PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (51 – 60)

PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (51 – 60)

Hạnh Tích Các Thánh - Mar 24/03/2014

Quan giám sát tỏ vẻ khó chiụ, truyền bọn lính đưa Thánh Giá bắt Thầy bước qua. Quan nói với vẻ bực tức: – “Mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày”. Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển bình tĩnh trả lời: – “Thưa quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới hy vọng được phục sinh với Chúa Kitô”.

PHẦN II: HẠNH TÍCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO (51 – 60)

Ngày 3 tháng 7

Thánh Philipphê Phan Văn Minh 

Linh mục (1815-1853)

Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại Họ Cái Mơn, quận Mỏ Cầy tỉnh Vĩnh Long. Cha là ông Đa Minh Phan Văn Đức và mẹ là bà Anna Tiếu. Ông giữ chức Trùm Họ Cái Mơn và có 14 người con, cậu Phan Văn Minh là con út của gia đình. Gia đình ông Đa Minh Phan Văn Đức được nổi tiếng là một già đình Công giáo đạo đức.

Nhưng không may mắn cho gia đình là ông bà Phan Văn Đức đều được Chúa sớm gọi về với Chúa, nên mọi công việc trong gia đình đều do người chị cả phải thay cha mẹ đảm đang gánh vác.Cậu Phan Văn Minh là người em út nên được chị cả yêu thương săn sóc đặc biệt. Chị chu đáo lo cho em học giáo lý để xưng tội rước lễ lần đầu rồi ngay sau đó chị lại dạy cậu em học thêm giáo lý về bảy ơn Chúa Thánh Thần cho cậu em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lúc 13 tuổi.

Ngay từ nhỏ, cậu Philipphê Phan Văn Minh đã tỏ ra thông giỏi nên Đức Cha Taberd nhận nuôi và gửi cậu vào Chủng viện Lái Thêu. Nhưng chỉ một thờ gian ngắn tới năm 1833 thì Chủng viện Lái Thêu phải đóng cửa vì lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng lúc đó rất nghiêm ngặt

Trong thời gian khó khăn này, thầy Minh phải theo Đức Cha lánh sang Thái Lan rồi sau đó, Đức Cha gửi thầy sang du học tại Đại Chủng viện Pénăng, Mã Lai. Tại đây, thầy học rất xuất sắc và được bầu làm Trưởng Tràng trong nhiều năm. Thầy được mọi người từ Ban Giáo sư tới các anh em đồng viện mến phục về tư cách, lòng đạo đức, trí thông minh và nhất là sự khiêm tốn, vui vẻ, hoà đồng với mọi người.Vì được quí mến như thế cho nên ngày nay nếu tới viếng thăm Đại Chủng viện Pénăng, du khách sẽ thấy tại sân trường, vẫn còn pho tượng bán thân và ngay trong Nhà Nguyện vẫn có tượng của cha thánh Philipphê Phan Văn Minh đặt trên bàn thờ. Đây quả là một vinh dự không những chỉ cho Chủng viện Pénăng mà còn là một vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta nữa..

Khi thầy học xong thần học thì lúc ấy Đức Cha Taberd đang dưỡng bệnh tại Calcutta, Ân Độ, biết thầy Phan Văn Minh rất có khả năng cả về La tinh lẫn tiếng Việt nên Đức Cha gọi thầy sang Calcutta Ấn Độ để cùng với Ngài soạn bộ Tự điển Annam-Latinh, một cuốn Tự Điện rất lớn và giá trị.

Sau khi hoàn tất chương trình triết và Thần học, thầy lãnh chức Phó Tế rồi trở về Việt Nam theo lệnh bề trên. Thầy về phục vụ ở Bổn Quán. Trong thời gian này thì Toà Thánh ra chỉ thị phân chia miền Nam thành hai giáo phận Huế và Saigòn. Đức Cha Lefèbre lúc bấy giờ đang bị giam tại Cung Quán Huế được chỉ định làm Giám mục giáo phận Saigòn. Được tin vui mừng này thầy Philipphê Phan Văn Minh vội vã ra Huế tìm đến thăm và chúc mừng vị Giám mục mới của Giáo phận Saigòn. Đức Cha vui mừng gặp thầy và muốn truyền chức linh mục cho thầy. Nhưng vì còn đang bị giam tù nên Đức Cha Lefèbre đã biên thư xin Đức Cha Cuénot Thể truyền chức linh mục cho thầy Phó Tế Phan Văn Minh. Được thư của Đức Cha Lefèbre cậy nhờ, Đức Cha Cuénot Thể đã mau mắn truyền chức linh mục cho thầy Philipphê Phan Văn Minh tại Gia Hựu, Huế lúc thầy mới 31 tuổi.

Từ năm 1840, sau khi vua Minh Mạng qua đời, vua Thiệu Trị lên ngôi, đạo Chúa được hưởng một thời gian tương đối an bình. Tuy vua Thiệu Trị không ra lệnh hủy bỏ những sắc lệnh cấm đạo, nhưng việc cấm đạo không còn gay gắt như trước. Biết các sắc lệnh cấm đạo vẫn duy trì nên các vị Thừa Sai, các linh mục, giám mục vẫn còn phải trốn lánh chưa dám công khai thi hành mục vụ. Nhưng trong âm thầm, các Ngài vẫn tích cực lo mục vụ cho các con chiên bổn đạo của mình. Trong hoàn cảnh này, Cha Phan Văn Minh đã được Đức Giám mục ban quyền để Cha được phép ban Phép Thêm Sức và thi hành mục vụ trong toàn giáo phận.Do đó, cha đã tích cực một cách can đảm lần lượt đi làm phúc cho các xứ đạo: Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Búng, Cái Nhum, Cái Mơn, Ba Giòng, Bãi San, Chà Và, Mặc Bắc v.v.

Năm 1847 vua Tự Đức lên ngôi, rồi liền sau đó, từ năm 1848 việc cấm đạo lại trở nên tàn ác dữ dội hơn bao giờ hết. Tháng 3 năm1851 vua Tự Đức ra chiếu chỉ, truyền  cấm đạo, bắt chém đầu và buông sông các đạo trưởng tây phương, tra tấn, kìm kẹp, hành nhục và xử tử các linh mục bản quốc, phát lưu và phân tán những người theo “Gia Tô Tả Đạo”. Vua truyền các quan Tổng Đốc các tỉnh phải  vâng lệnh triệt để thi hành chiếu chỉ này một cách nghiêm minh.

Trong những năm vô cùng khó khăn này, cha Phan Văn Minh vẫn một lòng tin cậy phó thác nơi Chúa và bình tĩnh thi hành mọi công tác mục vụ. Hằng ngày bằng mọi cách Cha vẫn lén lút tới thăm viếng và dạy giáo lý cho giáo dân trong các vùng Tiền Giang, Hậu Giang một cách rất đều đặn. Các giáo hữu đều cảm phục sự nhiệt thành và lòng dũng cảm của Cha Nhiều người đã chuyền miệng nhau: “Cha hiền từ đức hạnh, Cha thay mặt Đức Chúa Trời, Cha thật hiền lành giống Chúa Giêsu nữa”. Ngoài việc dạy giáo lý và lo lắng vun trồng Đức Tin cho mọi người, Cha còn lo việc cổ động ơn gọi linh mục và tu sĩ nữa. Có lần Cha đã tâm sự với người con đỡ đầu của Cha là linh mục Giacôbê Bình rằng: “Cha nuôi nhiều học trò, nhưng không chắc có ai nối gót Cha được. Vậy con hãy siêng năng cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ và con hãy cố gắng tập luyện các nhân đức. Cha hy vọng Chúa sẽ chọn con để nối tiếp công việc của Cha. Con hãy theo ơn Chúa mà học hành tới nơi tới chốn, hy vọng Chúa sẽ chọn con làm linh mục sau này”. 

Tháng 12 năm 1852, vâng lời cha Borelle đang cai quản vùng Cái Nhum, Cha Phan Văn Minh tới Mặc Bắc thay thế cha Nguyễn Văn Lựu, chánh xứ Mặc Bắc đã bị một người tại đó tên là Bếp Nhẫn vì có lần xin tiền cha đi đánh bạc, Cha Lựu không cho nên anh Bếp Nhẫn để lòng thù ghét rồi đi tố cáo với quan cha Nguyễn Văn Lựu là đạo trưởng. Cha Lựu đã trốn sang Ba Giòng và cha Phan Văn Minh đã âm thầm tới thay cha Lựu và trú ngụ tại nhà ông Trùm Họ Mặc Bắc là ông Nguyễn Văn Lựu

Bếp Nhẫn vì thù cha Nguyễn Văn Lựu, đồng thời tham món tiền thưởng vua hứa, nên đã tới bàn tính với Xã Hiệp và Lý Vắp rồi dẫn quân lính từ tỉnh Vĩnh Long về bao vây làng Mặc Bắc để bắt cha Nguyễn Văn Lựu. Hôm ấy là tối Thứ Bảy ngày 26 tháng 2, khi mọi người đọc kinh tối vừa xong thì quân lính đã được Bếp Nhẫn chỉ điểm rằng cha Nguyễn Văn Lựu đang ẩn trốn tại nhà này, nên họ đã kéo thẳng tới bao vây nhà ông Trùm Nguyễn Văn Lựu. Quân lính xông xáo và hò hét, bắn súng dọa nạt, đe đốt nhà Ông Trùm Lựu ra thưa với quan:

– “Thưa quan, quan cho quân tới bắt ai ở đây”

Quan trả lời:

– “Ta có lệnh tới bắt đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu

Ông Trùm Lựu thưa:

– “Thưa quan, ở đây không có đạo trưởng Nguyễn Văn Lưu, chỉ có tôi là Nguyễn Văn Lưu mà thôi”.

 Quan ra lệnh bắt trói mọi người trong nhà, trong số đó có cả mấy chủng sinh cũng đang lẩn trốn vớ cha ở đó. Thấy cả nhà bị bắt, sợ vì mình mà cả nhà bị bắt bớ, cha Phan Văn Minh ra nộp mình, nói với quan:

-“Nếu các ông tìm đạo trưởng thì tôi đây là đạo trưởng. Tôi không phải là đạo trưởng Nguyễn Văn Lưu. Tôi xin quan tha cho những người này” 

Quan bắt trói cha vào cột nhà, vì quan sợ bên đạo có phù phép Quan nhất quyết hỏi và bắt cho bằng được đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu. Quan hỏi cha Minh:

– “Đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu đâu?

Cha Phan Văn Minh trả lờI:

– “Tôi là Đạo trưởng, còn Nguyễn Văn Lựu là ông chủ nhà này.

Quan lãnh binh được lệnh đi bắt đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu, mà bây giờ lại bắt được đạo trưởng Phan Văn Minh, chủ nhà lại là tên Nguyễn Văn Lựu. quan thấy hơi lạ, nên lại một thêm một lần nữa:

– “Đạo trưởng tên là Nguyễn Văn Lựu, mà thầy không phải là

Đạo trưởng Lựu. Vậy Đạo trưởng Lựu đâu?

Cha Minh vẫn nhắc lại câu trả lời trên:

– “Thưa quan, Tôi là đạo trưởng, còn Nguyễn Văn Lựu là ông chủ nhà này”.

Sau đó quan bắt trói giải về tỉnh Vĩnh Long cùng với ông Trùm Nguyễn Văn Lựu và một số viên chức đã không chịu tố cáo các đạo trưởng.

Tại nhà giam tỉnh Vĩnh Long, cha Phan Văn Minh bị quan Tổng đốc Lý, quan án Doãn, quan bộ Hoài tra hỏi cha nhiều điều về lý lịch các linh mục những nơi trú ngụ, những liên hệ với giáo dân v.v. Nhưng cha đã khôn ngoan trả lời tất cả các thắc mắc mà các quan cũng không thể khai thác được gì. Cá c quan nổi giận ra lệnh cho hành hạ, tra tấn, bắt đeo gông cùm, xiềng xích. Có khi quan lại cho dụ dỗ, cho lính đem Thánh Giá tới để Cha bước qua, có khi lại dọa nạt, đánh đập, kìm kẹp v.v. Trước tất cả những cám dỗ và hình phạt đau đớn cha Phan Văn Minh vẫn giữ vững lập trường sắt đá, không bao giờ bước qua Thánh Giá, không bao giờ bỏ Chúa, quyết chí trung thành với Chúa và Hội Thánh.

Các quan thấy cha mới 38 tuổi. còn trẻ trung lại thông minh, hiền hoà, dễ thương nên muốn tha cho cha, không bắt cha bước qua Thánh Giá nữa mà chỉ cần cha nói: “tôi xin bỏ đạo” thì các quan cũng tha. Nhưng Ngài cũng một mực từ chối, không làm theo những lời dụ dỗ quái ác đó được. Ngài nói:

– “Xin các quan xét, tôi không thể khai dối trá.như thế đươc. Các quan làm án chém đầu tôi, tôi cám ơn và sẵn sàng chấp nhận chứ theo các quan mà nói như thế thì tôi không dám”.

Trước thái độ cương quyết đó, các quan thấy không còn làm gì hơn được, các quan cho lệnh đem Ngài về giam tại Tuyến Phong chờ ngày thi hành án lệnh. Trong ngục tù, Ngài luôn hãnh diện vì là linh mục và đầy lòng thương mến các bạn tù, dù phải chịu hình khổ và nhiều điều xỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của Ngài, các quan rất thương mến Ngài nên đã lên án “Phát lưu ra Bắc” và gửi án vào kinh xin châu phê. Nhưng vua Tự Đức không nghe, vua truyền phải xử tử. Thế là ngày 3 tháng 7 năm 1853 Ngài đã hiên ngang tiến ra pháp trường cùng với đội lính hùng hậu đi theo. Trên đường ra pháp trường, Đình Khao Vĩnh Long , đi qua bờ sông Long Hồ tới Cái Sơn Bé, quan đã dọn bữa ăn sau cùng cho người tử tội trước khi bị chém. Nhưng Ngài đã cám ơn và từ chối. Lòng tràn ngập hân hoan, miệng tươi cười từ giã mọi người. Tới nơi xử, Cha Philipphê Phan Văn Minh quì chăm chú cầu nguyện.:

– “Lạy Chúa, xin xót thương con. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ hình để vinh danh Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ con”.

Ba hồi chiêng trống rộn rã vang lên, lý hình vung cao lưỡi gươm chém đứt cổ vị linh mục trẻ trung, thông thái và trung thành với Chúa cho tới hơi thở cuối cùng.

Giáo hữu tới xin xác và rước về Cái Nhum. Các linh mục Gioan Thiềng, Phaolô Lượng và Laurensô Lân cử hành lễ an táng cho Ngài. Sau đó, lại âm thầm rước về an táng tại ngôi nhà thờ mới bị đốt phá tại Cái Mơn. Ngay sau đó, Chúa đã cho vị tử đạo làm nhiều dấu lạ như những đồ vật liên quan tới Ngài tự nhiên toả ánh sáng rực rỡ, nhiều người đã được chứng kiến. Năm 1960, linh hài Ngài lại được đưa về đặt tại Vương Cung Thánh Đường Saigòn.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 4 tháng 7

Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển

Thầy Giảng (1773-1838)

Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển sinh năm 1773 tại làng Ninh Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngay từ nhỏ thầy đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa và xin vào học tai Chủng viện Tiên Chu. Thầy hăng say học hỏi giáo lý rồi sau trở thành Thầy Giảng, có biệt tài dạy giáo lý. Vì biết Thầy có nhiều khả năng và đức tính tốt, lại có lòng đạo đức chăc chắn nên Đức Cha Đa Minh Henares Minh chọn thầy

làm trợ tá đắc lực của Ngài. Bao giờ Đức Cha đi kinh lý hay bất cứ đi đâu, Đức Cha đều đưa thầy đi theo. Dầu được Đức Cha tin yêu, thầy vẫn luôn khiêm tốn, hăng say phục vụ và hài hòa với mọi người, nên lại càng được mọi người qúi mến, đặc biệt là được các bề trên kính nể và tín nhiệm.

Tới năm 1838 vua Minh Mạng lại bắt đạo rất gay gắt, các linh mục và cả Đức Cha Đa Minh Henares Minh cũng đều phải trốn tránh. Trong hoàn cảnh này, Đức Cha trao cho thầy sứ vụ coi sóc xứ Tiên Chu. Vâng lệnh Đức Giám mục, thầy đã đến sống tại Tiên Chu nhiều năm và lo giảng dạy giáo lý, tổ chức những buổi đọc kinh, cầu nguyện , khuyên dạy tín hữu giữ vững đức tin, thăm viếng các gia đình và giùp đỡ các người ốm đau già yếu.. Qua cách sống bình dị, thân thiện với mọi người nên ai ai cũng mến thương và nghe theo lời chỉ dạy của thầy.

Tình hình cấm đạo không giảm bớt, mà mỗi ngày càng trở nên khó khăn và gay gắt hơn. Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển lúc ấy đã 63 tuổi đời. Thầy biết thế nào cũng sẽ có ngày quan quân kéo nhau về truy nã làng Tiên Chu, vì Tiên Chu đã có tiếng là nơi có nhiều vị Thừa Sai hay lui tới.

Quả nhiên điều Thầy nghĩ không sai, ngày 29 tháng 5 năm 1818 quan quân đổ về vây kín làng Tiên Chu, vì có nội công mật báo cho quan biết là Đức Giám mục Henares Minh đang ẩn trốn tại đây. Quan quân ra công lục soát khắp nơi trong làng nhiều ngày mà vẫn không bắt được Đức Cha hay vị đạo trưởng nào. Quan giám sát ra lệnh bắt mọi người trong làng phải tập trung tại đình làng để điểm danh và kiểm tra lý lịch. Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển cũng phải ra trình diện..Vì sơ ý Thầy để lộ Áo Đực Bà đeo trên cổ, quan trông thấy, liền gọi Thầy ra và hỏi::

– “ Ông có phải là đạo trưởng không?

Thầy thẳng thắn trả lời:

– “Không! Tôi không phải là đạo trưởng.

Một tên lính đến vuốt mũi Thầy và nói:

– “Mũi ông này dài, chắc ông là cố Tây?

Thầy vẫn bình tĩnh không trả lời. Quan giám sát tỏ vẻ khó chiụ, truyền bọn lính đưa Thánh Giá bắt Thầy bước qua. Quan nói với vẻ bực tức:

– “Mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày”.

Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển bình tĩnh trả lời:

– “Thưa quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới hy vọng được phục sinh với Chúa Kitô”.

Quan nổi giận truyền trói Thầy lại rồi tới chiếu thì giải về tỉnh Hưng Yên.

Về tới Hưng Yên, quan Tuần Phủ Hưng Yên điều tra xem Thầy có phải là đạo trưởng hay chức tước gì thì Thầy vẫn im lặng, không trả lời nên quan tức giận truyền đánh đòn rồi tống giam vào ngục, bắt đeo gông, xiềng xích và chân bị cùm xà lim, rất khổ cực.Đứng trước những khổ hình, đánh đập, Thầy vẫn vui mừng tạ ơn Chúa vì Thầy đã được vinh dự chịu mọi hình khổ để tuyên xưng Đức Tin và xưng đạo Chúa trước mặt vua quan thế gian.

Qua một đêm bị đánh đòn và tra khảo dã man, sáng hôm sau quan lại truyền dẫn Thầy ra trình toà. Quan án nghiêm nghị dùng mọi cách để bắt Thầy bỏ đạo Thầy cương quyết, dứt khoát không thể bỏ đạo, không thể bước lên Thánh Giá. Quan truyền đánh 39 roi thật tàn  nhẫn rồi quan hỏi lẽ đạo, cốt ý để bác bẻ lý lẽ của Thầy. Thầy lợi dụng dịp may giảng đạo cho quan và cắt nghĩa rất rành mạch về 10 Điều Răn đạo Chúa. Quan không bác bẻ được điều gì, bèn chuyển đề tài để hỏi lý lịch của các linh mục ngoại quốc đang giảng đạo tại Việt Nam. Thầy không trả lời.Quan lại cho lính xô Thầy nằm xuống đất và cho đánh tiếp. Khi cho Thầy đứng dậy, Thầy không thể đứng dậy được vì quá đau đớn, đàng khác Thầy đang bị bệnh kiết lỵ nên lại càng kiệt sức. Thấy Thầy quá đau đớn và kiệt sức quan cho cai ngục đưa Thầy về nhà tù. Cai ngục mủi lòng thương, cho Thầy uống thuốc chữa trị  Sau 15 ngày,Thầy hồi lại sức. Quan lại truyền dẫn Thầy ra toà, hy vọng có thể lung lạc được lòng tin của Thầy. Quan thấy Thầy sức yếu, tướng mạo hiền hoà mà phải đeo gông cùm nặng nề thì thương và dùng những lời lẽ ngọt ngào khuyên Thầy:

– “Này ông Uyển hãy bước lên Thánh Giá, ta sẽ cho về với vợ con”

Thầy điềm đạm trả lời:

– “Thưa quan, tôi không có vợ con

Quan tòa bừng bừng nổi giận quát lớn tiếng:

‘ “Bước qua Thánh Giá để giữ lấy mạng sống. Con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống chi con người”.

Thầy Uyển can đảm và khiêm tốn đáp lại:

– “Thưa quan, nếu quan thương thì tôi được sống, bằng không thì tôi sẵn sàng lãnh nhận cái chết. Còn việc xuất giá và bước lên ảnh tượng để bỏ đạo thì dứt khoát không bao giờ tôi làm”.

Thấy thái độ dứt khoát của người chiến sĩ anh hùng của Chúa, quan ra lệnh đánh thêm 18 roi nữa rồi cho lính dùng sức mạnh kéo lôi Thầy qua Thánh Giá. Thầy ngồi lì xuống đất, mặc cho lính đánh đập túi bụi lên đầu lên cổ. Sau đó, bốn người lính khiêng hai đầu gông nâng cao Thầy lên rê qua Thánh Giá. Nhưng Thầy co hai chân lại để không chạm vào Thánh Giá. Thấy thế, một quan chức khác la lên:

– “Hãy cắt bộ râu đáng ghét của nó đi”

Tên lính đứng gần dó liền nắm lấy bộ râu của Thầy, định cắt nhưng khi thấy Thầy rũ liệt như sắp chết nên lại buông ra.

Sau ít ngày, quan Tuần Phủ lại ra lệnh đưa Thầy ra trước toà và ôn tồn khuyên Thầy bước lên Thánh Giá. Quan nói với Thầy:

– “Tôi thấy ông già yếu, lại hiền lành nên tôi muốn tha ông. Vậy ông hãy vui lòng nghe tôi bước lên Thập Tự này thì tôi sẽ tha ngay, vì lệnh vua như thế”.

Thầy bình tĩnh thưa lại”

– “Thưa quan, đã nhiều lần tôi đã nói, nếu quan tha thì tôi đội ơn, còn việc bước lên Thánh Giá thì dứt khoát không thể nào tôi nghe theo quan. Nếu phải chết thì tôi sẵn lòng chịu chết”.

Nghe Thầy nói, quan tỏ lòng cảm phục ý chí sắt đá của Thầy.nhưng vì tự ái quan lại nói:

– “Bề ngoài ông như sắp chết, thế mà trong lòng vẫn cượng quyết, không sợ chết. Thật lạ lùng!”.

Quan nổi giận vì lòng trung tín anh hùng đó, liền truyền quân lính thay gông nặng xiết vào cổ Ngài mà quay.nhiều vòng Bị máu chảy nhiều và quá đau đớn, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục, với niềm hân hoan đón nhận triều thiên tử đạo sáng ngày 4 tháng 7 năm 1838. Hưởng thụ 63 tuổi.

Khi nghe Ngài được Chúa rước về,  bổn đạo đến xin đưa xác Ngài về an táng tại vườn Nhà Chung xứ Tiên Chu, nơi Ngài đã sống và phục vụ nhiều năm và đã từng chia sẻ nhiều lo âu, vui buồn với đoàn con trong thời cấm đạo.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 6 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 10 tháng 7

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự

Thầy Giảng  (1808-1840)

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808 tại Ninh Bình, thời vua Gia Long. Được rèn luyện tinh thần đạo đức trong một gia đình Công giáo nên ngay từ nhỏ Thầy đã ước áo được dâng mình trong Nhà Chúa. Thầy được cha già Quế giúp đỡ ăn học để trờ thành Thầy Giảng. Khi cha già Quế qua đời thì Thầy theo giúp cha Phêrô Dumoulin Borie Cao sau cũng được Toà Thánh chỉ định làm làm Giám mục nhưng chưa được tấn phong thì đã bị bắt và được phúc tử đạo. Khi giúp cha Cao Thầy đã tỏ ra là một Thầy Giảng có khả năng hoạt động tông đồ, có kiến thức sâu rộng và nhất là có lòng đạo đức nhiệt thành trong mọi công việc được trao phó.Từ đây cuộc đời của Thầy đã gắn liền với cuộc đời của cha Borie Cao.Khi cha Phêrô Dumoulin Borie Cao bị bắt, Thầy đã lăn xả vào ôm gông cha Cao mà khóc lóc. Chính vì thế mà Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự cũng bị bắt và cũng phải đeo gông nặng nề. Cha Borie Cao thấy Thầy cũng bị bắt thì sợ Thầy còn trẻ tuổi không đủ sức chịu đựng mà chối đạo nên cha tìm cách kiếm một số tiền để chuộc cho Thầy được về. Nhưng Thầy đã mạnh mẽ và cương quyết thưa với cha Cao:

– “Xin Cha đừng làm như thế. Nhờ ơn Chúa giúp, con quyết chịu mọi hình khổ. Theo Cha, con sẽ không bỏ Chúa”.

Thấy Thầy trả lời một cách cương quyết như thế, cha Borie Cao vui mừng xé tấm khăn đang đội ra làm hai phần. cha  trao cho Thầy một phần và nói:

– “Con hãy giữ tấm khăn này để làm chứng lời nói của con”

Cha Phêrô Dumoulin Borie Cao và Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị bắt tại Bố Chính rồi giải về Đồng Hới, mỗi người bị giam trong một chiếc cũi riêng. Thầy Tự bị tra tấn nhiều lần và bị đánh đòn rất đau đớn 4 lần. Lần thứ nhất 30 roi, sau ba ngày thêm 30 roi nữa, thân xác Thầy bị tan nát và máu rớm ra chảy khắp thân mình. Mặc dầu bị tra tấn, đòn vọt đau đớn, lại bị đói, khát v.v. nhưng tinh thần Thầy thì vẫn sáng suốt, mạnh mẽ và cương quyết

Hai tuẫn lễ sau, quan Tuần Phủ lại cho lệnh áp giải ra hầu tòa với hy vọng sẽ thuyết phục được Thầy. Quan hỏi Thầy:

– “Anh hãy khai tên và nơi cư ngụ của các đạo trưởng Tây phương thì ta sẽ tha”

Thầy vẫn một mực trung thành, không khai một điều gì. Quan tức bực lắm nhưng vẫn tỏ ra hiền hoà, dụ dỗi Thầy:

– “ Này anh Tự, anh còn trẻ tuổi nên tôi muốn tha cho anh. Vậy anh bước lên Thập Tự rồi tôi sẽ tha cho anh về. Anh đừng ngây ngô theo mấy ông cố Tây làm gì”

Thầy Phêrô Tự trả lời với niềm xác tín:

– “Thưa quan, tôi không ngây ngô theo mấy ông cố Tây đâu. Tôi xác tín vào niềm tin của tôi. Tôi tin Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi tin Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết chuộc tội cho tôi. Tôi vững vàng tin như thế nên tôi sẵn lòng chịu chết chứ không bao giờ tôi bước lên Thánh Giá Chúa tôi, không bao giờ tôi bỏ đạo”.

Nghe Thầy nói thế, quan truyền đánh 30 roi rồi lệnh đem tống giam chung với Cha Borie Cao, cha Phêrô Võ Đăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm cùng một số giáo dân khác nữa, trong đó có ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh. Tuy được giam chung nhưng Thầy vẫn phải đeo gông nậng nề, chân bị cùm và xiềng xích nhưng Thầy rất vui và luôn tỏ ra sẵn sàng chết cho Chúa. Thầy tạ ơn Chúa vì được giam chung với các linh mục và nhiều giáo dân khác, Thầy lại càng hăng hái trong việc khuyên bảo anh em bạn tù hãy luôn tin cậy vào Chúa, hãy kiên trì giữ vững Đức Tin trung thành với Chúa và cầu nguyện luôn để Chúa ban thêm sức mạnh mà chiụ các hình khổ vì Chúa.

Sau một thời gian dài 4 tháng, Thầy cùng bị kết án tử hình với

Đức Cha Phêrô Dumoulin Borie Cao, lúc ấy cha đã được Toà Thánh gửi sắc phong Giám mục, cha Phêrô Võ Dăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh.

Ngày 24 tháng 11 năm 1838 thi hành án lệnh, Đức Cha Borie Cao, Cha Khoa và cha Điểm bi điệu ra pháp trường Đồng Hới xử giảo theo lệnh vua Minh Mạng. Riêng Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự và ông Antôn Nguyễn Hữu Năm, vua lại ra lệnh trì hoãn việc xử vì hy vọng hai người này sẽ thay lòng đội dạ mà bỏ đạo.

Sau khi Đức Cha và hai cha bị xử rồi, Thầy Tự và ông Trùm Nguyễn Hữu Năm vẫn được giam chung với nhau. Hai người thúc giục nhau đọc kinh cầu nguyện, vững lòng cậy trông Chúa, xin Chúa giúp để luôn trung thành với Chúa. Ông cai tù tên Đoài cũng dễ dãi cho phép con cháu ông Trùm Năm ra vào thăm nuôi cả hai người. Cha Ngôn cũng nhiều lần cải trang lén lút vào giải tội và đem Minh Thánh Chúa cho hai người

Giam giữ hai môn đệ trung kiên của Chúa trong suốt hai năm trời, đã nhiều lần các quan dâng sớ vào kinh xin vua cho phép thi hành bán án, nhưng vua Minh Mạng vẫn trì hoãn và khuyên các quan hãy kiên nhẫn chờ đợi ngày hai người bước lên Thánh Giá và bỏ đạo. Biết bao nhiêu lần đã bị đưa ra công trường tra tấn, đánh đập, hành hạ và làm xỉ nhục. Nhưng lạ lùng thay, trái tim của cả hai người hầu như đã trở thành sắt đá, không ai có thể lay chuyển đưọc lòng tin của hai Đấng.

Phải chờ đợi mãi tới tháng 7 năm 1840, vua Minh Mạng mới cho phép thi hành bản án. Trong bản án đã ghi: “Tên Tự, học trò ông Borie Cao, đã không chịu đạp ảnh, vì người ta đã cho nó ăn thuốc làm tăng sức mạnh và kiên trì trong lầm lạc. Vì lý do này mà nó không có hy vọng sửa sai”.

Thuốc làm tăng sức mạnh ở đây các quan có ý nói Mình Thánh Chúa mà các người Công giáo lãnh chịu. Sau đó, các quan lại sửa lại bản án rõ ràng hơn như sau: “Tên Nguyễn Khắc Tự, học trò cố Cao, không chịu đap ảnh, thuộc vào hạng bất trị và cố chấp. Vậy tôi kết án đánh 100 roi và lưu đày 3,000 dặm tức là đi đày Phú Yên, và phải ghi vào má hai chữ “Tả Đạo” và má bên phải hai chữ “Phú Yên”. Vua Minh Mạng còn truyền phải thúc ép bỏ đạo hai ba lần nữa. Nhưng cả hai vị anh hùng của Chúa vẫn hiên ngang chấp nhận chết chứ không bước lên ảnh tượng và chối bỏ đạo Chúa.

Ngày  20 tháng 6 năm 1840 bản án hai tông đồ kiên trung của Chúa được vua Minh Mạng châu phê gửi về. Được tin, hai Ngài vui mừng quì cầu nguyện tạ ơn Chúa và từ đây, các Ngài đóng cửa ngục lại, không gặp gỡ những người tới thăm viếng nữa. Các Ngài cùng nhau sốt sắng dọn mình để lãnh nhận triều thiên tử đạo. Tới ngày 10 tháng 7 năm 1840, quan Giám sát và đoàn lính có tới cả trăm người tới nhà tù áp giải hai vị anh hùng Đức Tin ra pháp trường Đồng Hới. Có đông đảo tín hữu cùng đi theo đoàn quân, tạo thành một rừng người ồn ào, nhiều người để lộ nét mặt đăm chiêu hồi hộp và lo sợ. Đi theo đoàn lính, người ta thấy ông già Năm Quỳnh đi trước, thầy Tự trẻ trung đi sau, nét mặt cả hai đều tươi cười, chân nhịp nhàng bước đều đều.

Pháp trường Đồng Hới này cũng chính là pháp trường đã xử Đức Cha Borie Cao và hai cha Khoa và Điểm. Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự hỏi chỗ nào là chỗ đã xử Đức Cha Cao và xin lý hình cho Thầy được xử cũng chính nơi ấy. Lý hình chỉ chỗ, Thầy Nguyễn Khắc Tự quì gốicầu nguyện và xin được xử chính nơi ấy. Lý hình tháo gông và xiềng xích, Thầy Tự nằm xuống đất, lý hình tròng giây qua cổ. Chiêng trống ba hồi ầm ĩ vang lên, hai lý hình cầm hai đầu giây cùng xiết thật mạnh, thật chặt Thầy tắt hơi thở cuối cùng, gĩa từ cuộc đời ô trọc khi mới 32 tuổi.đời. Linh hồn Thầy bay lên cùng Chúa lúc đó là khoảng 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 10 tháng 7 năm 1840.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 Ngày 10 tháng 7

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (tự Năm Quỳnh)

Trùm Chánh (1768-1840)

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thuộc giáo phận Vinh. Cha của Ngài là ông Antôn Nguyễn Hữu Hiệp và mẹ là bà  Madalena Lộc. Theo gia phả thì ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh là con cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi (1380-1442) và ông là con thứ 5 của gia đình cụ Nguyễn Hữu Hiệp nên họ hàng làng xóm thường gọi ông là Năm Quỳnh.

Ngay từ nhỏ, Ngài đã có lòng ao ước dâng mình trong Nhà Chúa và theo đuổi ơn gọi làm linh mục.Ngài đã xin làm môn đệ Đức Cha Labartette Bình, xin Đức Cha nhận và nâng đỡ để sau này được sống gần Đức Cha. Nhưng vì trong gia đình cụ Nguyễn Hữu Hiệp đã có hai người con trai đi tu rồi nên cụ Nguyễn Hữu Hiệp bắt cậu Quỳnh trở về để có người con nối dõi tông đường. Vâng lời cha mẹ Ngài đã trở về rồi sau đó lập gia đình với một thiếu nữ Công Giáo ngoan hiền trong xứ.

Năm 1800 Ngài phải nhập ngũ trong quân đội của Nguyễn Ánh đi chiến đấu chống quân Cảnh Thịnh, lập được chiến công nên được vinh thăng chức Vệ Úy. Tới năm 1802, đất nước thanh bình, vua Gia Long lên ngôi, Ngài xin giải  ngũ trở về mua đất làm nhà, sống nghể buôn bán và đi học nghề làm thuốc.Ngài chữa được nhiều con bệnh, giúp rất nhiều người nghèo khó, những người nghèo thì Ngài chữa bệnh và cho thuốc miễn phí lại còn giúp đỡ thêm tiền bạc. Thấy vậy, vợ con than phiền và tỏ ý không bằng lòng thì Ngài nói:

-“Tôi chưa thấy ai giúp đỡ cho những người nghèo đói mà Chúa lại để cho họ phải túng thiếu. Chúa cho chúng ta sống, tất nhiên Chúa đã quan phòng cho chúng ta”