Kinh thánh cho biết là Thiên Chúa có “ghen”. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách nói “như nhân”, nghĩa là dùng cách diễn tả của loài người, cũng y như khi nói “Thiên Chúa nổi giận”, “Chúa ngoảnh mặt đi”, “Chúa giương cánh tay”.
“Tình yêu mạnh như Sự Chết, sự hờn ghen mạnh như Tử thần” (Dc 8,6). Thiên Chúa cũng yêu thương sâu sắc. Vậy Người có ghen không? (Nguyệt Cầm – Oregon)
Bạn Nguyệt Cầm thân mến,
Kinh thánh cho biết là Thiên Chúa có “ghen”. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách nói “như nhân”, nghĩa là dùng cách diễn tả của loài người, cũng y như khi nói “Thiên Chúa nổi giận”, “Chúa ngoảnh mặt đi”, “Chúa giương cánh tay”. . . để giúp chúng ta hình dung ra được phần nào tình yêu của Thiên Chúa: Là Đấng duy nhất, Thiên Chúa có một tình yêu rất đòi hỏi, Người không chấp nhận bất cứ điều gì xúc phạm đến sự thánh thiện của Người (không chấp nhận các ngẫu tượng) và xúc phạm đến tình yêu của Người (không chấp nhận ngoại tình), Người không muốn dân Chúa chia sẻ lòng tin yêu của họ với bất cứ một đối tượng nào khác mà họ có thể coi ngang hàng với Chúa; họ phải dành trọn “trái tim” của họ cho Chúa, vì Chúa luôn dành trọn “trái tim” cho họ. Nếu họ bỏ Chúa mà theo một đối tượng nào khác (các ngẫu thần), thì Chúa “nổi ghen”, không phải vì thấy đối tượng kia “có thế” hơn Chúa để mà phải tìm cách tiêu diệt đối tượng ấy, bởi vì chẳng có một thần minh nào là “hiện hữu” cả, cũng chẳng phải để tiêu diệt dân Chúa như một cách “trả thù”, nhưng là để thức tỉnh trái tim u mê của dân Chúa, hầu đưa họ về với Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật. Do đó, “lòng ghen” của Thiên Chúa giả thiết có tình yêu và lòng từ bi; “lòng ghen” này là chính tình yêu của Thiên Chúa diễn tả ra ở mức tối đa, chứ không phải là một phản ứng mang tính “qui ngã” như nơi loài người.
Bạn có thể đọc những đoạn văn sau đây để thấy tính cách đặc biệt của “lòng ghen” của Thiên Chúa: Xuất hành 20,5-6; 34,14; Dân số 25,11; Đệ nhị luật 5,9-10; 6,15; 29,19; 32,16 và 21; Giôsuê 24,19; Isaia 26,11; 59,17; 63,15; Êdêkien 5, 13; 8,3-5; 39,25; Dacaria 1,14. Cần phải đọc tất cả các đoạn ấy để hiểu đúng công thức “Thiên Chúa hay ghen” trong Kinh Thánh. Thân mến.
Tại sao Đức Giêsu đã chấp nhận và đã biết trước những gì Người sắp trải qua, mà trong Vườn Cây Dầu, Người còn lo sợ mà xin Chúa Cha cất chén đắng? (Nancy – Cali).
Bạn Nancy mến,
Đọc Tin Mừng Luca 22,41-44, tác giả kể rằng khi đến sát giờ Khổ nạn, trong Vườn Ô-liu, Đức Giêsu đã lo sợ, nên Người đã cầu nguyện với Chúa Cha “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này” (c. 42a). Và Người sợ hãi đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (c. 44).
Trong tâm thâm bất cứ người nào, cũng có một sự thôi thúc được tiếp tục sống, và một nỗi ghê sợ đối với đau khổ và cái chết. Đức Giêsu là con người hoàn hảo, không bị tội lỗi làm cho cùn mòn các cảm xúc hoặc làm chai cứng trái tim, nên Người càng nhạy cảm hơn vô cùng, càng cảm thấy ghê tởm đối với những điều không tự nhiên. Trong nhân tính hoàn hảo, Người không thể không cảm thấy trong lòng có một sức đối kháng chống lại sự sỉ nhục, đau khổ và cái chết. Cảm nhận này càng thêm mạnh mẽ bởi vì Người biết rõ là không những Người sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết, mà còn phải trải qua đau khổ và cái chết như một lễ hy sinh để cứu lấy loài người tội lỗi.
“Cơn giận” thánh thiện và công bình của Thiên Chúa đối với tội đổ xuống trên Người ở mức tối đa, bởi vì Người đã sẵn sàng đặt mình vào vị trí của nhân loại tội lỗi. Án phạt dành cho tội là cái chết, thiêng liêng cũng như thể lý. Và cái chết thiêng liêng có nghĩa là bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vậy, ý nghĩ ấy mới thật là khủng khiếp đối với Đức Giêsu, vì từ muôn đời Người sống trong sự hiệp thông thân mật nhất và bền chặt nhất với Cha của Người! Thật ghê rợn cho Người vì Người biết là Người không hề có tội, lại sẽ bị treo trên cây thập giá, bị hành hình như một tên gian ác, gánh lấy tội lỗi của nhân loại như Con Chiên Thiên Chúa chịu sát tế!
Không một ai có thể thăm dò được mức độ thâm sâu của cảm nhận Đức Giêsu đang trải qua tại vườn Ghếtsêmani khi mà thực tại tròn đầy của nỗi đau khổ trong tâm hồn cũng như trên thân xác Người đang thấm dần vào tâm trí tinh trong vô tội của Người. Nhưng cho dù có sợ hãi trước những gì đang chờ đợi Người, và cho dù sức mạnh của sự dữ lúc đó có bung ra trong một nỗ lực cuối cùng nhằm làm cho Người rúng động, để kéo Người trốn thoát thập giá, Đức Giêsu vẫn không nao núng đi cho đến cuối con đường Người đã chọn, con đường Chúa Cha muốn. Dưới áp lực ghê gớm của các hoàn cảnh, nếu Người đã nói: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42a), thì cũng là chuyện tự nhiên, dễ thông cảm. Nhưng vừa thốt ra những lời ấy xong, Người tiếp: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42b). Người nhận lấy trọn vẹn chén đắng, chén của đau khổ và sự chết, và uống tới giọt cuối cùng. Trong cái nhìn của thánh sử Luca, trong thời gian Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa để chuẩn bị sứ vụ, ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu phản bội sứ mạng mà không thành công; thánh sử viết: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). “Thời cơ” chính là cơn hấp hối của Đức Giêsu trong Vườn Ghếtsêmani. Quỷ tung ra “cơn cám dỗ cuối cùng”, nhưng nó cũng thất bại, và thất bại lần này là thất bại vĩnh viễn.
Cầu chúc bạn luôn sẵn sàng theo gương chiến đấu của Thầy Giêsu. Thân ái.