Thánh sử Matthêu

Thánh sử Matthêu

Thánh Matthêu Bổn Mạng - Mar 24/03/2014

Những đoạn quan trọng trong Phúc âm Mathêu 1. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật ( Mt 5,1-12) 2.Kinh Lạy Cha ( Mt 6,9-13) 3. Nâng đỡ an ủi ( Mt 11,28-30) 4. Ngày phán xét chung ( Mt 25, 13-46) 5. Sai đi rao giảng và làm phép rửa ( 28,16-20).

Theo lịch Phụng vụ của Gíao Hội Công giáo, Tin mừng, còn gọi là Phúc âm Chúa Giêsu luân phiên theo thứ tự năm A, B và C được đọc công bố trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Tin Mừng Chúa Giêsu được viết theo Thánh sử Matthêu cho năm A.
Tin Mừng Chúa Giêsu được trước tác theo Thánh sử Marcô cho năm B.
Tin mừng Chúa Giêsu được soạn thảo theo Thánh sử Luca cho năm C.

Bắt đầu từ tuần lễ Chúa Nhật mùa Vọng, ngày 28.11.2010 đến hết tuần lễ Chúa nhật thứ 34, ngày 20.11.2011, Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Mattheo cho năm phụng vụ A là phần giáo lý chính trong các Thánh lễ.

Thánh sử Mathêu là ai? Và Tin mừng Chúa Giêsu do thánh sử Mattheo viết thuật lại thế nào?

1. Matthêu, người thu thuế được kêu gọi

Không có sử sách nào ghi lại khai sinh căn cước của vị Thánh sử này. Nhưng theo Tin Mừng do Thánh sử Marcô và Thánh sử Luca thuật lại, Mathêu là một người Do Thái làm nghề thu thuế có tên là Lêvi, quê quán ở Carphanaum vùng miền gần bờ hồ Genezareth, và được Chúa Giêsu kêu gọi làm Môn đệ: "Hãy theo theo Ta!" ( Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Và chính Matthêu cũng viết thuật lại như thế trong Phúc âm do Ông viết ( Mt 9,9).

Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.

Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.

Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.

Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nhưng Thánh nhân còn là người viết sử thuật lại cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu.

2. Matthêu, người viết sử thánh 

Xưa nay trong các hình vẽ hay tượng tạc Thánh sử Matthêu ngồi bàn viết tay cầm bút lông và trên đầu phía sau có hình Thiên Thần. Hay cũng có hình vẽ tạc Thánh nhân là một người có đôi cánh như Thiên Thần.

Điều này nói lên Thánh nhân viết Phúc âm Chúa Giêsu được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn

Biểu tượng đó cũng nói lên nét đặc thù của vị Thánh sử này.

Ngay chương mở đầu của Phúc âm ( Mt 1,1-17) Mattheo đã viết thuật lại thứ tự dòng dõi nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu. Với chi tiết này Thánh sử Mathêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế từ trời cao xuống trần gian làm người. Chúa Giêsu là một con người có xuất xứ nguồn gốc trong xã hội loài người. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người có tổ tiên, dòng dõi họ hàng gia đình.

Chúa Giêsu là một người như mọi người trong xã hội. Nhưng con người đó mang trong mình bản tính cùng sứ mạng của Thiên Chúa.

Thánh sử Matthêu viết thuật lại duy nhất trong phúc âm (Mt 2,1-12) ba nhà chiêm tinh tìm đến thăm viếng thờ lạy Vua Hài nhi Giêsu ở hang chuồng súc vật Bethlehem, lúc Chúa sinh ra.

Trong dòng lịch sử, người ta đã tìm đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đó là Caspar, Melchior và Balthasar. Nhưng không có gì chắc chắn tên của họ đúng như thế.

Rồi ba món tặng vật của ba nhà Chiêm tinh tặng hài nhi Giêsu là Vàng, Nhũ hương và Mộc dược, cũng được cắt nghĩa như vàng cho Vua, Nhũ hương cho Thiên Chúa và Mộc dược cho tẩm liệm xác sau này.

Lối cắt nghĩa này phù hợp theo tâm tình đạo đức thờ kính sâu thẳm nhiều hơn.

Nhưng có lẽ Thánh Matthêu qua tường thuật về ba nhà Chiêm tinh từ phương trời xa lạ vượt đường núi sa mạc tìm đến thờ lạy hài Nhi Giêsu, muốn nói lên ý nghĩa tòan dân thiên hạ dù ở nơi chốn xa xôi tuôn tìm đến Giáo Hội Chúa Giêsu. (Isaia 60, 1-6).

Phúc âm theo thánh sử Mattheo viết, theo khoa nghiên cứu, rất nhiều đoạn chương trùng hợp giống với Phúc âm theo các thánh sử Marcô và Luca cũng viết như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu khoa Kinh Thánh gọi ba Phúc âm nay là Phúc âm nhất lãm (Synoptik).

Trong Phúc âm theo Thánh sử Matthêu vai trò đứng đầu Gíao hội Chúa Giêsu của Thánh Phêrô được nhấn mạnh nổi bật hơn hết.

Cũng như nơi phúc âm Theo Thánh sử Marcô ( 8,27-30) và theo Thánh sử Luca ( 9,18-21), Thánh Phêrô đại diện anh em Tông đồ tuyên xưng Chùa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Thánh sử Matthêu còn thuật viết thêm: Chúa Giêsu trao quyền bính chìa khóa nước trời đứng đầu Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian cho Thánh Phêrô. (Mt 16, 18-19)

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh bản Phúc âm theo thánh sử Matthêu viết để lại cho Giáo Hội được viết vào năm 70 thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Ông viết phúc âm giáo lý Chúa Giêsu Kitô muốn trình bày cho người Do Thái về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà toàn dân trông đợi mong chờ đã đến giữa con người trong xã hội. Nơi chốn Thánh sử viết bản Phúc âm ở vùng Palästina và Syrien .

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Mathêu viết gồm 28 chương, dài hơn Phúc âm theo các Thánh sử khác Marcô có 16 chương; Luca có 24 chương và Gioan có 21 chương.

3. Những đoạn quan trọng trong Phúc âm Mathêu

1. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật ( Mt 5,1-12)

2.Kinh Lạy Cha ( Mt 6,9-13)

3. Nâng đỡ an ủi ( Mt 11,28-30)

4. Ngày phán xét chung ( Mt 25, 13-46)

5. Sai đi rao giảng và làm phép rửa ( 28,16-20).

 

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long