các Ngài khuyến khích nhau can đảm chịu khó vì Chúa, các Ngài chung nhau đọc kinh Các Thiên Thần, Kinh ăn năn tội, nhất là kinh Mân Côi sáng tối. Trong suốt chín tháng bị giam tù, bị đánh đập, gông cùm, xiềng xích, bị trói rồi đem phơi nắng giữa mùa nắng hè nóng như thiêu như đốt
PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (41 – 50)
Ngày 16 tháng 6:
Thánh Đa Minh Nguyên, Chánh Trương (1800-1862)
Thánh Đa Minh Nhi, Nông dân (1822-1962)
Thánh Đa Minh Nguyễn Đức Mạo, Nông gia (1818-1862)
Thánh Vinh Sơn Tưởng, Chánh Tổng (1814-1862)
Thánh Anrê Tường, Nông gia (1812-1862)
Chiếu chỉ Phân Sáp của vua Tự Đức ban hành ngày 5 tháng 8 năm 1861 gồm 5 điểm sau đây:
. Phân tán các gia đình, làng mạc những người Công giáo, không cho chung sống quần tụ với nhau thành xứ đạo hay làng mạc toàn những người Công giáo.
. Phải phân tán và cho sáp nhập các gia dình Công giáo vào các làng lương dân.
. Tịch thu hết tài sản, ruộng vườn
. Phải lấy dùi sắt nung đỏ rồi khắc hai chữ Tả Đạo trên gò má những người Công giáo
. Rồi giao những người Kitô hữu này cho lương dân quản thúc.
Đây là chiếu chỉ cấm đạo tàn ác nhất dưới triều vua Tự Đức.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chiếu chỉ này, có lẽ giáo dân thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài phải chịu đau đớn nhất.
Lúc ấy, Lục Thủy thuộc phủ Xuân Trường, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một xứ đạo rất lớn, thuộc điạ phận Trung Đàng Ngoài, nay là giáo phận Bùi Chu. Lục Thủy có 13 Họ Đạo nằm rải rắc trong chín làng xã của huyện mà Ngọc Cục, nay gọi là Ngọc Tiên và Phú Yên là hai họ đạo thuộc xứ Lục Thủy bị quan quân tích cực truy lùng bắt bớ nhiều người nhất.
Tại họ Ngọc Cục hàng loạt người đã bị bắt giải về huyện. Trong số những người bị bắt phải đặc biệt lưu ý tới những anh hùng Đức Tin rất đáng kính phục. Đó là ông Đa Minh Nguyên và ông Đa Minh Nhi. Ông Đa Minh Nguyên con ông Đa Minh Duệ làm Xã trưởng. Khi bị bắt ông đang làm Chánh trương xứ Lục Thủy. Ông đã có gia đình, vợ con. Người con trai của ông tên là Đa Minh Trình 35 tuổi cũng bị bắt và được phúc tử đạo sau ông chỉ có một ngày. Còn ông Đa Minh Nhi người anh hùng trẻ tuổi, làm nghề nông nhưng cũng can đảm, cương quyết, đầy khí phách, không thua kém ai. Ngài là con ông Đa Minh Vương và bà Catarina Vân. Cha mẹ đều là những người chất phác, hiền lành, đạo hạnh.
Truy nã và bắt bớ những người Kitô hữu họ Ngọc Cục rồi thì quan quân và lính tráng lại ào ào xông vào vây kín họ Phú Yên. Tại họ Phú Yên nhiều người cũng bị bắt, trong đó có ông Đa Minh Nguyễn Đức Mạo làm nghề nông, con ông Đa Minh Giỏi làm Xã trưởng và bà Maria Nhiên, lúc bị bắt ông đã 44 tuổi và đang làm Hương quản lo an ninh trong làng. Ông Anrê Tường, ông Vinh Sơn Tương là hai anh em ruột thịt, con ông Đa Minh Tiên làm trùm họ và mẹ là bà Maria Gương. Ông Vinh Sơn Tương là em, kém ông Tường là anh hai tuổi nhưng đã từng là Chánh Tổng được nhiều người quí mến và trọng vọng.
Có lẽ vì năm vị giáo dân anh hùng này đều là đồng hương, đồng cảnh, cùng bị bắt trong một thời gian nên quan ra lệnh tống giam chung trong một ngục. Các Ngài vui mừng được sống chung trong một căn nhà tù, các Ngài khuyến khích nhau can đảm chịu khó vì Chúa, các Ngài chung nhau đọc kinh Các Thiên Thần, Kinh ăn năn tội, nhất là kinh Mân Côi sáng tối. Trong suốt chín tháng bị giam tù, bị đánh đập, gông cùm, xiềng xích, bị trói rồi đem phơi nắng giữa mùa nắng hè nóng như thiêu như đốt, bị hành hạ tủi nhục, ban ngày cổ đeo gông nặng nề, chân tay bị xiềng xích, đêm bị cùm trong xà lim, trên gò má mỗi vị cũng phải khắc hai chữ Tả Đạo bằng chiếc dùi sắt nung đỏ. Nhưng với sức mạnh của Chúa phù trợ, các Ngài đã chiến thắng một cách vinh quang, sáng chói. Các Ngài đã hiên ngang tiến lên lãnh nhận cành lá vạn tuế, cành lá chiến thắng của người chiến sĩ Chúa Kitô khải hoàn.
Trước sự cương quyết của năm người chiến sĩ Chúa Kitô này, quan Tổng đốc vẫn kiên tâm nhân nhượng, hy vọng rằng với thời gian lâu dài và những cực hình giáng trên các Ngài như thế thì trước sau các Ngài cũng phải đầu hàng chấp nhận bước qua Thánh Giá.
Ngày 15 tháng 6 năm 1862, lại một lần nữa quan gọi các Ngài ra dụ dỗ bằng những lời ngon ngọt và hứa hẹn trọng thưởng nhiều vàng bạc. Quan ép các Ngài bước lên Thánh Giá. Ông Đa Minh Mạo, dù thân xác bị đánh đau đớn, bị phơi nắng cháy da cháy thịt, bị đói khát mệt mỏi, ông đã nói thay anh em bạn tù bằng những lời lẽ khẳng khái rằng:
– “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy?Quan tưởng chúng tôi là những con nít dễ khiếp sợ đau đớn nên quan đưa vàng bạc ra dụ dỗ chúng tôi xúc phạm Thiên Chúa ư? Nếu đạp lên Thánh Giá để khỏi bị bắt, bị đồn vọt, bị hành hạ thì chúng tôi đã làm ngay khi còn ở làng quê chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua bao cực khổ cho tới lúc này. Chúng tôi sẽ dứt khoát không bao giờ thay đổi ý định. Xin quan cứ làm gì thì quan làm theo ý quan. Nhất định không bao giờ chúng tôi bỏ đạo”.
Trước những lời nói cương trực dứt khoát ấy, quan nổi giận truyền lệnh xử tử cả 5 người tức khắc. Quan Giám Sát và đội quân áp giải các Ngài ra pháp trường Bạch Cốc tỉnh Nam Định. Biết được giờ phút sắp được đổ máu ra vì Chúa, các Ngài tỏ ra vui mừng dâng phó linh hồn trong tay Chúa. Các Ngài tin cậy Chúa sẽ ban sức mạnh cho các Ngài sẽ chiến thắng trong những giờ phút sau cùng này. Các Ngài xin lý hình chém ba lần, ba nhát để tỏ lòng kính yêu và tôn kính Chúa Ba Ngôi. Ngày chiến thắng vinh quang của các Ngài được ghi lại là ngày 16 tháng 6 năm 1862, dưới triều vua Tự Đức. Đầu đã lìa cổ nhưng linh hồn các Ngài đã thẳng bay về với Chúa trên Thiên Quốc.
Sau khi cả năm vị đã bị chém rơi đầu, những người trong gia đình và thân nhân xin thi thể các Ngài an táng ngay nơi các Ngài đã được hạnh phúc tử đạo. Sau một năm, giáo dân cải táng rước các Ngài về nhà thờ quê hương của các Ngài.
Ngày 9 tháng 4 năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong các Ngài vào bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngày 17 tháng 6
Thánh Phêrô Đa,
Thợ Mộc (1802-1862)
Thánh Phêrô Đa sinh khoảng năm 1802 trong một gia đình lao động, nghèo khó thuộc làng Ngọc Cục (nay đổi là Ngọc Tiên) thuộc xứ Lục Thủy, địa phận Trung Đàng Ngoài, phủ Xuân Trường, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Cha là ông Đa Minh Trương, mẹ là người lương. Nhưng người cha rất ngoan đạo nên dạy dỗ con cái chu đáo, đức tin rất vững chắc. Ông làm nghề thợ mộc tuy vất vả nhưng ông vẫn trung thành giữ công tác giật chuông và dọn dẹp nhà thờ nhà xứ một cách rất chăm chỉ gương mẫu.
Thánh Phêrô Đa được thừa hưởng một nền giáo dục tôn giáo vững chắc cho nên khi lập gia đình Ngài cũng là một gia trưởng gương mẫu. Đời sống của Ngài là một đời sống của một người nhà quê làm nghề thợ mộc bình dị, an phận với cuộc sống bình thường. Ban ngày đi làm, sáng tối đọc kinh cầu nguyện, lo lắng dạy dỗ con cái nên người lương thiện. Cuộc sống ngày này qua ngày khác chỉ có thế thôi.
Nhưng đâu có ngờ, một ngày không đẹp trời sóng gió từ triều đình đổ xuống! Lệnh phận sáp người Công giáo được ban hành. Bao nhiêu làng mạc và gia đình Công giáo bị tàn phá, lao đao! Gia đình thánh Phêrô Đa cũng chung một số phận ấy với bao người Công giáo khác. Làng Ngọc Cục có hàng loạt người bị bắt, bị phân sáp và bị tàn phá! Theo lịch sử ghi lại thì thánh Phêrô Đa bị bắt cùng với một số đông người trong xứ Lục Thủy vào cuối thời thi hành chiếu chỉ Phân Sáp của triều vua Tự Đức .Lúc ấy Ngài đã 60 tuổi.
Thánh Phêrô Đa bị bắt bị đeo gông và xiềng xích tay chân luôn, giải về giam tại phủ Xuân Trường cùng với một số người khác nữa. Tại đây bị tra tấn và ép buộc đạp lên Thánh Giá nhưng Ngài cương quyết nhất định không chịu tuân hành nên lại bị đánh rất tàn ác rồi sau đó bị đưa tới giam giữ tại làng Quán Linh, huyện Vụ Bản và Quỳnh Côi. Tại đây Ngài phải chịu nhiều trận đòn cũng như tra tấn dã mạn và nhiều khổ hình thật kinh hoàng. Nhưng dù bất cứ cuộc tra tấn hay đòn vọt cực kỳ dã man thì người đầy tớ Chúa Kitô luôn tỏ ra là người anh hùng, không hề bị nao núng, khiếp sợ., không hế than van hay lùi bước.
Lần cuối cùng là ngày 15 tháng 6 năm 1862, Ngài bị đưa tới trước mặt quan Tổng đốc, quan khuyên dụ bước qua Thánh Giá thì quan cho về với vợ con và quan sẽ trọng thưởng vàng bạc, Ngài dõng dạc trả lời quan:
– “Nếu quan tha và cho về với gia đình thì tôi cám ơn quan, còn viêc bước lên ảnh tượng của Chúa tôi thì dứt khoát là không bao giờ tôi nghe quan”.
Quan Tổng đốc nổi giận ra lệnh tống giam và làm án phải thiêu thân.
Ngày 17 tháng 6 năm 1862 người thợ mộc chứng nhân Đức Tin, tôi tớ trung kiên của Chúa Kitô hân hoan bước theo đội quân lý hình tới nơi đống củi đang bập bùng bốc cháy, thánh Phêrô Đa bị trói rồi bị ném vào đống củi đang cháy lớn. Ngài lớn tiếng cầu nguyện, dâng phó linh hồn cho Chúa. Lời cầu nguyện nhỏ dần trong khi đống củi mỗi lúc một bập bùng bốc cháy dữ dội hơn. Mọi người đứng chung quanh được diễm phúc chứng kiến cái chết anh hùng của người tôi tớ Chúa đều nói rằng khi bị ném vào đống lửa Ngài tỏ ra rất vui mừng, tươi cười từ giã mọi người, không hề sợ hãi. Khi mùi khét đã bốc lên và ngọn lửa đã tàn, người lý hính thấy Ngài hình như chưa chết nên lấy gươm vung lên chém bay đầu vị tử đạo rơi xuống đất. Như vậy thánh Phêrô Đa chết vì Đức Tin, chết để minh chứng và làm chứng nhân cho Chúa tới hai lần chết. Một lần chết vì bị thiêu sống và một nữa chết vì bị chém đầu!
Sau đó, bà vợ và họ hàng thân quyến đã xin xác và an táng Ngài ngay tại nơi Ngài đã anh dũng lãnh nhận triều thiên tử đạo. Hôm đó là ngày 17 tháng 6 năm 1862.
Khi việc bách đạo đã lắng dịu thì giáo dân xứ Ngọc Tiên đã cải táng và rước Ngài về nhà thờ của giáo xứ quê hương của Ngài. Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã suy tôn người thợ mộc nghèo nàn xứ Ngọc Tiên là Phêrô Đa lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đao Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngày 26 tháng 6:
Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu,
Thầy Giảng (1797-1838)
Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu sinh năm 1797 tại làng Trung Lễ thuộc xứ Liên Thủy, điạ phận Đông Đàng Ngoài nay là giáo phận Bùi Chu, phủ Xuân Trường, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Ngày từ nhỏ, Ngài đã ước ao dâng mình trong Nhà Chúa để được phục vụ Chúa suốt đời. Do đó, Ngài đã từ gĩa gia đình để vào nhà trường mong được đào tạo trở thành Thầy Giảng. Ngoài những môn học theo chương trình của trường Thầy Giảng, Ngài còn học thêm bốn năm Thần học rồi sau đó trở về giúp Đức Cha Henares Minh và cùng được vinh phúc tử đạo với Đức Cha. Trong suốt thời gian giúp Đức Cha, Ngài luôn theo sát Đức Cha đi lo mục vụ. Mối bận tâm nhất của Ngài là lo lắng giúp mọi người sống Đức Tin một cách trưởng thành. Ngài thường khuyên dạy các tín hữu là dù hoàn cảnh nào, khó khăn nào thì cũng không được phép bỏ Chúa. Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ, dù có phải chết thì cũng không được bỏ Chúa.
Đối với Đức Cha, Ngài luôn sống sát bên Đức Cha, khi phải ẩn trốn thì Ngài cùng ẩn trốn với Đức Cha. Có lần Ngài đã thưa với Đức Cha, nếu phải chết vì Chúa thì cũng xin được cùng chết với Đức Cha.
Hồi đó, Tổng đốc tỉnh Nam Định là Trịnh Quang Khanh; ông quyết chí thi hành lệnh vua và tận lực đi lùng bắt một cách quyết liệt các vị Thừa Sai cũng như các đạo trưởng để lập công với vua. Ông đem quan tới các làng Công giáo để xục xạo bắt bớ mọi thành phần trong đạo Gia Tô.
Một buổi chiều ngày 27 tháng 5 năm 1838, tại làng Kiên Lao có ông thầy đồ tên là Y biết trong làng có các đạo trưởng đang lẩn trốn nên đã nghe theo lời hứa hẹn của quan bí mật báo cho quan Tổng đốc đem quân về làng vây bắt được Đức Cha Delgado Y và một số người theo đạo. Còn Đức Cha Đa Minh Henares Minh và thầy Phanxicô Đỗ Văn Chiểu may mắn đã thoát nạn! Các Ngài đã. vội vã chạy ra bờ sông, nhanh chân xuống thuyền bơi về hướng đi Hải Dương. Trên đường về Hải Dương các Ngài trốn vào nhà ông Nghiêm thuộc họ đạo Hà Quang xứ Trung Thành. Ít ngày sau các Ngài lại chạy qua làng Quần Anh rồi đi dọc xuống xứ Xương Điền. Tại đây không may, các Ngài gặp một người đánh cá nhận diện ra các Ngài. Ông vui vẻ chào hỏi và hứa là sẽ cẩn thận giữ kín việc các Ngài đang ẩn lánh tại đây. Nhưng ngay sau đó, người ngư phủ này đã đi tố cáo và quan đã cho quân về bắt được các Ngài. Khi bắt được các Ngài, Đức Cha Đa Minh Henares Minh thì bị nhốt ngay vào cũi còn thầy Phanxicô Đỗ Văn Chiểu thì bị đeo gông rất nặng và tống giam ngay vào ngục. Khi bị nhốt trong ngục, quan khuyên thầy bỏ Đức Cha và bỏ đạo thì thầy Chiểu đã nói:
– “Tôi sẵn sàng cùng chết với Đức Cha vì đạo Chúa, sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa, kể cả cái chết rùng rợn nhất”.
Sau hai ngày tạm giam tại phủ Xuân Trường, quan ra lệnh áp giải hai Đấng về nhà tù tỉnh Nam Định. Lúc về tới cổng thành Nam Định thì người ta đã đặt ngay giữa lối đi một tượng Thánh Giá thật lớn để bắt mọi người đi qua phải bước lên Thánh Giá. Thầy Phanxicô Chiểu cổ đeo gông rất nặng nhưng cũng cố qùi xuống ôm lấy hôn kính Thánh Giá, rồi để Đức Cha đi qua thầy mới bỏ xuống. Thầy bị bọn lính áp giải đánh một cách quá tàn bạo. Nhưng thầy vẫn gồng sức chịu đựng cho tới khi quân lính bắt thầy đặt cây Thánh Giá lại chỗ cũ rồi đầy thầy vào thành.
Trước toà Tổng đốc Nam Định, các quan tra hỏi Ngài rất nhiều lần và nhất nhất, lần nào Ngài cũng tuyên xưng Đức Tin một cách dứt khoát và can đảm. Khi các quan ép Ngài bước lên Thánh Giá thì Ngài thẳng thắn trả lời:
– “Đức Chúa Trời là Chúa thật, là căn nguyên của mọi sự vật, chúng ta phải tôn thờ, kính yêu Chúa. Đấy là lý do tôi không thể bước lên ảnh tượng của Chúa, Đấng mà tôi hằng tôn thờ, kính mến”.
Nghe những lời Ngài nói quan thêm tức bực nên truyền lệnh trói chân tay lại rồi đánh 30 roi nhưng Ngài vẫn một mực kiên nhẫn chịu đựng, không nao núng, không sợ hãi. Sau đó, quan truyền xích chân tay lại rồi tống giam vào ngục tối., bắt nhịn đói nhịn khát. Thấy không thể thuyết phục được người chiến sĩ can trường của Chúa, quan Tổng đốc lên án viết như sau:
– “Tên Đỗ Văn Chiểu đã đi theo và học với tên Trùm Hai (tức là Đức Cha Đa Minh Henares Minh). Nó học những điều giả dối. Nó ngoan cố và bất tuân lệnh vua để cải tà qui chính. Mặc dù bị bắt giam, bị tra tấn, nó vẫn nhất mực ngoan cố theo tà đạo Gia Tô. Vậy nay nó đáng phải bị trảm quyết”.
Các quan đệ trình bản án về kinh đô xin vua phê chuẩn. Trong những ngày chờ đợi vua Minh Mạng phê chuẩn bản án Ngài vẫn bình tĩnh viết những lời tâm sự cuối đời cho một người bạn đồng nghiệp, đó là thầy Quỳnh, thư đề ngày 21 tháng 6 năm 1838 như sau:
“Ở trong tù tôi phải chịu nhiều cực hình đau đớn, tủi nhục, chịu đói, khát, không có tiền mua ăn. Tôi nhờ thầy gặp các Cha xin các ngài giúp đỡ tôi. Thầy xin lỗi mọi người giúp tôi nhé. Chắc chắn tôi sắp được phúc tử vì đạo, vì nhờ ơn Chúa, tôi vẫn trung thành và bền vững với Chúa”.
Thư gửi đi ngày 21 thì ngày 25 án lệnh từ kinh đô gửi về và ngày 26 tháng 6 năm 1838 Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu đã được áp giải ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định cùng với Đức Cha Đa Minh Henares Minh Đúng là cầu được ước thấy. Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu đã cầu nguyện và ước mong được cùng chết với Đức Cha thì hôm nay Chúa đã nhận lời. Đức Cha thì được quân lính nhốt trong một chiếc cũi chật hẹp rồi khiêng đi còn thầy Chiểu thì cổ mang gông kèm thêm hai sợi giây xích sắt nặng nề khóa từ gông xuống hai chân nên Ngài phải lê đi một cách rất khó khăn, đôi khi còn bị mấy tên lý hình đi theo quất vào lưng những làn roi tàn nhẫn. Ra tới pháp trường, Ngài thấy nhiều người đứng nức nở khóc, thương hai vị tông đồ dũng cảm kiên trung của Chúa. Ngài can đảm nhìn thẳng vào mặt từng người đứng chung quanh và ân cần khuyên nhủ:
– “Anh chị em đừng khóc nữa. Nhưng hãy vui mừng cảm tạ Chúa thay cho hai thầy trò chúng tôi. Hôm nay chúng tôi được về quê thật trên Trời rồi”.
Sau đó đội lý hình mở cũi đưa Đức Cha ra, đồng thời họ cũng tháo gông và xiềng xích ra cho thầy Chiểu. Trước khi bị chém đầu, Đức Cha Đa Minh Henares Minh xin một ơn là được chứng kiến tận mắt cái chết oai hùng của người môn đệ anh hùng của mình là Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu. Quan Giám Sát đồng ý..Thế là người tông đồ trung kiên của Chúa quì xuống trước mặt Đức Cha lãnh nhận bí tích giải tội, cầu nguyện và kêu lớn tiếng ba lần Giêsu. Ngay sau đó lý hình vung gươm thật cao chém một nhát trúng vào xích cổ. Anh phải chém thêm ba lần nữa đầu mới rơi xuống đất. Đức Cha Đa Minh Henares Minh xúc động ôm lấy đầu Thầy dâng cao lên Thiên Chúa như lễ vật hy tế trước khi chính Đức Cha cũng bị chém cùng một thể thức ấy để cùng về Trời lãnh nhận cành lá vạn tuế tử đạo..
Hôm ấy là ngày 26 tháng 6 năm 1838. Giáo dân đã xin thi thể của các Đấng an táng ngay tại pháp trường. Sau khi cơn cấm đạo đã tàn thì giáo dân Họ Trung Lễ đã cải táng và đứa về đặt tai nhà thờ Họ Trung Lễ thuộc xứ Liên Thủy, giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định.
Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Phoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngày 26 tháng 6
Thánh Đa Minh Henares Minh,
Giám mục (1765-1838)
Thánh Giám mục Đa Minh Henares Minh sinh ngày 19 tháng 12 năm 1765 tại làng Bacna, giáo phận Cornada, nước Tây Ban Nha. Sau khi sinh Ngài thì gia đình vì công việc làm ăn nên cha mẹ ngài lại di chuyển về Granada, nơi đây Ngài đã lớn lên và theo theo học hết chương trình Trung học tại vùng đất thân thương này. Nhờ nền giáo dục đạo đức của gia đình, nhất là nhờ lòng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện của cha mẹ tâm hồn thơ ngây của cậu Henares ngay từ khi vừa lớn lên đã rất đạo đức Sống trong gia đình với bầu khí ấm cúng yêu thương, cậu Henares cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng một tiếng mời gọi khác thúc giục cậu mãnh liệt hơn khiến cậu phải đáp lại một cách rất quảng đại. Đó là tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Cậu trình bày ý nguyện của cậu với cha mẹ và xin phép gia đình vào gia nhập Dòng Đa Minh lúc ấy cậu mới 16 tuổi. Sau hai năm tập luyện theo luật Dòng, ngày 30 tháng 8 năm 1783 Ngài chính thức được lãnh nhận tu phục Dòng Đa Minh tại Tập Viện Guadix. Là một Tập Sinh sốt sắng, học hành xuất sắc nên các bề trên rất tín nhiệm và yêu quí. Khi nhận được lời kêu mời khẩn thiết của Đức Cha Obelar Khâm, Giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài rằng đã 15 năm nay giáo phận chưa nhận thêm được vị Thừa Sai nào, thầy Henares xin bề trên chuyển sang tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi với ước vọng sẽ được sang truyền giáo tạiViệt Nam. Bề trên chấp thuận và thầy Henares đã may mắn được gia nhập ngay với một nhóm tu sĩ trẻ được sai đi truyền giáo tại vùng Đông Nam Á.
Trước hết nhóm tu sĩ trẻ tuổi này được đưa tới Manila, Phi Luật Tân dưới sự hướng dãn của linh mục Clementê Ignasiô Delgado sau làm Giám mục và cũng từ đây thầy Đa Minh Henares luôn được theo sát cha Clementê Ignatiô Delgado. Tất cả nhóm xuống thuyền vượt đại dương lênh đênh trên biển cả gần một năm trời vượt qua Đại Tây Dương rồi Thái Bình Dương và cuối cùng thì cập bến Manila ngày 9 tháng 7 năm 1786. Tới Manila, thầy Henares tiếp tục học thần học và dạy Văn Chương cho trường Santo Tomas. Ngày 20 tháng 9 năm 1789 thầy Henares lãnh chức linh mục và ngay sau đó được sai đi truyền giáo tại Việt Nam như lòng mơ ước từ lâu. Ngày 29 tháng 10 năm 1790 thuyền của Ngài vừa cập bến Ma Cao thì Ngài vui mừng được gặp lại cha Ingatiô Delgado. Thế là hai cha cùng với hai vị Thừa Sai khác là Vidal và Gatillepa, cả bốn đều vui vẻ xuống tàu tới Việt Nam, tới lãnh thổ điạ phận Đông Đàng Ngoài
Tới Việt Nam cả bốn vị đua nhau học tiếng Việt, nhưng cha Henares Minh lúc đó mới 25 tuổi, lại thông minh nên học rất mau chóng. Ngài được bề trên bổ nhiệm làm giám đốc Chủng viện Tiên Chu, kiêm giáo sư La Tinh và Tu Đức. Đến năm 1798, vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt bớ những người theo đạo. Tình thế trở nên khó khăn cho việc truyền giáo, Bề trên chỉ định Ngài làm Bề trên Phu Tỉnh dòng Đa Minh tại Việt Nam.
Khi Đức Cha Clementê Ignasiô Delgado Hy lên thay thế Đức Cha Alonso Phê qua đời vì bệnh sốt rét rừng , cai quản địa phận Đông Đàng Ngoài thì Ngài xin Đức Thánh Cha Piô VII đặt cha Đa Minh Henares Minh làm Giám mục Phó và ngày 9 tháng 1 năm 1803 các linh mục Thừa Sai và hơn 30 linh mục Việt Nam, hàng chục ngàn giáo dân về nhà thờ Phú Nhai Bùi Chu tham dự lễ tấn phong Đức Cha Đa Minh Henares Minh một cách vô cùng long trọng. Hai Đức Cha Delgado Y và Henars Minh như hình với bóng. Các ngài tích cực mở mang nước Chúa Đức Cha Henares Minh là một vị mục tử thánh thiện, khiêm tốn, đúng như lời cha Hermosilla Vọng viết về Ngài như sau:
“Đức Cha Đa Minh Henares Minh là một thủ lãnh thanh khiết trong đời sống, là vị mục tử nhiệt tâm không hề mệt mỏi vì ơn cứu độ các linh hồn và là đấng khao khát mãnh liệt phúc tử đạo. Ngài sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào trách vụ đòi hỏi, dù đang nửa đêm khuya vắng. Ngài có lòng đạo đức trổi vượt, biểu lộ qua việc cầu nguyện không ngừng, đồng thời siêng năng nghiên cứu các giáo phụ. Ngài sống nghèo khó theo Tin Mừng thực sự, và như một người cha hiền dịu, ngài quảng đại với những người xấu số nhất. Đó là những nhân đức chính mà ngài luôn nêu gương”.
Hồi đó vua Minh Mạng quyết tâm tiêu diệt đạo Công Giáo, đã ra lệnh cho các quan đầu tỉnh phải tích cực thi hành. Tại Nam Định lúc đó Trịnh Quang Khanh là quan Tổng đốc nhưng còn lơ là thi hành lệnh của vua nên ông đã bị triệu hồi về kinh đô và bị khiển trách rất nặng lời. Vì thế khi trở về tỉnh, ông đã trở thành “con hùm xám” vô cùng tàn ác trong việc thi hành lệnh cấm đạo.
Tháng 4 năm 1838, để lập công đền tội, ông đã mang theo hơn 2 ngàn quân đổ về các làng Công Giáo vây bắt tất cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và những người theo đạo Công giáo. Đầu tiên kéo về làng Kiên Lao, bắt được Đức Cha Clementê Ingsiô Delgado Y còn Đức Cha Đa Minh Henares Minh và Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu thì đã nhanh chân thoát nạn. Nhưng sau đó cũng đã bị bắt tại Xương Điền do một ngư phủ nhận diện và đi tố cáo để lấy tiền thưởng. Bắt được hai Ngài đưa về phủ Xuân Trường, quan huyện đối xử với Đức Cha khá tử tế nhưng vì sợ triều đình nên ông cho lệnh nhốt vào cũi rồi áp giải về nộp cho quan Tổng đốc tỉnh Nam Định. Tới dinh quan Tổng đốc tỉnh Nam Định là Trịnh Quang Khanh, họ đặt chiếc cũi nhốt Đức Cha Đa Minh Henares Minh nằm sát với chiếc cũi nhốt Đức Cha Ingatiô Delgado Y. Hai Đức Cha được dịp nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha chừng nửa giờ. Tới khi quan truyền Đức Cha Đa Minh Henares Minh ký vào bản tường trình là đã giảng “tà đạo” và “lừa dối ngu dân”. Đức Cha nhất định không ký vì những lời vu khống này. Sau quan nổi giận và viết án gửi về kinh xin trảm quyết. Ngày 12 tháng 6 bản án gửi về kinh thì ngày 25 tháng 6 án lệnh gửi tới. Thế là ngày hôm sau các ngài được lãnh triều thiên tử đạo bay bổng về với Chúa.
Tại pháp trường Bảy Mẫu, Đức Cha Ignatiô Henares Minh muốn chứng kiến cái chết anh dũng của ngưòi môn đệ yêu quí là Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu nên đã xin được chết sau Thầy Chiểu. Quan đồng ý và ra lệnh chém đầu thầy Chiểu trước rồi trao đầu thầy Chiểu cho Đức Cha. Đức Cha vô cùng xúc động đưa tay đón thủ cấp của người môn đệ, dâng cao lên trời trang trọng cầu nguyện như dâng của lễ lên Thiên Chúa Cha. Sau đó, Đức Cha nghiêng đầu cho lý hình vung gươm lên cao chém một nhát, đứt cổ vị Giám mục Thừa Sai, suốt đời đã dâng hiến cuộc đời để phục vụ một dân tộc xa lạ và chính người con dân của dân tộc này đã chém đầu kết liễu đời sống của mình. Thi hài Ngài đã được bổn đạo an táng ngay tại pháp trường. Sau này đã cải táng rước về đặt tại nhà thờ chính toà Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài vào bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ngày 27 tháng 6
Thánh Tôma Toán,
Thầy Giảng (1764-1840)
Thánh Tôma Toán sinh năm 1764 tại làng Cần Phan, tỉnh Thái Bình. Ngài là Thầy Giảng đồng thời cũng là hội viên Hội Dòng Ba Đa Minh. Ngài rất nhanh nhẹn, tháo vát, đạo đức nên được bề trên trao cho giữ chức phụ tá Quản Lý Nhà Chung tại xứ Trung Linh, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Trong thời kỳ đạo Chúa bị bách hại, Ngài đã tỏ ra rất kiên nhẫn và trung thành giúp cha già Tuyên trong mọi công tác mục vụ tại lãnh vực truyền giáo vùng Trung Linh lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ này tại làng Trung Linh có ông lang tên là Tư, dân làng quen gọi ông là Lang Tư. Ông này nghe quan dụ dỗ nếu ai tố cáo các đạo trưởng thì sẽ được trọng thưởng nên sinh lòng ham muốn giầu có, ông đã âm thầm đi tố cáo với quan phủ Xuân Trường rằng tại làng Trung Linh có đạo trưởng. Quan cấp tốc cho quân về bao vây làng rồi vào từng nhà lục soát tìm đạo trưởng. May măn lúc ấy cha già Tuyên đã xuống hầm ẩn náu, chỉ còn thầy già Tôma Toán chưa kịp trốn thì bị bọn lính bắt được. Quan truyền lệnh bắt tất cả mọi người phải tập trung tại đình làng. Một số người đã chạy trốn, số còn lại bị đem tập trung tại đình làng, trong số người này có thầy già Tôma Toán. Thầy già Tôma Toán đã lấy khăn phủ trên đầu che mặt, nhưng vì đã có ông lang Tư chỉ điểm nên quan tới kéo khăn ra và tri hô lên:
–“Tên này là đạo trưởng đây rồ!”.
Thầy cải chính, tôi không phải là đạo trưởng, các ông lầm rồi. Tôi chỉ là người giúp việc mà thôi. Quan bắt Thầy bước qua Thánh Giá. Thầy cương quyết không tuân theo nên cuối cùng thầy đã bị bắt, xiềng xich và đeo gông dẫn về phủ Xuân Trương.
Bị đưa về nhà giam ở phủ, bị tra tấn, đánh đòn khủng khiếp, máu me bắn ra tung toé và bắt nhịn đói nhịn khát. Đánh mệt mỏi rồi quan lại dụ dỗ bỏ đạo và bước qua Thánh Giá, quan sẽ cho về và thưởng cho nhiều vàng bạc. Sau một tháng bị dụ dỗ và đòn vọt đau đớn quá, Ngày 19 tháng 1 năm 1840 Ngài xiêu lòng bước qua Thánh Giá, xin bỏ đạo. Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh chưa tin vì khi bước qua Thánh Giá Ngài còn dè dặt, do dự. Quan muốn thử và để biết chắc việc chối đạo của Ngài nên lệnh cho lính đem trở lại nhà tù tạm giam ít ngày nữa, xem sao. Khi trở về nhà tù gặp lại cha Giuse Hiển cùng bị giam, cha Giuse Hiển đã cầu nguyện rồi dùng lời ngon ngọt khuyên bảo thầy già Tôma Toán ăn năn thống hối và tiếp tục tuyên xưng Đức Tin. Thầy già Tôma Toán nghe lời khuyên thì xúc động, ăn năn tội xin Chúa tha thứ cho mình. Ngài lại mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin cậy vào Chúa, cương quyết dù có phải chết cũng vui lòng chấp nhận.
Thấy thầy già Toán lại cương quyết không bỏ đạo, quan Trinh Quang Khanh bắt hai người đã bỏ đạo tới khóc lóc ỉ ôi, năn nỉ xin Ngài bước qua Thánh Giá, nếu không thì họ sẽ bị chém. Họ nói nhiều điều xúc phạm đến Chúa và Đức Mẹ. Họ than van suốt mấy ngày liền xin Ngài thương họ kẻo họ phải chết. Lại một lần nữa Ngài xiêu lòng, để họ ngưng không nói phạm đến Chúa và Đức Mẹ nữa, Ngài lại bước qua Thánh Giá! Ngay sau đó, Ngài thấy mình quá dại dội để bị bọn họ lừa. Ngài đấm ngực ăn năn khóc lóc suốt 15 ngày đêm, không ai can ngăn được. Rất may mắn cho Thầy là trong những ngày đó, cha Đa Minh Trạch cũng bị bắt và đem tới giam chung cùng một phòng giam nên được cha an ủi và giải tội cho Thầy. Sau hai lần chối đạo, bây giờ Thầy đã ăn năn thống hối và trở nên con người mới, con người cứng rắn, vững vàng trong Đức Tin, quyết chí theo Chúa và làm chứng nhân cho Chúa.
Lần này thì quan Tổng đốc quá giận dữ, truyền đánh đập Ngài, xỉ vả rồi dọa nạt đủ điều. Quan lệnh cho quân lính đóng gông, cùm, xiềng xích, bắt nhịn ăn, nhịn uống, phải hành hạ tra tấn một cách tàn ác cho tới khi phải bỏ đạo mới thôi. Được thế, bọn lính ra sức làm xỉ nhục Ngài, kẻ thì nhổ nước miếng vào mặt Ngài, kẻ thì nhổ râu nhổ tóc, có kẻ còn tiểu vào mặt Ngài. Nhưng tất cả, lần này người chiến sĩ già của Chúa đả tỏ ra can đảm phi thường, bất chấp mọi đau khổ, mọi sỉ nhục, mọi khổ nhục đớn đau, Ngài sẵn lòng đón nhận tất cả vì Chúa và sẵn sàng được chết vì Chúa.
Ngày 9 tháng 5 năm 1840 khi đưa cha Giuse Hiển đi xử trảm, Thầy Tôma Toán cũng bị điệu đi. Trên lối đi, quan để Thánh Giá trên mặt đất ép các Ngài bước qua. Cả hai đã cương quyết dứt khoát không bước qua, quan Trịnh Quang Khanh tức giận truyền đưa thầy Tôma Toán về giam trong ngục còn cha Giuse Đỗ Quang Hiển thì giải ra pháp trường Nam Định chém đầu tức khắc
.Vài ngày sau khi trảm quyết cha Giuse Đõ Quang Hiển, quan Tổng đốc lại nói