Tương lai các gia đình được nhìn dưới ánh sáng Fatima P2

Tương lai các gia đình được nhìn dưới ánh sáng Fatima P2

Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Khi lái xe hơi, nếu chúng ta gặp tấm bảng ghi “Ngõ cụt”, thì phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng xe và không tiếp tục đi vào lối đó nữa. Nếu không, chúng ta sẽ gặp rắc rối và phiền phúc, vì tiến thoái lưỡng nan

Sức mạnh sự dữ đang đe dọa gia đình

Khi lái xe hơi, nếu chúng ta gặp tấm bảng ghi “Ngõ cụt”, thì phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng xe và không tiếp tục đi vào lối đó nữa. Nếu không, chúng ta sẽ gặp rắc rối và phiền phúc, vì tiến thoái lưỡng nan. Trong cuộc sống con người cũng có nhiều “ngõ cụt” tương tự. Nhưng điều khác biệt ở đây là những ngõ cụt ấy trong cuộc sống chúng ta lại vô hình, chứ không được ghi rõ ràng trên bất cứ tấm bảng nào. Vì thế, người ta chỉ có thể khám phá và nhìn thấy được chúng bằng suy tư và nhận thức, nhất là bằng sự soi sáng của đức tin, chứ không thể bằng thị giác được. Đó là lý do khiến người ta thường nhận ra được quá trễ là mình đã rơi vào ngõ cụt cuộc đời lúc nào không hay.

Đây là điều không chỉ xảy ra trong cuộc sống tư riêng của mỗi cá nhân, nhưng còn xảy ra cho cả một dân tộc. Vâng, qua những chính sách phiêu lưu mạo hiểm của hàng lãnh đạo vô thần và thiếu đức độ, nhiều dân tộc đã lao mình vào các ngõ cụt về kinh tế, xã hội, luân lý đạo đức, v.v… Trong thời đại tân tiến ngày nay, một kho tàng vô giá của nhân loại cũng đang rơi vào ngõ cụt: Gia đình! Vâng, trong kế hoạch sáng tạo của Người, Thiên Chúa đã thiết lập và ban tặng cho loài người một kiểu mẫu sống chung hoàn thiện và đẹp nhất, đó chính là gia đình. Nhưng não trạng duy tự do thái quá của con người ngày nay lại xem thường và đánh giá thấp – nếu không nói là đánh giá lệch lạc – các giá trị nền tảng của gia đình. Chẳng những thế, một số không nhỏ trong họ còn muốn phá đổ tận gốc chính nền tảng gia đình. Họ muốn xóa bỏ gia đình, vì coi gia đình như một kiểu mẫu sống chung lỗi thời, ngăn chặn sự tự do cá nhân của con người. Thay vào đó họ chủ trương một kiểu mẫu sống chung mới, kiểu sống chung “cộng đồng” giữa một người nam và một người nữ, hay giữa hai người nam với nhau và hai người nữ với nhau, không cần giá thú, không trách nhiệm đối với nhau, mọi người đều hoàn toàn được tự do, theo châm ngôn “thích thì ở, dở thì đi”, thế thôi. Còn các hậu quả tai hại khôn lường tiếp theo đối với tương lai, hạnh phúc con cái và đối với hạnh phúc của chính bản thân họ, và dĩ nhiên cả tương lai cũng như sự ổn định của xã hội, họ không cần quan tâm!

Gia đình là đơn vị được chính Tạo Hóa thiết lập nên cho con người, khi Người dựng nên một người nam và một người nữ và xe kết cả hai thành một gia đình(1). Vì thế, gia đình thực sự là “Biotop”, là không gian sống nền tảng và thuận lợi nhất của con người và là tế bào cơ bản của cả xã hội. Bởi vậy, chính Chúa Giêsu đã muốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gồm có cha có mẹ. Người đã nâng cao giá trị hôn nhân, giá trị đời sống chung tự nguyện và công khai giữa hai người nam-nữ thành một Bí tích(2), và biến gia đình thành một “Hội Thánh thu nhỏ” hay “Hội Thánh tại gia” (Ecclesia domestica)(3). Nếu ngày nay, những gì các Kitô hữu chúng ta đang đề cập có liên quan tới ý nghĩa và đối tác giữa một người nam và một người nữ cũng như liên quan tới các giá trị nền tảng của gia đình, thì điều đó không có nghĩa là các tư tưởng của chúng ta thiếu thức thời, không còn phù hợp với não trạng tân tiến ngày nay nữa, hay chúng ta chỉ tìm cách bảo vệ những quan niệm luân lý bảo thủ, cũ kỹ và lỗi thời của Giáo Hội, nhưng là sự mặc khải của Thiên Chúa, là thánh ý của Đấng Tạo Hóa. Điều đó muốn nói rằng, Gia đình, một trật tự đã được đặt nền tảng trong chính kế hoạch sáng tạo cũng như sự an bài thượng trí của Thiên Chúa, với mục đích là để mưu cầu hạnh phúc cho con người, chứ không phải là một đơn vị hay một kiểu mẫu sống do con người thiết lập nên(4). Vì thế, tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, thể chế xã hội hay chính trị, đều có bổn phận phải tôn trọng, bảo vệ, duy trì và phát huy quy chế gia đình, và những ai chấp nhận, thăng tiến và bảo vệ quy chế gia đình, là chấp nhận, thăng tiến và bảo vệ chính con người. Trong Tông thư về gia đình “Familiaris Consortio” Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Tương lai nhân loại tùy thuộc vào gia đình”(5). Bởi vậy, vì tương lai của chính mình, tất cả mọi người thiện tâm đều phải củng cố và bảo vệ gia đình, để các gia đình có thể bảo toàn được căn tính và sứ mệnh thiêng liêng của mình và qua đó tạo nên điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên được hạnh phúc và an vui trong cuộc sống gia đình.

Nhưng như vừa nói trên, các gia đình ngày nay đang phải phải đối mặt với nhiều “ngõ cụt”. Những ai tỉnh táo quan sát các hiện tượng đang xảy ra trong xã hội ngày nay, sẽ nhìn thấy rõ là các gia đình không những đang đứng giữa những cơn lốc khủng khiếp của thời đại, đang đứng giữa những diễn biến phức tạp của một sự thay đổi nhanh chóng mặt, nhưng còn phải gánh chịu những tổn thất và những đau buồn do chính các thành viên gia đình gây nên. Chính nhà sử học Alfons Sarrach đã từng cảnh báo: “Trong thế kỷ 21 này, sức mạnh sự dữ sẽ đứng lên chống lại cái nòng cốt của công trình sáng tạo, nghĩa là chống lại hôn nhân và gia đình.”

Hiện tượng các giá trị nền tảng của gia đình đang mỗi ngày mỗi bị băng hoại trong các lãnh vực xã hội, pháp lý và chính trị một cách trầm trọng như thế nào, thì người ta đều có thể kiểm chứng dễ dàng qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Thuộc về trào lưu đó cần phải kể tới một hiện tượng, hay nói đúng hơn một quan niệm sống đang được bành trướng mạnh tại các nước Âu-Mỹ: Để biện minh cho hành động phá bỏ gia đình và các gia trị nền tảng của nó, người ta đang tìm cách định nghĩa lại ý niệm “gia đình”. Họ chủ trương các kiểu sống chung mới, như: sự sống chung giữa hai người nam nữ không giá thú, sự sống chung giữa những người đã ly dị cùng với các con cái riêng của mỗi người và cộng thêm các con cái chung của họ được sinh ra sau này nữa, sự sống chung giữa những người cùng phái tính và các con nuôi của họ, v.v…, trong đó, mọi người đều hoàn toàn được tự do, theo kiểu: “thích thì ở, dở thi đi”, thế thôi. Họ chỉ có trách nhiệm lo cho nhau bao lâu họ còn sống chung với nhau, còn một khi cuộc sống chung ấy chấm dứt, thì ai đường nấy đi. Và họ gọi những kiểu sống chung này là “gia đình”.

Gia đình theo quan điểm Kitô giáo

Nhưng gia đình chân chính không thể được đánh giá một cách đơn giản là chỗ nào có các trẻ con và những người trưởng thành sống chung với nhau, kể cả khi họ sống liên đới và có trách nhiệm với nhau. Gia đình theo quan điểm Kitô giáo đã được minh định một cách rõ ràng trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng dưỡng dục con cái. Đức Kitô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng Bí tích.” (6), và Sách Giáo Lý còn nhấn mạnh hơn nữa: “Dây hôn phối do chính Thiên Chúa liên kết nên hôn nhân thành sự và hoà hợp giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoà hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược và trở thành một giao ước được Thiên Chúa trung tín bảo đảm.”(7). Tiếp đến, Sác Giáo Lý cũng đề cao và nhấn mạnh trọng trách một gia đình Kitô giáo chân chính với những lời này: “Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các Bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo và là một trường học phát triển nhân tính. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.”(8)

Ở đây, chúng ta cũng không quên lời phát biểu của ĐTC Biển Đức XVI trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng thứ tư, 6.6.2012, trước sự hiện diện của hơn 40.000 khách hành hương: “Nhân loại không có tương lai, nếu không có gia đình. Gia đình là sự hiệp thông tình yêu, xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ và được mời gọi trở thành đền thờ của sự sống, Giáo Hội thu nhỏ, tế bào của xã hội.” Nếu một khi các gia đình bị đổ vỡ, không chóng thì chầy cả dân tộc và cả đất nước cũng sẽ bị đổ vỡ theo, và hậu quả cuối cùng chắc chắn sẽ không tránh khỏi, đó là “ngõ cụt” của sự bất hạnh và khốn cùng của cả xã hội. Vì thế, ai gây ra sự sụp đổ cho gia đình là đào hố chôn cả nhân loại.

Ngày nay chúng ta đang đứng trước ngã ba sự lựa chọn: Một bên là văn hóa sự sống với những hy sinh nhất định kèm theo, nhưng cuối cùng là sự an vui và hạnh phúc chân thật; còn một bên khác là văn minh của sự chết chóc và sự tiêu diệt, được che đậy khéo léo bằng những kiểu sống hấp dẫn: tự do phóng túng, dễ dãi và sa đọa.

Một hậu quả đen tối và nghiệt ngã như thế tất yếu sẽ xảy đến, khi thiên chức đầy linh thiêng “làm cha” và “làm mẹ” trong gia đình hoàn toàn bị đánh mất phẩm chất của nó và chỉ còn được quan niệm như một sự chọn lựa trong các hình thức sống của cuộc đời và là một đối tác tương hợp trong tình yêu thuần túy cá nhân. Dĩ nhiên, với một quan niệm về hôn nhân và gia đình lệch lạc một chiều như thế, các đôi vợ chồng được cổ võ và khuyến khích tránh có con, chỉ tìm cách làm thỏa mãn những đòi hỏi thuộc phái tính mà thôi. Trong trường hợp có thai, nếu thai nhi may mắn không bị giết chết ngay trong bụng mẹ, thì sự ra đời của nó chỉ là một điều bất đắc dĩ, chứ không phải là mục đích mong ước và càng không phải là hạnh phúc của tình yêu hôn nhân, và tất nhiên các quyền lợi và sự hạnh phúc của con cái chỉ còn là vấn đề thứ yếu, chứ không được tôn trọng hay đặt nặng. Bên cạnh thái độ ơ hờ lạnh nhạt trong gia đình, các chính sách của nhà nước còn tìm cách làm khó dễ, nhất là khi số con cái vượt quá chỉ tiêu do nhà nước đặt ra, thì còn bị phạt tiền hay tù tội, bị tăng thuế hay bị cắt giảm tiền trợ cấp (nếu có), v.v…và sau cùng tất cả mọi tiêu cực tất nhiên sẽ trút xuống hết trên đầu những đứa con ngây thơ vô tội.

Trong một bầu không khí xã hội loài người đen tối như thế, mạng sống con người luôn phải đối mặt với cảnh “trứng gác đầu gậy”, luôn bị đe dọa, để nếu không bị giết chết một cách dã man ngay trong bụng mẹ bằng những phương pháp phá thai cực kỳ vô nhân đạo, thì khi được sinh ra cũng chỉ phải sống trong sự lạnh nhạt, ruồng rẫy và bỏ rơi của gia đình cũng như của xã hội.