VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P IV)

VỀ NGUỒN VIỆT ĐẠO (P IV)

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Ông Bà Phan Đắc Hòa có tất cả 12 người con, trong đó có ba người làm nữ tu. Ông thường dẫn con cái đi lễ và xưng tội. Ban tối Ông đọc sách đạo cho cả nhà nghe.

Thao Luyện 3

TRẦU KHÔNG TRONG GIA ĐẠO

BÍ QUYẾT XÂY TỔ ẤM GIA ĐÌNH.

 

I. MỞ ĐẦU:TRUYỆN TRẦU CAU.    

Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang trạng mạo cao lớn. Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang. Cha mẹ chết, hai anh em sang trọ học nhà thầy đạo sĩ họ Lưu, cũng gọi là Lưu Huyền.    

Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám, muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn, để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng bèn nhớ lấy, đem tình thực trình bày với cha mẹ. Cha mẹ gả cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng ngày càng thân mật.    

Sau đấy, người em thấy anh đối xử với mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bỗng gặp một cái suối lớn: không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hóa thành một cái cây.    

Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây mà tự tận hóa thành một tảng đá quấn quanh gốc cây.    

Sau đấy, người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về, liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hóa ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và cay.    

Cha mẹ Lưu thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền thờ ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.    

Trong khoảng tháng bảy, tháng tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đấy để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm, Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế, Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá dây leo, Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy có sắc đỏ tươi biết là vị ngon mới lấy đem về, bảo lấy đá lửa nung làm vôi, cùng với trái cây, ls dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Ngày nay cây cau, cây trầu khĐông, đá vôi là do đó. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy.

II.TINH THẦN THÁNH SIMON PHAN ĐẮC HÒA.    

Simon Phan Đắc Hòa sinh tại Huế, tên cũ là Phan đắc Thu. Cha là Phan đắc Thục làm Lại Bộ Thượng Thư trong triều vua; Mẹ là Đóa, vợ lẽ của quan thượng thư. Sau khi cha chết, gia đình trở nên nghèo túng, nên mẹ Ngài phải dẫn hai chị em về ở với bà ngoại tại Lương Kim Quảng Trị. Sau đó lại rời chỗ về làng Nhu Lý nương nhờ một gia đình Công Giáo đạo hạnh giúp đỡ. Trong thời gian này cậu Hòa được dạy giaó lý và được rửa tội năm 12 tuổi>    

Cậu Hòa khá thông minh và có tư cách nên được Cha Nhân gửi vào chủng viện An Ninh. Nhưng về sau bề trên cậu là con vợ hai, tức là có ngăn trở không làm linh mục được, nên đã cho về. Bỏ chủng viện về lúc đã 30 tuổi, Phan đắc Hòa ở trọ học thuốc tại nhà y sĩ Phương, và về sau lập gia đình với cô Yên con gái ông Phương, và cũng trở thành thày thuốc.    

Ông Bà Phan Đắc Hòa có tất cả 12 người con, trong đó có ba người làm nữ tu. Ông thường dẫn con cái đi lễ và xưng tội. Ban tối Ông đọc sách đạo cho cả nhà nghe. Ông rất thương người nghèo, thường nhường cả phần ăn cho họ nữa. Với lòng đạo đức và nhiệt thành, Ông được cử làm thủ chỉ làng Nhu Lý, và làm chánh trương xứ đạo.    

Khi vua Minh Mạng ra lệnh bắt tất cả các giáo sĩ ngoại quốc, Ông Hòa đã chẳng sợ nguy hiểm mà tìm cách giúp đỡ giấu ẩn. Ông xây tường có hai lớp để các cha ẩn trốn trong nhà. Cha Y (De la Motte) đã trốn ở nhà Ngài một thời gian, nhưng rồi dân chúng nghe biết đồn thổi, khiến ông phải xếp đặt đưa cha Y sang ẩn trốn tại làng An Ninh. Nhưng trên đường đi thì Ngài và cha Y bị chận bắt.    

Trong khi bị giam tù con cái thường lui tới viếng thăm và được Ngài khuyên:    

"Chúng con hãy về giúp đỡ mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau. Còn số phận Cha chắc không tránh khỏi cái chết. Các con hãy vâng lời mẹ, săn sóc cửa nhà tử tế, vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa".    

Khi làm nghề thuốc và dạy thuốc, Ngài được các học trò rất thương mến, và Ngài cũng coi họ như con vậy.    

Các quan đưa đòn tâm lý nói về chuyện thương vợ con cho Ngài mủi lòng mà bỏ đạo. Nhưng Ngài quả quyết:    

"Dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ".    

Ngài đã bị tra tấn 3 lần, mỗi lần 40 roi, và bị kìm kẹp nữa.    

Một hôm bà Hòa bế con đến thăm, Ông nói:    

"Hãy can đảm, đừng buồn vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa. Hãy khuyên bảo con cái biết sống theo ý Chúa".    

Sau nhiều lần tra tấn mà không lay chuyển được Ngài, các quan đã làm cho Ngài phải chém đầu và bêu ba ngày cho người khác khiếp sợ, vì tội chứa chấp đạo trưởng ngoại quốc.    

Ngày 21.12.1840 Ngài bị chém đầu, tên lý hình tung đầu Ngài lên cho mọi người thấy và giao cho làng Đốc Sơ ngoại đạo bêu đầu ba ngày. Xác Ngài được giáo dân đưa về an táng tại Nhu Lý Quảng Trị.

III. CHỨNG NHÂN TIN MỪNG: Luca 2:41-52.    

Hằng năm Cha Mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về. Trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết, tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành. Hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết, nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.    

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ, đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và Mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, Sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con." Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.    

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nazaret, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người thì ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì phát triển trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

IV. CẦU NGUYỆN.

A. Ý CHỈ CẦU NGUYỆN.

1. Xin ơn nhận ra tình yêu của Chúa một cách cụ thể qua những người thân yêu trong đời mình: những lúc được hy sinh săn sóc vỗ về. Kỷ niệm nào đẹp nhất và cảm động nhất trong gia đình mình?

2. Xin ơn dám nhận ra từ phía mình lý do gì đã làm cho gia đình lỏng lẽo mất hạnh phúc.

3. Xin ơn thể hiện cụ thể ơn gọi cử hành bí tích hôn nhân hằng ngày, biến gia đình thành cung thánh, thành thiên đàng có Chúa ngự. Và nhất là gặp được nhau trong một độ rung sâu thẳm nhất là chính Chúa làm trọng tâm đời sống gia đình, để mọi tính toán xếp đặt và công việc làm ăn đều xoay quanh và hướng về một tâm điểm. Đó là điểm hội tụ mọi xung khắc.

4. Xin thánh Phan Đắc Hòa va thánh Lê Thị Thành cầu nguyện cho mọi người trong gia đình đều đồng ý một con đường sống theo Việt Đạo mà các Ngài đã đi và đã đạt hạnh phúc cho gia đình.

B. THÁNH CA: CẦU XIN THÁNH GIA

ĐK. Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn thủơ xưa miền Nazareth Thánh Gia nguồn vui sống. Nên gương cho tất cả gia đình cần lao tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo.

1. Cho người cha hết sức yêu mến tận tình, biết nêu gương sáng chốn gia đình. Dù bao phong trần lòng được luôn sướng vui, vững tay đưa thuyền qua sóng đời.

2. Cho người thân mẫu giử hạnh phúc gia đình, sống vui trong chí hướng trung thành. Nhiệt tâm giáo dục đàn trẻ trơ dấu yêu, lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều.

3. Cho đoàn con cái biết tôn kính vâng lời, biết noi gương mến Chúa yêu người. Ngày đêm sách đèn hằng cần chuyên nấu nung, quyết tâm siêu vượt trên thói thường.

C.THÁNH VỊNH 127.    

ĐC. Phúc cho ai biết kính sợ Chúa, va bước đi trong đường lối Người.

1. Phúc cho ai biết kính sợ Chúa, và bước đi trong đường lối Người. Người sẽ hưởng công khó của tay ngươi, ngươi có phúc và sẽ được may mắn.

2. Vợ ngươi như cây nho sai trái, trong nội cung gia thất nhà ngươi. Con cái ngươi như chồi non cây dầu, ở chung quanh bàn ăn của ngươi.

3. Đó là ơn phúc lành cho người kính sợ Chúa. Từ Sion xin Chúa chúc lành cho ngươi. Chúc ngươi thấy Giêrusalem thịnh đạt, suốt mọi ngày trong đời sống của ngươi.

V. HỌC HỎI. BÍ QUYẾT XÂY TỔ ẤM GIA ĐÌNH.    

Nhìn vào hiện trạng, gia đình nào mà không có vấn đề?!    

Con cái theo các mốt quần áo, các kiểu tóc, các lối sống, làm cha  mẹ khó chịu và lo lắng. Ngược lại cha mẹ lại bị coi là quá khắt khe bảo thủ  lỗi thời.    

Vợ chồng cũng bắt đầu có những xung khắc về quan điểm sống, về liên  hệ với nhau, về giáo dục con cái…. Có thể nói cuộc khủng hoảng về gia đình  bắt đầu ngấm vào nhà mỗi người.    

Xem ra ai cũng có lý. Nhưng mỗi người một độ rung, một con đường, một mẫu sống. Xây một cái nhà làm tổ ấm yêu thương mà xem ra không có chung một mẫu thì làm sao xây được! Không xác tín một đạo sống nào, để rồi bất cứ một kiểu sống do TiVi và áp lực xã hội nào cũng theo một cách hồ hởi.    

Giáo Hội đã giới thiệu cho cả thế giới một mẫu sống gia đình để đáp ứng những rã rời đổ vỡ hiện nay. Đó là mẫu sống gia đình Việt mà 42 vị trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc làm cha mẹ với những bổn phận thường ngày trong nếp sống bình lặng. Người Việt vẫn thừng được khen ngợi về nếp sống gia đình, thì nay Giáo Hội chính thức công nhận mẫu sống này. Đây là đạo sống đơn giản nhất và chắc chắn mang lại đời sống hạnh phúc đầy tình người. Vì thế gia đình Việt không thể không xác tín, hãnh diện và phát huy gia đạo này làm mẫu sống chung, tạo độ rung chung để xây nhà hạnh phúc.    

Đâu là mẫu sống, bí quyết, mà thánh Phan đắc Hòa và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã xử dụng để giải quyết những khó khăn và xây được tổ ấm gia  đình?

A. NHẬN RA ƠN CHÚA QUA GIA ĐÌNH.    

Tôi đã được Chúa mời gọi hưởng được tình Chúa qua tình gia đình, và cùng thánh hóa gia đình để gia đình trở thành Thiên Đàng có Chúa ngự.    

Hôm nay tôi nhớ lại từng khuôn mặt những người thân yêu còn sống hay đã qua đời: cha mẹ, ông bà, anh chị em, họ hàng. Nhớ lại những lúc được yêu thương săn sóc, những giây phút thật cảm động do những hy sinh tận tụy của những người thật yêu, của tình nghĩa cha mẹ – con cái, của tình yêu vợ chồng thuở ban đầu.    

Sống lại những giây phút sung sướng, mở lại những hình đẹp, là liều thuốc bổ hồi sinh. Nhìn toàn thể như vậy sẽ vượt qua được những nhàm chán và lẩm cẩm hiện tại đang bị hỏa mù che phủ. Sẽ nhận ra "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Nhìn lại mới thấy rõ mình thật có phúc và biết cám ơn, vì chỉ khi nào mất đi rồi mới thấy tiếc, xa rồi mới thấy quí, như những người không được diễm phúc có "bông hồng cài áo" ngày kính Mẹ.    

Nhìn lại những kỷ niệm đẹp hạnh phúc, ai cũng nhận ra không phải do tiền bạc mà qua những lúc khó khăn nghèo nàn gian khổ có nhau, do tình thương ấp ủ.    

Bao nhiêu người đã hình thành đời tôi, trở thành phần của đời sống tôi. Tất cả đã sống ơn gọi hôn nhân xây được tổ ấm yêu thương bằng chính gương sống, bằng hy sinh tận tụy, để mang lại hạnh phúc cho tôi.    

Đến lượt tôi, mẫu tổ ấm nào tôi đang muốn xây bằng chính phần của tôi?

B. ĐẠO TRẦU KHÔNG: Hy Sinh Quên Mình.

    KIÊN NHẪN TRONG KHÓ KHĂN và CHẤP NHẬN DỊ BIỆT.    

Truyện Trầu Cau trong Lĩnh Nam Trích Quái cho chúng ta bài học tuyệt vời về Gia Đạo.    

Anh em thương mến nhau, nhường nhịn nhau, rồi cũng có lúc hiểu  lầm nhau: anh em "lạc nhau". Người em phải bỏ nhà ra đi. Câu chuyện nói  lên sự thật của cuộc sống là gia đình nào cũng có những vấn đề.    

Khi người em biến thành cây cau thì người anh đi tìm em cũng biến thành tảng đá vôi. Rồi người vợ giữ trọn chữ tình nghĩa cũng đi tìm và biến thành dây trầu, cây leo hạnh phúc quấn quít nối kết những xa cách và xung khắc.    

Lá TRẦU KHÔNG cũng là biểu tượng của lòng hy sinh quên mình, làm cho mình thành TRỐNG KHÔNG cho hạnh phúc người khác. Trầu với vôi và cau hòa lẫn với nhau thành một chất đỏ, là mầu son sắt trung thành bền vững tuyệt vời của tình nghĩa anh em, vợ chồng, bạn bè. Vì thế tục ngữ có câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện".    

Tại thôn Tam Đảo xã Tam Ninh có phong tục rước Trầu Không vào ngày chính trong tuần lễ kính Thánh Dóng.    

Trong một tiệc cưới, một người đại diện gia đình hai bên đã mời cô dâu chú rể lên để làm một nghi thức thật ý nghĩa: bỏ vào miệng một chút muối và bảo nuốt đi. Điều đó có ý nói: muốn hạnh phúc phải chấp nhận hy sinh. Vì sự hy sinh quên mình thật cần thiết:    

      "Ba mươi căm bánh xe đều chung về một mối.

      Chính cái lỗ TRỐNG ở giữa mới thật quan trọng.

      Nhào nặn đất sét để làm bình đồ gốm,

      Chính lòng TRỐNG bên trong mới thật hữu dụng.

      Nhà nào mà chẳng có cửa sổ và cửa ra vào.

      Chính chỗ TRỐNG đó mới thật cần thiết.

      Vì thế, cái gì có đó là điều sinh lợi.

      Cái gì TRỐNG KHÔNG mới là điều sinh ích.

      (Đạo Đức Kinh, chương 11)    

Sống trong xã hội tiêu thụ này, các hãng quảng cáo luôn tìm cách khêu gợi thêm nhu cầu, để người ta có cảm tưởng rằng luôn phải có thêm và được thêm những cái đó thì mới hạnh phúc thoải mái. Giới trẻ cũng có thể có não trạng như thế về hôn nhân. Cho đến khi chạm vào cuộc sống thực, họ sẽ không thấy mầu hồng nhiều như họ vẫn mơ, và họ vỡ mộng, gia đình bắt đầu lung lay. Có nghĩa là nền giaó dục hồ hởi này không chuẩn bị cho con người đương đầu với những khó khăn có thực của đời sống, và biết sống Đạo Trống bằng hy sinh quên mình để tạo hạnh phúc chung.

1. Mẹ Maria và Thánh Giuse trong cuộc sống gia đình:      

Các Ngài cũng đã gặp bao nhiêu khó khăn. Trước khi về chung sống: Maria lo sợ, Giuse bối rối; ròi sinh con, cuộc sống tỵ nạn bên Ai Cập với những khó khăn về ngôn ngữ nghề nghiệp như bất cứ người tỵ nạn nào; rồi vất vả nuôi con, những lúc bệnh tật, những lúc phải lo lắng dạy dỗ con hãnh diện về truyền thống tổ tiên, giữ những phong tục như Lễ Vượt Qua. Mẹ đã dạy con biết nói ngôn ngữ mẹ, học hỏi Kinh Thánh.    

Và hôm nay mẹ lạc con! Tưởng tượng xem Mẹ hốt hoảng và lo sợ tới chừng nào.

2. Thánh Simon Hòa:    

Cũng gặp khó khăn ngay từ khi còn nhỏ, mồ côi cha, lạc mất bàn tay che chở yêu thương, gia đình quá túng nghèo phải đi ở nhờ, rồi khi đi tu cũng gặp trục trặc lớn phải bỏ giữa chừng. Ông đã tự lực cánh sinh, cố gắng kiếm nghề sinh sống.       3. Ai cũng có những nỗi khổ tâm và những lúc "lạc nhau" trong gia đình:    

Có lúc không hiểu nhau, nhất là khi con bắt đầu lớn: sao cha mẹ lại tìm con? Kinh Thánh ghi rõ là Đức Mẹ không hiểu con nói gì!    

Đó là những lúc gia đình ly tán, con cái bỏ nhà . Những giọt nước mắt của mẹ, những nét nhăn trên trán của cha. Vợ chồng lủng củng xung khắc. Thế hệ già và lớp trẻ không hiểu nhau.    

Cách biệt văn hóa, tính tình, tuổi tác, tâm lý nam nữ, ngôn ngữ, cách diễn tả tình thương.   

3. Giải quyết đầu tiên là:    

– kiên nhẫn trung thành tìm nhau trong những khi gặp khó khăn hay hiểu lầm.    

– chấp nhận được những chuyện lẩm cẩm như những dây trầu quấn quít ràng buộc nhau qua những bổn phận không tên, như những gia vị mắm muối tiêu hành làm cho món ăn thêm hương vị ngon lành. Nếu cắt bỏ để tìm giải pháp cấp thời thì sẽ tan vỡ và mọi sự trở thành nhạt nhẽo.    

– Sẵn sàng trở thành "trầu không" trong ĐẠO TRỐNG: bằng hy sinh quên mình, như hình ảnh người đàn bà Việt Nam: "con  cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Đó là căn bản  tạo hạnh phúc chứ không phải đòi hỏi quyền lợi dễ gây tranh chấp và xung khắc.    

Kinh Thánh đã dạy bí quyết Trầu Không trong Đạo Trống:    

"Anh em hãy có một tâm tình như Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn có hình thể Thiên Chúa, nhưng không dám tự chiếm đoạt cho mình bình đẳng với Thiên Chúa. Trái lại Ngài tự hủy mình mà nhận làm thân phận tôi tớ, trở nên giống người trần với cả hình hài. Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến chết, mà chết trên Thập Giá. Vì thế Thiên Chúa đã cứu thưởng Ngài, đặt cho Ngài một tên vượt trên các danh hiệu, hầu cho mọi đầu gối trên trời dưới đất và ngục hình đều quì gối trước tôn danh Giêsu; lại hết mọi miệng lưỡi đều ca tụng Giêsu Kitô là Chúa, cốt vinh danh Thiên Chúa vậy." (Phil 2:5-11)    

Trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã thể hiện bí quyết "không ai có tình yêu cao hơn người thí mạng sống cho bạn hữu" bằng việc trao ban chính Ngài: "Này là Mình Ta… sẽ bị nộp vì các con".

C. NHỮNG BÍ QUYẾT CĂN BẢN:    

Những lý do để phá vỡ hạnh phúc gia đình thì nhiều lắm, nhưng những bí quyết xây tổ ấm thì lại rất đơn giản.

1. BIẾT LẮNG NGHE và CẢM THÔNG: tìm nhau, tìm độ rung chung.    

– Lắng nghe được những tâm tình, những lo âu không nói ra được.    

– Lắng nghe được những khác biệt về tâm lý giữa nam nữ, tuổi tác, văn hóa.    

– Hiểu được tình cha mẹ và những nỗi xót xa tủi hổ trong bước đường tỵ nạn, về ngôn ngữ, về việc làm, về tuổi già…    

– Tỏ dấu biết ơn bằng những hành động cụ thể.

2. TÌM ĐỘ RUNG CHUNG CÙNG MỘT NHỊP TRỐNG:    

Tạo cho gia đình một điểm đi tới chung, một lý tưởng. Cùng xác tín một mẫu sống, tinh thần dân tộc, gương sống của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.    

Muốn có độ rung chung, gia đình cần để giờ cho nhau, hiện diện với nhau bằng những điểm cụ thể:    

– cùng ăn , cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng ngôn ngữ, cùng cầu nguyện.    

Nếu không thì mỗi người một thế giới, một khuynh hướng, chỉ chờ tìm đi hơn là tìm về.

3. BIẾT KHUYẾN KHÍCH KHEN NGỢI và TỎ DẤU YÊU THƯƠNG.    

Điểm tâm lý căn bản nhất của con người là ai cũng thèm được xác nhận có giá trị và được yêu thương. Gia đình phải là trường dạy và thực hành yêu thương.

– Cần một lời khen chân thành. Khen tặng là một cách tốt nhất để  đào tiềm năng và sửa tính tình. Không ai sửa vì bị chỉ trích. Lời chỉ trích  luôn là thuốc độc giết chết tình nghĩa và là căn cớ chính của các cuộc li dị.    

– Những săn sóc nhỏ bé, những dấu tỏ tình thương tế nhị, là những loại thuốc tiên mang lại hạnh phúc gia đình.

4. GƯƠNG SỐNG.    

      Cây xanh thì lá cũng xanh,

      Cha mẹ hiền lành để đức cho con.    

– Dạy con từ thuở còn thơ hay phải bắt đầu từ 20 năm trước khi đứa trẻ sinh ra?    

Cha mẹ có quyền sửa phạt. Nhưng con cái cũng có quyền có cha mẹ đạo đức. Tại sao con phải giữ đạo, đi nhà thờ, đang khi cha mẹ cờ bạc, rượu chè, ham danh, tục tĩu, gian lận, lỗi công bằng? Con cái sẽ ra sao khi cha mẹ bất hòa lộn xộn, khô khan hay chỉ mải mê làm ăn mà lơ là đời sống thiêng liêng?    

– Cha mẹ chỉ có thể dạy con yêu thích phong tục tổ tiên, biết thương người nghèo và đau yếu, biết kính trọng đời sống tận hiến, khi chính cha mẹ bắt đầu trước với tất cả xác tín và mê say.

5.TÌM THẤY CHÚA TRONH ĐỀN THỜ.    

THÁNH SIMON HÒA đã làm chứng nhân sống động cho tinh thần sống đạo qua những bổn phận thường ngày như kinh tối, dẫn con cái đi lễ và xưng tội, đọc sách đạo, tập cho con caí về gương thương người nghèo và giúp đỡ các cha. Gia đình Ông tới 12 người con mà được 3 người làm nữ tu, thì quả là một phúc đức do người cha đạo đức. Ông đã biến những tầm thường của cuộc sống thành những việc phi thường như thánh gia tại Nazaret.    

Dù đông con như gia đình thánh Simon Hòa, dù lạc con như Đức Mẹ, thì chỉ có một nơi dễ nhất và đúng nhất để giải quyết, để tìm lại nhau, đó là trở lại đền thờ, trở lại đời sống cầu nguyện. Mọi xung khắc và mọi lo toan trong gia đình thường không được giải quyết bằng sự khôn khéo, bằng la hét chửi bới hay công việc cao lương, mà bằng hai đầu gối.

VI. CÂU HỎI CHIA SẺ.    

Kể lại một chuyện cảm động trong gia đình, lúc được săn sóc hy sinh tận tụy do những người thân yêu như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em.    

Bạn quyết định gì cụ thể để tỏ dấu biết ơn ? Thí dụ mua một bó hoa, một quà tặng, viết một tấm thiệp hay một lá thư.

MỤC LỤC