Dù bị đòn vọt, xiềng xích kìm kẹp, tra tấn đau đớn kinh hoàng vô cùng thì anh vẫn vững mạnh, cương quyết, dứt khoát không bao giờ bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá.
PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (31 – 40)
Ngày 2 tháng 6:
Thánh Đa Minh Ninh,
Giáo dân (1841-1862)
Thánh Đa Minh Ninh sinh năm 1841 tại làng Trung Linh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc điạ phận Trung, nay là giáo phận Bùi Chu. Trung Linh là một làng Công giáo toàn tòng trong công cuộc truyền giáo tại miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu, Trung Linh là một giáo xứ lớn sinh hoạt rất sầm uất đông đảo giáo dân, nơi đây trước kia có toà Giám mục và có trường đào tạo các chủng sinh.
Gia đình thánh Đa Minh Ninh cũng là một trong những gia đình sống bằng nghề nông, nên ban ngày thì anh siêng năng cần cù với công việc ruộng vườn, tối về thì cố gắng chuyên hơn. Vì là con nhà Công giáo thuần thành, ngoan đạo nên anh cũng được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức vững chắc.Trong làng ai ai cũng khen anh là một thanh niên chăm chỉ làm ăn lại đạo đức gương mẫu trong giới thanh niên trẻ trung.
Đến 20 tuổi cha mẹ sắp xếp cho anh lập gia đình. Mặc dầu anh chưa muốn, nhưng vì cha mẹ ép buộc quá, anh sợ cha mẹ buồn nên anh đã kết hôn với một thiếu nữ hiền lành trong xứ. Sau khi cưới, anh vẫn không chịu chung sống với cô nàng, Anh vẫn tiếp tục sống như người độc thân, chỉ biết chăm lo đọc kinh, làm các việc giúp đỡ bà con lối xóm. Tuy không chung sống nhưng anh vẫn luôn hoà nhã, lịch sự, săn sóc và cư xử với cô nàng như một người em thân thương trong gia đình. Cuộc sống gia đình vẫn êm đềm trôi qua với những công việc canh nông, chăm sóc ruộng vườn. Sáng trưa tối thì cùng với dân làng tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Anh Đa Minh Ninh rất sốt sắng lần hạt Mân Côi và có lòng sùng kính Đức Mẹ cách rất đặc biệt. Nhiều người trong xứ khi gặp anh thì nói anh Ninh giống như người đi tu vậy. Thanh niên gì mà hiền khô à! Rượu chè không biết uống, cờ bạc cũng không chơi, thanh niên như vậy thì giống ông thầy tu quá rồi! Nghe bà con nói, anh chỉ mỉn cười rồi lẩm bẩm nói: “Tôi mà tu tác gì! Tôi nhiều tội lắm đấy!
Năm 21 tuổi tức năm 1862, anh bị bắt cùng với một số đông các tín hữu khác giải về huyện Xuân Trường, bị đày đọa, dụ dỗ, tra tấn, khuyên bỏ đạo. Nhưng dù bị đòn vọt, xiềng xích kìm kẹp, tra tấn đau đớn kinh hoàng vô cùng thì anh vẫn vững mạnh, cương quyết, dứt khoát không bao giờ bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá.
Khi phải đối diện với quan toà thì anh luôn tỏ ra không sợ hãi trước nhưng hình khổ như bị tra tấn, đánh đập, kìm kẹp, đe dọa. Trước toà quan hỏi:
– Tôi biết anh còn trẻ tuổi, dễ bị dụ dỗ. Đạo Gia Tô là đạo của mấy ông Tây đưa vào nước ta nên vua đã ra lệnh cấm. Vậy anh hãy vâng lệnh vua bước qua Thập Giá và bỏ đạo ấy thì anh sẽ được tha về với gia đình.
– Thưa quan lớn, đạo Gia Tô dạy thờ phương Thiên Chúa là Chúa trời đất, đấng đã dựng nên loài người và vạn vật. Tôi thờ kính Ngài. Tôi không thể chối bỏ Ngài.
– Nhưng đức vua đã cấm đạo này, anh phải vâng lệnh vua chứ?
– Thưa quan lớn, xin quan lớn thương xét. Nếu quan lớn thương thì tôi được tha về với gia đình, bằng không thì tôi sẵn lòng chết vì đạo thánh Chúa tôi.
– A, anh này cứng lòng quá! Ta muốn tha cho anh vì anh còn quá trẻ lại đã có vợ, Ta không muốn giết người trẻ tuổi này.
Nói xong, quan lắc đầu, thở dài. Vẻ buồn dầu, ra lệnh đưa anh về nhà tù. Hy vọng anh sẽ suy nghĩ lại mà bỏ đạo.
Lần sau cùng đối diện trực tiếp với quan Tổng đốc Nguyễn Đình Tân, quan dụ dỗ và hứa hẹn đủ điều nhưng anh Đa Minh Ninh vẫn một mực từ chối. Quan Tổng đốc thất vọng, không thuyết phục được chàng thanh niên trẻ tuổi bỏ đạo, nên quan buồn lòng lên án chém đầu. Án lệnh được thi hành đúng ngày 2 tháng 6 năm 1862. Cuộc đời người chiến sĩ anh hùng Đức Tin được kết thúc đúng lúc 21 tuổi đời tại pháp trường An Triêm tỉnh Nam Định ngày 2 tháng 6 năm 1862 dưới triều vua Tự Đức.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong anh Đa Minh Ninh lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1951. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Thánh Đa Minh Ninh
Vào ngày mười sáu cùng thời
Thuộc về tháng chín tại nơi quê nhà
Bắt cùng chung với thánh Đa
Tuổi đời ba tám hiền hòa hiếu trung
Bị chung cùng với anh Hùng
Tuổi vừa hăm sáu, thủy chung khiêm nhường
Vững tin thề quyết noi gương
Giải giao đến phủ Xuân Trường cả ba
Mặc tình hầu hạ cung tra
Quyết không đạp ảnh để mà yên thân
Cho nên quan chẳng tần ngần
Khắc ghi: “Tả Đạo” in hằn đớn đau
Cả hai bên má đậm sâu
Bắt Ngài chối đạo một niềm quyết không
Tin theo Chúa đã dốc lòng
Trăm cay nghìn đắng chớ hòng đổi thay
Làm chi quan muốn cứ làm
Tử hình máu đổ vẫn cam một bề
Đừng khuyên phạm đến Gia Vê
Những lời ông nói quan nghe bao lần
Chẳng còn trì hoãn phân vân
Truyền đem đi chém đường trần vĩnh ly
Theo Thầy đã trọn đường đi
Tấm gương anh dũng tạc ghi muôn đời (Trương Hoàng)
Ngày 3 tháng 6:
Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng (Dương)
Thủ Bạ (1802-1862)
Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng sinh năm 1802 tại Vực Đường, họ thánh Tôma Tông Đồ thuộc xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên. Cao Xá là một xứ đạo có từ lâu đời, có truyền thống đạo đức, dân làng hiền hoà hầu hết là theo đạo Thiên Chúa, thuộc địa phận Trung nay thuộc giáo phận Thái Bình. Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng tuy là người dân quê chất phác hiền lành, đạo đức nhưng lại rất trực tính mà thật thà và ngay thẳng. Vì vậy Ngài rất có uy tín và được các cha cũng như mọi người trong xứ đạo tín nhiệm, bầu Ngài làm Thủ Bạ coi giữ sổ sách và quản lý tài sản họ Đạo trong nhiều năm, lúc đó đang là thời kỳ cấm đạo vô cùng độc ác của vua Tự Đức nên để chu toàn công việc được giao phó lại càng khó khăn. Ý thức được điều đó nên Ngài lại càng phải kín đáo xếp đặt mọi công việc một cách khôn ngoan.
Tới khi vua Tự Đức ra lệnh bắt các đầu mục trong làng, quan cho lệnh về Cao Xá vây bắt mọi người phải ra tập trung trong đình làng, lấy lý do là để kiểm tra dân số. Nhưng chủ ý của quan là bắt các Kitô hữu phải bước qua Thánh Giá. Quan truyền đặt tượng Thánh Giá trên cửa đình, bắt mọi người phải bước qua. Những người không tuân lệnh đều bị trói, bắt đeo gông rồi giải về huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông Phaolô Vũ Văn Đổng cũng là một trong số đông những người bị bắt trong hoàn cảnh này, vì ông cương quyết không chịu bước lên tượng Chúa và ông lớn tiếng xưng mình là người theo đạo Chúa, sau đó ông liền bị bắt, hôm đó là ngày 25 tháng 11 năm 1861.
Tại huyện Ân Thi quan khuyên dụ và hứa nếu ông bỏ đạo quan sẽ thưởng cho nhiều tiền bạc, nhưng Ngài luôn từ chối. Ngài luôn khẳng định với quan là dù phải chết Ngài luôn trung thành với Chúa, với đạo. Thấy một ông già đã 60 tuổi đứng trước những khổ hình mà vẫn cứng lòng, quan nổi giận truyền lệnh đánh nát thịt rồi đeo gông rất nặng, xích chân tay rồi giải về tỉnh Hưng Yên.
Khi áp giải Ngài về tỉnh, lúc tới cổng thành Ngài thấy tượng Thánh Giá Chúa đặt ngay giữa lối đi, lính bắt Ngài bước qua. Chẳng những không bước qua, Ngài lại còn qùi xuống hôn tượng Chúa. Quân lính thấy thế liền đánh dúi đầu Ngài xuống đất. Bọn lính thay nhau đánh một cách tàn nhẫn nhưng vẫn không thuyết phục được người chiến sĩ anh hùng của Chúa bước qua Thánh Giá. Cuối cùng bọn lính phải nhốt Ngài vào chiếc cũi nhỏ, chất hẹp rồi khiêng Ngài đi qua.
Trong nhà tù gần một năm Ngài phải chịu trăm ngàn cực hình đau đớn. Theo lệnh vua Tự Đức ban hành ngày 5 tháng 8 năm 1861, mỗi tín hữu Kitô phải chịu khắc chữ Tả Đạo vào hai bên má. Người ta khắc chữ bằng một thanh sắt nung lửa thật đỏ vào má, để khi vết thương lành thì vết sẹo vần còn, làm như thế là để hành hạ tội nhân và cũng để dễ nhận diện mỗi khi bắt bớ. Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng mỗi khi bị khắc vào má như vậy Ngài lại lấy dao gạch nát hai chữ Tả Đạo ấy. Bị đánh đòn quá nhiều lần, lại còn bị hành hạ bằng đủ mọi cách ác nghiệt nhưng Ngài vẫn luôn trung thành và bền bỉ xưng đạo Một lần khác, bị quan tra khảo và bực tức vì Ngài đã gạch nát hai chữ Tả Đạo đã khắc trên hai má. Quan truyền quân lính phải khắc lại hai chữ ấy trên trán. Ngài xin quan để Ngài nhờ bạn tù khắc giúp. Quan đồng ý. Sau đó, Ngài nhờ mấy bạn tù khắc cho hai chữ Chính Đạo trên gò má thay vì chữ Tả Đạo.
Quan thấy hành động khẳng khái và dũng cảm này làm quan rất bực, nên ra lệnh cấm không cho ăn đúng một tuần lễ. Vì bị cấm không ăn, không uống nhiều ngày lại còn bị hành hạ đánh đập, đeo bông, đeo xiềng xích nên Ngài dần dần mất sức, rũ liệt. Người lính canh gác thầy Ngài đã già yếu 60 tuổi rồi nên thương lén lút cho Ngài một nắm cơm và một chén nước. Nhưng Ngài không ăn uống, lai nhường phần ăn ấy cho người bạn cùng bị giam bên cạnh Ngài.Bị giam đói khát trong 8 ngày và bị đánh đòn khủng khiếp nên Ngài mê man bất tỉnh, những người lính có trách nhiệm canh gác phải vất vả làm đủ cách Ngài mới hồi tỉnh lại được.
Sau cùng quan nhìn thấy hành động khắc hai chữ Chính Đạo trên gò má như thế, chắc chắn không thể thuyết phục bước lên Thánh Giá và bỏ đạo được nữa nên quan làm án trảm quyết Ngài. Án lệnh được thi hành ngày 3 tháng 6 năm 1862.
Trên đường tiến ra pháp trường, Ngài sốt sắng dọc kinh Phó Dâng Linh Hồn (kinh này đọc giúp người hấp hối gần chết). Tới pháp trường Ngài xin lý hình một phút để đọc tên cực trọng Chúa Giêsu 3 lần rồi cúi đầu cho lý hình vung gươm chém đứt đầu. Những người đứng chung quanh chứng kiến cái chết anh hùng của người chiến sĩ can trường tuyệt vời của Chúa Kitô đã ngậm ngùi thương khóc và kính cẩn khâm phục một cụ già 60 tuổi dũng cảm đến thế!
Ngày 29 tháng 4 năm 1951 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài vào hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt nam.
Ngày 5 tháng 6:
Thánh Luca Vũ Bá Loan,
Linh mục (1756-1840)
Nói về cha thánh Luca Vũ Bá Loan thì có rất nhiều điều để nói. Trước hết Ngài là vị thánh niên trưởng trong số 117 vị Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lúc bị tử hình vì đạo Chúa Ngài đã 84 tuổi.
Ngài sinh năm 1756 tại họ Bút Quai thuộc xứ Bút Đông, địa phận Tây Đàng Ngoài, nay thuộc về giáo phận Hà Nội.. Ngay từ lúc còn nhỏ, Ngài đã dâng mình cho Chúa, xin tu học ở Phú Đa và Kẻ Bào rồi về học triết và thần học ở Sở Yên Duyên gần Thăng Long. Sau khi hoàn tất chương trình triết và thần học, Ngài lãnh chức linh mục dưới thời Tây Sơn. Lãnh chức linh mục rồi thì Đức Cha sai đi giúp xứ Nam Sang sáu tháng, xứ Song Nương mười năm rồi về giúp cha già Liêm xứ Kẻ Vồi cho tới năm 1828 khi Đức Cha Longer Gia chia xứ Kẻ Vồi làm hai thì Ngài nhận xứ mới là Kẻ Sở cho đến ngày bị bắt. Trong suốt thời gian dài phục vụ Giáo Hội và.thi hành mục vụ tại nhiều nơi, đâu đâu người ta cũng đều ca ngợi Ngài là một linh muc thánh thiện rất đặc biệt, tính tình ôn hoà, hiền lành vui vẻ, dễ thương, lại có lòng bác ái, thương yêu những kẻ nghèo khó, ốm đau bệnh tật. Ngài thường đi thăm viếng những người già yếu, ốm đau hay gia đình có những chuyện buồn phiền. Ngài không hề làm mất lòng ai bao giờ, với hết mọi người lúc nào Ngài cũng đều tỏ ra khiêm tốn, kính trọng. nên dù người lương hay giáo tất tất đều kính phục và trọng vọng Ngài. Quả thật Ngài đã nêu gương sáng chói chang về nghĩa vụ phục vụ của một linh mục, về lòng đạo đức, về nếp sống thanh bạch, về sự nhiệt tâm phục vụ các linh hồn và lòng kính yêu đặc biệt đối với Thiên Chúa và Đức Mẹ.
Những nhân chứng đồng thời với Ngài kể lại rằng lúc cầu nguyện Ngài ngửa mặt lên trời như xuất thần. Khi dâng lễ Ngài rất trang nghiêm, khoan thai và cung kính đặc biệt. Ngài thường khuyên bảo giáo dân rằng: “Cử hành thánh lễ Misa là một việc cao trọng nhất trên trần gian. Không có gì đáng để chúng ta phải cử hành thánh lễ cách vội vã. Việc thờ phượng Chúa cần phải làm cho trang nghiêm sốt sắng”.
Nhờ lòng đạo đức sốt sắng và những nhân đức đặc biệt của Ngài mà làm việc mục vụ ở đâu Ngài cũng thành công, lôi cuốn được nhiều người đến với Chúa và ở đâu Ngài cũng chiếm được sự quí mến và trọng kính nơi mọi người
Trường hợp Ngài bị bắt cũng là một chuyện đặc biệt và bản án tử hình vì đạo cũng là một điều từ quan tới quân rất nhiều người ái ngại và lo sợ. Bởi vì trước tuổi tác và phong cách “chững chạc” của Ngài, mọi người đều kính phục Ngài như người cha trong gia đình. Quan cũng như lính phải canh gác Ngài đều xưng hô gọi Ngài là Cụ. Nhưng họ miễn cưỡng phải xử Ngài, chỉ vì sắc lệnh của vua và bản án của triều đình truyền xuống.
Sự việc Ngài bị bắt đã diễn ra như sau: Tại phố Vồi lúc bây giờ có hai người ngoại giáo tên là bá hộ Kiểng ở làng Bún và ký lục Cang đang chờ ngày xử vì phạm pháp. Họ muốn lập công để chuộc tội nên đi tố cáo bắt cha Loan, mong sẽ được xóa án. Thế là tối ngày 10 tháng 1 năm 1840 lúc cha đang ở Kẻ Chuôn vừa dùng cơm tối xong thì bá hộ Kiểng và ký Cang giả làm khách đến thăm cha. Cha pha trà mời uống rồi họ ngon ngọt mời cha xuống thuyền để về làng Kẻ Bún. Cha đồng ý xuống thuyền, thế là họ bắt được Cha. Biết tin bá hộ Kiểng và ký Cang đã bắt Cha, giáo dân liền đến xin chuộc bá hộ Kiểng đòi hai ngàn quan. Nhưng ký Cang không chịu vì muốn đem nộp Cha để chuộc tội với quan. Thế rồi hai người bàn tính giải Cha lên huyện Phú Xuyên nộp cho quan huyện. Vì không muốn làm khổ Cha nên quan huyện không nhận. Họ lai phải đưa Cha về Hà Nội. Vừa tới công đường, quan đầu tỉnh chỉ thẳng mặt hai ông và mắng: “Quân dại dột. Sao bay đang tâm bắt người hiền lành đạo đức, già nua đáng tuổi cha ông chúng bay thế này”. Nhưng vua ra lệnh cấm đạo và việc Cha Loan bị bắt đã công khai nên quan đành phải ra lệnh giữ Cha lại. Khi trao Ngài cho bọn lính, quan dặn họ phải xử sự tử tế, không được phép đánh đập, gông cùm, xiềng xích, người nào tới thăm nuôi, phải để Ngài được tự do tiếp nhận.
Khi ra hầu toà, các quan xử sự với Ngài rất lịch sự, kính trọng mái râu tóc trắng bạc, rất chững chạc của Ngài. Không hề đánh đập, tra tấn hay nói những lời lẽ xúc phạm tới Ngài. Các quan chỉ hỏi sơ về lý lịch và dụ ngài bước qua Thánh Giá mà thôi. Đáp lại, Ngài cũng khiêm tốn, nhã nhặn thưa lại:
– Các linh mục nuôi dưỡng giúp đỡ tôi và Đức Cha truyền chức linh mục cho tôi thì già và chết cả rồi. Địa chỉ thì tôi nay đây mai đó, nơi nào không chứa, tôi ẩn vào chùa nọ đình kia. Riêng viêc quá khóa thì thưa các quan, tôi là đạo trưởng làm sao tuân hành điều đó được? .
Khi quan hỏi sao lại theo đạo ngoại quốc thì Ngài trả lời:
– Tôi chẳng theo Chúa của nước nào cả. Tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn dân mà thôi.
Trong nhà giam, Ngài được tự do gặp gỡ những người tới thăm. Thấy Ngài già yếu hay ốm đau, viên cai ngục trình và xin phép quan cho một người tín hữu họ đạo Chuôn Trung được phép tự do ra vào giúp đỡ Ngài. Biết chắc là thế nào Ngài cũng phải xử vì tội không chịu bước qua Thánh Giá và bỏ đạo nên mấy giáo xứ Ngài đã coi sóc trước đến xin Ngài làm tờ di chúc cho phép họ được nhận xác Ngài về an táng tại xứ đạo của mình. Nhưng Ngài cười và nói:
– Xác tôi cũng là tro bụi, chết rồi cũng tanh hôi cho giòi bọ rúc rỉa, các ông xin làm chi.
Thế rồi Ngài cũng ký giấy trao thi thể cho họ Chuôn Trung, xứ Kẻ Chuôn theo ý họ xin.
Mặc dầu rất quí trọng và thương mến Cha nhưng lại sợ vua Minh Mạng và biết chắc chắn Cha Vũ Bá Loan không bao giờ bỏ đạo nên quan đau buồn làm án xử trảm và vua Minh Mạng phê chuẩn.
Thế là đúng ngày 5 tháng 6 năm 1840, quan lính thấy Ngài già yếu và cũng vì quí mến Ngài nên đã tình nguyện cáng Ngài ra pháp trường. Nhưng Ngài chân thành cám ơn từ chối không ngồi cáng. Quan Giám Sát cỡi ngựa thấy Cha đi bộ cũng xuống ngựa đi bộ với Cha tới cửa Ô Cầu Giấy là nơi thi hành án lệnh vua.
Tới pháp trường, quan nhã nhặn nói với Cha:
– Cụ muốn làm gì thì làm.
Người chiến sĩ Đức Tin can trường bình tĩnh quì gối sốt sắng cầu nguyện rồi sẵn sàng đưa hai tay cho lý hình trói vào cọc. Nhưng một chuyện hy hữu xẩy ra khiến mọi người vô cùng bỡ ngỡ. Đó là đôi lính 10 người được chỉ định thi hành việc trảm quyết Ngài đều sợ hãi bỏ trốn hết! Có lẽ vì uy tín của Cha, vì tuổi tác của Cha và nhất là vì phong cách thánh thiện hiền hoà của Cha mà họ sợ sau khi chết, hồn Cha sẽ về trả thù họ. Sau cùng viên quan Giám Sát phải chỉ định một người lính gốc Miền Nam tên là Minh thi hành án lệnh. Anh lý hình Minh vì miễn cưỡng phải tuân lệnh quan nên anh đã run rẩy đến quì lạy Cha và nói:
– Cháu lạy Cụ, việc vua truyền chúng cháu phải làm, xin Cụ tha lỗi cho, cháu sẽ cố giúp Cụ chết êm ái. Khi Cụ về Trời, xin Cụ nhớ đến cháu nhé!
Chiêng trống nổi lên, anh lý hình bất đắc dĩ vung gươm chém một nhát đứt cổ. Vị thánh anh hùng hân hoan về với Chúa. Các tín hữu đứng đông đảo khóc lóc, chen chúc nhau vào thấm máu đấng thánh và dân xứ Kẻ Chuôn đến xin nhận xác rước về an táng tại xứ Đạo của mình như tờ di chúc của Ngài.
Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Ngày 5 tháng 6:
Thánh Đa Minh Toại,
Ngư Phủ (1812-1862)
Thánh Đa Minh Huyên,
Ngư Phủ (1817-1862)
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phải chịu trăm ngàn hình khổ rất tàn bạo khác nhau do những cuộc cấm đạo ác nghiệt của các vua Thiệu Trị, Minh Mạng và Tự Đức. Những án phạt kinh hoàng như phải phanh thây, chặt đầu, chặt chân, chặt tay, mổ bụng, có những vị phải giam chung với rắn rết, nhịn đói nhịn khát đến chết rũ tù, có những vị phải thiêu sống, phần đông các vị phải án chặt đầu. Lịch sử còn ghi trong số 117 vị Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, có 6 vị bị án thiêu sống dưới triều vua Tự Đức.Thánh Đa Minh Toại và thánh Đa Minh Huyện là hai vị thánh bị án thiêu sống đầu tiên trước sự chứng kiến của vợ con và bạn hữu. Các vị đã trở nên của lễ toàn thiêu đúng nghĩa dâng lên Thiên Chúa, để chứng minh sự trung thành tuyệt đối với đạo thánh Chúa. Hai Ngài đã vui mừng được biết án lệnh thi hành trước ba ngày. Các Ngài không sợ hãi, nhưng vui mừng từ giã gia đình, bạn bè và thân hữu trong sự an bình, hoan lạc..
Sở dĩ hai Ngài cùng bị chung một án như nhau và được cùng nhau đổ máu đào để làm chứng Đức Tin là vì cả hai đều là người sinh trưởng ở làng Đông Thành, tỉnh Thái Bình. Thánh Đa Minh Toại con ông Đa Minh Phiệt và bà Maria Mạch, bị bắt lúc 51 tuổi. Thánh Đa Minh Huyện con ông Phêrô Thiên và bà Maria Duyên, bị bắt lúc 45 tuổi. Các Ngài làm nghề ngư phủ, ngày ngày đi đánh cá đánh tôm trên sông Nhị Bình gần cửa Ba Lạt. Cả hai Ngài đã lập gia đình và đều là con chiên của Chúa thuộc Khu Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Đông Thành, xứ Kẻ Mèn, thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài, tỉnh Nam Đinh, nay thuộc về giáo phận Thái Bình.
Khi vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân Sáp hồi tháng 8 năm 1861 thì mọi gia đình người Công giáo đều bị phân tán, dân ngoại giáo được phép tràn vào những nơi có người Công giáo cư ngụ bắt người, lấy của, vơ vét hết của cải một cách không cần thương xót! Những người Kitô hữu bị bắt thì bị giải lên huyện nộp cho quan rồi bị khắc hai chữ Tả Đạo trên má bằng chiếc kìm nung đỏ, sau đó tống vào ngục.
Làng Đông Thành cũng bị chung một số phận ấy do chiếu chỉ của vua ban ra. Quân lính đến vây chung quanh làng Đông Thành, nhiều người trốn thoát được. Nhưng ông Đa Minh Huyên và ông Đa Minh Toại thì họ đã bắt được ngay từ đầu. Cả hai bị giải nộp cho quan huyện Quỳnh Côi. Ông Đa Minh Toại vì chân đau không thể đi bộ được nên họ đề nghị nộp tiền chuộc. Nhưng Ngài không muốn mất cơ hội may mắn đổ máu mình ra để làm chứng lòng Tin và sự trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa. Do đó Ngài đã xin quan cho phép đi xe tới huyện và sẽ tới nộp mạng để được chia xẻ hạnh phúc “chết cho Chúa” với các bạn tín hữu đã bị bắt đồng cảnh ngộ.
Ngày hôm sau tới huyện Quỳnh Côi, cả hai ông phải ra trước toà án lấy cung rồi bị tra khảo. khuyên dụ bỏ đạo, bước qua Thánh Giá thì quan sẽ tha cho trở về với vợ con. Nhưng hai Ngài đã cương quyết xác định lập trường của mình:
– Nhất quyết không bao giờ bỏ đạo, không bao giờ bước qua ảnh tượng Chúa. Sẵn lòng chịu mọi hình khổ ở đời này để giữ một lòng trung thành yêu mến Chúa.
Quan hy vọng dần dần với thời gian hai ông sẽ thay đổi lập trường Đức Tin, nên quan truyền tống giam vào ngục Tăng Già . Các Ngài bị giam ở đây chín tháng. Trong chín tháng này, hai ông bị tra tấn dã man, bị kìm nung đỏ kẹp da cháy thịt, bị nhịn đói nhịn khát, bị hành hạ khốn khổ. Trước những khổ hình này, hai ông vẫn vui mừng chịu vì Chúa, vẫn một lòng kiên cường, can đảm, miệng luôn xưng đạo Chúa. Lần cuối cùng hai ông bị điệu ra công đường, quan nhất quyết ép hai ông đạp lên Thánh Giá. Nhưng hai ông đã cương quyết chống lại một cách rất kịch liệt. Thấy sự cứng lòng của hai ông, quan biết không thể lay chuyển được lòng tin của các ông nên kết án phải thiêu sống.
Biết bản án sẽ bị thiêu sống, các Ngài hân hoan vui mừng, trở lại gặp gỡ và nói với các bạn tín hữu cùng tù:
– Anh em hãy cam đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Chúa Kitô, nên chúng ta phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng và nếu cần chúng ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa nữa.
Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1862, hai ôngi hân hoan theo đội lính tiến ra pháp trường Nam Định. Nét mặt hân hoan, miệng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Hai ông bình tĩnh một cách rất tự nhiên tiến tới dàn hỏa thiêu đang sẵn sàng chờ đợi các ông. Các ông bình thản bước vào cũi tre. Đội lính thi hành phận sự khóa chặt cũi tre lại. Những người hiện diện, trong đó có người vợ của thánh Toại và một bà tên Anna Ngư cùng một số thân hữu trong xứ đạo, tất cả đều xúc động khóc nức nở khi nghe rõ các ông cất tiếng cầu nguyện thật lớn trong khi ngọn lửa đang bừng bừng bốc cháy thiêu đốt hai chứng nhân kiên cường tuyệt vời của Chúa Kitô
Viết tới đây, chúng tôi nhớ lại lời nguyện cầu của thánh Polycarpô cũng lớn tiếng khẩn cầu với Chúa trên dàn lửa lúc bị thiêu sống như sau:
– “Lạy Chúa các Thiên Binh, Chúa trời đất, Đấng bênh vực kẻ công chính và những ai bước đi trong sự hiện diện của Người. Con là một kẻ hèn mọn trong các tôi tớ của Chúa đây, xin tạ ơn Người đã cho con vinh dự được đau khổ, được cầm trong tay triều thiên tử đạo và được kề môi đón nhận chén thương khó. Này đây lạy Chúa, hiến tế con sắp hoàn tất trong ngày hôm nay, con sẽ được thấy lời hứa của Người thể hiện. Amen”.
Sau khi ngọn lửa dần dần hạ xuống thì xác hai vị thánh anh hùng tử đạo cũng dần dần ngã gục xuống đất. Đợi cho tới khi khi ngọn lửa tàn, quan cho phép thân nhân nhận xác đem về an táng. Sau này được cải táng đưa về nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Đông Thành, xứ Kẻ Mèn, nay thuộc giáo phận Thái Bình.
Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn hai Ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hai Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin các Ngài cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
Ngày 6 tháng 6:
Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng,
Giáo dân (1800-1862)
Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần,
Giáo dân (1802-1862)
Tháng 8 năm 1861 vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo với sắc chỉ Phân Sáp được áp dụng một cách triệt để đối với tất cả mọi người Công giáo. Các quan quân đua nhau đi lùng bắt tất cả các vị Thừa Sai Giám mục. Linh mục, Thầy Giảng, Nữ Tu và các Kitô hữu. Các quan còn cho phép dân làng lương dân tràn vào các làng Công giáo, phá phách, lấy của, bắt người một cách vô cùng tàn bạo, gây nên cảnh xô bồ hỗn loạn đến cực độ trong các làng Công Giáo. Những người Kitô hữu cực kỳ hoang mang, phải xô nhau bỏ chạy lẩn trốn vào những khu rừng hẻo lánh hay trà trộn vào những làng lương dân. Tuy chạy trốn như thế nhưng rất nhiều người đã bị bắt và giải về giam giữ tại các công đường. Hai thánh Phêrô Đinh Văn Dũng và Phêrô Đinh văn Thuần đã bị bắt trong những trường hợp thê thảm đau thương này.
Lúc bị bắt thánh Phêrô Đinh Văn Dũng đã 62 tuổi. Cha ngài là ông Phêrô Đinh Văn Mẫn, mẹ ngài là bà Maria An. Ngài và thánh Phêrô Đinh Văn Thuần đều là anh em con chú con bác, sinh quán tại họ thánh Phanxicô Xavier Đông Hào, thuộc giáo xứ Kẻ Mèn, điạ phận Trung Đàng Ngoài, tỉnh Nam Định, nay là giáo phận Thái Bình. Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần sinh năm 1802 là anh em bà con với thánh Phêrô Dũng. Cả hai đều là gia trưởng một gia đình đạo hạnh hiền hoà. Các Ngài cùng làm nghề chài lưới để nuôi sống già đình. Tuy nghèo, đời sống thanh bạch, của cải chẳng bằng ai nhưng gia đình các Ngài lại êm ấm, hạnh phúc, điểm nổi bật nhất là lòng đạo đức và gương mẫu trong sự tham gia những sinh hoạt của họ Đạo. Chính vì thế mà dân chúng đã tín nhiệm và bầu ông Phêrô Đinh Văn Thuần làm Trùm Khu, lo việc đạo đức trong khu xóm
Vì chiếu chỉ Phân Sáp của vua đã ban ra, nên đầu năm 1862 dân làng Công giáo Đông Phú bị bao vây .Lính tráng lùng bắt các đạo trưởng và các Kitô hữu. Ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần cùng bị bắt với một nhóm đông đảo người khác . Tất cả bị trói điệu lên phủ, đem đi đày ở làng Ngọc Chi, sau lại chuyển tới làng Lương Mỹ là các làng ngoại giáo. Tại đây sau những cuộc thẩm vấn, một số người được tha, số còn lại bị giải về huyện Quỳnh Côi nộp cho quan huyện.
Bị giam 9 tháng trong nhà tù, các Ngài phải chịu nhiều trận đòn, nát xương nát thịt, ép buộc phải bước qua ảnh tượng Thánh Giá. Nhưng trước mọi hình khổ cực kỳ tàn bạo, các Ngài vẫn luôn cương quyết giữ vững một điều là không bao giờ bỏ đạo, bỏ Chúa. Quan thấy dùng sức mạnh tra tấn, cổ đeo gông, chân tay xiềng xích, cùm kẹp mà vần không thuyết phục được hai Ngài, quan đổi chiến thuật là dùng tình cảm ngọt ngào khuyên dụ các Ngài, cho phép các Ngài được về thăm vợ con và anh em họ hàng lối xóm. Được gặp lại các Ngài, người cha cũng như vợ con trong gia đình được chứng kiến những cực hình các Ngài phải chịu thì động lòng thương xót, không cầm được sự xúc đồng, đều nức nở than khóc. Trước cảnh xum họp gặp gỡ vô cùng cảm động này, các Ngài không nản chí anh hùng mà còn khẳng khái khuyên bảo, khích lệ mọi người rằng:
– Xin mọi người. đừng khóc nhưng hãy vui mừng vì chúng tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô. Được chết vì đạo thánh Chúa là một ơn phúc lớn lao lắm. Xin mọi người trong gia đình đừng khóc, nhưng hãy vui mừng tạ ơn Thiên Ch&uac