PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (11 – 20)

PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (11 – 20)

Hạnh Tích Các Thánh - Mar 24/03/2014

Cha Đa Minh Tước trú ẩn trong nhà tôi trong thời gian khá lâu cho nên chúng tôi đã được chứng kiến đời sống đạo đức thánh thiện sâu xa của cha. Cha thức suốt đêm để cầu nguyện và dâng lễ ngay từ sáng sớm. Trong lúc cha dâng lễ thì tôi ra vườn theo dõi canh chừng giúp Cha

PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (11 – 20)

Ngày 2 tháng 4:

Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước,

Linh mục ( 1775-1839)

Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước sinh quán tại làng Trung Lao, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngay từ nhỏ, Ngài đã tỏ ra là người ngoan đạo, đức tin vững vàng. Khi làm linh mục Ngài đã hết lòng nhiệt tình lo việc truyền giáo và săn sóc phần rỗi các linh hồn.

Ngày 17 tháng 4 năm 1811 Ngài xin nhập dòng Đa Minh và sau một năm luyện tập theo luật Dòng, Ngài được Bề trên chấp nhận cho tuyên khấn 3 lời khấn của Dòng ngày 18 tháng 4 năm 1812. Sau khi khấn Dòng, Đức Cha Delgado Y bổ nhiệm Ngài coi sóc giáo dân ở Xương Điền, một giáo xứ có gần 4 ngàn giáo dân. Giáo xứ Xương Điền thuộc điạ phận Đông Đàng Ngoài nay là giáo phận Bùi Chu. Với tư cách là cha Xứ có hơn  bốn ngàn giáo dân, Ngài dùng mọi thời giờ để săn sóc đời sống đạo của từng gia dình, lo dọn những bài giảng, bài giáo lý dậy cho giáo dân hiểu biết sâu rộng hơn về đạo thánh Chúa. Ngài rêu gương đời sống cầu nguyện và tha thiết kêu mời mọi người đến với Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Nhiều lần Đức Cha đã ngỏ lời khen ngợi Ngài là một chúa chiên tốt lành. Tới năm 1838, lệnh bắt đạo của vua Minh Mạng mỗi ngày càng trở nên gay gắt  tại các tỉnh thuộc giáo phận Đông và Trung. Thấy quân lính xông xáo khám xét khắp nơi, Ngài phải ẩn lánh trong nhà các tín hữu, nay nhà này mai nhà khác. Trong các gia đình đã cho Ngài ẩn trốn, có gia đình ông Đa Minh Đoài đã cho Ngài ở tới 2 tháng. Ban ngày thì Ngài âm thầm ẩn trốn trong phòng kín đáo, ban đêm Ngài bí mật lén lút đi thi hành công tác mục vụ. Gia dình ông Đoài là người ngoan đạo có hạnh phúc được ở với Ngài trong thời gian quí báu này. Ông kể lại rằng:

-“Cha Đa Minh Tước trú ẩn trong nhà tôi trong thời gian khá lâu cho nên chúng tôi đã được chứng kiến đời sống đạo đức thánh thiện sâu xa của cha. Cha thức suốt đêm để cầu nguyện và dâng lễ ngay từ sáng sớm. Trong lúc cha dâng lễ thì tôi ra vườn theo dõi canh chừng giúp Cha”.

Có lần tôi tâm sự và hỏi cha: 

– “Nếu người ta bắt cha thì cha sẽ xử trí ra sao?

Cha  trả lời: 

– “Nếu có thể thì chạy trốn,  còn không thể trốn nữa thì xin vâng theo ý Chúa. Điều cha lo lắng là làm thế nào để những người cho cha ẩn trú không phải phiền lụy vì cha, nếu cha bị bắt.”.

Vì sợ lộ nên cha lại phải di chuyển về trú ẩn nhiều nơi khác nhau tại làng Xương Điền. Ở lâu nhất tại nhà ông Nhiêu Thịnh giáo dân xứ Xương Điền. Ban ngày thì trốn trong nhà hay dưới hầm nhà, ban đêm thì cha lại lén lút đi thăm giáo dân, giảng dạy giáo lý cho những người tân tòng hoặc thăm viếng và an ủi những người già yếu, bệnh tật. Nhiều lần ông Nhiêu Thịnh xin cha cẩn thận vì sợ có nhiều kẻ dòm ngó, theo dõi. Nhưng cha nói là cứ phó thác cho Chúa. Chúa định sao thì cha sẵn lòng vâng theo.

Trong vùng lúc ấy có một người tên Phan vì tham tiền và chức tước nên đã bỏ đạo rồi đi tố cáo và nộp Đức Cha Henares và Thầy Chiểu nên vua đã thưởng cho nhiều tiền và thăng quan tiến chức, được gọi là quan Bát Phẩm Phan phụ trách tổng Cẩm Hà. Nay ông lại muốn. lập công nữa nên đã cho người đi dò xét nơi các linh mục ẩn trú và tìm mọi cách để ngăn cản việc truyền giáo của các Ngài. Hắn lại cho người theo dõi để tố cáo bắt cha Đa Minh Tước nữa.

Thế rồi đêm ngày 2 tháng 4 năm 1839 khi cha vừa từ nhà ông Giuse Tuyên về và đang chuẩn bị dâng thánh lễ thì một nhóm người chừng 40 người lương do tên Bát Phẩm Phan xông vào bắt cha tại nhà ông Nhiêu Thịnh. Thấy bị động cha liền mau lẹ cởi áo lễ, chạy ra vườn ẩn trốn. Nhưng không may, có người nhận ra cha nên chặn cha lại. Thấy vậy, cha liền hỏi:

-“ Các anh đi tìm ai?

Họ nói:

– “Tìm bắt linh mục Tước

Cha điềm đạm trả lời:

– “Chính tôi là linh mục Tước đây!”

Thế là đoàn người xông vào bắt trói cha và áp giải về Cẩm Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Đinh.

Khi biết tin cha bị bắt, giáo dân xứ Xương Điền đã cố gắng dùng tiền để chuộc cha nơi quan Bát Phẩm Phan, nhưng không kết quả. vì thế họ đã tìm cách giải thoát cha.khỏi tay bọn lính. Họ sợ rằng tin cha bị bắt được loan đi các nơi, sẽ làm cho nhiều tín hữu hoang mang lo sợ và bỏ đạo. Đàng khác, theo phong tục lúc bấy giờ đàn bà không có vũ khí mà đánh nhau với lính thì vô tội vạ và lính không được dùng vũ khí để đàn áp đàn bà. Do đó họ đã cử một số phụ nữ đi trước để tấn công bọn lính, còn đàn ông đi sau để yểm trợ và cản đường bọn lính một khi giải thoát được cha. Trước tình thế ấy, bọn lính nhất quyết áp giải cha và khi cùng đường, tên đội trưởng ra lệnh cho tên Ngọc đánh đập cha tàn nhẫn, bổ trên đầu cha một nhát búa, khiến cha ngã gục ngay trong vũng máu. Sau đó bọn lính xô nhau chạy thoát thân. Các tín hữu lúc ấy vừa chạy tới, một số chạy rượt bọn lính, một số ở lại săn sóc cha. Nhưng vì nhát búa oan nghiệt qúa đau đớn cha biết mình không thể sống được nữa nên âu yếm nhìn đoàn con và nói đôi lời an ủi, khuyên đoàn con giữ vững Đức Tin, rồi cha. thều thào kêu:

-“Giêsu Maria Giuse

rồi nhắm mắt lại, trút hơi thở cuối cùng trong tay Chúa ngay chính ngày hôm ấy. Đó là ngày 2 tháng 4 năm 1839, lúc ấy cha vừa tròn 64 tuổi.

Giáo dân tin rằng cha đã được phúc tử vì đạo nên đã tranh nhau thấm máu của cha, đào cả đất và lấy cả cỏ đã thấm máu của cha đưa về làm kỷ niệm và cầu nguyện với cha. Thi hài cha được chôn ngay chỗ cha bị đánh chết. Sau một thời gian thì giáo dân cải táng đưa về cử hành lễ an táng cách long trọng tại nhà thờ Họ thuộc xứ Xương Điền.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Cha Thánh  Đa Minh Tước

Ban đầu giáo hữu Xương Điền

(Bốn ngàn ước lượng) lại yên trí rằng:

Lính quan đến bắt phải chăng?

Nên im lặng chẳng nói năng một lời

Nhưng khi tìm hiểu tới nơi

Biết rằng Bát Phẩm dẫn người đến đây

Ông trùm liều quyết phen này

Hò dân đánh tháo tại ngay trong làng

Đàn bà các túi tro mang

Ném vào mặt lũ sói lang bắt Ngài

Đàn ông giáo mác một hai

Đánh nhau với bọn tay sai vào hùa

Nhưng rồi giáo hữu bị thua

Bắt cha chúng nhốt, dân hò hét la

Cha ra hiệu: ý rằng là

Hãy yên lặng để mặc cha được rồi

Đến gần cha nói: Hãy thôi

Làm vậy chỉ tổ khơi mòi giêt cha

Chúng nghe, nảy  ý gian tà

Giết cha một cách thật là dã man

Lệnh trên hay án chẳng cần

Một tên là Ngọc đến gần rút gươm

Chem đầu Cha, mắt gờm gờm

Chém hai nhát máu chảy tuôn đầm đià (Trương Hoang).

 

Ngày 6 tháng 4:

Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh,

Linh mục (1793-1857)

Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh tại xã Trịnh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, là người con thứ ba của một gia đình Công giáo đạo hạnh. Lúc 12 tuổi Ngài đã từ giã cha mẹ lên đường dâng mình cho Chúa, vào ở với cha Duệ xứ Bạch Bát. Sau 3 năm tìm hiểu ý nguyện và lòng đạo đức vững chắc, Cha Duệ gửi Ngài vào Chủng viện Vĩnh Trị. Trong chủng viện, Ngài là một chủng sinh gương mẫu về đời sống đạo đức, hãm mình, ăn chay các ngày thứ sáu, đánh tội và nằm đất. Sau đó Ngài vào ẩn tu trong rừng Bạch Bát, thuộc tỉnh Thanh Hoá, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Nhưng một năm sau, Đức Cha Longger Gia nhắn tin buộc thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh phải trở về Đại Chủng Viện để tiếp tục học thần học, lãnh các chức nhỏ đồng thời dạy học.

Đức Cha Havard Du lên kế vị Đức Cha Longger Gia, Ngài đã cử thầy Lê Bảo Tịnh đi Macao hai lần để nhận những tài khỏan được trợ cấp cho địa phận.  Hai chuyến đi trong vòng hai năm, cũng chính là hai lần thoát chết vì bão tố và  thoát khỏi những tay cướp biển ghê gớm.

Năm 1837, Ngài được Bề trên sai đi truyền giáo tại Ai Lao. Sau một năm hoạt dộng truyện giáo, Ngài thấy công việc tiến triển quá tốt nên trở về địa phận xin Đức Cha cho thêm nhân sự. Thế nhưng  tình thế tại quê nhà trong lúc ấy đang trở nên vô cùng khó khăn! Thi hành lệnh của vua, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh của Nam Định đã ra lệnh truy lùng các linh mục một cách vô cùng gắt gao. Cha Đỗ Mai Năm, Ông Trùm Đích, ông Lý Mỹ đã bị bắt và tử đạo, Chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa. Đức Cha Havard Du phải ẩn lánh và chết trong lúc ẩn lánh ngày 5 tháng 7 năm 1838. Sau đó Đức Cha Dumoulin Borie Cao được chỉ định làm Giám mục thay Đức Cha Havard Du cũng bị bắt và tử đạo trong lúc chưa kịp lãnh nhận nhiệm vụ. Trong lúc đó thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh được Bề trên sai đi giảng dạy Giáo lý cho tân tòng tại làng Thạch Tổ xứ Bích Trì, tỉnh Hà Nam. Đức Giám mục biết thầy không những có một trí óc thông minh, kiến thức sâu rộng với một thân hình dong dỏng cao gầy, dáng vẻ đạo mạo, thư sinh. mà tâm hồn thầy còn luôn ôm ấp một lý tưởng đem Tin Mừng Chúa Kitô rao truyền cho khắp miền đất nước thân yêu, nên Đức Giám mục rất quí trọng và tin tưởng lòng nhiệt thành của thầy.Những ai chỉ gặp thầy một lần cũng đủ biết thầy là một người có lòng nhân ái, khôn ngoan, bặt thiệp và thiết tha với quê hương nước Việt. Chính vì những đức tính tốt lành, được mọi người yêu kính mà lý trưởng làng này sinh lòng ghen tị muốn mưu hại thầy. Ông đặc biệt theo dõi những công việc của thầy. Ông biết rõ thầy Lê Bảo Tịnh đi truyền đạo và thu phục được nhiều người theo đạo nên ông quyết định bắt thầy và nộp cho quan tổng đốc tỉnh. Khi thầy bị bắt giáo dân đem tiền nộp quan xin chuộc thầy nhưng thầy nói

-“Nếu chỉ vì tiền mà tha thì tôi không muốn”.

Thế là thầy bị giải về nộp cho quan Tuần Phủ Hà Nam rồi chuyển về giam giữ tại Hà Nội.

Sau 7 năm bị giam giữ tại Hà  Nội rồi bị đầy đi Phú Yên mãi tới khi vua Thiệu Trị băng hà ngày 4 tháng 11 năm 1847, vua Tự Đức lên ngôi. Vua ban ân xá và phóng thích các tù nhân. Nhờ vậy thầy Lê Bảo Tịnh được tha và trở về giáo phận trong sự vui mừng của nhiều người. Trong dịp này, Đức Giám mục giáo phận cũng rất vui mừng và quyết định phong chức linh mục cho thầy lúc thầy đã 56 tuổi. Sau khi lãnh chức linh mục được một năm thì cha được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc kiêm giáo sư Chủng viện Vĩnh Trị. Cha đã viết nhiều tác phẩm đạo đức như: Phúc Âm Dẫn Giải, Giáo Lý Đại Cương, Lục Vấn Lương Tâm, Những Lời Khuyên Thực Hành Dọn Mình Chết Lành v.v.

Trong thời gian làm bề trên chủng viện, cha thường khuyên các chủng sinh giữ gìn kỷ luật, vì kỷ luật sẽ giúp ta thể hiện lòng yêu mến Chúa, nâng đỡ đời sống dâng hiến. Ngoài việc tuân giữ kỷ luật, cha còn nhấn mạnh tới sự cầu nguyện. Cha nói, khi rao giảng Lời Chúa mà không có cầu nguyện thì lời giảng sẽ không có sức thuyết phục, lời giảng không có hồn thì sẽ bay đi mau chóng. Cha rất yêu mến Thánh Giá và Thánh Thể. Bất cứ nơi nào cha ở hay cha thường lui tới đều có bóng dáng Thánh Thể và Thánh Giá. Mỗi khi dâng lễ, cha dọn mình sốt sắng và dâng lễ một cách trang nghiêm, siêu thoát . Vì yêu mến Thánh Thể và Thánh Giá nên cha thường thăm viếng bệnh nhân, ban các bí tích, giúp đỡ người nghèo, nhất là các bệnh nhân phong cùi. Nhiều người đã nói, cha Lê Bảo Tịnh đã tử đạo từ trước ngay trong cuộc sống rất nghiệm ngặt của cha rồi.

Lịch sử Truyền Giáo của các cha Hội Thừa Sai Paris còn ghi lại rằng năm 1857, cha Kỳ và cha Hảo về tổ chức lễ tại nhà thờ Phát Diệm rất long trọng, có rước kiệu, thu hút rất đông giáo dân từ nhiều nơi đổ về. Lòng người nao nức, vui mừng. Nhưng đây cũng là dịp làm cho nhiều người đã sẵn lòng ác cảm với đạo Chúa thêm lòng ghen ghét thêm. Nhân dịp này họ vu khống và đi tố cáo với quan tổng đốc Ninh Bình rằng các cụ đạo “mở hội khao quân” âm mưu chống triều đình. Quan tổng đốc liền cho quân về Phát Diệm bao vây bắt các cha. Nhưng cha Kỳ và cha Hảo đã nhanh chân chạy thoát về Vĩnh Trị. Sau đó họ gửi giấy về Nam Định, yêu cầu quan Tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Hưng truy nã và bắt hai cha Kỳ và Hảo.

Ngày 27 tháng 2 năm 1857 quan phủ Nghĩa Hưng đích thân chỉ huy một lực lượng hùng hậu kéo về bao vây làng Vĩnh Trị. Quan Tổng đốc vốn có lòng quí mến cha Lê Bảo Tịnh nên đã cho người mật báo cho cha Lê Bảo Tịnh, nhưng vì bất ưng bị bệnh nặng, người đó không thể đi thông báo được cho nên chủng viện Vĩnh Trị khi ấy vẫn sinh hoạt bình thường cho tới khi quan quân đã về bao vây kín khắp làng. Vì quá cấp bách, Đức cha Liêu và các cha khác bàn định đồng ý chạy trốn, chỉ để một mình cha Lê Bảo Tịnh ở lại để đối phó.Khi quan phủ Nghĩa Hưng và ông Phán Trứ tới, cha Lê Bảo Tịnh vui vẻ mời các vị đó vào phòng khách, tiếp nước trà rồi trình bày giấy phép của quan Tổng Đốc.Nhưng sau khi khám xét, quan phủ Nghĩa Hưng thấy nhà trường có nhiều đồ quốc cấm, như sách tiếng la tinh, áo lễ, đồ thờ phượng từ nước ngoài gửi tới, nên quan làm biên bản rồi bắt luôn cha Lê Bảo Tịnh về tỉnh để điều tra thêm.

Trước khi đi, cha Lê Bảo Tịnh vào Nhà Nguyện cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ rồi từ gĩa các chủng sinh rồi theo quan phủ và đoàn quân về phủ. Được tin cha Tịnh bị bắt, Đức Cha Liêu đã tìm mọi cách để chuộc cha Lê Bảo Tịnh trước khi quan phủ giải cha về tỉnh. Nhưng cuộc dàn xếp không thành.

Thế là cha Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt và đây là lần thứ hai cha bị bắt dưới triều vua Tự Đức. Sau nhiều lần tra hỏi, quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng vẫn nhớ ân tình với cha Lê Bảo Tịnh vì trước kia cha đã chữa bệnh đau mắt cho quan. Trước hoàn cảnh khó xử, một đàng là lệnh của vua, một đàng là tình nghĩa, là ân nhân của mình, quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng thật khó xử. Quan liền ân cần khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá để quan tha cho cha. Nhưng cha cương quyết từ chối, không chịu bỏ đạo. Trong thời gian giam giữ, nhiều lần quan Nguyễn Đình Hưng đã gặp gỡ, truyện trò với cha, lấy tình bạn khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá để có đủ lý do quan tha cho cha về. Nhưng là một linh mục, là chứng nhân của Thiên Chúa, cha cũng đã rất lịch sự và thành thật trình bày với quan tổng đốc rằng dù có phải chết thì cha vẫn sẵn lòng chấp nhận chết chứ không bao giờ cha phản bội Thiên Chúa. Cha cũng nhân dịp này cắt nghĩa cho quan tổng đốc về ý nghĩa cuộc sống ở đời này và sự sống đời sau, Thiên Đàng và Hoả ngục. Cha nhấn mạnh với quan rằng đạo Gia Tô thờ kính Thiên Chúa, là đạo chân thật, không có gì chống đối vua chúa và triều đình cả. Vua chúa hiểu sai lầm về đạo rồi bị các cận thần có ác ý xúi bẩy mà cấm đạo và giết hại những người theo đạo mà thôi. Quan tổng đốc tỉnh Nam Định nghe cha nói thì cám ơn cha, nhưng lệnh vua thì quan phải thi hành. Xin cha thông cảm.

Lần cuối cùng quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng muốn cứu vị ân nhân của mình bằng cách chính tay ông viết bản án và thêm

“Xét rằng Lê Bảo Tịnh đã già ngoài 60 tuổi. Chiếu theo luật nước, không nên xử tử những người già nua tuổi tác như thế. Xin cứ giam ở Nam Định và cứ giữ tại đó cho tiện”.

Trong thời gian bản án gửi về kinh thì cha Lê Bảo Tịnh được giam ở Trại Vệ, nơi đây có nhiều người Công giáo bị bắt và giam giữ ở đây. Được cơ hội tốt, cha khuyên bảo, củng cố đức tin mạnh mẽ cho anh em. Nhờ lời khuyên bảo và lòng sốt sắng của cha mà anh em được vững mạnh hơn, đức tin được thêm vững chắc, nhất quyết một lòng tin theo Chúa. Phần cha, cha cũng  dành nhiều thời giờ để cầu nguyện sốt sắng, dọn mình đổ máu vì lòng yêu mến Chúa. Trong những ngày này cha cũng viết một tâm thư rất dài và rất cảm động gửi về cho các chủng sinh của cha tại chủng viện Vĩnh Trị.

Sau khi đọc bản án do quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng đệ trình, ngày 5 tháng 4 năm 1857 vua cầm bút sửa lại, cải án giam bằng án tử hình rồi gửi trả lại để quan tổng đốc tỉnh Nam Định thi hành. Có lẽ người hồi hộp chờ đợi bán án gửi trở lại nhất lại là quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng  Mở đọc án lệnh của vua, quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng buồn rầu. Quan lặng lẽ không nói một lời nào, còn cha Phaolô Lê Bảo Tịnh thì lại vui mừng, chuẩn bị lãnh ơn tử đạo một cách rất sốt sắng. Ngài thương nhớ các chủng sinh thân yêu ở chủng viện Vĩnh Trị nên 12 ngày trước khi chết, Ngài đã viết cho các chủng sinh một bức tâm thư chứa chan những tư tưởng đạo đức, vô cùng cảm động. Ngài cũng viết cho quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng một lá thư ngắn gọn với những lời lẽ sau:

“Tôi xin chân thành cám ơn quan Tổng đốc, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý. Tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể làm lay chuyển lòng tin của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến, và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết thì cũng chẳng bỏ được.”

Ngày 6 tháng 4 năm 1857,  cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã hiên ngang tiến ra pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định để anh dũng lãnh nhận cái chết của vị anh hùng tử đạo trong lời vĩnh biệt trao gửi lại cho mọi người Ngài quí yêu:

“Anh em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo và can đảm bền vững trong Đức Tin, đừng sợ chết nhé”.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã long trọng tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

 

Ảnh thánh Tịnh 

 

Ngày 7 tháng 4:

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu,

Linh mục (1812-1861)

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh tại Gò Vấp, tỉnh Gia Định  trong một gia đình Công giáo tốt lành. Được tiếp nhận một nền giáo dục vững vàng trong đức tin và một đời sống đạo đức, ngay từ nhỏ cậu đã nhiều lần ngỏ ý ước ao được dâng mình cho Chúa, theo đuổi lý tưởng linh mục. Tới tuổi trưởng thành cậu được phép cha mẹ dâng mình cho Chúa, vào chủng viện và được Bề trên gửi đi du học tại Pénăng Mã Lai.Tại Pénăng thầy sống một đời sống gương mẫu về lòng đạo đức cũng như chăm chỉ học tập . Cha Thuyết là bạn đồng môn với thầy tại Pénăng nói về thầy rằng tôi thấy thầy Lưu rất chăn học, lại giữ luật lệ rất nghiêm ngặt, sốt sắng đọc kinh và sốt sắng lãnh nhận các bí tích một cách rất đều đặn. Tính tình rất nghiêm thẳng, thích giúp đỡ bạn hữu, không bao giờ ca thán hay làm mất lòng ai. Khi đã học xong chương trình triết và thần học, năm 1844, thầy được Bề trên gọi về cho lãnh các chức nhỏ tại Lái Thiêu và lãnh công tác đi dạy giáo lý cho các tân tòng. Sau đó thầy lãnh chức Phó Tế rồi đi giúp cha Thuyết là bạn học nhưng được chịu chức linh mục trước tại họ Đầu Nước. Cha Thuyết nói rằng trong thời gian giúp Ngài tại họ Đầu Nước, thầy Phó tế Nguyễn văn Lựu luôn là  mẫu gương đạo đức cho mọi người, không ai chê thầy điều gì cả .

Sau đó, thầy Phêrô Nguyễn Văn Lựu lãnh chức linh mục rồi được bổ nhiệm phụ trách mục vụ các xứ đạo như Mặc Bắc Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho v.v.  Ở đâu cha cũng chu toàn bổn phận một cách hoàn hảo, chu đáo, đáng khen. Cha chú trọng vào công việc giảng dạy giáo lý, đi thăm các gia đình, lui tới thăm viếng và an ủi những người đau ốm hay cao niên trong xứ đạo. Có lần cha dám liều vào nhà tù thăm viếng và khích lệ những tín hữu bị bắt vì theo đạo. Cha khuyên nhủ họ rầng “bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải chết, vì thế anh em hãy can đảm theo chân Chúa Giêsu. Được chết vì Chúa, vì đạo là điều hạnh phúc nhất:. Anh em hãy cầu nguyện và tin vào lòng xót thương của Chúa. Chúa sẽ ban thêm sức mạnh để chúng ta thắng vượt  mọi khốn khó”.Nhờ lòng nhiệt thành và can đảm như vậy mà giáo dân ai cũng thân quen, gần gũi cha, thương mến và coi cha như người cha trong gia đình.

Năm 1853 đã có lần cha thoát chết một cách rất hi hữu. Lúc đó cha đang là cha sở xứ Mặc Bắc, vừa được lệnh thuyên chuyển đi xứ khác thì quan Trấn phủ Vĩnh Long được mật báo, đem quân đến vây bắt cha. Không bắt được cha, họ bắt cha Philipphê Phan Văn Minh và ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu để thế mạng.

Đến năm 1860, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu đang coi sóc xứ Ba Giòng thì quan Trấn phủ ra lệnh bắt tất cả những người theo đạo ở Xoài Mút và Ba Giòng gần Mỹ Tho đưa về giam chung ở tỉnh. Trong hoàn cảnh đau thương này, cha đã bỏ tiền đút lót với lính canh và khôn khéo thưa trình với thượng cấp. Cha thường cải trang, lén lút vào thăm viếng an ủi những con chiên bị bắt bớ vì đạo Chúa .Khi thì cha tới khuyên bảo họ giữ vững Đức Tin, khi thì đưa Mình Thánh Chúa cho họ rước lễ. Một hôm vì sơ ý nên quan Thanh Tra trại giam nghi cha là linh mục nên ra lệnh bắt cha. Trước mặt các quan, cha khôn ngoan trả lời để không ai vì cha mà phải phiền lụy. Quan hỏi ngài:

– “Ông theo đạo Công giáo phải không?

Cha thẳng thắn trả lời:

– “Phải, tôi theo đạo Công giáo”

– “Ông có phải là đạo trưởng không?

– “Phải, chính tôi là đạo trưởng.

– “Ông đã ở đâu và trong những làng xóm nào?

– “Tôi không có nơi nào nhất định, đi đây đó, nơi nào có người Công giáo thì tôi lui tới thăm viếng họ.

– “Cha mẹ, anh em ông ở đâu?

– “Cha mẹ anh em tôi chết cả rồi. Tôi chỉ có một mình.

– “Ông có đi du học tây phương không?

– “Tôi không đi du học tây phương nhưng du học tại đảo Pénăng, Mã Lai,

– “Ai đã phong chức đạo trưởng cho ông?

– “Đức cha Dominique

– “Bây giờ ông ấy ở đâu?

-“Ngài theo lệnh vua trở về tây phương rồi.

Sau cuộc phỏng vấn, các quan khuyên cha bỏ đạo. Cha dõng dạc trả lời

“Thưa các quan, đạo đã ăn sâu vào tận xương tủy tôi rồi, làm sao tôi có thể chối đạo được? Người giáo dân hay thầy giảng còn không dám bỏ đạo, làm sao một đạo trưởng như tôi  lại dám bỏ đạo

Sau đó các quan nói về vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha đến tấn công tại Đà Nẵng và yêu cầu cha Lựu đi gặp họ để xin họ rút quân. Cha Lựu trả lời cha không liện hệ gì tới chiến tranh, lại không có quyền gì để nói chuyện với những người ngoại quốc này. Nghe cha nói, các quan lại trở lại việc khuyên dụ cha bỏ đạo. Các quan dọa nạt cha:

– “Theo luật pháp nhà nước, tội ông rất nặng, hãy bước qua Thánh Giá và bỏ đạo, hoàng đế sẽ gia ơn giảm án và trọng thưởng, bằng không thì tội ông phải chết.

Một lần nữa với giọng cương quyết cha nói:

– “Tôi giữ đạo từ bé, đạo không dạy điều gì trái với luật lệ quốc gia, còn điều các quan khuyên tôi thì lại trái ngược với lẽ phải, tôi không thể nghe theo các quan được”.

Thấy không thuyết phục được cha, các quan cho lệnh giam giữ trong tù, cổ đeo gông, tay chân mang xiềng xích nặng nề. Nhưng cha luôn tỏ ra vui vẻ, tươi cười và mau mắn khích lệ những tín hữu cùng bị giam. Cha luôn sốt sắng cầu nguyện và mỗi khi cầu nguyện thì cha quì trên nền nhà tù ẩm ướt, còn thời giờ thì cha đan giỏ bán lấy tiền giúp các bạn tù. Lâu lâu cha lại bị kêu ra đánh đòn, tra khảo, dọạ nạt cùng với những con chiên của cha. Dù bị đánh đập tàn nhẫn, bị hành hạ, xiềng xích, gông cùm, đói khát, khổ nhục, cha vẫn một lòng cương quyết không bước qua Thánh Giá, không bỏ đạo và luôn xưng mình là linh mục. Quan khuyên và ép buộc Ngài bước qua Thánh Giá,

Ngài lại dõng dạc trả lời như mấy lần trướx:

-“Đạo đã thấm nhập trong xương trong tủy tôi, làm sao tôi bỏ được. Vả lại, một người tín hữu bình thường, một Thầy Giảng còn không bỏ đạo, huống nữa tôi đây là một đạo trưởng, một linh mục”.

Sau một thời gian giam giữ với hy vọng cha sẽ bị lung lạc ý chí mà bước qua Thánh Giá mà bỏ đạo các quan đều thất vọng vì không thể khuyên dụ được. Quan đầu tỉnh Mỹ Tho bực tức liền tuyên án tử hình bằng cách chém đầu.

Nhận được tin sẽ bị chém đầu vì không bỏ đạo, cha vui mừng cảm tạ Chúa đã ban cho cha được đổ máu làm chứng cho đạo thánh Chúa. Cha dọn mình sốt sắng và khuyên bảo những người cùng bị tù đày hãy luôn vững tin và cậy trông nơi Chúa.

Để thi hành án lệnh sáng sớm lúc 8 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1861 quan trấn phủ sai một tên lính tới nhà tù tuyên đọc bản án rồi tháo gông, xiềng xích và áp giải cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu ra công đường. Tại đó, quan giám sát tên là Thôn Phan Chan cùng với đoàn quân hùng hậu gồm 50 binh lính gươm giáo xếp thành hàng hai tiến ra pháp trường  Pháp trường ở ngoài thành, ngay trên con lộ từ Mỹ Tho đi Saigòn.

Trước khi bị hành quyết, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu quì cầu nguyện chừng 10 phút. Đội lý hình chuẩn bị sẵn sàng, đợi ba hồi chiếng trống nổi lên, dứt tiếng chiêng trống cuối cùng thì tên đao phủ lành nghề vung gươm lên cao chém một nhát đứt đầu, rồi mọi người hoảng hốt bỏ chạy vì sợ hồn người chết nhập vào. Sau một lúc thì chỉ còn lại một tên lính gác xác, từ xa xa một nhóm giáo dân chừng mươi người xông vào thấm máu và xin nhận xác. Thi hài vị chứng nhân Đức Tin được các tín hữu thu lại đem về an  táng chung với gông cùm và một chiếc bình đất vấy đầy máu cha. Sau này giáo dân Mỹ Tho đã cải táng đưa về đặt tại bàn thờ chính thánh đường Mỹ Tho. Tới năm 1960 lại một lần nữa hài cốt của Ngài lại được rước về nhà thờ chính toà Saigòn.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân Phước ngày 2.5.1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên hãng ngũ các Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 8 năm 1988. 

 Ảnh thánh Lưu 

 Ngày 27 tháng 4:

Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng,

Linh Mục. (1802-1850)

Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại xã Tụy Hiền, xứ Kẻ Sài, tổng Trinh Tiết, tỉnh Hà Nội. Cha là người con thứ bốn trong một gia đình rất nghèo. Hồi còn nhỏ đã bị mồ côi cha mẹ nên phải ở với ông chú ngoại giáo tên là Thang. Ông chú giầu có lại không có con nên ông rất thương mến cháu. Ông muốn vun đắp và sau này lập gia đình cho cháu. Nhưng người cháu mồ côi dễ thương này không cần giầu sang của cải, một lòng quyết chí dâng mình cho Chúa mà thôi. Vì thế cậu đã đến xin cha Duyệt là cha xứ Sơn Miêng giúp đỡ. Cha xứ nhận và cho vào ở trong nhà xứ, nuôi ăn học trong thời gian ba năm. Sau đó, cha gửi cậu Hưởng vào chủng viện Vĩnh Trị học La tinh chuẩn bị học triết và thần học.

Nhưng thời vận không thuận lợi. Năm 1834, vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo rất nghiêm ngặt nên chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa Thầy Hưởng phải trở về quê làm thuốc bán rong và ở với ông chú ngoại giáo. Thấy hoàn cảnh tu trì học hành của cháu bị giang dở nên ông chú lại thúc ép cháu lập gia đình và hứa sẽ cho tất cả của cải của chú. Ông tổng Phan người có họ hàng với ông chú cũng hứa sẽ làm mai cho một thiếu nữ trong xã và sẽ cho làm việc với làng xã. Nhưng thầy Hưởng vẫn cương quyết theo đuổi lý tưởng tu trì, và tiếp tục làm thuốc bán rong chờ đợi thời cơ có thể trở lại học hành tiến chức..

Khi cuộc bắt đạo đã tạm lắng dịu, Đức Cha mở chủng viện lại thì thầy Hưởng lại trở về tiếp tục việc học cho tới khi mãn trường. Sau đó, thầy được chính thức gia nhập bậc thầy giảng rồi bề trên sai thầy đi giúp cha Tuấn ở Kim Sơn xứ Bạch Bát, rồi trở về giúp cha Duyệt tại Bạch Liên. Sau tám năm giúp xứ, thầy Hưởng được gọi về lãnh chức linh mục. Từ đây, thầy trở nên một linh mục nhiệt thành, đạo đức, được sai đi làm cha phó xứ Giang Sơn, rồi làm cha xứ Lạc Thổ, Yên Lộc, Bạch Bát. Ở đâu cha cũng tỏ ra là một linh mục đạo đức, rất nhiệt tâm giảng dạy giáo lý, săn sóc việc cứu giúp các linh hồn.

Mùa Vọng tháng 11 năm 1855, một hôm cha đi thăm bệnh nhân thì bị bắt trên đường đi. Theo lời một giáo dân đón cha đi kể lại rằng, khi ấy cha đang ở trên thuyền của ông đi ngang làng Vân Ru, Trà Tu thì gặp quan phó tổng Tùy đang đốc công xây cống. Mấy gia nhân thấy thuyền có mui thì nghi là thuyền chở cố đạo nên phó tổng Tùy liền sai quân với gậy gộc rượt theo thuyền của ông ta. Thấy vậy, cha liền nói với người lái thuyền chèo qua bờ bên kia sông để cha xuống, tự nộp mình, không muốn làm phiền lụy tới người chủ thuyền.

Bị bắt, cha bĩnh tĩnh, không sợ hãi vì cha nhận đây là thánh ý Chúa muốn cha hy sinh để làm chứng cho Chúa. Cha vui mừng vì sẽ được thông phần đau khổ vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, cha sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa.

Sau ba ngày bị giam ở huyện Yên Mô, bị tra vấn và mang xiềng xích như một tù nhân, cha được giải về tỉnh Ninh Bình. Quan đầu tỉnh gặp cha, thấy cha hiền lành dễ thương nên có cảm tình với cha, không muốn làm khổ cha. Quan khuyên dụ và hứa với cha:

– Tướng mạo ông hiền lành, quả là một nhà tu hành. Vậy nếu ông đạp lên Thập Giá, tôi sẽ cho ông tới trụ trì yên ổn ở chùa Non Nước.