì “vô tri” thì “bất mộ.”
Thế rồi người bạn ấy nhẫn nại dạy cho chú từng chút để biết về âm nhạc, biết cách thưởng thức cái hay của âm nhạc, dạy chú về căn bản nhạc lý,về căn bản hoà âm, thế nào là các quãng trong hoà âm và trong chuyển hành. Quãng Năm là gì, quãng Bẩy là gì. Tâm lý các quãng. Quãng Ba nói lên điều gì. Quãng Bốn có diễn tả được điều gì không. Thế nào lại hai quãng Năm hai quãng Tám đi liền nhau. Rồi cách dùng cách loại Kết. Kết giáo đường là gì. Cách dùng các hợp âm. Cách hoà âm. Cách dùng các công thức hợp âm, ví dụ như bậc IV chuyển sang bậc V rồi sang kết ở bậc I.
Sau đó người bạn ấy dạy chú về các thể loại nhạc, về tẩu pháp, về phối khí, về các phân đoạn trong từng bản giao hưởng, cho chú nghe từng đoạn nhạc ngắn, tập cho tai chú nghe ra được từng dòng nhạc cụ riêng biệt trong một đoạn nhạc, rồi nghe ra được từng hợp âm trong một trích đoạn, giảng giải cho chú biết được đoạn ấy hay chổ nào, cách hành âm ra sao, và nói lên điều gì …
Và cuối cùng cái "óc đất" của chú đột nhiên "vỡ ra".
Các tiếng động trước kia trong bản giao hưởng nay trở thành âm thanh và đột nhiên hoá thân thành những giọt nhạc ngọt ngào, hiện thân thành những tia nắng , làm cho cả tâm hồn và thế giới của chú bừng lên, rực rỡ với hàng triệu màu sắc hài hoà tuyệt vời.
Chú bỗng nhận ra được bài giao hưởng ấy hay tuyệt vời.
Đó cũng là cách chúng ta tiếp cận các chân lý về Thiên Chúa, nói cách khác, các mầu nhiệm Thiên Chúa.
Với trí óc con người hạn hẹp trong một tia thông minh nhỏ nhoi, chúng ta nghèo nàn như gà què ăn quẩn cối xay, chỉ biết nhìn các mầu nhiệm Thiên Chúa ngang tầm mắt chúng ta mà thôi. Chúng ta chỉ hiểu Thiên Chúa chỉ bằng tầm cao các ao ước, các khát vọng, các trông chờ nông cạn. Nghĩa là những gì không quá khó hiểu, không quá đòi hỏi, không quá “vượt ngưỡng hiểu biết”.
Thiên Chúa, đối với chúng ta, lúc ấy, chỉ như những bài hát thời trang dễ nghe dễ hiểu.
Nhưng thật ra Ngài còn muốn cho chúng ta thưởng thức bản giao hưởng đồ sộ và siêu việt tuyệt vời hàng triệu lần hơn thế, bản giao hưởng là chính Ngài: “Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi riêng biệt”.
Nếu dùng cho gọn mà chính xác, chúng ta dùng lại công thức cũ của sách Bổn ngày xưa: “Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị”.
4-
Mầu nhiệm Ba Ngôi tự nó rất phức tạp và khó hiểu. Thường thì chúng ta ngại ngùng nghiên cứu học hỏi thêm về mầu nhiệm này, và bằng lòng với sự lười biếng của mình khi chỉ cần nhủ thầm trong lòng công thức đã thuộc từ tấm bé: “Tôi tin có một Chúa mà Ba Ngôi. Ngôi thứ Nhất là Cha. Ngôi thứ hai là Con. Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.”
Thiên Chúa cũng giống như người bạn nhạc sĩ của chú, Ngài từ từ dạy cho chúng ta từng chút từng chút về chính Ngài, Ngĩa là Ngài mạc khải cách tiệm tiến.
Y hêt như, sau khi khai tâm cho chúng ta biết qua các kiến thức cơ bản về âm nhạc, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta về chính bản giao hưởng siêu việt tuyệt vời. Hy vọng chúng ta thưởng thức được nét đẹp cao cả của nó.
Chúng ta bắt đầu đi dần vào vấn đề.
Trước hết Thiên Chúa dùng sự sáng tạo để bắt đầu nói cho chúng ta biết về chính Ngài: Thiên Chúa là Tình Yêu . Ngài dựng nên trời đất vũ trụ muôn loài muôn vật, để chuẩn bị cho con người xuất hiện. Sau đó Ngài dựng nên con người.
Sỡ dĩ Ngài ban cho con người có trí khôn, là để trong mọi loài Ngài đã tạo dựng nên, có một loài là loài người hiểu được về Ngài, biết được về Ngài.
Rôì Ngài tỏ mình (có nghĩa là mạc khải) cho Abraham biết mình là ai , là Thiên Chúa Duy Nhất trong vũ trụ này, mà con người chỉ phải tôn thờ một mình Thiên Chúa Duy Nhất ấy mà thôi.
Abraham biết và hiểu điều ấy. Ông tin thờ vị Thiên Chúa đã tỏ mình cho ông và gọi ông. Rồi ông truyền niềm tin ấy cho con cháu ông, là dân Do thái. Trải qua bao đời, người Do thái vẫn trung kiên giữ niềm tin ấy.
Lúc thăng lúc giảm, những lúc Do thái xao xuyến yếu lòng, Thiên Chúa nhờ các tiên tri nhắc, dạy, răn đe dân chúng vững niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất của toàn thể vũ trụ ấy.
Nghĩa là cho đến lúc này, chính dân Do thái đã đại diện cho loài người mà tin và giữ niềm tin vào Một Thiên Chúa Duy Nhất . Họ tin có Thiên Chúa và Thiên Chúa chỉ có Một.
Rồi sau nhiều lần nhiều cách dùng các tiên tri để nói thay cho Ngài, thì đến lúc mà Kinh Thánh gọi là “thời gian viên mãn”, Thiên Chúa đích thân sai Người Con của Ngài để nói với chúng ta về chính Thiên Chúa.
Thế ra Chúa Giêsu là người đầu tiên nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như thế chúng ta đang đi theo dòng lịch sử để trình bày về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Theo chú cách tiếp cận này là cách dễ hiểu nhất. Nghĩa là chúng ta tìm hiểu xem tri thức của loài người về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được dần dần thành hình như thế nào.
A- Ba Ngôi Trong Tân Ước
Sau đây là những câu hay những đoạn Tân Ước xa gần nói về, hay ghi lại những câu nói của Chúa Giêsu, mà sau này người ta dùng làm nền tảng để suy tư về sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi :
a)
Đoạn đầu tiên có lẽ là đoạn Kinh Thánh miêu tả cuộc thần hiển riêng với Mẹ Maria : “Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1:35)
Chúng ta thấy có nhắc đến Thiên Chúa Tối Cao trên trời , Người Con trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ .
b)
Bên bờ sông Giodan, lúc Chúa Giêsu nhận phép rửa của Gioan “Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (3:21-22)
c)
Thánh Gioan Tiền Hô đã chứng nhận : “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người… Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. (Gn 1:31.34)
d)
Lúc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor : “Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! " (Lc 9:35)
e)
Ngay đầu sách Tin Mừng của mình, thánh Marco đã viết : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1)
Ấy là mới liệt kê ra vài đoạn để làm minh hoạ. Còn nhiều chổ khác trong bốn Tin Mừng có nhắc đến hai hay cả Ba Ngôi như thế.
Nhưng đoạn quan trọng và được chú giải cũng như tìm hiểu nhiều nhất là công thức rửa tội trong sách Tin Mừng theo Matthêu : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19)