Con đã đọc hai bài rồi Bác ạ. Con thấy lối diễn giải, ý tưởng và tâm tình thì vẫn “đậm đặc” chất Cứu Thế nhà mình. Con nghĩ mấy ý tưởng trong bài diễn giải của Bác chắc chắn phải là những chủ đề lớn để suy niệm trong Mùa Chay.
PHỤ LỤC: THƯ CỦA CHA, MÀ CŨNG LÀ CỦA EM, NGƯỜI EM LINH MỤC HỒ QUANG LÂM, CSSR.
Bác Mười Hai kính mến,
Bác gửi cho con hai bài suy niệm và Bác nói con cho ý kiến.
Con đã đọc hai bài rồi Bác ạ. Con thấy lối diễn giải, ý tưởng và tâm tình thì vẫn “đậm đặc” chất Cứu Thế nhà mình. Con nghĩ mấy ý tưởng trong bài diễn giải của Bác chắc chắn phải là những chủ đề lớn để suy niệm trong Mùa Chay.
Chiều Chúa Nhật này con sẽ chia sẻ tĩnh tâm Mùa Chay với bà con giáo đoàn ở Wollongong. Con xin lấy mấy ý tưởng trong bài số một “Lầm lỗi thay tên bằng lãng quên” để chia sẻ với bà con dưới đó.
1. “Ăn năn … không chỉ gồm mỗi cởi bỏ những sai sót trong quá khứ …. Có những quyết tâm trong lai thời … mà phải chú tâm vào hiện tại NHUỘM THẮM TÌNH NGƯỜI nữa.
Mùa Chay, rất nhiều nơi người ta tổ chức những cuộc tĩnh tâm, nghe giảng, … kể cả đi xưng tội, gọi là “làm một cuộc sám hối triệt để trong Mùa Chay”, rất rầm rộ và hoành tráng. Nhưng quan sát kỹ, nơi cộng đoàn và mỗi cá nhân, con thấy hình như người ta chỉ (dễ) nhấn mạnh đến hai điểm trước “cởi bỏ sai sót của quá khứ và quyết tâm trong lai thời”. Còn cái thứ ba, “cái hiện tại nhuộm thắm tình người”, liên hệ thiết thân đến con người hiện tại, thì dường như người ta chưa nghĩ đến hay nghĩ đến một cách hời hợt.
Người ta không dám nghĩ đến (hay có nghĩ đến nhưng không dám hay không muốn làm) có lẽ cũng đúng thôi Bác ạ. Bởi khi đụng đến “cái thứ ba” là đụng đến chính con người, cuộc sống của người ta một cách cụ thể, đòi buộc người ta phải thay đổi theo hướng tích cực. Sự thay đổi thường bắt người ta phải hy sinh bản thân rất lớn. Mà có mấy ai thích hy sinh bản thân đâu!
Chúa lại mời gọi ai muốn theo Chúa phải biết hy sinh bản thân: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình vác thập giá mà theo”.
Ăn năn hối lỗi trong QUÁ KHỨ và quyết tâm trong LAI THỜI, thì có lẽ dễ hơn là thực hiện trong HIỆN TẠI. Bởi cái hiện tại đòi buộc người ta phải bắt tay vào cuộc ngay, không được chần chờ. Lời mời gọi của Chúa cách đây hơn hai ngàn năm thì vẫn luôn là lời thúc bách gấp gáp cho mỗi con người trong hiện tại cuộc sống: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”, (và có thể ngầm hiểu) “làm liền đi, nếu không sẽ không kịp đâu.”
Ngày con tĩnh tâm chịu chức Linh mục, Vị giảng phòng cho con một gợi ý: sự thăng tiến bản thân của mỗi người luôn có hai yếu tố, tiêu cực, thụ động: từ bỏ, sa lánh, quên … và tích cực, chủ động: yêu thương, dấn thân, chia sẻ, nhớ … Giống như khi trồng cây, nếu chỉ làm cỏ, cắt tỉa không thôi, thì vẫn không đủ mà người ta phải bón phân, tưới nước …. Khi rao giảng và dạy dỗ các môn đệ, Chúa dùng cả hai yếu tố, nhưng Chúa thường nhấn mạnh đến yếu tố thứ hai hơn: hãy yêu thương tha nhân như chính mình; hãy trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành; hãy trở về …”. Cái hiện tại “NHUỘM THẮM TÌNH NGƯỜI” của Bác, là yếu tố tích cực của việc sám hối. Và con nghĩ, chính cái nhuộm thắm tình người đó sẽ làm cho việc sám hối trở nên trọn vẹn.
Quả thực, khi đọc cụm từ “NHUỘM THẮM TÌNH NGƯỜI” thấy đã lắm, Bác ơi!
2. “Thương yêu – tha thứ, đã trở thành đặc thù của Cha, ngay từ đầu. Làm Cha, tức là làm Đấng nhân hiền. Rất thương yêu, tha thứ.”
2.1. Bác có ý tứ gì không đấy? Sao đọc câu này con thấy giật nẩy mình!!! Có lẽ phải nói luôn để áp dụng: “… Còn làm cha mà không có nhân mà cũng chẳng có hiền? Khổ cả Chúa và khổ cả loài người ta.” Nếu nhìn vấn đề theo hướng này, Bác để con tĩnh tâm, xét mình riêng nhé. Nhưng xin Bác cũng cầu nguyện nhiều cho con và các linh mục, vì con người vốn yếu đuối mỏng dòn, “thể xác thì yếu đuối, tinh thần thì suy nhược”.
Để có thể trở nên nhân hiền trong lối sống thì còn phải học sống nhiều lắm.
2.2. Đúng như Bác diễn giải, khi tha thứ cho người khác, chúng ta dễ đứng ở thế đàn anh, kẻ cả, thế của người-tử-tế (như người anh cả trong dụ ngôn) để tha thứ. Nhưng khi đứng ở vị thế đó để tha thứ, chắc chắn – không nhiều thì ít – sẽ làm tổn thương người được thứ tha. Tha mà không thèm nhìn mặt, không thèm gặp thì kể như là chưa tha. Tha mà cứ xăm xoi vào quá khứ tội lỗi của người ta thì kể như cho người ta cái này mà lại lấy mất cái khác lớn hơn. Cho như thế thì đừng cho có lẽ hay hơn. Mấy năm làm linh mục, được làm việc trong môi trường truyền giáo, gần gũi những người dân tộc cô thế nghèo khổ nhất, con kinh nghiệm rõ điều này lắm: khi cho họ cái này cái kia, đâu phải chỉ cho là xong. Làm công việc đặc thù này cần phải ý thức về cái nghèo của bản thân và có sự đồng cảm với đồng loại để có thể đến và cho người ta một cách trân trọng. Bởi người cầm tiền, cầm quà đi cho (như con) dễ bị nhiễm thói cho theo kiểu ban phát, ném cho một chút của bố thí. Kết quả là gì? Một chút quà vật chất nhận được phải đổi lại lòng tự trọng bị tổn thương. Mất hơn là được. Hình ảnh Người Cha trong dụ ngôn đích thực là một khuôn mẫu của sự tha thứ. Tình yêu quá lớn, lòng bao dung quá lớn bao phủ hết cả con người hối nhân. Những tiếng kêu gia nhân lấy đồ đạc, lớn tiếng và liên tục, của Người Cha át hẳn những lời thú tội của người con. Cha không điểm lại những lỗi con đã phạm, không ra hình phạt này nọ … Không, Cha không muốn nghe nữa. Cha quên hết rồi. Cha chỉ cần con về để tha thứ thôi, bởi thực ra, Cha đã tha cho con ngày con bắt đầu bất hiếu ra đi.
Chúa tha thứ và rất tinh tế để người ta dễ dàng thay đổi. Chúa không xăm xoi vào quá khứ tội lỗi, Chúa như thể quay mặt chỗ khác để người ta có thể bình an hội nhập trở lại với đời sống bình thường. Con nhớ có một vị chia sẻ hình ảnh “Chúa cúi xuống đất viết gì đó khi bảo ai sạch tội thì ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình”, đã nói: tôi không biết Chúa viết gì, nhưng tôi nghĩ Chúa cố tình cúi xuống, để đám đông dễ rút lui, bởi nếu Chúa cứ nhìn chằm chằm vào đám đông, không biết người ta –những người tội lỗi ấy – có dám rút lui không.
Có lẽ Chúa cũng muốn chúng ta TINH TẾ như vậy khi tha thứ cho anh em mình.
Khi con người ta tha thứ cho nhau -tha lỗi, tha nợ, tha những xúc phạm …- thường chỉ dừng lại ở yếu tố xóa, quên: xoá nợ, quên tội … Xóa nợ, nhưng chớ có hòng mà mượn tiếp của ta. Quên tội, nhưng từ này ta cũng chừa chơi với “bồ”.
Có lẽ còn lâu và còn khó lắm chúng ta mới có thể tha thứ được theo cung cách của Chúa.
Người Cha trong dụ ngôn khi tha thứ cho người con thứ là trả người con đó lại đúng vị trí trước đây.
Hoá ra khi Chúa tha thứ cho ai là Chúa không chỉ xoá và quên tội lỗi của người đó, mà còn tái lập lại với họ tương quan vốn có trước đây. Không những thế, Ngài mời gọi người ta cùng cộng tác và đồng hành với Ngài. Đặc biệt nhất, sự tha thứ của Chúa hệ tại nơi việc cứu độ người ta, cho người ta “được sống và sống dồi dào”.
Không biết đến khi nào Kitô hữu mới có thể tha thứ theo cung cách này!
* * *
Thưa Bác,
Những ý tưởng của Bác trong bài diễn giải vẫn còn nhiều, nhưng con chỉ mới gợi nơi đây lên hai ý ngắn gọn như thế thôi. Chắc chắn trong phần chia sẻ tĩnh tâm con sẽ gợi lên mấy ý nữa nhưng không kịp viết ra đây.
Con lấy ý của Bác nhưng không trả tiền bản quyền đâu, vì con biết Bác sẽ không đòi.
Chúc Bác khoẻ và hạnh phúc.
Con
Jb. Hồ Quang Lâm, CSsR.
Tác giả Trần Ngọc Mười Hai